1. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu
Trên cơ sở nghiên cứu một số quan điểm, có thể nhận định, giao dịch dân sự vô hiệu là giao dịch không thỏa mãn một trong các điều kiện được pháp luật quy định như về chủ thể tham gia, mục đích và nội dung giao dịch, sự tự nguyện trong giao dịch, hình thức giao dịch. Khi giao dịch dân sự vô hiệu, các chủ thể tham gia giao dịch sẽ gánh chịu những tổn thất khác nhau trong việc không đạt được mục đích khi xác lập giao dịch. Bên cạnh đó, giao dịch dân sự vô hiệu dẫn đến việc giải quyết hậu quả pháp lý rất phức tạp, đặc biệt với trường hợp có sự xuất hiện của người thứ ba ngay tình. Đối với người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu, đây là chủ thể nhận chuyển giao tài sản từ một bên chủ thể trong giao dịch vô hiệu mà tài sản đó là đối tượng, do không biết hoặc không buộc phải biết tài sản nhận được từng là đối tượng của giao dịch vô hiệu và họ sẽ là người bị ảnh hưởng quyền lợi từ giao dịch vô hiệu.
Trong khoa học pháp lý, bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình được tiếp cận dưới góc độ ngôn ngữ học theo nghĩa của từ bảo vệ là chống lại mọi sự xâm phạm để giữ cho luôn luôn được nguyên vẹn[1] và nghĩa của từ quyền lợi là quyền được hưởng lợi ích về chính trị - xã hội, về vật chất, tinh thần do kết quả lao động của bản thân tạo nên hoặc do phúc lợi chung do Nhà nước, xã hội hoặc tập thể cơ quan, xí nghiệp, tổ chức nơi mình sinh sống, làm việc đem lại[2]. Theo đó, bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình là những biện pháp tác động thông qua các quy định pháp luật nhằm chống lại sự xâm phạm đến lợi ích chính đáng của người thứ ba ngay tình hoặc khôi phục quyền lợi của họ khi giao dịch vô hiệu và bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ trong mối quan hệ với chủ sở hữu ban đầu và người xác lập giao dịch với họ khi có một giao dịch dân sự trước đó làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ[3]. Như vậy, bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình là bằng các biện pháp được pháp luật quy định để ngăn chặn các hành vi xâm hại nhằm bảo vệ lợi ích của người thứ ba được nguyên vẹn hoặc khôi phục lại quyền lợi bị xâm hại khi giao dịch dân sự vô hiệu và lợi ích của người thứ ba ngay tình là lợi ích trong mối quan hệ với chủ sở hữu và người trung gian tham gia giao dịch với họ. Bên cạnh đó, bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình, ngoài các biện pháp, cách thức được pháp luật quy định thì còn bằng các biện pháp khác không trái quy định pháp luật như tự bảo vệ, thương lượng, buộc người có hành vi xâm phạm trả lại tài sản, yêu cầu chấm dứt hành vi trái pháp luật cản trở việc thực hiện quyền lợi của mình, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Hơn nữa, còn có biện pháp do Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác sử dụng để bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình trước các hành vi xâm phạm. Từ đó có thể rút ra kết luận: “Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình là những biện pháp không trái với quy định của pháp luật do người thứ ba ngay tình, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng nhằm ngăn chặn các nguy cơ xâm phạm đến quyền lợi của người thứ ba ngay tình và khôi phục lại các lợi ích vật chất, những tổn thất đã xảy ra với họ do các hành vi xâm phạm hoặc các yếu tố khác gây ra”.
2. Xác định chủ thể và lý do cần bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình có quyền bề mặt hoặc quyền hưởng dụng khi giao dịch dân sự vô hiệu
2.1. Xác định chủ thể người thứ ba ngay tình có quyền bề mặt hoặc quyền hưởng dụng
Quyền bề mặt, quyền hưởng dụng là quyền phụ thuộc và phái sinh từ quyền sở hữu đối với tài sản. Đối với quyền bề mặt thì xuất phát từ quy định đặc thù của pháp luật Việt Nam nên trên diện tích đất tồn tại ba loại chủ thể: Chủ sở hữu đất (toàn dân mà Nhà nước là đại diện); chủ sở hữu quyền sử dụng đất (người được Nhà nước giao quản lý, khai thác đất); chủ thể quyền bề mặt (người được sở hữu khoảng không gian bị chia cắt, người trực tiếp canh tác, hoặc tiến hành các công trình xây dựng trên đất, các công trình dưới lòng đất...)[4]. Đối với quyền hưởng dụng trong quan hệ dân sự, có hai chủ thể riêng biệt là chủ sở hữu tài sản có quyền chiếm hữu, chi phối, định đoạt và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản và chủ thể có quyền hưởng dụng là người có quyền chiếm hữu, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác.
Như vậy, khi xuất hiện chủ thể quyền bề mặt hoặc quyền hưởng dụng thì quyền của chủ sở hữu sẽ bị thu hẹp lại, hay nói cách khác, chủ sở hữu sẽ không còn đầy đủ các quyền năng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản bởi một phần quyền của chủ sở hữu đã chuyển cho người có quyền bề mặt - xác lập các tài sản trên mặt đất, mặt nước, khoảng không trên mặt đất, mặt nước và trong lòng đất hoặc người có quyền hưởng dụng - khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng. Quyền sở hữu lúc này sẽ bị hạn chế, hay còn gọi là “quyền hư hữu” hoặc “hư quyền”. Chủ sở hữu bị giảm thiểu quyền sở hữu được gọi là “hư chủ”. Theo đó, “quyền hư hữu” là quyền còn lại của chủ sở hữu đối với tài sản mà người khác được hưởng hoa lợi, lợi tức của tài sản hoặc người khác được quyền xây dựng công trình, trồng cây trên thửa đất. Phần quyền còn lại này là quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu[5]. Khi chủ thể quyền bề mặt hoặc quyền hưởng dụng trở thành chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền bề mặt hoặc quyền hưởng dụng6 dẫn đến trên một tài sản có thể có nhiều chủ thể mang quyền, đó là chủ sở hữu tài sản và người có quyền hưởng dụng (đối với quyền hưởng dụng) hoặc chủ sở hữu, chủ thể có quyền sử dụng đất và chủ thể có quyền bề mặt (đối với quyền bề mặt) nhưng khi đó, chủ sở hữu (chủ thể có quyền sử dụng đất) chỉ còn lại quyền định đoạt tài sản.
Tuy nhiên, chủ thể có quyền bề mặt hoặc quyền hưởng dụng là người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu thì họ cũng phải có đầy đủ các đặc điểm của người thứ ba ngay tình, chỉ có điều khác biệt là chủ thể người thứ ba ngay tình ở đây là chủ thể được nhận chuyển giao quyền bề mặt hoặc quyền hưởng dụng mà không phải là quyền sở hữu.
2.2. Lý do cần bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình là người có quyền bề mặt hoặc quyền hưởng dụng
Thứ nhất, mặc dù quyền bề mặt và quyền hưởng dụng là quyền phái sinh từ quyền sở hữu nhưng các quyền này được quy định là quyền khác đối với tài sản và quy định bên cạnh quyền sở hữu. Chủ thể có quyền bề mặt có quyền xác lập các tài sản trên mặt đất, mặt nước, khoảng không trên mặt đất, mặt nước và trong lòng đất (quyền khai thác, sử dụng mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc quyền sử dụng đất của người khác để xây dựng công trình, trồng cây, canh tác)[7] và chủ thể có quyền hưởng dụng có quyền được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác[8]. Các chủ thể này được trực tiếp chiếm hữu, sử dụng, khai thác tài sản hoặc không trực tiếp chiếm hữu, sử dụng, khai thác tài sản để thực hiện các quyền bề mặt hoặc quyền hưởng dụng của mình. Theo đó, các chủ thể có quyền bề mặt hoặc quyền hưởng dụng được ghi nhận quyền của mình và họ cần phải được bảo vệ quyền lợi như các chủ thể có quyền khác, đặc biệt khi họ là chủ thể tham gia giao dịch một cách ngay tình, thiện chí thì mới bảo đảm công bằng và có ý nghĩa khi ghi nhận các quyền khác đối với tài sản.
Thứ hai, hiện nay không có quy định bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình có quyền bề mặt hoặc quyền hưởng dụng. Bởi lẽ, tại Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã sử dụng từ “chuyển giao” mà “chuyển giao” nghĩa là “(chủ sở hữu) giao cho người khác quyền sở hữu tài sản thuộc sở hữu của mình theo cam kết, thỏa thuận trong các hợp đồng dân sự”[9] và tại khoản 3 Điều 133 cũng chỉ quy định chủ thể là “chủ sở hữu” được quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu. Do đó, từ “chuyển giao” theo Điều 133 là giao quyền sở hữu cho người thứ ba, nghĩa là người thứ ba đã nhận quyền sở hữu về mặt pháp lý. Như vậy, Điều 133 chỉ đang đề cập đến chủ thể người thứ ba ngay tình nhận quyền sở hữu mà không đề cập tới chủ thể người thứ ba ngay tình có quyền khác đối với tài sản như quyền bề mặt và quyền hưởng dụng. Đây có lẽ là một trong những thiếu sót khi xây dựng chế định quyền khác đối với tài sản. Bởi vì, Bộ luật Dân sự năm 2015 khi xây dựng quyền khác đối với tài sản bên cạnh quyền sở hữu đã dẫn đến sự xuất hiện của chủ thể có quyền sở hữu và người thứ ba ngay tình nhận quyền sở hữu và đồng thời xuất hiện chủ thể có quyền bề mặt hoặc quyền hưởng dụng và người thứ ba ngay tình nhận quyền bề mặt hoặc quyền hưởng dụng do hai quyền này có đặc điểm giống quyền sở hữu là được phép chuyển dịch từ chủ thể này sang chủ thể khác nên làm xuất hiện các chủ thể nhận quyền bề mặt và quyền hưởng dụng ngay tình.
Đồng thời, khoản 3 Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình”. Như vậy, điều khoản này chỉ bảo vệ quyền lợi của chủ thể có quyền sở hữu còn các chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì điều luật không quy định, dẫn đến quyền lợi của các chủ thể có quyền khác đối với tài sản chưa được xác định và bảo vệ. Điều này dẫn đến việc thu hẹp chủ thể được bảo vệ quyền lợi khi giao dịch dân sự vô hiệu, không bao quát hết các trường hợp gồm cả những chủ thể có quyền khác khi mà quyền này lần đầu tiên được bổ sung vào Bộ luật Dân sự năm 2015; thể hiện sự không tương thích với quy định khác trong Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền khác đối với tài sản. Đối với những trường hợp chủ thể có quyền bề mặt hoặc quyền hưởng dụng ban đầu thì quyền lợi của họ được bảo vệ như thế nào và ở mức độ nào khi có sự xuất hiện của chủ thể người thứ ba ngay tình, vấn đề này Điều 133 lại không đề cập.
3. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình có quyền bề mặt hoặc quyền hưởng dụng khi giao dịch dân sự vô hiệu
Qua việc phân tích ở trên có thể thấy, chủ thể người thứ ba ngay tình nhận chuyển giao quyền bề mặt hoặc quyền hưởng dụng từ một chủ thể không có quyền định đoạt cần phải được bảo vệ quyền lợi như đối với chủ thể người thứ ba ngay tình nhận chuyển giao quyền sở hữu theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó, quyền bề mặt và quyền hưởng dụng của họ không bị ảnh hưởng khi giao dịch vô hiệu, họ đạt được quyền bề mặt và quyền hưởng dụng.
Đối với trường hợp giao dịch của người thứ ba ngay tình có quyền bề mặt hoặc quyền hưởng dụng bị vô hiệu thì họ phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu và chủ thể có quyền khác đối với tài sản ban đầu, chấm dứt quyền bề mặt và quyền hưởng dụng của mình, họ có quyền yêu cầu người giao dịch với mình phải hoàn trả và bồi thường thiệt hại; đồng thời, quyền lợi của họ được bảo vệ ở mức tương đối, đó là:
- Chủ thể người thứ ba ngay tình có quyền bề mặt thì họ được bảo vệ quyền lợi theo quy định bảo vệ quyền lợi của người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, đó là: Khi trả lại tài sản cho chủ sở hữu thì họ có quyền yêu cầu chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản phải hoàn trả chi phí cần thiết đã bỏ ra để bảo quản, làm tăng giá trị của tài sản[10]. Điều này là một thiệt thòi cho chủ thể người thứ ba ngay tình có quyền bề mặt bởi họ đã xây dựng công trình, trồng cây trên mặt đất, mặt nước, nhưng những công trình, cây trồng này có được tính vào việc làm tăng giá trị của tài sản hay không? Trong khi đó, đây là những tài sản thuộc sở hữu của chủ thể người thứ ba ngay tình có quyền bề mặt.
- Chủ thể người thứ ba ngay tình có quyền hưởng dụng thì được bảo vệ quyền lợi theo quy định bảo vệ quyền lợi của người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình đó là: Họ phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết việc chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật[11]. Theo đó, họ được quyền hưởng hoa lợi, lợi tức trong thời gian chiếm hữu ngay tình. Tuy nhiên, việc bảo vệ này là chưa tương xứng với người thứ ba ngay tình có quyền hưởng dụng, bởi lẽ, chỉ khi nào giao dịch của họ bị tuyên bố là vô hiệu thì quyền hưởng dụng của họ mới thực sự chấm dứt chứ không phải bị chấm dứt kể từ khi họ biết hoặc phải biết việc hưởng dụng của mình bị vô hiệu.
4. Một số kiến nghị
Thứ nhất, Bộ luật Dân sự năm 2015 cần quy định bổ sung vào Điều 133: Đối với chủ thể có quyền khác đối với tài sản là quyền bề mặt và quyền hưởng dụng cũng áp dụng theo quy định tại Điều này.
Thứ hai, nên bổ sung quy định chủ thể người thứ ba ngay tình có quyền bề mặt khi giao dịch vô hiệu trong trường hợp phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc chủ thể có quyền bề mặt ban đầu có quyền được công nhận là chủ sở hữu đối với tài sản là công trình, cây trồng trên mặt đất, trong lòng đất, mặt nước, không gian trên mặt đất, mặt nước và họ có thể nhận nếu phần này có thể tách ra hoặc nếu không tách ra được thì họ phải được bồi thường giá trị tài sản tạo dựng tính theo thời giá lúc thanh toán, có tính đến thực trạng của công trình, cây trồng khi chủ sở hữu hoặc chủ thể có quyền bề mặt ban đầu muốn giữ lại thì mới bảo đảm lợi ích chính đáng cho chủ thể này.
Thứ ba, nên bổ sung quy định chủ thể người thứ ba ngay tình có quyền hưởng dụng khi giao dịch vô hiệu trong trường hợp phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc chủ thể có quyền hưởng dụng ban đầu thì họ chỉ phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm giao dịch của họ bị tuyên bố vô hiệu.
Tóm lại, nhìn chung, pháp luật Việt Nam đã có cơ chế bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu. Tuy nhiên, việc bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình là người có quyền bề mặt và người có quyền hưởng dụng đang bị bỏ sót, gây ra những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Do vậy, việc bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình là người có quyền bề mặt hoặc quyền hưởng dụng khi giao dịch vô hiệu là điều rất cần thiết nhằm tương thích giữa các điều luật trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn phát triển hội nhập quốc tế hiện nay khi việc bổ sung quy định này sẽ thúc đẩy các giao dịch dân sự đặc biệt là những giao dịch về quyền bề mặt và quyền hưởng dụng. Bởi lẽ, chỉ khi có những quy định bảo vệ chắc chắn thì người dân mới an tâm thực hiện, xác lập giao dịch về quyền bề mặt, quyền hưởng dụng. Từ đó, giúp cho việc sử dụng tài sản một cách hiệu quả, tránh lãng phí và đồng thời giúp kinh tế nước ta phát triển.
ThS. Nguyễn Thị Linh
Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội
[1]. Viện Ngôn ngữ (2010), tr. 34.
[2]. Từ điển Luật học (1999), Nxb. Từ điển Bách khoa, tr. 406.
[3]. Nguyễn Vũ Hường, Luận văn “Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu”, Đại học Luật Hà Nội (2016), tr. 14; Trần Thị Hồng Nhung, Luận văn thạc sỹ “Bảo vệ người thứ ba ngay tình theo Bộ luật Dân sự năm 2015”, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (2019), tr. 21.
[4]. Nguyễn Thị Long, “Quyền bề mặt theo pháp luật dân sự Việt Nam”, Tạp chí Luật học số 01/2018.
[5]. Đoàn Thị Phương Diệp, Nguyễn Thị Vy Quý, “Mối quan hệ giữa quyền hưởng dụng và quyền sở hữu tài sản dưới góc nhìn so sánh”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 20 (420), tháng 10/2020.
[6]. Khoản 3 Điều 265 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[7]. Xem khoản 1 Điều 271 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[8]. Xem thêm Điều 257 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[9]. Từ điển giải thích thuật ngữ luật học: Luật dân sự; Luật hôn nhân và gia đình; Luật tố tụng dân sự/Trường Đại học Luật Hà Nội năm 1999, tr. 44.
[10]. Xem thêm tại Điều 582 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[11]. Xem thêm tại Điều 581 Bộ luật Dân sự năm 2015.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 394), tháng 12/2023)