Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay đối với vấn đề này chưa được chú trọng một cách đúng mức, rà soát các quy định của pháp luật hiện nay có thể thấy, chưa có quy định nào quy định cụ thể về trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi xâm phạm quyền riêng tư của một người sau khi họ đã chết, trong đó bao gồm các vấn đề như chia sẻ thông tin cá nhân, hình ảnh cá nhân, các bình luận mang tính xúc phạm danh dự nhân phẩm của họ cũng như các biện pháp nhằm bảo vệ quyền riêng tư của một người được xác định là không còn sống. Trong bài viết này, tác giả đề cập đến quyền riêng tư và sự cần thiết phải bảo vệ quyền riêng tư của người đã chết, qua đó, đưa ra một số kiến nghị về bảo vệ quyền riêng tư của người đã chết ở Việt Nam hiện nay.
1. Khái niệm quyền riêng tư
Mỗi một cá nhân trong xã hội từ khi được sinh ra đều có các quyền tự nhiên của mình, những quyền đó không bị tước bỏ bởi ai và bởi bất cứ chính thể nào - đó là các quyền mà cá nhân hiển nhiên có do sự tồn tại của mình (Thomas Fefferson, Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ)[1]. Trên cơ sở các quyền tự nhiên của con người, các quốc gia trên thế giới đã thiết lập những quy tắc chung nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân của mỗi cá thể trong Hiến pháp, trong đó, bao gồm quyền riêng tư.
Điều 12 trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948 (Universal Declaration of Human Rights) của Đại hội đồng Liên Hợp quốc quy định: “Không ai phải chịu sự can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân”. Tại Điều 14 Công ước quốc tế về quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ năm 1990 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc nêu rõ: “Không ai được phép can thiệp một cách bất hợp pháp hoặc tùy tiện vào cuộc sống gia đình, đời tư, nhà cửa, thư tín hoặc các phương thức giao tiếp khác”. Mặc dù, ở các văn bản trên không đưa ra định nghĩa cụ thể thế nào là quyền riêng tư nhưng thông qua những lập luận có thể hiểu rõ, quyền riêng tư của một người bao gồm các quyền về cuộc sống riêng tư, về gia đình, những bí mật cá nhân và danh dự nhân phẩm người khác và đó là những quyền tự nhiên không ai có thể tước bỏ. Ở một số các quốc gia trên thế giới, quyền riêng tư được hiểu là quyền của một người được giữ gìn và kiểm soát những gì trở thành danh tiếng, nhân phẩm, tính toàn vẹn, bí mật hoặc ký ức của người đó. Pháp luật của Pháp và Hoa Kỳ xem khái niệm quyền riêng tư hợp nhất với khái niệm bảo vệ dữ liệu cá nhân, sự riêng tư chính là sự bảo vệ dữ liệu cá nhân[2].
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, quyền con người, quyền riêng tư của mỗi cá nhân trong xã hội được pháp luật Việt Nam tôn trọng và bảo đảm thực hiện. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, Hiến pháp năm 2013 quy định cụ thể về quyền con người tại Chương II, trên cơ sở đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực từ 01/01/2017 đã dành riêng một mục với 15 điều quy định chi tiết về những quyền nhân thân như: Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 38); quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 34); quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 32); quyền chuyển đổi giới tính (Điều 37); quyền xác định lại giới tính (Điều 36). Trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005, khoản 2 Điều 46 về bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Điều 16 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 quy định nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, theo đó: “1. Cá nhân tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với thông tin do mình xử lý”.
Trong pháp luật quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam, quyền riêng tư của mỗi cá thể trong cộng đồng đều được bảo vệ, mặc dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, khi mỗi cá nhân trong xã hội đều có thể chia sẻ nhiều thông tin cá nhân, thông tin liên lạc và hình ảnh trực tuyến của mình một cách rộng rãi thì quyền riêng tư của mỗi cá nhân có nguy cơ bị xâm phạm vì những mục đích khác nhau. Việc chưa có định nghĩa thống nhất về quyền riêng tư đang làm vấn đề trở nên khó xác định, vì theo một nghĩa nào đó, tất cả các quyền con người đều có khía cạnh của quyền riêng tư, đặc biệt, khi sự xâm hại quyền riêng tư này được thực hiện đối với những người đã chết.
2. Sự cần thiết phải bảo vệ quyền riêng tư của người đã chết
2.1. Quyền riêng tư là quyền cơ bản của mỗi cá nhân cần được tôn trọng và bảo vệ ngay cả khi họ đã chết
Hiện nay, mặc dù chưa có một định nghĩa cụ thể, thống nhất nào về quyền riêng tư, tuy nhiên, xét ở sự tương đồng quyền riêng tư mang nội hàm của đời sống riêng tư và bí mật gia đình. Trong đó, quyền về đời sống riêng và bí mật gia đình là quyền về những việc, những mối liên hệ, những mối quan hệ mang tính riêng của mỗi một cá nhân mà cá nhân giữ cho riêng mình; đó cũng là quyền nhân thân tuyệt đối của mỗi cá nhân. Trên cơ sở của tự do và chủ động, mỗi cá nhân có thể thiết lập sự riêng tư của mình hài hòa với quan niệm xã hội hoặc những mối liên hệ khác mà pháp luật không cấm, đó có thể là quyền không bị chia sẻ hình ảnh cá nhân, quyền không bị xâm phạm về thông tin gia đình, nơi ở, tài khoản liên hệ; đó cũng có thể là những bí mật, những quan hệ ở quá khứ và hiện tại mà cá nhân không muốn công khai… Đối với mỗi một cá nhân, ngay cả khi họ đã chết thì họ cũng đã từng là con người và vì thế, những quyền riêng tư mà họ muốn được bảo vệ cũng cần được đối xử như khi họ tồn tại. Bở vì, dù họ đã chết nhưng đó là những quyền con người gắn kết với cá nhân họ mà không ai có thể xâm phạm được.
2.2. Quyền riêng tư của người đã chết đang bị xâm phạm
Trong thời đại công nghệ số, việc một người thường sử dụng dữ liệu cá nhân tham gia vào các quan hệ trên mạng xã hội ngày càng phổ biến. Vì vậy, việc liên kết thông tin và tìm kiếm thông tin trở nên dễ dàng, đặc biệt là thông tin cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh việc mỗi người có sự chủ động trong việc chia sẻ các thông tin cá nhân hoặc sự riêng tư của mình trên mạng xã hội như nơi ở, hình ảnh cá nhân, gia đình, bạn bè, công việc, thậm chí là thói quen hay sở thích thì việc các thông tin đó được lan truyền hoặc xâm hại khi người đó chết đi cũng là vấn đề không được kiểm soát và có thể ngoài ý muốn chủ quan của họ. Khi một người chết đi vì một lý do đặc biệt như trường hợp 39 người Việt Nam chết ở Anh, báo chí và mạng xã hội đã đăng tải hình ảnh của một số cá nhân nằm trong diện mất tích mặc dù chưa có xác nhận nào có tính xác thực rằng người đó là một trong số 39 người, một số tài khoản đăng tải hình ảnh gia đình các nạn nhân cùng với những bình luận công khai về họ trên mạng xã hội mà không có bất kỳ sự cho phép nào[3]. Vấn đề đặt ra là, liệu việc thông tin cá nhân của các nạn nhân bị chia sẻ và đăng tải có phải là ý muốn của họ nếu họ thực sự còn sống? Một tài khoản khác có quyền chia sẻ các thông tin cá nhân của một người khác khi họ đã chết hay không? Báo chí và truyền thông có quyền được làm điều đó không, quyền riêng tư của người đã chết đã được pháp luật bảo vệ hay chưa?
Vào tháng 9/2019, Google đã đồng ý trả 170 triệu đô la để giải quyết các cáo buộc rằng dịch vụ video YouTube của họ đã thu thập dữ liệu cá nhân về trẻ em mà không có sự đồng ý của cha mẹ và Tập đoàn Alphabet đã kiếm được 30,7 tỷ đô la trong năm 2018 với doanh thu 136,8 tỷ đô la, chủ yếu từ quảng cáo được nhắm tới những mục tiêu định dạng sẵn[4]. Tương tự, năm 2018, Quốc hội Anh công bố tài liệu nội bộ cho thấy, Facebook đã thỏa thuận bán dữ liệu người dùng cho một công ty thứ 3, theo đó, thỏa thuận trên cho phép các công ty khác truy cập vào dữ liệu người dùng kể cả khi những công ty đó hết thời hạn được cấp quyền, các công ty như Netflix và Airbnb được truy cập dữ liệu bất kể thời hạn được người dùng cấp quyền còn hay không[5]. Trong thời đại số, ngày càng có nhiều người sử dụng phương tiện truyền thông, mạng xã hội để chia sẻ thông tin thì vấn đề xâm phạm quyền riêng tư vì những mục đích khác nhau là một trong những nguy cơ đáng lo ngại. Một giả thiết được đặt ra rằng, nếu một người đang sở hữu các dữ liệu cá nhân như tài khoản mạng xã hội, tài khoản tín dụng nhưng họ đã qua đời sau đó thì các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân của họ, các hành vi xúc phạm danh sự nhân phẩm người đã chết hoặc các hành vi tấn công tài khoản tín dụng của họ được bảo vệ như thế nào khi bản thân họ không thể lên tiếng hoặc kiểm soát vấn đề đó nữa.
2.3. Pháp luật Việt Nam đang thiếu các quy định nhằm bảo vệ quyền riêng tư của một người sau khi họ qua đời
Pháp luật Việt Nam hiện nay có những quy định nhằm bảo vệ quyền riêng tư của công dân như Điều 21 Hiến pháp năm 2013, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 46 Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Điều 16 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015. Theo đó, các hành vi xâm phạm quyền riêng tư có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, hầu hết các quy định hiện nay đều hướng tới đến bảo vệ quyền riêng tư của người còn sống. Trong khi đó, ở thời đại của internet, sự xâm phạm quyền riêng tư có thể xảy ra với nhiều các đối tượng bao gồm những người đã chết. Pháp luật Việt Nam hiện nay đối với vấn đề này chưa được chú trọng một cách đúng mức. Rà soát các quy định của pháp luật hiện nay có thể thấy, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi xâm phạm quyền riêng tư của một người sau khi họ đã chết, trong đó bao gồm các vấn đề như chia sẻ thông tin cá nhân, hình ảnh cá nhân, các bình luận mang tính xúc phạm danh dự nhân phẩm của họ cũng như các biện pháp nhằm bảo vệ quyền riêng tư của một người được xác định là không còn sống.
3. Một số kiến nghị về bảo vệ quyền riêng tư của người đã chết ở Việt Nam
Năm 2014, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp quốc đã đưa ra báo cáo về quyền riêng tư trong thời đại kỹ thuật số, đối chiếu với pháp luật một số quốc gia và pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền riêng tư trong thời đại kỹ thuật số, tác giả đưa ra một số kiến nghị nhằm bảo vệ quyền riêng tư của một người sau khi họ đã chết như sau:
(i) Trong chính sách và pháp luật Việt Nam cần xem vấn đề bảo vệ quyền riêng tư của một người sau khi họ đã chết một cách riêng biệt và cụ thể. Nghiên cứu xem xét dữ liệu cá nhân như là một tài sản trong Bộ Luật Dân sự.
(ii) Xây dựng, ban hành một đạo luật quy định rõ ràng về nội dung, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp giám sát, theo dõi thư tín, truyền thông internet của cá nhân, cũng như cơ chế giám sát, khiếu nại, khiếu kiện trong trường hợp có sự vi phạm. Trong đó, các quy định về bảo vệ quyền riêng tư cần có sự tách bạch giữa một người còn đang sống và một người đã chết.
(iii) Các quy định về quyền của một người cần được giữ gìn và kiểm soát những gì trở thành danh tiếng, nhân phẩm, tính toàn vẹn, bí mật hoặc ký ức của người đó sau khi chết cũng cần được xây dựng.
ThS. Bùi Thị Thuận Ánh
Đại học Luật thuộc Đại học Huế
[1]. Nguyễn Cảnh Bình, Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào, Nxb. Thế giới, năm 2015.
[2]. Http://theconversation.com/people-are-going-to-court-over-dead-family-members-facebook-pages-its-time-for-post-mortem-privacy-78375?utm_source=facebook&fbclid=IwAR0R2daDJV8rg_ NCnEsK2szXzkFLw9uyizqJsWbhrxuOjXP9MXhOIdBXU-8.
- Natasha Chu, Protecting Privacy after death, Northwestern Journal of Technology and Intellectual Property, Northwestern University School of Law, USA.
Https://scholarlycommons.law.northwestern.edu/njtip/vol13/iss2/8/.
[3]. Https://thanhnien.vn/the-gioi/canh-sat-anh-cong-bo-danh-tinh-39-nan-nhan-nguoi-viet-chet-trong-xe-container-1146351.html.
-Https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/nguoi-viet-chet-o-anh-cha-chan-dong-khi-nhan-cuoc-goi-cua-canh-sat-584343.html#inner-article.
[4]. Https://www.identitymanagementinstitute.org/6-reasons-why-data-privacy-is-dead/.
[5]. Https://congnghe.tuoitre.vn/facebook-se-bi-phat-5-ti-usd-vi-ro-ri-du-lieu-nguoi-dung-20190713055202398.htm.