Abstract: The good faith third party is the person who owns assets without legal basis but does not know or not be able to know the ownership without legal basis. The Civil Code of Vietnam, therefore, provides regulation for protecting his/her rights and lawful interests. However, there are still different viewpoints regarding this issue in the civil judgment execution. Following mentioned cases of civil judgment execution relating to transactions between civil judgment debtor and the good faith third party will make clarification for this issue.
1. Ba vụ thi hành án có liên quan đến quyền lợi của người thứ ba ngay tình
Vụ thứ nhất: Mua nhà đang được thế chấp vay vốn tại ngân hàng[1]
Thông qua môi giới của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), ông Nguyễn Hữu Toàn (ngụ tại số 11 đường 26, phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) được giới thiệu mua căn nhà tại địa chỉ trên. Nhưng sau khi làm hồ sơ sang tên mình và về nhà đó cư ngụ, ông Toàn mới nhận được giấy triệu tập của Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức yêu cầu giải quyết thi hành án liên quan đến ngôi nhà trên với phần trách nhiệm thuộc người khác. Ông Toàn kể: “Tôi được giới thiệu mua căn nhà tại số 11 đường 26, phường Linh Đông, quận Thủ Đức, đây là ngôi nhà đang được thế chấp vay vốn tại ngân hàng này. Sau khi gặp mặt chủ nhà là ông Nguyễn Hoàng S và bà Nguyễn Kim L, chúng tôi thỏa thuận giá mua bán và làm hợp đồng chuyển nhượng tại văn phòng công chứng. Sau khi lập hợp đồng mua bán xong và hoàn thành nghĩa vụ mua bán với ông S và bà L, tôi đã nộp hồ sơ lên Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thủ Đức để làm thủ tục sang tên như quy định. Ngày 23/4/2015, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã chuyển quyền sở hữu nhà đất sang tên cho tôi sở hữu. Tuy nhiên, ngày 24/8/2015, ông Toàn nhận được giấy triệu tập và Quyết định ngày 18/8/2015 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức về việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản trên. Lý do là ông S và bà L còn phải thực hiện nghĩa vụ trong một vụ kiện dân sự đối với Ngân hàng ACB (theo Quyết định của Tòa án nhân dân quận Thủ Đức, bà L và ông S còn nợ ngân hàng này hơn 2,7 tỉ đồng, đồng thời có trách nhiệm nộp tiền án phí 41 triệu đồng). Ông Toàn làm đơn khiếu nại đến Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức, nhưng Chi cục trưởng có công văn thông báo không thụ lý đơn khiếu nại thi hành án. Lý do “giao dịch mua bán căn nhà số 11 đường 26, phường Linh Đông, quận Thủ Đức là một giao dịch dân sự độc lập không liên quan đến việc thi hành án, do vậy, đơn khiếu nại không có căn cứ để Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức thụ lý theo quy định của pháp luật”. Như vậy, một mặt, nhà đất mang tên ông Toàn được mua bán hợp pháp, được pháp luật công nhận nhưng lại không được sang nhượng, mua bán. Mặt khác, quyết định của Tòa án nhân dân quận Thủ Đức ban hành từ tháng 10/2014, nhưng tại sao Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức lại không ra thông báo ngay, mà chờ đến khi việc mua bán hoàn thành mới ra quyết định ngăn chặn? Để bây giờ, ông Toàn phải chịu trách nhiệm đối với một việc hoàn toàn không liên quan gì đến ông?”.
Theo Trưởng Phòng Pháp chế Ngân hàng ACB, bà L và ông S còn nợ ngân hàng này hơn 2,7 tỉ đồng, trách nhiệm nộp tiền án phí 41 triệu đồng là nghĩa vụ tài chính của bà L đối với Nhà nước chứ không liên quan đến nghĩa vụ tài sản đối với ngôi nhà. Hiện tại, ngôi nhà đang được thế chấp tại Ngân hàng ACB, do vậy, trong quyết định ngăn chặn của Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức cũng liên quan đến quyền lợi của ACB. Chúng tôi đã làm kiến nghị gửi Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức đề nghị làm rõ vụ việc này để đảm bảo quyền lợi cho các bên.
Vụ thứ hai: Cưỡng chế thi hành án khi tài sản không còn[2]
Ngày 19/3/2015 bà Lê Thị Lan, sinh năm 1956, thường trú tại tổ 6 phường Tân Thành, TP. Thái Nguyên có thỏa thuận mua của bà Thân Thị Thông và ông Dương Ngọc Huân, trú tại tổ 19 phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên căn nhà và thửa đất số 02, tờ bản đồ số 32 diện tích 100m2 với giá 1,4 tỷ đồng. Ngày 20/3/2015, hai bên làm thủ tục ký hợp đồng mua bán tại Văn phòng Công chứng Trung Thành. Do bà Thông và ông Huân nợ ngân hàng 950 triệu đồng, nên đã thỏa thuận bà Lan sẽ nộp vào ngân hàng số tiền này để lấy bìa đỏ ra và làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ngày 26/03/2015, Chi cục Thi hành án dân sự TP. Thái Nguyên ra Quyết định số 35/QĐ-CCTHA về việc cưỡng chế, xử lý tài sản của bà Thân Thị Thông (là tài sản bà Lan đã mua). Do vợ chồng bà Thông còn phải thi hành Bản án dân sự sơ thẩm số 24/2014/DSST ngày 22/9/2014 của Tòa án nhân dân TP. Thái Nguyên trả cho bà Dương Thị Sáu số tiền 317 triệu đồng, nên ngày 14/4/2015 bà Lan đã trả hết số tiền bán nhà còn lại cho gia đình bà Thông. Gia đình bà Thông cam kết dùng số tiền đó để trả nợ cho bà Dương Thị Sáu để thi hành bản án dân sự sơ thẩm nói trên. Cùng ngày, bà Thông đã giao nhà cho bà Lan (có giấy tờ bàn giao và cam kết kèm theo). Chi cục Thi hành án dân sự TP. Thái Nguyên cũng ra quyết định về việc giải tỏa kê biên.
Sau khi làm thủ tục công chứng và bàn giao tài sản, hai bên mua bán đã tiến hành thủ tục sang tên. Tuy nhiên, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Thái Nguyên sau đó đã trả lời không làm thủ tục sang tên cho bà Lan được, bởi ngày 16/4/2015, Tòa án nhân dân TP. Thái Nguyên có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 02. Ngày 27/4/2015, Chi cục Thi hành án dân sự TP. Thái Nguyên đã ra quyết định tạm dừng chuyển quyền sở hữu tài sản trên. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 22/01/2016 (xử việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa bà Trần Thị Chinh và bà Thân Thị Thông), Tòa án nhân dân TP. Thái Nguyên đã tuyên hủy Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 02 và tuyên bà Thông phải trả cho bà Chinh số tiền 788.596.000 đồng. Bản án có hiệu lực pháp luật, được bà Lan (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) đem nộp cho Văn phòng đăng kí đất đai TP. Thái Nguyên, nhưng một lần nữa bà bị từ chối. Lý do là ngày 24/02/2016, Chi cục Thi hành án dân sự TP. Thái Nguyên đã có Công văn số 80 gửi các cơ quan chức năng về việc tạm dừng chuyển nhượng tài sản với mảnh đất nói trên. Nhận thấy yêu cầu tạm dừng chuyển nhượng mảnh đất là trái quy định của pháp luật nên bà Lan khiếu nại. Ngày 10/3/2016, Chi cục Thi hành án dân sự TP. Thái Nguyên đã ra Quyết định số 10/QĐ-CCTHADS về việc chấm dứt tạm dừng chuyển nhượng đối với mảnh đất gia đình bà Lan đã mua. Tuy nhiên, quyết định nói trên không được gửi đến các cơ quan hữu quan để phối hợp, giải quyết yêu cầu của người dân như khi Chi cục này ban hành công văn yêu cầu tạm dừng chuyển nhượng, do đó, yêu cầu làm thủ tục sang tên của bà Lan tiếp tục bị từ chối.
Ngày 16/05/2016, Chi cục Thi hành án dân sự TP. Thái Nguyên đã ra Quyết định cưỡng chế số 39/QĐ-CCTHADS và Thông báo số 49/TB-CCTHADS về việc cưỡng chế đối với mảnh đất gia đình bà Lan đã mua. Tại Văn bản số 2002 ngày 28/6/2016 của Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp đã nêu rõ, số tiền bán tài sản của người phải thi hành án được dùng để trả khoản nợ có bảo đảm của ngân hàng và thi hành Bản án số 24/2014/DSST nêu trên, nên việc mua bán tài sản là hợp pháp. Do đó, Tổng cục trưởng yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP. Thái Nguyên chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, theo quan điểm của Cục Thi hành án dân sự TP. Thái Nguyên thì: Thừa nhận hợp đồng chuyển nhượng nhà và đất của bà Lan là ngay thẳng, hợp đồng đã có công chứng, có giấy bàn giao tiền… nhưng hiện tại, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn chưa mang tên bà Lan nên việc tổ chức thi hành án và kê biên tài sản của Chi cục Thi hành án dân sự TP. Thái Nguyên là đúng. Văn bản trả lời khiếu nại số 01 ngày 22/02/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự TP. Thái Nguyên vẫn bảo lưu quan điểm không chấp nhận khiếu nại của bà Lan, chỉ thừa nhận việc chấp hành viên chậm gửi thông báo cưỡng chế thi hành án và cần rút kinh nghiệm.
Vụ thứ ba: Mua nhà hợp pháp bỗng dưng bị kê biên[3]
Theo Bản án số 06/2013/DS-ST ngày 25/01/2013 của Toà án nhân dân thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận, ông Hùng và bà Thuận phải trả nợ cho bà Thảo 280 triệu đồng, bà Huỳnh Thị B 105 triệu đồng và lãi suất chậm thi hành án. Sau khi thụ lý đơn yêu cầu thi hành án, ngày 20/02/2014, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Lagi ra quyết định thi hành án. Xác minh về điều kiện, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Lagi xác định: Vợ chồng ông Hùng chỉ có duy nhất ngôi nhà cấp 3 diện tích khoảng 200m2 tại trung tâm thị xã Lagi có giá trị khoảng 02 tỷ đồng. Ông bà không còn tài sản khác để thi hành án. Tài sản này đã thế chấp ở ngân hàng vào đầu năm 2012 để vay số tiền là 1,7 tỷ đồng. Do không có tiền trả gốc và lãi cho ngân hàng, được sự đồng ý của ngân hàng, vợ chồng ông Hùng đã bán căn nhà cho bà Ly. Hợp đồng mua bán được lập theo đúng quy định pháp luật vào ngày 28/11/2012. Theo thỏa thuận giữa vợ chồng ông Hùng với ngân hàng và bà Ly, sau khi ký hợp đồng mua bán, bà Ly đã chuyển 1,7 tỷ vào ngân hàng để trả nợ cho vợ chồng ông Hùng, phần còn lại trả cho vợ chồng ông Hùng. Ngày 06/12/2012, Tòa án nhân dân thị xã Lagi có công văn đề nghị tạm dừng việc làm thủ tục mua bán nhà trên. Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Lagi đã tạm dừng việc sang tên cho bà Ly. Đến ngày 15/7/2013, Toà án nhân dân thị xã Lagi có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân thị xã Lagi và Phòng Tài nguyên và Môi trường cho tiếp tục đăng ký, sang tên căn nhà trên theo đúng qui định của pháp luật.
Ngày 12/5/2014, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Lagi tiến hành việc kê biên toàn bộ khối tài sản trên (lúc này đã chính thức thuộc quyền sở hữu của bà Ly). Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Lagi cho rằng, khối tài sản đó nguyên trước đây là của vợ chồng ông Hùng, do hai vợ chồng ông Hùng không thực hiện nghĩa vụ phải thi hành một bản án có liên quan giữa vợ chồng ông Hùng với bà Thảo, nên Chi cục phải tiến hành kê biên trở lại khối tài sản đó. Không đồng ý với quyết định kê biên, bà Ly đã khiếu nại và tại Thông báo kết luận số 85/TC-THADS ngày 07/10/2015 của Tổng cục Thi hành án dân sự: “Trong quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên áp dụng khoản 1, Điều 6, Thông tư liên tịch số 14/TTLT- BTP- TANDTC-VKSNDTC tiến hành kê biên, xử lý đối với tài sản là căn nhà trên diện tích 225 m2 đất thuộc đường Cách mạng Tháng Tám, phường Tân Bình, thị xã Lagi là trái quy định của pháp luật. Do tài sản này đương sự đã thế chấp tại Ngân hàng Đông Á trước khi có bản án. Việc ngân hàng đồng ý cho người phải thi hành án chuyển dịch tài sản để thu hồi nợ là phù hợp với Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm. Do đó, tài sản không còn thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của người phải thi hành án nên cơ quan thi hành án không có cơ sở để kê biên, xử lý tài sản này; yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận và Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Lagi chỉ đạo chấp hành viên có biện pháp khắc phục, thu hồi các văn bản, quyết định về thi hành án; tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan đến những sai phạm trong quá trình thi hành án và giải quyết khiếu nại.
Không đồng ý kết luận của Tổng cục Thi hành án dân sự, bà Thảo khởi kiện ra Tòa án nhân dân thị xã Lagi yêu cầu hủy hợp đồng mua bán giữa vợ chồng ông Hùng với bà Ly. Tại phiên Tòa dân sự sơ thẩm diễn ra ngày 24/2/2016, Tòa án nhân dân thị xã Lagi tuyên xử: “Chấp nhận đơn khởi kiện của bà Thảo. Tuyên vô hiệu toàn bộ hợp đồng mua bán giữa Ngân hàng Đông Á, hai vợ chồng ông Hùng, bà Thuận và bà Ly đối với khối tài sản thuộc số 223, đường Cách mạng tháng Tám, phường Tân Bình, thị xã Lagi”. Bà Ly đã làm đơn kháng cáo. Trong hai ngày 19 và 20/7/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã mở phiên tòa dân sự phúc thẩm. Hội đồng xét xử đã tuyên: “Không chấp nhận kháng cáo của phía bị đơn. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm xét xử ngày 24/02/2016”.
2. Những vấn đề đặt ra từ các vụ việc kể trên và một số bình luận
Thứ nhất, cơ sở pháp lý để chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định kê biên trong các trường hợp trên
Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự (Thông tư liên tịch số 14) tại khoản 1 Điều 6 quy định: “Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có tranh chấp thì chấp hành viên hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thi hành án”. Như vậy, có hai điểm cần lưu ý ở nội dung của Thông tư liên tịch số 14: (i) Thời điểm người phải thi hành án thực hiện giao dịch để chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản khi có bản án, quyết định sơ thẩm; (ii) Mục đích sử dụng tiền chuyển nhượng tài sản không dùng để thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
Trước Thông tư liên tịch số 14, Thông tư liên tịch số 12/2001/TTLT-BTP-VKSNDTC ngày 26/02/2001 của Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định pháp luật về thi hành án dân sự cũng từng quy định: “Đối với các trường hợp sau khi có bản án, quyết định của Tòa án, người phải thi hành án đã chuyển nhượng các tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, thì chấp hành viên có quyền kê biên tài sản đó và có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ giao dịch đó. Người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy bỏ giao dịch đó”. Với quy định này, mốc thời gian để xác định những tài sản có thể vẫn bị cơ quan thi hành án dân sự tiến hành việc kê biên tài sản dù đã thực hiện giao dịch chuyển nhượng khi việc chuyển nhượng đó được thực hiện là “sau khi có bản án, quyết định của Tòa án”.
Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2014 (Nghị định số 62) quy định: “Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng, cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự…” (khoản 1 Điều 24). Với hướng dẫn này của Nghị định số 62, có ba điểm cần lưu ý: (i) Thời điểm người phải thi hành án thực hiện giao dịch để chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng - thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; (ii) Mục đích sử dụng số tiền từ giao dịch - không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án; (iii) Người phải thi hành án không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
Thứ hai, quyền lợi người thứ ba ngay tình được bảo vệ thế nào trong các trường hợp này
Với quy định tại Điều 138, Điều 189 và Điều 131, Điều 133, Điều 167, Điều 168 của Bộ luật Dân sự năm 2005, chúng ta thấy rằng, tùy từng trường hợp giao dịch và từng loại tài sản trong giao dịch, quyền lợi người thứ ba ngay tình được pháp luật bảo vệ khác nhau, theo các hướng:
Một là, vẫn thừa nhận giá trị pháp lý của giao dịch, trong trường hợp: (i) Người chiếm hữu ngay tình đối với động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thông qua hợp đồng có đền bù, trừ trường hợp động sản này bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí chủ sở hữu; (ii) Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch, thì giao dịch đó không bị vô hiệu; (iii) Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa thì giao dịch này không bị vô hiệu; (iv) Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định của pháp luật, nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại (khoản 2, 3 Điều 133, Bộ luật Dân sự năm 2005).
Hai là, không thừa nhận giá trị pháp lý của giao dịch, người thứ ba ngay tình có quyền kiện ra Tòa án yêu cầu bảo vệ quyền lợi của mình, buộc người bán, người chuyển nhượng phải bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại xảy ra. Cụ thể, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả; bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường (khoản 2 và 4 Điều 131, Bộ luật Dân sự năm 2005).
Có thể nói rằng, trong các giao dịch của người thứ ba ngay tình liên quan đến bất động sản, quyền lợi của chủ thể này trong giao dịch thường được bảo vệ theo cách thứ hai này, và để được bảo vệ quyền lợi, điều cần thiết là họ phải được pháp luật thừa nhận là người thứ ba ngay tình. Tòa án là cơ quan thực hiện việc này khi có yêu cầu.
Thứ ba, một vài bình luận qua các vụ việc thi hành án đã nêu
Đối với vụ việc thứ nhất: Nếu chỉ dựa vào thời điểm các bên thực hiện giao dịch, có cơ sở để chấp hành án kê biên tài sản này, tuy nhiên, chấp hành viên không chỉ dựa vào tiêu chí này, mà cần phải xác định về mục đích của việc sử dụng số tiền chuyển nhượng của người phải thi hành án, trên cơ sở đó đánh giá giao dịch có nhằm mục đích tẩu tán tài sản hay không? Ông Toàn mua căn nhà trên có sự đồng ý của bên nhận thế chấp và số tiền bán căn nhà được thanh toán các khoản vay cho bên nhận thế chấp, nên không có cơ sở để xác định giao dịch này nhằm tẩu tán tài sản, vì ngân hàng có quyền xử lý nợ theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Hơn nữa, việc kê biên của Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức nhằm để thi hành án về án phí và khoản nợ của người bán đối với ngân hàng ACB mà ngân hàng này lại đồng ý cho bên thế chấp (đồng thời là người phải thi hành án cho mình) được bán căn nhà trên và còn nhận thế chấp chính căn nhà này tại ngân hàng của mình. Vì vậy, Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức kê biên căn nhà trên là không có cơ sở, ông Toàn có quyền khiếu nại đến thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp trên yêu cầu chấm dứt việc kê biên hoặc kiện ra Toà án để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền lợi cho mình.
Đối với vụ việc thứ hai: Tác giả đồng ý với kết luận của Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp, bởi giao dịch với bà Lan trong trường hợp này là hợp pháp, không có mục đích tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, vì: (i) Việc bán tài sản thế chấp này có sự đồng ý của bên nhận thế chấp; (ii) Số tiền thu được từ việc bán tài sản được chi trả cho bên nhận thế chấp và thực hiện nghĩa vụ theo bản án; (iii) Việc kê biên của cơ quan thi hành án dân sự là để thi hành bản án về việc buộc bà Thông trả tiền cho bà Chinh, như vậy, không có căn cứ áp dụng Nghị định số 62 để kê biên tài sản trên, vì tài sản này đã được chuyển nhượng trước khi có bản án sơ thẩm; (iv) Cơ quan thi hành án dân sự TP. Thái Nguyên căn cứ vào việc tài sản chưa sang tên cho người mua để suy luận đây vẫn là tài sản của người phải thi hành án và cưỡng chế thi hành án là không thuyết phục, vì việc người mua chưa sang tên theo quy định của pháp luật là lỗi của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự TP. Thái Nguyên và lỗi của Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố này. Với các lý do đó, việc chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự TP. Thái Nguyên kê biên căn nhà đã sang nhượng cho bà Lan là không có căn cứ pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi của người thứ ba ngay tình.
Đối với vụ việc thứ ba: Cơ sở pháp lý để áp dụng kê biên tài sản trên là Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Thông tư liên tịch số 14. Tuy nhiên, trường hợp này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 14 vì hợp đồng mua bán đã được lập trước khi có bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án. Cụ thể hợp đồng được lập ngày 28/11/2012, trong khi bản án của Tòa án tuyên vào ngày 25/1/2013, hơn nữa, việc thực hiện giao dịch này có sự đồng ý của bên nhận cầm cố, thế chấp và người phải thi hành án đã dùng số tiền bán tài sản này để trả nợ cho bên nhận cầm cố, thế chấp, nên không có cơ sở để xác định giao dịch trên là nhằm tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án đối với bà Thảo. Vì vậy, chấp hành viên không có cơ sở để kê biên tài sản trong tình huống trên.
Tóm lại, “bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”[4]. Bởi lẽ, nếu bản án, quyết định của Tòa án tuyên không được thực hiện trên thực tế, điều đó có nghĩa là bản án, quyết định sẽ không có giá trị, các điều luật mà Tòa án dựa vào đó để ra phán quyết cũng sẽ trở nên vô nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể được ghi nhận trong bản án, quyết định sẽ không được đảm bảo, người dân sẽ mất niềm tin vào pháp luật, vào Nhà nước. Vì vậy, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành án dân sự, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người được thi hành án, đồng thời, đảm bảo quyền lợi cho chủ thể thứ ba trong giao dịch với người phải thi hành án, cần chú ý các vấn đề sau:
- Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự khi kê biên tài sản mà người phải thi hành án đã chuyển nhượng cần áp dụng đúng quy định của pháp luật dân sự về bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình và pháp luật thi hành án dân sự. Cụ thể, chỉ kê biên tài sản trong trường hợp xác định người phải thi hành án chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của mình nhằm mục đích tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, điều này có thể dựa vào: (i) Thời điểm người phải thi hành án thực hiện giao dịch để chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng - thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; (ii) Mục đích sử dụng số tiền từ giao dịch - không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án; (iii) Người phải thi hành án không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
- Người được thi hành án khi thực hiện giao dịch, cần lựa chọn áp dụng các biện pháp bảo đảm phù hợp để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ sau này; khi có tranh chấp và khởi kiện ra Tòa án, cần cân nhắc yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm bảo toàn tình trạng tài sản, đảm bảo cho việc thi hành án sau này; khi bản án, quyết định có hiệu lực thi hành, cần sớm yêu cầu thi hành án và yêu cầu chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự áp dụng các biện pháp bảo đảm.
- Người nhận chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cần tìm hiểu kỹ tình trạng pháp lý của tài sản cũng như nhân thân của người tham gia giao dịch với mình. Hiện nay, theo quy định của pháp luật về công chứng, phòng công chứng ở các địa phương phải lập cơ sở dữ liệu về công chứng, vì vậy, người nhận chuyển nhượng có thể tìm hiểu thông tin về tài sản chuyển nhượng ở các địa chỉ này; sau khi giao kết hợp đồng, cần sớm hoàn tất các thủ tục pháp lý để trở thành chủ sở hữu, sử dụng của tài sản.
- Nhà nước cần sớm xây dựng và ban hành Luật Đăng ký tài sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tìm hiểu tình trạng pháp lý của tài sản giao dịch.
Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
[1]. Hoàng Điệp, “Mua nhà xong, thi hành án ra quyết định ngăn chặn”, Báo Tuổi trẻ, ngày 04/10/2015.
[2]. Duy Hưng, “Thái Nguyên: Cưỡng chế thi hành án khi tài sản không còn”, Báo Pháp luật Việt Nam, ngày 28/3/2017.
[3]. Hoàng Phương, “Mua nhà hợp pháp bỗng dưng bị kê biên”, Báo Pháp luật Việt Nam Plus, ngày 27/7/2016.
[4]. Điều 106 Hiến Pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.