1. Thực tiễn quy định và bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình của Bộ luật Dân sự năm 2005
Điều 189 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Người thứ ba ngay tình trước hết là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật đối với tài sản nhưng ngay tình. Theo quy định của pháp luật thì chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình là người chiếm hữu mà không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật. Về bản chất, người thứ ba ngay tình không biết hoặc không thể biết việc chiếm hữu tài sản của mình là không có căn cứ pháp luật.
Về nguyên tắc, khi giao dịch bị tuyên bố vô hiệu thì giao dịch không có giá trị pháp lý, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Hậu quả là giao dịch “quay về” trạng thái ban đầu, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Tuy nhiên, pháp luật có quy định hậu quả khác trong trường hợp giao dịch có người thứ ba ngay tình. Đây là trường hợp các chủ thể tham gia giao dịch chiếm hữu tài sản nhưng không biết hoặc không thể biết việc chiếm hữu của mình là không có căn cứ pháp luật. Điều này có nghĩa họ không biết rằng giao dịch mình tham gia có thể vô hiệu. Họ tin tưởng người xác lập giao dịch với mình là chủ sở hữu. Trong giao dịch, họ hoàn toàn ngay thẳng, trung thực. Vì vậy, pháp luật công nhận giao dịch với người thứ ba ngay tình vẫn có hiệu lực trong một số trường hợp đặc biệt và việc bảo vệ họ là cần thiết[1].
Điều kiện để người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi trong giao dịch dân sự vô hiệu là: (i) Trước khi người thứ ba tham gia vào giao dịch dân sự thì đã có một giao dịch dân sự trước được xác lập, thực hiện, nhưng giao dịch dân sự trước đó đã bị vô hiệu; (ii) Người thứ ba xác lập giao dịch phải ngay tình; (iii) Tài sản trong giao dịch phải là tài sản được phép lưu thông; (iv) Giao dịch dân sự được xác lập với người thứ ba phải thông qua một giao dịch dân sự có đền bù.
Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về việc bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu. Theo đó, nếu giao dịch dân sự bị Tòa án tuyên bố vô hiệu nhưng tài sản giao dịch đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình trong các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, nếu đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu (tức là không có giấy tờ chứng minh ai là chủ sở hữu tài sản) thì việc chiếm hữu tài sản là bằng chứng nói lên người đó có quyền sở hữu đối với tài sản đó. Sự suy đoán người thứ ba ngay tình trong trường hợp này là hợp lý và vì vậy, giao dịch với người thứ ba đối với tài sản này vẫn có hiệu lực. Tuy nhiên, nếu người thứ ba ngay tình có được tài sản này thông qua giao dịch dân sự không đền bù (ví dụ: Hợp đồng tặng cho tài sản, hoặc được thừa kế tài sản) thì giao dịch dân sự với người thứ ba không có hiệu lực).
Thứ hai, đối với tài sản là bất động sản hoặc động sản có đăng ký quyền sở hữu thì về nguyên tắc, người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu (hoặc quyền sử dụng) tài sản mới có quyền thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản đó, vì vậy, chỉ được coi là ngay tình khi người thứ ba nhận được tài sản này thông qua trình tự bán đấu giá tài sản hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người thực hiện giao dịch dân sự là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó bản án hay quyết định lại bị hủy, bị sửa. Bởi vì, theo pháp luật về bán đấu giá tài sản, thì văn bản mua được tài sản bán đấu giá là cơ sở để người mua được tài sản đấu giá xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của mình. Theo pháp luật tố tụng dân sự, thì bản án hay quyết định của Tòa án là cơ sở pháp lý để xác định quyền sở hữu hay quyền sử dụng hợp pháp của một người đối với tài sản và người thứ ba thực hiện giao dịch dân sự với người mà theo bản án hay quyết định của Tòa án là họ có quyền sở hữu thì coi là hoàn toàn hợp pháp.
Ngoài hai trường hợp trên, người thứ ba tham gia giao dịch dân sự với người không đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu (hoặc quyền sử dụng tài sản), mà giao dịch dân sự trước đó liên quan đến tài sản đó bị tuyên bố vô hiệu, thì giao dịch với người thứ ba cũng sẽ bị coi là vô hiệu[2].
Quy định về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình lần đầu tiên được Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định tuy đã đánh dấu bước tiến bộ đáng kể, nhưng vẫn còn tồn tại, bất cập nhất định. Thực tiễn áp dụng các quy định Bộ luật Dân sự năm 2005 về người thứ ba chiếm hữu ngay tình thông qua giao dịch dân sự cho thấy, những tài sản thuộc đối tượng giao dịch là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì vẫn được Tòa án công nhận, trừ trường hợp người thứ ba nhận tài sản không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản (người không phải là chủ sở hữu đã tặng cho tài sản) hoặc đó là tài sản bị lấy cắp, bị mất… Đối với động sản hoặc bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu, thực tiễn xét xử gặp các trường hợp sau đây:
- Trường hợp người thứ ba ngay tình khi mua tài sản qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người thứ ba theo bản án, quyết định đang có hiệu lực pháp luật họ là chủ sở hữu, nhưng sau bản án, quyết định đó bị hủy, sửa thì Tòa án áp dụng Điều 258 Bộ luật Dân sự công nhận giao dịch đó là hợp pháp, bảo vệ người thứ ba ngay tình, không có vướng mắc gì.
- Tài sản chung vợ chồng, nhưng giấy tờ (giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng) đứng tên một người và người đã đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đã đem tài sản đó bán, chuyển nhượng cho người thứ ba hoặc đem thế chấp, bảo lãnh. Khi tranh chấp xảy ra, tuyệt đại đa số trường hợp hai vợ chồng đề nghị Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu và Tòa án xét xử đã chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện. Cũng có một số ít Tòa án cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng chỉ vô hiệu một phần (phần của người vợ hoặc người chồng không tham gia giao dịch), nhưng nếu có khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm thì bản án, quyết định đó bị kháng nghị. Trừ trường hợp tuy một bên đứng ra bán, chuyển nhượng để phục vụ nhu cầu cấp bách như chữa bệnh hoặc sau khi bán bên kia biết mà không phản đối thì Tòa án công nhận hợp đồng, bảo vệ người thứ ba ngay tình.
- Tài sản là di sản của đồng thừa kế, tài sản thuộc sở hữu chung nhưng giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đứng tên một người và người đứng tên trên giấy tờ đứng ra bán, chuyển nhượng, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố… Sau khi bán, chuyển nhượng, người mua đang làm thủ tục giấy tờ sở hữu hoặc đã làm xong thủ tục giấy tờ, người mua đã đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng thì các đồng thừa kế, đồng sở hữu khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng đó vô hiệu, Tòa án xét xử chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện, người thứ ba ngay tình không được bảo vệ.
- Tài sản (chủ yếu là nhà, đất) đứng tên hộ gia đình nhưng một hoặc một số người trong hộ gia đình đứng ra bán, chuyển nhượng, thế chấp, bảo lãnh… dẫn đến tranh chấp thì người thứ ba ngay tình lĩnh đủ, vì người thứ ba chiếm hữu ngay tình không thể biết hộ gia đình gồm những ai. Do các thành viên trong hộ gia đình không tham gia đầy đủ trong hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, thế chấp, bảo lãnh… Do đó, khi các thành viên này khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch, hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu, Tòa án đã chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện.
- Tài sản của chủ sở hữu nhưng do người khác đứng tên hộ và người này đem bán, chuyển nhượng, thế chấp, bảo lãnh..., chủ sở hữu tài sản đó khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng, giao dịch đó vô hiệu, Tòa án đã xét xử chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện. Người thứ ba ngay tình cũng không được bảo vệ.
- Chủ sở hữu ủy quyền cho một người có quyền thế chấp, bảo lãnh, chuyển quyền sử dụng, nhưng nội dung thể hiện trên giấy ủy quyền không thật rõ nên có thể giải thích khác nhau. Người được ủy quyền đã đem tài sản đó đi thế chấp, bảo lãnh hoặc chuyển nhượng. Sau đó xảy ra tranh chấp, chủ sở hữu khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố các giao dịch đó vô hiệu.
- Tài sản của chủ sở hữu bị mất cắp, cướp; tài sản đã được chuyển nhượng qua một hoặc nhiều người và những người này đã đứng tên giấy tờ sở hữu (có hai dạng xảy ra: Giấy tờ sở hữu là giấy tờ giả nhưng người bình thường không thể nhận biết được; dạng thứ hai giấy tờ đó được cơ quan có thẩm quyền cấp và người này đã bán cho người “thứ ba” ngay tình. Người thứ ba không biết đó là của gian, sau này cơ quan điều tra thu lại tài sản từ người “thứ ba” ngay tình hoặc chủ sở hữu kiện đòi lại tài sản. Trường hợp này người thứ ba ngay tình không được bảo vệ)[3].
2. Bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự theo Bộ luật Dân sự năm 2015
Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017) đã quy định về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự bị vô hiệu tại Điều 133 như sau:
“1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.
2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.
3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”.
Như vậy, chế định người thứ ba ngay tình trong Bộ luật Dân sự năm 2015 có một số điểm khác so với Bộ luật Dân sự năm 2005, cụ thể:
Thứ nhất, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rộng hơn về đối tượng giao dịch, đã thay thế cụm từ “động sản không phải đăng ký” bằng cụm từ “tài sản không phải đăng ký”. Quy định mới góp phần bảo đảm tốt hơn, công bằng, hợp lý hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người thiện chí, ngay tình trong giao lưu dân sự, theo đó, nếu người thứ ba ngay tình căn cứ vào việc tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà xác lập giao dịch thì người thứ ba ngay tình được bảo vệ. Bên cạnh đó, góp phần thay đổi nhận thức của người dân đối với việc đăng ký tài sản, đồng thời, giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cán bộ làm công tác đăng ký tài sản.
Thứ hai, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định giao dịch của người thứ ba ngay tình không bị vô hiệu trong trường hợp tham gia vào giao dịch tài sản phải đăng ký mà giao dịch trước đó đã thực hiện việc đăng ký. Trước đây, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định trong trường hợp tài sản giao dịch là bất động sản hoặc là động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó bản án, quyết định bị hủy, sửa và người này không còn là chủ sở hữu tài sản (Điều 138). Rõ ràng, quy định mới đã bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người thứ ba ngay tình, vốn luôn bị yếu thế khi tham gia vào các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định rõ nếu giao dịch về tài sản phải đăng ký trước đó chưa thực hiện việc đăng ký thì giao dịch tài sản đó của người thứ ba ngay tình bị coi là vô hiệu.
Việc quy định bảo vệ “người thứ ba ngay tình” trong trường hợp tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền là phù hợp với nguyên tắc đăng ký bất động sản hiện nay. Trước đó, Điều 168, Điều 439, Điều 692 của Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 đều quy định thời điểm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu đối với bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu được tính từ thời điểm đăng ký. Mặt khác, quy định này cũng góp phần bảo đảm sự ổn định trong các quan hệ dân sự.
Thứ ba, quy định chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình là một quy định hoàn toàn mới của Bộ luật Dân sự năm 2015. Về nguyên tắc, quy định này đồng thời bảo vệ quyền lợi chủ sở hữu thực sự của tài sản và của cả người thứ ba ngay tình khi tham gia các giao dịch dân sự liên quan đến đối tượng giao dịch cùng là một tài sản. Tuy nhiên, trên thực tiễn, quy định này rõ ràng có lợi hơn cho người thứ ba ngay tình và làm hạn chế đi quyền lợi của chủ sở hữu thực sự của tài sản. Bởi nếu chủ sở hữu thực sự của tài sản khởi kiện và thắng kiện thì việc thi hành án để đòi bồi thường là không dễ dàng. Các bên cần thận trọng hơn nữa trong việc xác lập các giao dịch dân sự, nhất là các hợp đồng liên quan đến bất động sản và động sản có giá trị lớn.
Tuy nhiên, quy định về bảo vệ bên thứ ba ngay tình trong các giao dịch dân sự trong Bộ luật Dân sự năm 2015 còn khá sơ lược, vẫn chưa thực sự tạo ra hành lang pháp lý vững chắc và hiệu quả. Cụ thể, khoản 2 Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu”. Khó khăn liên quan đến việc áp dụng quy định nêu trên trước hết chính là phải hiểu thuật ngữ “chuyển giao” như thế nào cho đúng? Liệu việc đưa tài sản vào trong giao dịch thế chấp hay cầm cố có được xem như là việc chuyển giao tài sản hay không?
Dễ thấy hệ quả là khó có thể coi việc cầm cố hay thế chấp tài sản là việc chuyển giao tài sản để ngân hàng nhận cầm cố hay thế chấp có thể hưởng lợi từ quy định bảo vệ bên thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch liên quan đến tài sản được cầm cố hay thế chấp được xác lập trước đó bị vô hiệu. Đây là điều đáng tiếc, bởi theo nguyên tắc thông thường, quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình được thiết kế không chỉ nhằm bảo vệ bên mua ngay tình, mà cả bên nhận bảo đảm ngay tình! Mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa có hiệu lực nhưng giới ngân hàng bắt đầu bày tỏ sự tiếc nuối rằng đáng lẽ cụm từ “được chuyển giao bằng” phải được thay bằng “là đối tượng của”. Như thế quy định mới về bảo vệ bên thứ ba ngay tình mới thực sự có ý nghĩa[4].
Về việc bảo vệ quyền của bên có quyền với tài sản là đối tượng của giao dịch bị vô hiệu, khoản 3 Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu... nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi, dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”. Hạn chế của quy định này nằm ở chỗ khái niệm “chủ sở hữu” tài sản nêu ở đây chỉ hướng đến các tài sản có đăng ký quyền sở hữu, trong khi một tài sản quan trọng được đăng ký mà Điều 133 hướng đến là quyền sử dụng đất. Tuy vậy, có thể hiểu tinh thần chung của điều luật này là chủ sở hữu hay chủ thể có quyền khác (quyền sử dụng) đối với tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự ban đầu bị tuyên vô hiệu chỉ có thể yêu cầu hay khởi kiện bên kia của hợp đồng là bên đã xác lập giao dịch với người thứ ba để yêu cầu bồi thường thiệt hại và hoàn trả các chi phí hợp lý khác đã bỏ ra trong việc thực hiện các quyền của mình.
Đại học Lao động - Xã hội
[2]. Xem thêm: Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2005, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, PGS.TS Hoàng Thế Liên (Chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2008.
[3]. Bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự bị vô hiệu trong dự thảo Bộ luật dân sự - Tưởng Duy Lượng - Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao
[4]. Xem thêm: Bùi Đức Giang, Tiến sĩ, Đại học Paris 2, Pháp, “Mong manh cơ chế bảo về bên thứ ba ngay tình”,