Abstract: A lot of advantages have shown in the legal basis for the elderly to enjoy their right on taking care of and looking after once they are in aging time, illness or poverty, yet the provisions of the existing law on social patronage to the elderly still reveal their inadequacy. This article analyzes these shortcomings, hence, proposes amendments to some provisions to further ensure social patronage benefits for the elderly in the context of rapid population aging in Vietnam now.
Là một nội dung quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội đối với người cao tuổi, chế độ bảo trợ xã hội (BTXH) đối với người cao tuổi ở Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Ngay từ khi đất nước giành được chính quyền năm 1945, BTXH nói chung, trong đó có BTXH đối với người cao tuổi nói riêng đã được quy định trong Hiến pháp năm 1946[2]. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian dài do hoàn cảnh đất nước khó khăn nên các hoạt động BTXH nói chung, BTXH đối với người cao tuổi nói riêng chưa được cụ thể trong các văn bản pháp luật. Từ năm 2000, với sự ra đời của Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09/3/2000 của Chính phủ về chính sách cứu trợ xã hội, chế độ BTXH đối với người cao tuổi mới được quy định cụ thể[3]. Đến nay, qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, chế độ BTXH đối với người cao tuổi ngày càng hoàn thiện. Hiện nay, chế độ BTXH đối với người cao tuổi được đề cập cụ thể, trực tiếp trong Luật Người cao tuổi năm 2009 (từ Điều 17 đến Điều 20) và Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Các quy định này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm các chế độ BTXH đối với người cao tuổi khi họ khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, do đời sống kinh tế - xã hội không ngừng phát triển và thay đổi, các quy định về chế độ BTXH đối với người cao tuổi dần bộc lộ những bất cập như: Đối tượng người cao tuổi hưởng BTXH chưa bao quát được những người cao tuổi khó khăn trong thực tế; mức hưởng các chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng còn thấp; nhiều người cao tuổi không có thu nhập, không có nguồn trợ cấp nào khác chưa có thẻ bảo hiểm y tế,… Trong khi đó, Việt Nam hiện đang là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh liên tục từ 7,1% (năm 1989) lên 8,7% (năm 2009), 10,2% (năm 2014) và 11,1% (năm 2017) dân số. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi ở Việt Nam chiếm 17% và năm 2050 là 25% dân số[4]. Số lượng người cao tuổi gia tăng nhanh chóng như vậy sẽ là thách thức rất lớn về đáp ứng nhu cầu bảo đảm đời sống, chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh,… đối với người cao tuổi.
Trước thực trạng pháp luật cũng như yêu cầu đặt ra, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu của “Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020”[5] cần phải có những giải pháp. Trong đó, giải pháp quan trọng cần làm trước hết là sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật hiện hành về chế độ BTXH đối với người cao tuổi, cụ thể 04 vấn đề sau đây:
Thứ nhất, về đối tượng người cao tuổi hưởng chế độ bảo trợ xã hội
Đối tượng người cao tuổi hưởng chế độ BTXH được hiểu là cá nhân công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên[6], có đủ điều kiện do pháp luật quy định. Theo khoản 5 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, hiện có 03 nhóm đối tượng người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, đó là: (i) Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng; (ii) Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc đối tượng nêu trên nhưng không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng; (iii) Người đủ 60 tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng.
Theo quy định này thì người cao tuổi không thuộc hộ nghèo, có người phụng dưỡng nhưng không có nguồn thu nhập (không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng), phải đủ 80 tuổi trở lên mới là đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Quy định này chưa phù hợp với thực tế đời sống của người cao tuổi. Bởi tính từ khi người cao tuổi được xác định là hết khả năng lao động (thông thường là nam trên 60 tuổi, nữ trên 55 tuổi theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014) đến khi được hưởng trợ cấp xã hội thì ít nhất phải sau 20 năm (đối với nam), sau 25 năm (đối với nữ). Trong khoảng thời gian đó, chỉ độ tuổi từ 60 - 70 mới có thể tham gia lao động sản xuất, còn nhóm từ 70 - 75 tuổi thì thu nhập giảm sút do sức khoẻ ngày càng suy yếu, riêng nhóm từ 75 - 79 tuổi hầu hết ít tham gia lao động sản xuất, lại thường xuyên ốm đau, bệnh tật, đòi hỏi được nuôi dưỡng, chăm sóc nhiều hơn[7].
Theo báo cáo của Ủy ban quốc gia về người cao tuổi, năm 2016 cả nước có 10.144.400 người cao tuổi, thì số người có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng khác chỉ 4.349.200 người (chiếm khoảng 46,0%)[8]. Như vậy, còn khoảng 54% người cao tuổi không có nguồn thu nhập nào khác, sống phụ thuộc vào con cái từ sinh hoạt hàng ngày đến chăm sóc, nuôi dưỡng khi đau yếu, bệnh tật, nhất là người cao tuổi thuộc hộ nghèo bị mắc bệnh nan y, người cao tuổi sống cô đơn,…
Vì thế, để bảo đảm nguyên tắc hưởng BTXH là quyền cơ bản của con người và việc tiếp cận BTXH phải trên cơ sở bình đẳng đối với tất cả người cao tuổi khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đồng thời nhằm thực hiện mục đích đặt ra trong Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012 - 2020, nên pháp luật cần mở rộng đối tượng người cao tuổi hưởng BTXH. Theo đó, cần giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hàng tháng xuống 75 tuổi thay vì 80 tuổi như hiện nay đối với người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng.
Thực tế, việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đã được tỉnh Bắc Ninh thực hiện thành công[9]. Đây là minh chứng để cơ quan có thẩm quyền tham khảo nhằm sửa đổi quy định hiện hành theo hướng mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi trong phạm vi cả nước.
Ngoài ra, với mục đích chỉ trợ cấp đối với những người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như hiện nay về cơ bản là phù hợp, được cân đối với nguồn ngân sách chi trả, song các quy định này chưa tính đến các yếu tố đặc thù của các nhóm người cao tuổi là nữ, người cao tuổi mắc bệnh hiểm nghèo,… Do vậy, cùng với giảm độ tuổi hưởng trợ cấp cho nhóm đối tượng không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, cũng như nhóm người cao tuổi khuyết tật, pháp luật cần dựa vào các đặc điểm về giới tính, tình trạng bệnh tật (mắc bệnh hiểm nghèo),… để bổ sung các nhóm đối tượng người cao tuổi hưởng BTXH, tiến tới phổ cập BTXH đối với mọi người cao tuổi không có thu nhập.
Thứ hai, về chế độ trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng
Chế độ trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng là chế độ BTXH cơ bản đối với người cao tuổi, được Nhà nước chi trả thường xuyên hàng tháng khi người cao tuổi sinh sống cùng gia đình, người thân, nhằm bảo đảm đời sống hàng ngày và góp phần chăm sóc sức khỏe đối với người cao tuổi. Theo quy định, chế độ trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng gồm: Chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng và chế độ bảo hiểm y tế.
- Chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng: Đây là chế độ trợ cấp bằng tiền được Nhà nước trả hàng tháng để nuôi dưỡng người cao tuổi. Mức trợ cấp dựa vào mức chuẩn được Nhà nước xây dựng, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế đất nước và mức sống tối thiểu dân cư từng thời kỳ.
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, mức chuẩn trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi là 270.000 đồng. Mức chuẩn này là căn cứ xác định mức trợ cấp hàng tháng đối với người cao tuổi. Tùy vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương (cấp tỉnh) mà địa phương quy định mức chuẩn trợ giúp cao hơn. Ví dụ: Hiện nay, TP. Hà Nội quy định mức chuẩn trợ cấp xã hội là 350.000 đồng, TP. Hồ Chí Minh là 380.000 đồng[10].
So với trước[11], mức chuẩn trợ giúp hiện nay đã thể hiện sự nỗ lực lớn của Chính phủ trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, song so với mức sống tối thiểu của xã hội thì mức chuẩn trợ giúp này là quá thấp, chỉ bằng khoảng 38% so với chuẩn nghèo nông thôn và 30% chuẩn nghèo thành thị trong giai đoạn 2016 - 2020, bằng 20% so với mức sống tối thiểu[12]. Theo đó, mỗi ngày người cao tuổi chỉ được 9.000 đồng[13]. Vì vậy, pháp luật cần điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội dựa trên mức sống tối thiểu, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Theo đó, cần phải có lộ trình tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho người cao tuổi để tiến dần đến mức sống tối thiểu.
Ngoài ra, mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định một mức chung như hiện nay là chưa tính đến các yếu tố về chỉ số giá sinh hoạt cũng như mức sống tối thiểu của dân cư như nguyên tắc chính sách BTXH đã đặt ra. Vì thế, cần quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội theo vùng thay vì quy định một mức chuẩn chung như hiện nay. Quy định như vậy sẽ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng, mức sống của dân cư trong vùng và chỉ số giá sinh hoạt của các vùng/địa phương. Từ đó mà mức trợ cấp xã hội hàng tháng và các chế độ hỗ trợ khác mới có thể dần đáp ứng được mức sống tối thiểu thực tế của người cao tuổi.
- Chế độ bảo hiểm y tế: Theo quy định hiện hành, khi người cao tuổi đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thì đồng thời được Nhà nước đóng bảo hiểm y tế[14]. Như vậy, người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng trong độ tuổi 60 - 79 phải tự đóng bảo hiểm y tế. Quy định này, theo chúng tôi cũng cần xem xét, nhất là đối với nhóm người cao tuổi từ 75 - 79 tuổi. Bởi những người trong độ tuổi này hầu hết không còn tham gia lao động sản xuất và vì thế không có thu nhập. Đặc biệt ở độ tuổi này, họ thường xuyên ốm đau, bệnh tật. Trong khi đó số người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế còn thấp, chỉ chiếm 54,9% so với tỷ lệ chung là 72,3%[15].
Đây là thực tế đáng lo ngại, bởi trong khi mức sống còn thấp chưa đủ ăn uống sinh hoạt hàng ngày, nếu không được cấp thẻ bảo hiểm y tế thì người cao tuổi sẽ rất khó khăn khi ốm đau, bệnh tật. Vì thế, pháp luật cần bổ sung chế độ hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người từ 75 - 79 tuổi mà không có trợ cấp xã hội hàng tháng, không có nguồn thu nhập nào khác, nhằm góp phần thực hiện hiện tốt mục tiêu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cũng như mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Thứ ba, về chế độ hỗ trợ chi phí mai táng và tổ chức mai táng khi người cao tuổi chết
Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, đối tượng là người cao tuổi được hỗ trợ chi phí mai táng khi chết bao gồm: (i) Người từ đủ 60 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP; (ii) Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác. Ngoài ra, người cao tuổi (không thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng) bị chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn; tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng khác được xem xét hỗ trợ chi phí mai táng. Mức hỗ trợ chi phí mai táng cho người cao tuổi trong các trường hợp này bằng 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội.
Như vậy, việc hỗ trợ mai táng chủ yếu chỉ áp dụng đối với người cao tuổi trong các trường hợp trên vô hình trung đã loại trừ đối tượng người cao tuổi dưới 80 tuổi, nhất là nhóm người từ 75 - 79 tuổi mà không có nguồn trợ cấp nào khác là không hợp lý. Bởi độ tuổi 75 - 79 là độ tuổi thọ trung bình ở Việt Nam, nếu không có nguồn hỗ trợ thì các chi phí mai táng là gánh nặng lớn cho con cái. Vì thế, pháp luật cần bổ sung quy định hỗ trợ chi phí mai táng cho nhóm người cao tuổi từ 75 - 79 tuổi.
Cùng với đó, cần tăng mức hỗ trợ chi phí mai táng đối với người cao tuổi. Bởi mức hỗ trợ mai táng hiện nay bằng 20 lần mức chuẩn (5.400.000 đồng) là quá thấp, chưa tính đến những biến động của giá dịch vụ tang lễ trong thời điểm hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Thứ tư, về chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tại các cơ sở chăm sóc
Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi được hiểu là các chế độ/quyền lợi người cao tuổi được hưởng khi chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở tập trung theo quy định. Theo Điều 20 Luật Người cao tuổi năm 2009, cơ sở chăm sóc người cao tuổi bao gồm: (i) Cơ sở bảo trợ xã hội; (ii) Cơ sở tư vấn, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi; (iii) Cơ sở chăm sóc người cao tuổi khác. Hiện nay, pháp luật chỉ quy định cụ thể quyền lợi của người cao tuổi khi được tiếp nhận vào cở sở BTXH do Nhà nước thành lập và quản lý khi có đủ điều kiện, còn quyền lợi người cao tuổi tự nguyện sống tại cơ sở BTXH hoặc các cơ sở tư nhân như Viện dưỡng lão, trung tâm điều dưỡng,… hoàn toàn được thực hiện theo hợp đồng dịch vụ chăm sóc ký kết giữa người ủy nhiệm/người có quyền và nghĩa vụ phụng dưỡng người cao tuổi với cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi. Người cao tuổi khi đủ điều kiện được tiếp nhận vào cơ sở BTXH và được hưởng các chế độ nhất định. Quy định này có một số vấn đề cần trao đổi sau đây:
- Điều kiện người cao tuổi được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội: Cơ sở BTXH là điểm đến cuối cùng khi người cao tuổi không thể sống độc lập ở cộng đồng, có chi phí thấp so với các cơ sở chăm sóc người cao tuổi tư nhân. Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Người cao tuổi năm 2009, người cao tuổi được tiếp nhận vào cơ sở BTXH là: “Người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, có nguyện vọng và được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội”.
Theo quy định này, điều kiện tiếp nhận người cao tuổi vào sống trong cơ sở BTXH hiện nay phải thuộc hộ gia đình nghèo. Theo chúng tôi, quy định như vậy đã phần nào làm hạn chế cơ hội được chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tại cơ sở BTXH. Bởi trong bối cảnh số lượng người cao tuổi ngày càng tăng, người cao tuổi sống cô đơn ngày càng phổ biến, nhiều gia đình không thuộc hộ nghèo nhưng do con cái bận rộn hoặc ở xa, không có thời gian, điều kiện chăm sóc bố mẹ già, nếu được tiếp nhận vào cơ sở tập trung họ sẽ được chăm sóc tốt hơn. Song không phải gia đình người cao tuổi nào cũng có khả năng kinh tế để đưa bố mẹ vào cơ sở BTXH theo hợp đồng dịch vụ chăm sóc.
Để bảo đảm quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng và nhất là đáp ứng nhu cầu thực tế của người cao tuổi trong bối cảnh hiện nay, pháp luật cần bãi bỏ điều kiện người cao tuổi thuộc hộ nghèo, chỉ cần quy định điều kiện người cao tuổi có hoàn cảnh neo đơn, không có điều kiện sống ở cộng đồng, có nguyện vọng thì được tiếp nhận vào cơ sở BTXH và được hưởng các quyền lợi BTXH.
- Chế độ đối với người cao tuổi khi chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội: Người cao tuổi khi sống tại cơ sở BTXH được hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng như: Được hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng bằng 4,0 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội; được cấp thẻ bảo hiểm y tế; được hỗ trợ chi phí mai táng khi chết với mức bằng 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội; được cấp vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày, chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng, thuốc chữa bệnh[16].
Có thể thấy rằng, chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tại cơ sở BTXH khá toàn diện với các hình thức đa dạng, đã phần nào khắc phục khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày của người cao tuổi. Tuy nhiên, quy định mức trợ cấp áp dụng một hệ số như hiện nay (trong bối cảnh cần mở rộng đối tượng được tiếp nhận vào cơ sở BTXH) là không linh hoạt. Vì thế, cùng với việc mở rộng đối tượng người cao tuổi được tiếp nhận vào cơ sở BTXH như trên, pháp luật cần quy định linh hoạt chế độ hưởng tùy vào mức độ khó khăn của từng nhóm đối tượng người cao tuổi, trong đó quy định các mức hệ số tính trợ cấp là 2,0; 3,0; 4,0 thay vì quy định một mức hệ số 4,0 như hiện nay. Quy định như vậy sẽ giúp giảm bớt khó khăn về kinh phí khi số lượng người cao tuổi tại cơ sở BTXH tăng lên trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho BTXH đối với người cao tuổi còn eo hẹp.
- Về cơ sở chăm sóc người cao tuổi
Cùng với các cơ sở BTXH do Nhà nước thành lập và quản lý, các cơ sở chăm sóc người cao tuổi khác như viện dưỡng lão, trung tâm điều dưỡng tư nhân ngày càng phát triển với nhiều hình thức đa dạng, nhằm đáp ứng nhu cầu lựa chọn nơi sinh sống theo ý muốn của người cao tuổi. Nhiều gia đình do quy mô ít con, hoặc con sinh sống ở xa, không có điều kiện, thời gian phụng dưỡng bố mẹ đã lựa chọn phương án đưa bố mẹ vào cơ sở BTXH hoặc viện dưỡng lão để được các nhân viên có chuyên môn, có kinh nghiệm chăm sóc.
Tuy nhiên, do giá dịch vụ cao nên viện dưỡng lão tư nhân chủ yếu dành cho người cao tuổi có điều kiện kinh tế khá giả. Trong khi phần lớn người cao tuổi có thu nhập thấp, không có lương hưu hoặc có nhưng mức lương hưu thấp thì ước mơ vào viện dưỡng lão tư nhân là quá xa vời.
Hiện nay, ở Việt Nam, Nhà nước chưa thành lập cơ sở chăm sóc riêng cho người cao tuổi. Dù đã có 182 cơ sở BTXH do Nhà nước thành lập và quản lý[17], nhưng các cơ sở này đều dành chung cho những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa bao gồm cả trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng, trẻ em và người nhiễm HIV, trẻ em và người khuyết tật, các đối tượng bảo vệ khẩn cấp như người bị bạo lực gia đình, người là nạn nhân buôn bán người,… và được phân bổ theo địa giới hành chính, mỗi tỉnh/thành từ 01 đến 03 cơ sở. Tình trạng chung của các cơ sở này là thiếu về nhân lực (10 người bệnh mới có 01 nhân viên chăm sóc), cơ sở vật chất tại các cơ sở này cũng vô cùng nghèo nàn, không có dụng cụ tập phục hồi chức năng, không có các hoạt động vui chơi, giải trí riêng cho người cao tuổi[18]. Trong khi đó, do đặc điểm về tuổi cao, sức yếu, tâm sinh lý thay đổi, người cao tuổi cần phải có chế độ chăm sóc riêng về ăn uống, sinh hoạt, phục hồi chức năng, khám chữa bệnh.
Trước thực trạng này, Nhà nước cần đầu tư phát triển hệ thống riêng các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, đó là các viện dưỡng lão, bằng việc quy định cụ thể số lượng viện dưỡng lão được thành lập trên cơ sở số lượng người cao tuổi ở địa bàn/cụm địa bàn. Ví dụ, cứ địa bàn/cụm địa bàn có từ 3.000 đến 5.000 người cao tuổi phải thành lập 01 viện dưỡng lão có đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, đủ nhân viên, hộ lý, điều dưỡng, bác sỹ. Theo đó, quy định viện dưỡng lão này hoàn toàn hoạt động tự chủ như các đơn vị sự nghiệp công lập khác.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Nghiên cứu này được thực hiện trong khuôn khổ đề tài: “Pháp luật an sinh xã hội đối với người cao tuổi ở Việt Nam - Thực trạng và phương hướng hoàn thiện”, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2017.
[2]. Điều 14 Hiến pháp năm 1946 quy định: “Những công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ”.
[3]. Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09/3/2000 của Chính phủ về chính sách cứu trợ xã hội; Nghị định số 168/2004/NĐ-CP ngày 20/9/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09/3/2000 của Chính phủ về chính sách cứu trợ xã hội; Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.
[4]. Báo Tuổi trẻ, 70% người cao tuổi ở Việt Nam không nhận được trợ cấp, https://tuoitre.vn/70-so-nguoi-cao-tuoi-o-viet-nam-khong-nhan-duoc-tro-cap-1354123.htm, truy cập ngày 05/7/2018.
[5]. Một trong các mục tiêu đặt ra trong Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020 là: “Nâng cao chất lượng đời sống vật chất của người cao tuổi; hoàn thiện chính sách trợ giúp và bảo trợ xã hội hướng tới đảm bảo mức sống tối thiểu cho người cao tuổi; phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ và cơ sở chăm sóc người cao tuổi, chú trọng người cao tuổi khuyết tật, người cao tuổi thuộc diện nghèo không có người phụng dưỡng, người cao tuổi dân tộc thiểu số”. Xem: Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020.
[6]. Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009.
[7]. Hoàng Mạnh, 62% người cao tuổi Việt Nam chưa có lương hưu hoặc trợ cấp tuổi già, http://dantri.com.vn/viec-lam/62-nguoi-cao-tuoi-vn-chua-co-luong-huu-hoac-tro-cap-tuoi-gia-20150909100344502.htm, truy cập ngày 11/7/2018.
[8]. Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khoá 13, Già hóa dân số và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng ở Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, 2015, tr.13 và Lan Hương, Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi: Khoảng trống còn lớn, http://daidoanket.vn/xa-hoi/dich-vu-cham-soc-nguoi-cao-tuoi-khoang-trong-con-lon-tintuc353292, truy cập ngày 10/7/2018.
[9]. Nghị quyết số 122/2014/NQ-HĐND17 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh quy định người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi hưởng trợ cấp hàng tháng là 135.000 đồng/người/tháng.
[10]. Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND ngày 27/3/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về điều chỉnh một số chế độ, chính sách hỗ trợ cho đối tượng bảo trợ xã hội; Quyết định số 78/2014/QĐ-UBND ngày 31/10/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về quy định mức trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng sống tại cộng đồng và tại các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
[11]. Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09/3/2000 của Chính phủ về chính sách cứu trợ xã hội quy định mức trợ cấp cứu trợ xã hội thường xuyên tối thiểu là 45.000 đồng; Nghị định số 168/2004/NĐ-CP ngày 20/9/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09/3/2000 của Chính phủ về chính sách cứu trợ xã hội quy định mức trợ cấp cứu trợ xã hội thường xuyên thấp nhất là 65.000 đồng; Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội quy định mức chuẩn để xác định mức trợ cấp xã hội hàng tháng là 120.000 đồng; Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội quy định mức chuẩn để xác định mức trợ cấp xã hội hàng tháng là 180.000 đồng.
[12]. Tờ trình số 59/TTr- BLĐTBXH ngày 14/8/2015 đề nghị phê duyệt đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2010” đề xuất mức sống tối thiểu là 1,3 triệu đồng/người/tháng.
[13]. Mai Long, Tiền trợ cấp cho người cao tuổi đủ mua ổ bánh mì mỗi ngày, http://baophapluat.vn/dan-sinh/tien-tro-cap-cho-nguoi-cao-tuoi-du-mua-o-banh-mi-moi-ngay-292727.html, truy cập ngày 05/7/2018.
[14]. Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014); khoản 1 Điều 18 Luật Người cao tuổi và khoản 1 Điều 9 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP.
[15]. Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa 13, Già hóa dân số và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng ở Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, 2015, tr.13.
[16]. Khoản 2 Điều 18 Luật Người cao tuổi năm 2009 và Điều 26 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP.
[17]. Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chính sách, pháp luật Asean về lao động và các vấn đề xã hội - tính tương thích của pháp luật Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Hà Nội tháng 12/2016, tr. 88.
[18]. Mạnh Kiên, Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi ở nước ta: Thiếu và yếu, https://baomoi.com/dich-vu-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-o-nuoc-ta-thieu-va-yeu/c/20503791.epi, truy cập ngày 05/7/2018.