1. Thế nào là quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
Hiện nay, pháp luật chưa đưa ra khái niệm về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Chúng ta có thể hiểu các quyền này như sau[1]:
Về đời sống riêng tư của cá nhân: Là tập hợp các yếu tố tạo thành nét riêng đặc thù, độc lập và mang dấu ấn của riêng cá nhân, không thể trộn lẫn với người khác. Đời sống riêng tư của cá nhân có đặc điểm riêng biệt của cá nhân trong quá trình sống, thời gian sống, sự trải nghiệm trong các quan hệ xã hội mà hình thành và mang dấu ấn riêng của cá nhân.
Về bí mật cá nhân: Bí mật cá nhân là tổng thể các quan hệ quá khứ, các thông tin liên quan đến cá nhân mang tính chất chi phối các quan hệ cụ thể của cá nhân mà bị bộc lộ sẽ gây cho cá nhân những bất lợi hoặc dễ gây ra sự hiểu lầm ở các chủ thể khác.
Đời sống riêng tư và bí mật cá nhân là hai thành tố hợp thành bí mật đời tư của cá nhân, là quyền nhân thân gắn với cá nhân được pháp luật bảo hộ.
Về bí mật gia đình: Là những thông tin về vụ việc, tài liệu liên quan đến các quan hệ giữa các thành viên của gia đình với nhau có mối quan hệ hữu cơ đến truyền thống nhiều đời hay một đời về huyết thống, về bệnh lý, về năng lực trí tuệ của các thành viên có tính hệ thống, nếu bị bộc lộ sẽ gây ra sự bất lợi cho các thành viên gia đình trong các quan hệ xã hội và quan hệ pháp luật khác thuộc nhiều lĩnh vực. Bí mật gia đình được giữ kín, nếu tất cả các thành viên trong gia đình có ý thức không muốn bộc lộ, thì không chủ thể nào có quyền xâm phạm.
Ở một số quốc gia trên thế giới (Hoa Kỳ, Úc, Liên bang Nga…), quyền riêng tư hay quyền bí mật đời tư đều hướng đến nội dung sau: (i) Quyền được sở hữu các thông tin cá nhân, yêu cầu chủ thể nắm giữ thông tin chỉnh sửa thông tin cá nhân nhằm đảm bảo tính toàn vẹn, chính xác; (ii) Quyền cho phép bên thứ ba tiếp cận thông tin cá nhân của mình; (iii) Quyền yêu cầu Nhà nước, tổ chức hoặc các chủ thể khác có liên quan có các biện pháp bảo đảm tính bí mật[2].
2. Quy định pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
Ở nước ta, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đã được quy định ngay trong Điều 21 Hiến pháp năm 2013, cụ thể:
“Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình;
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.
Thể chế hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 chính là căn cứ pháp lý trong việc bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Khoản 4 Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Quy định này nhằm ngăn chặn các hành vi lạm dụng lòng tin của nhau trong quan hệ hợp đồng nhằm mục đích trục lợi và ngăn chặn người thứ ba nếu biết được các thông tin liên quan đến cá nhân là chủ thể giao kết, thực hiện hợp đồng để thực hiện hành vi nhằm mục đích không trong sáng, gây thiệt hại về danh dự, uy tín của cá nhân là chủ thể xác lập, thực hiện hợp đồng.
Như vậy, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã cụ thể hóa các quy định của Điều 21 Hiến pháp năm 2013 và là căn cứ viện dẫn để giải quyết các tranh chấp dân sự liên quan đến các hành vi trái pháp luật, hành vi cố ý xâm phạm đến quyền về đời sống riêng tư của cá nhân, bí mật cá nhân và bí mật gia đình.
Có thể dựa vào các tiêu chí sau đây làm căn cứ xác định một thông tin, tài liệu là bí mật đời tư:
Thứ nhất, thông tin, tài liệu đó phải thuần túy về cuộc sống riêng tư, thầm kín của cá nhân. Đây là yếu tố thể hiện rõ nhất tính “đời tư” của cá nhân.
Thứ hai, những thông tin, tài liệu này không bắt buộc phải công khai cho mọi người biết.
Thứ ba, việc giấu kín những thông tin, tài liệu này không làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội và của cá nhân khác. Việc xem xét yếu tố này là hoàn toàn phù hợp, pháp luật bảo vệ quyền bí mật đời tư của cá nhân, những tài liệu và thông tin bí mật của cá nhân chỉ khi những thông tin, tài liệu đó là hợp pháp, mà tính hợp pháp được xem xét đầu tiên dựa trên việc không làm ảnh hưởng đến lợi ích của bất kỳ chủ thể nào khác, đặc biệt là Nhà nước và xã hội[3].
3. Thực trạng xâm phạm quyền đối với đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong bối cảnh cánh mạng công nghiệp 4.0
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có đặc trưng là sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học; là cuộc cách mạng của sự hội tụ ở đỉnh cao, sự tiết kiệm các nguồn lực ở mức tối ưu nhất từ trước tới nay. Cuộc cách mạng này đã phát triển thành các xu hướng công nghệ lớn và ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay như công nghệ IoT (Internet of Thing - Internet vạn vật), AI (Artificial Intelligence - Trí tuệ nhân tạo), VR (Virtual Reality - Thực tế ảo), AR (Augmented Reality - Tương tác ảo), Cloud (Điện toán đám mây), Big Data (Dữ liệu lớn), công nghệ in 3D[4]… Thực tế cho thấy, các quy định pháp luật dân sự, trong đó, các quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình cũng chịu ảnh hưởng từ những tác động to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hiện nay, có thể kể đến những vụ việc điển hình như việc Facebook bị kiện vì tính năng nhận hình ảnh đại diện: Hệ thống gợi ý tag ảnh của Facebook đã vi phạm sự riêng tư của người dùng bằng cách thu thập dữ liệu để tạo ra faceprint (dữ liệu hình học mô phỏng khuôn mặt người) mà không được phép. Tính năng faceprint thường được sử dụng để xác định người dùng và tự động gợi ý, nhận ra khi họ có mặt trong những tấm hình khi được tải lên mạng xã hội. Theo đơn khiếu nại, hành động này của Facebook đã vi phạm Đạo luật riêng tư về thông tin sinh trắc học của Bang Illinois (Hoa Kỳ), trong đó nghiêm cấm thu thập các dạng thông tin sinh trắc học của con người như dấu vân tay hay khuôn mặt mà chưa được sự đồng ý của cá nhân[5]. Chính vì vậy, không chỉ Việt Nam mà cả các quốc gia trên thế giới đều yêu cầu Facebook ngừng thu thập dữ liệu thông tin người dùng[6].
Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Big Data là tài sản thông tin, mà những thông tin này có khối lượng dữ liệu lớn, tốc độ cao và dữ liệu đa dạng, đòi hỏi phải có công nghệ mới để xử lý hiệu quả nhằm đưa ra được các quyết định hiệu quả, khám phá được các yếu tố ẩn sâu trong dữ liệu và tối ưu hóa được quá trình xử lý dữ liệu[7]. Hiện nay, thông tin khách hàng, nhất là data của ngân hàng, là nguồn dữ liệu khổng lồ, bị mua bán trái với ý muốn của khách hàng mà chưa được xử lý. Trong đó, những thông tin về tên, số điện thoại, địa chỉ email, thông tin về số tiền gửi và biến động tài khoản ngân hàng cũng bị mua bán để sử dụng vào những mục đích khác nhau[8].
Như vậy, internet kết nối vạn vật cũng như Big Data bên cạnh những ảnh hưởng tích cực cũng dẫn đến tình trạng thu thập và chia sẻ các thông tin về cá nhân không được sự cho phép càng trở nên dễ dàng và phổ biến. Việc sử dụng thông tin nhân thân của cá nhân như hình ảnh, tên, độ tuổi, giới tính… vào hệ thống dữ liệu của một công ty nào đó đang trở nên phổ biến. Trong đó, những thông tin về bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của một số chính trị gia, diễn viên, ca sĩ... không chỉ xâm phạm đến quyền về bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của họ mà còn gây tổn hại đến tinh thần, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó[9]. Nghiêm trọng hơn, những khách hàng bị lộ thông tin cá nhân còn trở thành nạn nhân của tội trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản[10].
Tuy nhiên, việc xác định chủ thể trên mạng xã hội đã có hành vi trái pháp luật là xâm phạm đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác rất khó khăn (do đặc tính không gian mạng internet, liên quan đến nhiều quốc gia...). Do đó, rất khó để có thể truy cứu trách nhiệm pháp lý cho các tổ chức, cá nhân có hành vi trái pháp luật này.
4. Các phương thức bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Các phương thức bảo vệ quyền nhân thân có thể kể đến là biện pháp tự bảo vệ và các biện pháp pháp lý khác theo quy định của pháp luật dân sự, hành chính, hình sự. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ tập trung vào đánh giá việc bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình bằng phương thức dân sự.
Việc xác định mức thiệt hại, mối quan hệ nhân quả trong vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại trong những vụ việc xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Điều kiện phát sinh trách nhiệm dân sự của người có hành vi xâm phạm quyền riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình bao gồm các điều kiện sau:
(i) Có hành vi trái pháp luật: Hành vi xâm phạm đến quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là hành vi trái pháp luật. Người có hành vi xâm phạm các quyền nhân thân của cá nhân trái pháp luật phải chịu trách nhiệm dân sự như: Xin lỗi, cải chính, bồi thường thiệt hại. Căn cứ vào hành vi gây thiệt hại và nếu động cơ của chủ thể gây thiệt hại, mức độ thiệt hại là nghiêm trọng thì người gây thiệt hại có hành vi trái pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người có hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân là người có lỗi (lỗi vô ý hoặc cố ý).
(ii) Có thiệt hại về lợi ích tinh thần, vật chất: Những thiệt hại về quyền nhân thân do hành vi trái pháp luật gây ra được xác định là hành vi làm tổn thất về tinh thần, vật chất cho cá nhân; người gây thiệt hại có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Những khoản bồi thường thiệt hại do quyền nhân thân bị xâm phạm là bồi thường thiệt hại về vật chất và bồi thường thiệt hại về tinh thần theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015.
(iii) Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và thiệt hại về vật chất, về tinh thần xảy ra cho người bị thiệt hại: Hành vi gây thiệt hại về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là nguyên nhân của thiệt hại về vật chất và những tổn thất về tinh thần của người bị thiệt hại.
Xác định hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình thỏa mãn các điều kiện trên thì người có hành vi trái pháp luật phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Tính chất của trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc xác định các yếu tố này để tiến hành bồi thường thiệt hại không đơn giản, đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền có năng lực trình độ và sự phối hợp từ các quốc gia khác.
Bên cạnh những thách thức nêu trên, thực tế việc bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình còn gặp khó khăn khi các căn cứ pháp luật quy định còn thiếu hoặc chưa phù hợp. Chẳng hạn, nội dung quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình chưa được quy định cụ thể, các phương thức bảo vệ quyền chưa đầy đủ hay chế tài xử lý chưa có tính răn đe với người xâm phạm quyền này.
5. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Cần thống nhất quy định về các phương thức bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Cần mở rộng, làm rõ nội hàm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Vì hiện nay có rất nhiều cách hiểu khác nhau, có cách hiểu quyền riêng tư là quyền được một mình, có cách hiểu quyền này theo nghĩa hẹp hơn là quyền kiểm soát các thông tin về bản thân. Một khái niệm dung hòa thì là sự tự do khỏi sự can thiệp không hợp lý và không mong muốn vào các hoạt động mà xã hội thừa nhận là thuộc về phạm vi tự chủ của cá nhân. Phạm vi tự chủ của cá nhân là những hành động không làm ảnh hưởng đến tự do của người khác, nơi một người cách ly với những người khác để tạo nên một cuộc đời của mình như mong muốn và ước vọng của cá nhân.
Quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc giữ an toàn và bí mật thuộc về cơ quan bưu chính. Hiến pháp và các đạo luật khác ở Việt Nam có quy định về bí mật thư tín, điện tín, điện thoại, tin nhắn… của cá nhân được bảo đảm an toàn và đảm bảo tính bí mật về nội dung. Việc khám xét, bóc mở thư tín, điện tín, tin nhắn của cá nhân phải do người có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật. Cần có cơ chế kiểm soát hành vi của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để hạn chế hành vi nghe trộm nội dung điện thoại, bóc mở để đọc, sao chụp dưới mọi hình thức tin nhắn, điện tín, thư tín hay ghi âm nội dung đàm thoại của người khác.
Sự phát triển của công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đòi hỏi rất nhiều các lĩnh vực pháp luật phải được điều chỉnh để ứng xử kịp thời trước những vấn đề phát sinh. Cùng với đó, pháp luật về bảo vệ quyền nhân thân cần có những quy định thúc đẩy sự phát triển của công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ trong đời sống, làm cho sự phát triển của công nghệ mang lại lợi ích chung và thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
[2]. TS. Bùi Đức Hiển (2019), “Pháp luật về bảo vệ quyền về đời sống tiêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình ở một số quốc gia trên thế giới”, Đề tài khoa học cấp Bộ “Cơ chế pháp lý bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”, Hà Nội, 2019, tr. 3.
[3]. ThS. Đoàn Thị Ngọc Hải, Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong pháp luật dân sự, tham khảo trực tuyến tại: Https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2442, ngày truy cập 16/10/2019.
[4]. TS. Nguyễn Thị Thu Vân, “Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 - Những thách thức đối với nhà làm luật”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, 2017.
[5]. Tham khảo trực tuyến tại: Http://www.nhandan.com.vn/congnghe/item/29549502-facebook-bi-kien-vi-chuc-nang-nhan-dien-khuon-mat-trong-anh.html, đăng tải ngày 10/5/2016.
[6]. Tham khảo trực tuyến tại: Https://vtv.vn/the-gioi/duc-yeu-cau-facebook-ngung-thu-thap-du-lieu-ca-nhan-20190216121433653.htm, đăng tải ngày 16/02/2019.
[7]. Tham khảo trực tuyến tại: Https://blogchiasekienthuc.com/dan-cong-nghe/cach-mang-4-0-la-gi.html.
[8]. Tham khảo trực tuyến tại: Https://vtv.vn/mua-ban-data.html, đăng tải ngày 26/02/2019.
[9]. Tham khảo trực tuyến tại: Http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/dau-long-nhung-vu-tu-tu-vi-bi-dang-clip-len-mang-xa-hoi-a222250.html, đăng tải ngày 12/3/2018.
[10]. Tham khảo trực tuyến tại: Https://suckhoedoisong.vn/-thong-tin-tai-khoan-ngan-hang-n166582.html, đăng tải ngày 09/12/2019.