Abstract: The paper analyzes the legal aspects of priority right of shareholders in joint stock companies to buy shares and the transfer of such purchase rights to others in accordance with the Enterprise Law of 2014, there from, raises entanglements that need to be overcome so that the legal provisions of on the priority right to buy shares are uniformly and effectively applied in practice.
1. Khái niệm quyền ưu tiên mua cổ phần
Trong quá trình hoạt động, công ty cổ phần có thể tăng vốn điều lệ thông qua việc chào bán cổ phần mới theo một trong các hình thức như: Chào bán cho các cổ đông hiện hữu, chào bán ra công chúng, chào bán cổ phần riêng lẻ. Trong đó, nếu tăng vốn điều lệ của công ty bằng hình thức chào bán cho các cổ đông hiện hữu, thì các cổ đông có quyền ưu tiên mua thêm cổ phần.
Quyền được ưu tiên mua cổ phần khi công ty phát hành để tăng vốn điều lệ là một quyền tài sản cơ bản của cổ đông trong công ty cổ phần. Quyền ưu tiên mua cổ phần là quyền được xác định trên cơ sở tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông trong công ty, theo đó, cổ đông có tỷ lệ sở hữu cổ phần càng lớn thì càng có quyền ưu tiên mua cổ phần lớn hơn các cổ đông khác. Mặc khác, cổ đông có thể chuyển nhượng quyền ưu tiên cổ phần của mình cho người khác. Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có những quy định tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền ưu tiên mua cổ phần và việc chuyển nhượng quyền này cho người khác.
Việc chuyển nhượng quyền ưu tiên mua cổ phần của cổ đông không đồng nghĩa với việc chuyển nhượng cổ phần mà cổ đông đó đang nắm giữ trong công ty. Nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng quyền ưu tiên mua cổ phần là phải thanh toán đầy đủ và thực hiện các thủ tục để công ty thừa nhận tư cách cổ đông của người nhận chuyển nhượng.
Dựa trên những lập luận trên có thể thấy rằng, quyền ưu tiên mua cổ phần là một quyền tài sản, theo đó, cổ đông có quyền được ưu tiên mua trước theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình khi công ty phát hành cổ phần mới để tăng vốn điều lệ.
2. Đặc điểm cơ bản của quyền ưu tiên mua cổ phần
Quyền ưu tiên mua cổ phần của cổ đông trong công ty cổ phần có những đặc điểm cơ bản như:
Thứ nhất, quyền ưu tiên mua cổ phần là quyền tài sản của cổ đông. Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và là một loại tài sản của cổ đông[1]. Về nguyên tắc, cổ đông có thể giao dịch bằng cách chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp quyền ưu tiên mua cổ phần. Việc giao dịch quyền mua cổ phần không đồng nhất với việc định đoạt số cổ phần mà cổ đông đó đang sở hữu trong công ty.
Một trong những đặc thù của chuyển nhượng quyền mua cổ phần là ngoài việc bên nhận chuyển nhượng phải thanh toán cho bên chuyển nhượng một khoản tiền theo thỏa thuận, thì bên nhận chuyển nhượng còn phải có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho công ty đối với số cổ phần được quyền ưu tiên mua đã nhận chuyển nhượng. Khi bên mua cổ phần thanh toán đầy đủ, đúng hạn thì công ty có nghĩa vụ ghi đầy đủ thông tin của người mua vào sổ đăng ký cổ đông. Kể từ thời điểm đó, người mua cổ phần trở thành cổ đông của công ty. Như vậy, việc chuyển nhượng quyền ưu tiên mua cổ phần chỉ được thực hiện trong khoảng thời gian được xác định trước theo quy định của cơ quan quản lý công ty khi thực hiện phương án phát hành cổ phần mới để tăng vốn điều lệ.
Thứ hai, quyền ưu tiên mua cổ phần mới chào bán của công ty chỉ đặt ra khi công ty cổ phần kinh doanh có lợi nhuận và phát hành thêm cổ phần mới để gọi thêm vốn, khi đó, cổ đông của công ty sẽ được ưu tiên mua số cổ phần công ty mới chào bán này. Quyền ưu tiên mua cổ phần mới được đặt ra để bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông hiện hữu của công ty. Ngoài ra, cổ đông hiệu hữu được ưu tiên về thứ tự mua cổ phần so với những chủ thể khác. Theo đó, công ty phải chào bán cho những cổ đông hiện hữu trước, cổ đông được ưu tiên mua trước, nếu cổ đông không mua hoặc không mua hết, thì công ty mới có thể chào bán rộng rãi cho các nhà đầu tư khác.
Thứ ba, với quyền được ưu tiên mua cổ phần khi công ty phát hành sẽ giúp cổ đông hiện hữu của công ty duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần trong công ty, góp phần bảo đảm cho công ty không bị xáo trộn hoặc bị thôn tính, mất quyền kiểm soát trong việc quản lý công ty khi tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phần mới.
Thứ tư, quyền ưu tiên mua cổ phần phụ thuộc vào tỷ lệ cổ phần sở hữu. Các cổ đông phổ thông được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty (điểm c khoản 1 Điều 114 Luật Doanh nghiệp năm 2014). Việc chào mua tương ứng với tỷ lệ cổ phần của cổ đông đang sở hữu của cổ đông trong công ty giúp tỷ lệ cổ phần của các cổ đông sau khi công ty tăng vốn ổn định và mỗi cổ đông đều tăng tương ứng với tỷ lệ cổ phần trong công ty, góp phần bảo đảm cho công ty không bị xáo trộn hoặc bị thôn tính, mất quyền kiểm soát trong việc quản lý công ty khi tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phần mới; giúp đảm bảo bình đẳng giữa các cổ đông công ty (dù là cổ đông lớn hoặc cổ đông thiểu số).
3. Vướng mắc khi áp dụng quy định về quyền ưu tiên mua cổ phần
Trong quá trình áp dụng những quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 về quyền ưu tiên mua cổ phần và chuyển nhượng quyền này của cổ đông trong công ty khi chào bán cổ phần để tăng vốn điều lệ đã phát sinh nhiều vướng mắc, khó khăn, cụ thể như:
Một là, về tỷ lệ số cổ phần được quyền ưu tiên mua: Theo quy định tại khoản 1 Điều 124 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì quyền ưu tiên mua cổ phần của cổ đông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ tại công ty. Theo đó, khi công ty chào bán cổ phần mới, các cổ đông có quyền mua tương ứng với tỷ lệ cổ phần họ đang sở hữu. Tuy nhiên, theo quy định của Điều lệ mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 95/2017/TT-BTC ngày 22/9/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 06/6/2017 của Chính phủ về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, thì cổ phần phổ thông phải được ưu tiên chào bán cho các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông của họ trong công ty, trừ trường hợp đại hội đồng cổ đông quyết định khác. Như vậy, căn cứ vào điều lệ mẫu, trong trường hợp phát hành cổ phiếu của các công ty niêm yết, đại hội đồng cổ đông có toàn quyền quyết định việc bán cổ phiếu cho từng cổ đông với tỷ lệ khác nhau mà không nhất thiết phải tuân theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ tại công ty[2]. Trong thực tế phát sinh trường hợp công ty cổ phần đại chúng thực hiện việc phát hành cổ phần mới cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ khác nhau theo quyết định của đại hội đồng cổ đông. Theo đó, các cổ đông lớn và cổ đông chiến lược của công ty được quyền mua theo tỷ lệ cao hơn so với các cổ đông nhỏ, thiểu số. Có thể thấy rằng, việc công ty có quyền quy định tỷ lệ giữa các cổ đông khác nhau sẽ không đảm bảo quyền bình đẳng giữa các cổ đông, không bảo vệ được cổ đông thiểu số trong công ty. Luật Doanh nghiệp hiện hành không có bất cứ một quy định nào hạn chế quyền ưu tiên mua cổ phần mới chào bán của cổ đông hiện hữu. Vì vậy, quyền ưu tiên mua cổ phần của cổ đông hiện hữu sẽ không bị hạn chế vì bất cứ điều kiện nào. Công ty đưa ra phương án phát hành cổ phần mới bằng hình thức chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ mà không dựa trên tỷ lệ sở hữu cổ phần là trái với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Hai là, về chủ thể nhận chuyển nhượng quyền ưu tiên mua cổ phần. Khi công ty cổ phần chào bán cổ phần mới cho cổ đông hiện hữu, các cổ đông có quyền ưu tiên mua cổ phần theo tỷ lệ cổ phần đang sở hữu. Khi cổ đông không có điều kiện tài chính hoặc không có nhu cầu mua cổ phần, thì cổ đông đó có quyền chuyển nhượng cho người khác. Người nhận chuyển nhượng có thể là cổ đông khác hoặc người không phải là cổ đông.
- Trường hợp chuyển nhượng quyền ưu tiên mua cổ phần cho cổ đông khác trong công ty, người nhận chuyển nhượng là cổ đông hiện hữu, qua việc nhận chuyển nhượng sẽ làm tăng tỷ lệ sở hữu của cổ đông đó trong công ty. Việc chuyển nhượng này phù hợp với phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu của công ty. Cổ đông nhận chuyển nhượng quyền ưu tiên mua cổ phần có nghĩa vụ thực hiện việc thanh toán đầy đủ, đúng hạn số cổ phần đã nhận chuyển nhượng quyền mua cho công ty và cổ đông đó sẽ tăng tỷ lệ cổ phần sở hữu của mình trong công ty.
- Trường hợp chuyển nhượng quyền ưu tiên mua cổ phần cho người không phải cổ đông, thì người nhận chuyển nhượng không phải cổ đông hiện hữu của công ty. Vậy sau khi nhận chuyển nhượng, họ có thể trở thành cổ đông công ty hay không? Vấn đề này hiện nay chưa đề cập trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 và trên thực tiễn có nhiều quan điểm khác nhau về hệ quả của giao dịch này:
+ Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc cổ đông hiện hữu chuyển nhượng quyền ưu tiên mua cổ phần của mình cho người không phải cổ đông không vi phạm phương án tăng vốn bằng hình thức chào bán cho cổ đông hiện hữu của công ty, bởi quyền chuyển nhượng quyền ưu tiên mua cổ phần đã được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 124 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Vì vậy, cổ đông có quyền chuyển nhượng cho bất kỳ ai. Người nhận chuyển nhượng hoặc cổ đông đã chuyển nhượng thực hiện thanh toán đủ và các thủ tục để được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông. Kể từ thời điểm đó, người mua cổ phần trở thành cổ đông của công ty.
+ Quan điểm thứ hai cho rằng, việc chuyển nhượng quyền ưu tiên mua cổ phần của cổ đông hiện hữu cho người không phải cổ đông công ty là vi phạm phương án phát hành cổ phần của công ty, vì thế giao dịch trên không có hiệu lực. Hay nói cách khác, số cổ phần tương ứng với số chuyển nhượng quyền mua của cổ đông hiện hữu cho những người mới không phải là cổ đông công ty không được xem xét vì không đúng quy định. Nếu công ty muốn tăng đủ vốn điều lệ theo phương án phát hành, thì công ty phải thực hiện chào bán cổ phần riêng lẻ (đối với công ty chưa niêm yết) theo quy định tại Điều 123 Luật Doanh nghiệp năm 2014 để bán cho người chưa phải là cổ đông công ty trước khi thực hiện thủ tục tăng vốn điều lệ tại phòng đăng ký kinh doanh. Hoặc công ty chỉ được đăng ký các thủ tục để thay đổi vốn điều lệ tăng lên tương ứng với số tiền thu được từ việc bán cổ phần cho các cổ đông hiện hữu của công ty.
Có thể thấy rằng, quyền ưu tiên mua cổ phần là một quyền tài sản của cổ đông, vì thế cổ đông có quyền chuyển nhượng quyền này cho bất kỳ ai (là cổ đông hoặc chưa là cổ đông của công ty). Khi công ty có phương án phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ cho các cổ đông hiện hữu, công ty phải thông báo đến cổ đông về số cổ phần và tỷ lệ cổ phần hiện có của cổ đông tại công ty; tổng số cổ phần dự kiến chào bán và số cổ phần cổ đông được quyền mua; giá chào bán cổ phần; thời hạn đăng ký mua; họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty. Kèm theo thông báo phải có mẫu phiếu đăng ký mua cổ phần do công ty phát hành. Trường hợp phiếu đăng ký mua cổ phần không được gửi về công ty đúng hạn như thông báo thì cổ đông có liên quan coi như đã không nhận quyền ưu tiên mua (điểm b khoản 2 Điều 124 Luật Doanh nghiệp năm 2014). Những quy định trên là sự gợi mở cho việc hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật nhằm phản ánh và ghi nhận đúng bản chất của quyền ưu tiên mua cổ phần từ khía cạnh quyền tài sản của cổ đông trong loại hình công ty cổ phần.
Trong thực tiễn, vừa qua có Tòa án nhân dân thụ lý giải quyết yêu cầu của người không phải là cổ đông công ty nhận chuyển nhượng quyền ưu tiên mua cổ phần của cổ đông, nhưng không được công ty thừa nhận và ghi vào sổ đăng ký cổ đông để trở thành cổ đông công ty[3]. Cũng trong nội dung vụ việc cho thấy, chính cơ quan nhà nước có thẩm quyền có những lý giải không thống nhất với nhau, dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình xử lý vụ việc. Việc doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng, đầy đủ đã dẫn đến quá trình thực hiện pháp luật và áp dụng pháp luật của các chủ thể gặp nhiều khó khăn, mất thời gian, tài chính và tổn hại đến các quan hệ giữa các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế.
Tác giả cho rằng, cần xem xét quyền ưu tiên mua cổ phần dựa vào bản chất của quyền tài sản, chủ sở hữu quyền tài sản có các quyền được pháp luật dân sự quy định. Trong đó có quyền định đoạt quyền ưu tiên đó bằng cách chuyển nhượng cho cổ đông hoặc người không phải là cổ đông. Giao dịch chuyển nhượng quyền mua phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục được cơ quan quản lý công ty quyết định dựa trên quy định của điều lệ công ty. Tuy nhiên, những vấn đề pháp lý liên quan đến quyền ưu tiên mua cổ phần và chuyển nhượng quyền này cần phải được luật hóa để tạo ra cơ sở pháp lý minh bạch và thống nhất cho các chủ thể áp dụng.
Ba là, về vấn đề từ bỏ quyền ưu tiên mua cổ phần của cổ đông. Về cơ bản, cổ đông có thể tự mình hoặc thông qua quyết định của cơ quan quản lý trong công ty để không thực hiện hoặc từ bỏ quyền ưu tiên mua cổ phần của mình. Tuy nhiên, từ bỏ quyền mua cổ phần của cổ đông sẽ được thực hiện như thế nào và cơ quan nào trong công ty có thể ra quyết định về việc từ bỏ quyền cổ phần của cổ đông, thì quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành chưa điều chỉnh, mà mới chỉ dự liệu trường hợp số lượng cổ phần dự kiến chào bán không được cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua đăng ký mua hết (khoản 3 Điều 124 Luật Doanh nghiệp năm 2014). Vì chưa có cơ sở pháp lý cụ thể cho vấn đề này, nên mỗi công ty cổ phần lại có cách làm khác nhau.
Bốn là, thời hạn thực hiện chuyển quyền ưu tiên mua cổ phần. Về nguyên tắc, việc chuyển nhượng quyền ưu tiên mua cổ phần phải được thực hiện trong thời hạn theo quyết định của công ty. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp hiện hành chưa có quy định rõ ràng về việc người được chuyển nhượng có cần phải đăng ký với công ty để mua cổ phần hay cổ đông phải đăng ký mua cổ phần thay cho người nhận chuyển nhượng. Nếu hết thời hạn, mà cổ đông không mua và không chuyển nhượng quyền ưu tiên của mình, thì hội đồng quản trị của công ty có quyền huy động cổ đông khác hoặc người khác mua cổ phần.
Ngoài ra, vẫn còn tồn tại những vấn đề như Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định cho phép cổ đông hiện hữu có quyền ưu tiên mua cổ phần mới do công ty chào bán để tăng vốn điều lệ, không có quy định quyền ưu tiên mua các loại chứng khoán khác. Vấn đề đặt ra là công ty có thể quy định trong điều lệ về quyền ưu tiên mua các loại chứng khoán như trái phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi được không? Về nguyên tắc, nếu pháp luật không cấm, thì công ty có quyền quy định trong điều lệ. Tuy nhiên, cần phải có quy định pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho quyền ưu tiên mua các loại chứng khoán khác mà công ty cổ phần phát hành.
Quyền ưu tiên mua cổ phần nằm trong nhóm những quyền cơ bản của cổ đông phổ thông được dựa trên tỷ lệ cổ phần sở hữu trong công ty cổ phần. Hiện nay, pháp luật các nước trên thế giới đều có những quy định về quyền ưu tiên mua cổ phần của cổ đông hiện hữu được thể hiện dưới hình thức một giấy bảo đảm quyền mua cổ phần mà công ty cổ phần cấp cho cổ đông. Trong giấy này có ghi rõ số lượng cổ phần được quyền ưu tiên mua. Nếu cổ đông không muốn hưởng quyền ưu tiên này, thì họ sẽ bán giấy đó đi. Giấy bảo đảm này được mua bán trên thị trường chứng khoán như là một loại chứng khoán[4]. Có thể thấy, rằng, việc điều chỉnh những vấn đề của quyền ưu tiên mua cổ phần là một nhu cầu đặt ra cho Luật Doanh nghiệp hiện nay ở Việt Nam. Do đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà làm chính sách cần phải xem xét, nghiên cứu để đưa ra các kiến nghị, đề xuất nhằm đưa ra những quy định để hoàn thiện pháp luật về quyền ưu tiên mua cổ phần của cổ đông trong công ty cổ phần.
ThS. Nguyễn Văn Lâm
Viện Kinh tế và Quản lý - Đại học Bách khoa Hà Nội
[1]. Theo khoản 1 Điều 105 và Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[2]. Lê Hồng Phúc và Vũ Thị Huệ, Góc nhìn khác về quyền ưu tiên của cổ đông lớn, theo http://cafef.vn/thi-truong-chung-khoan/goc-nhin-khac-ve-quyen-uu-tien-cua-co-dong-lon-2008110907575633.chn
[3]. Tòa án nhân dân TP. Đà Nẵng, Bản án số 04/2019/KDTM-ST ngày 06/6/2019 về việc “Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty”.
[4]. Từ Thảo (2010), Bàn thêm về quyền ưu tiên mua cổ phần, theo https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2010/10/26/ ba%CC%80n-thm-v%CC%80-quy%CC%80n-%C6%B0u-tin-mua-c%CC%89-ph%CC%80n/.