Thực tế thời gian qua, việc áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Do đó, việc xem xét, đánh giá các quy định của pháp luật, nhất là vào thời điểm đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết hướng dẫn Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Bộ luật 2015) về BPKCTT thay thế Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định tại Chương VIII “Các BPKCTT” của Bộ luật Tố tụng dân sự (Nghị quyết số 02/2005) là vô cùng cần thiết.
1. Về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Tại Điều 111 Bộ luật 2015 có quy định về quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT. Tuy nhiên, Bộ luật 2015 và Nghị quyết số 02/2005 chưa quy định rõ phạm vi đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT nên trong thực tiễn phát sinh vướng mắc trong trường hợp bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập yêu cầu áp dụng BPKCTT thì Tòa án có chấp xem xét hay không.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, các đương sự đều có quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án bất kể họ có yêu cầu Tòa án giải quyết hay không[1]. Quan điểm thứ hai cho rằng, chỉ khi nào đương sự có yêu cầu và được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định pháp luật mới được yêu cầu áp dụng BPKCTT.
Tác giả thống nhất với quan điểm thứ hai. Bởi vì, mặc dù pháp luật tố tụng dân sự không quy định rõ đương sự có yêu cầu và được Tòa án thụ lý, giải quyết mới có quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT. Tuy nhiên, quy định về BPKCTT không được pháp luật tố tụng dân sự quy định một cách độc lập mà đi kèm với yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án cụ thể, yêu cầu đó có thể là yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập và phải đảm bảo các điều kiện được quy định tại Điều 111 và quy định về từng BPKCTT cụ thể mà Bộ luật 2015 quy định.
Bên cạnh đó, theo các điểm d, g khoản 1 Điều 138 Bộ luật 2015, Tòa án ra ngay quyết định hủy bỏ BPKCTT khi vụ án kết thúc do việc giải quyết vụ án được đình chỉ theo quy định của Bộ luật này và vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Chính vì vậy, trong trường hợp đương sự không có yêu cầu và được Tòa án thụ lý, giải quyết lại yêu cầu áp dụng BPKCTT mà trong trường hợp vụ án kết thúc thì BPKCTT vẫn còn tồn tại là không phù hợp.
Vì vậy, để có sự áp dụng thống nhất, kiến nghị bổ sung vào Điều 111 Bộ luật 2015 khoản 4 quy định về phạm vi đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT như sau: “4.Quyền yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT của đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự chỉ phát sinh khi yêu cầu áp dụng BPKCTT đó gắn liền với yêu cầu của đương sự được Tòa án thụ lý, giải quyết hoặc đang xem xét điều kiện thụ lý”.
2. Về trách nhiệm do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng
Một là, trách nhiệm của Tòa án do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng
Từ quy định tại Điều 113 Bộ luật 2015 có thể thấy, trường hợp Tòa án biết yêu cầu áp dụng BPKCTT của người yêu cầu không đúng quy định pháp luật mà Tòa án vẫn áp dụng thì Tòa án không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trong khi đó, nếu Tòa án áp dụng BPKCTT không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc không áp dụng BPKCTT mà không có lý do chính đáng nhưng gây thiệt hại thì vẫn phải bồi thường. Chính quy định này dẫn đến tâm lý của thẩm phán không quan tâm đến các điều kiện của từng BPKCTT mà Bộ luật 2015 quy định, qua đó, phát sinh một số sai sót được Tòa án nhân dân tối cao chỉ ra tại Phụ lục được ban hành kèm theo Chỉ thị số 03/2019/CT-CA ngày 30/12/2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc nâng cao chất lượng áp dụng các quy định về BPKCTT trong tố tụng dân sự (Chỉ thị số 03).
Để khắc phục các sai sót trong việc áp dụng BPKCTT một cách có hiệu quả, ràng buộc các thẩm phán cân nhắc và xem xét đầy đủ các điều kiện khi xem xét yêu cầu áp dụng BPKCTT, tác giả kiến nghị bổ sung trách nhiệm của Tòa án khi áp dụng BPKCTT không đúng điều kiện mà Bộ luật 2015 quy định, cụ thể, bổ sung điểm đ vào khoản 2 Điều 113 như sau: “đ) Khi biết BPKCTT bị yêu cầu không đúng quy định pháp luật nhưng vẫn áp dụng thì Tòa án có trách nhiệm liên đới với người yêu cầu bồi thường trong phạm vi tỷ lệ lỗi của Tòa án liên quan đến việc áp dụng BPKCTT không đúng”.
Hai là, về trách nhiệm của Chánh án giải quyết khiếu nại việc áp dụng hay không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Theo các quy định tại khoản 3 Điều 113 Bộ luật 2015; Điều 64 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017; khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính (Thông tư liên tịch số 01/2012) thì Tòa án phải bồi thường trong trường hợp áp dụng BPKCTT không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc cho người thứ ba, sau đó, công chức có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.
Tuy nhiên, pháp luật tố tụng dân sự quy định, sau khi thẩm phán áp dụng hoặc không áp dụng BPKCTT thì đương sự có quyền khiếu nại. Như vậy, trong trường hợp thẩm phán áp dụng hoặc không áp dụng BPKCTT sai nhưng khi đương sự khiếu nại, Viện kiểm sát kiến nghị, Chánh án giữ nguyên quyết định của thẩm phán và gây thiệt hại cho người khác thì Chánh án có trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay không vẫn chưa có cách hiểu và áp dụng thống nhất. Quan điểm thứ nhất cho rằng, thẩm phán phải chịu trách nhiệm bồi thường; quan điểm thứ hai cho rằng, Chánh án phải chịu trách nhiệm bồi thường; quan điểm thứ ba cho rằng, Chánh án và thẩm phán phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường.
Để nâng cao vai trò của Chánh án trong việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị áp dụng hay không áp dụng BPKCTT, tác giả kiến nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2012 hướng dẫn về trách nhiệm bồi thường của Chánh án như sau: “Khi giải quyết khiếu nại, kiến nghị việc áp dụng hoặc không áp dụng BPKCTT, Chánh án Tòa án không chấp nhận khiếu nại, kiến nghị và việc áp dụng hoặc không áp dụng BPKCTT bị khiếu nại, kiến nghị gây thiệt hại cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc cho người thứ ba thì Chánh án Tòa án liên đới chịu trách nhiệm bồi thường với thẩm phán đã ban hành văn bản áp dụng hoặc không áp dụng BPKCTT”.
3. Về thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Hiện nay, trình tự, thủ tục xem xét áp dụng BPKCTT được thực hiện theo Điều 133 Bộ luật 2015 và được hướng dẫn tại các mục 4, 5, 6 và 7 Nghị quyết số 02/2005. Tuy nhiên, việc áp dụng trình tự, thủ tục này trên thực tế phát sinh một số khó khăn, vướng mắc sau:
Về việc sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu: Khi người yêu cầu nộp đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng thì thẩm phán yêu cầu họ sửa đổi, bổ sung đơn. Tuy nhiên, do pháp luật tố tụng dân sự chưa quy định thời gian thực hiện nên việc ấn định thời gian để người yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn của các Tòa án là khác nhau. Điều này gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị yêu cầu trong trường hợp người yêu cầu áp dụng không có căn cứ. Vì vậy, để khắc phục hạn chế này, tác giả kiến nghị bổ sung vào Điều 133 Bộ luật 2015 thời gian tối đa mà Tòa án được ấn định để người yêu cầu áp dụng BPKCTT thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu. Hết thời gian được ấn định mà người yêu cầu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu của Tòa án thì Tòa án trả lại đơn yêu cầu cùng tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Bên cạnh đó, về nghĩa vụ nộp tài liệu, chứng cứ chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, khoản 1 Điều 133 Bộ luật 2015 quy định, tùy theo yêu cầu áp dụng BPKCTT mà người yêu cầu phải cung cấp cho Tòa án chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng BPKCTT đó. Đồng thời, tiểu mục 5.2 mục 5 Nghị quyết số 02/2005 quy định, nếu chứng cứ chưa đủ thì thẩm phán đề nghị người yêu cầu cung cấp bổ sung chứng cứ. Tuy nhiên, trường hợp người yêu cầu không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ hoặc yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ thì Tòa án có được tiến hành biện pháp thu thập chứng cứ hay không cũng chưa có hướng dẫn. Hiện nay, việc lạm dụng yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT diễn ra rất nhiều. Thông thường, người yêu cầu không trình bày đầy đủ thông tin hoặc trình bày qua loa, không rõ ràng về tài sản bị yêu cầu áp dụng BPKCTT và yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ để làm rõ. Khi đó, do sợ trách nhiệm bồi thường, thông thường, thẩm phán phải ban hành văn bản đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp thông tin. Chính vì vậy, vô hình trung, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của người yêu cầu chuyển sang Tòa án. Để tránh sự lạm dụng áp dụng BPKCTT như trong thời gian qua, kiến nghị cần bổ sung vào Điều 133 Bộ luật 2015 quy định nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của người yêu cầu áp dụng BPKCTT. Trong trường hợp, người yêu cầu không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, không đủ cơ sở để Tòa án đánh giá cho sự cần thiết phải áp dụng BPKCTT bị yêu cầu thì Tòa án trả lại đơn yêu cầu; không xem xét trách nhiệm thẩm phán trong trường hợp này.
Như vậy, tác giả kiến nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 133 như sau:
“1. …
Trường hợp đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT thiếu một trong các nội dung được quy định tại khoản này, người yêu cầu chưa cung cấp được chứng cứ chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng BPKCTT thì thẩm phán ấn định một khoảng thời gian để người yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu, giao nộp bổ sung chứng cứ nhưng không quá 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của Tòa án. Hết thời gian được ấn định mà người yêu cầu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu của Tòa án thì Tòa án trả lại đơn yêu cầu cùng tài liệu, chứng cứ kèm theo”.
Về giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản, khoản 4 Điều 133 Bộ luật 2015 quy định, trường hợp áp dụng BPKCTT quy định tại khoản 10 và khoản 11 Điều 114 Bộ luật 2015 thì chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng BPKCTT có nghĩa vụ phải thực hiện. Quy định này nhằm hạn chế gây thiệt hại cho người bị áp dụng BPKCTT trong trường hợp yêu cầu áp dụng BPKCTT đối với tài sản có giá trị lớn hơn so với nghĩa vụ mà họ phải gánh chịu. Tuy nhiên, quy định này tương đối cứng nhắc và chưa có hướng dẫn nên gây khó khăn trong quá trình áp dụng. Theo đó, nếu người có nghĩa vụ chỉ có một tài sản duy nhất, giá trị tài sản đó cao hơn mức yêu cầu nhưng không đáng kể và họ đang thực hiện thủ tục mua bán, chuyển nhượng thì có áp dụng hay không. Do chưa có hướng dẫn nên có nơi Tòa án chấp nhận áp dụng vì để đảm bảo thi hành án; có nơi Tòa án không áp dụng mà yêu cầu người yêu cầu phải lựa chọn tài sản khác để yêu cầu hoặc chuyển sang BPKCTT khác. Để tránh vướng mắc này, tác giả kiến nghị cần hướng dẫn cách xác định “tài khoản, tài sản có giá trị tương đương” với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng BPKCTT có nghĩa vụ phải thực hiện. Theo đó, tài sản hay tài khoản đó có giá trị bằng hoặc cao hơn không quá 20% nghĩa vụ mà người bị áp dụng phải thực hiện.
4. Về buộc thực hiện biện pháp bảo đảm
Theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật 2015, người yêu cầu Tòa án áp dụng một trong các BPKCTT quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10, 11, 15 và 16 Điều 114 Bộ luật 2015 phải nộp cho Tòa án chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Tòa án ấn định nhưng phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng BPKCTT không đúng.
Đồng thời, mục 8 Nghị quyết số 02/2005 hướng dẫn cách thức xác định chủ thể bị thiệt hại do áp dụng BPKCTT không đúng; căn cứ xác định thiệt hại thực tế có thể xảy ra. Theo đó, thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử phải dự kiến và tạm tính có tính chất tương đối thiệt hại thực tế có thể xảy ra trên cơ sở dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra của người yêu cầu áp dụng BPKCTT; hỏi ý kiến của người bị áp dụng BPKCTT.
Nếu như việc áp dụng BPKCTT là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu áp dụng, tránh gây trở ngại cho công tác giải quyết án của Tòa án và công tác thi hành án thì quy định áp dụng biện pháp bảo đảm nhằm bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng BPKCTT và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT từ phía người có quyền yêu cầu.
Tuy nhiên, trên thực tế, do thiệt hại thực tế từ việc áp dụng BPKCTT không đúng gây ra chưa xảy ra, việc tạm tính chỉ mang tính chất tương đối và quy định của pháp luật tố tụng dân sự về dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra tương đối phức tạp, chung chung, chưa cụ thể nên ít khi thẩm phán, Hội đồng xét xử dựa vào quy định của pháp luật tố tụng dân sự mà thường tự dự tính mức thiệt hại, dẫn đến sự tùy nghi. Theo đó, thiệt hại thực tế có thể xảy ra thường được tính dựa trên tỷ lệ phần trăm của giá trị tài sản bị áp dụng BPKCTT, có thể là 5%, 10%, 50%, thậm chí lên đến 100% do Tòa án tự tính hoặc thông qua hội đồng định giá. Có những trường hợp, không có hoặc chưa có căn cứ xác định “thiệt hại thực tế có thể xảy ra”, Tòa án vẫn đưa ra một số tiền để người yêu cầu áp dụng BPKCTT phải nộp vào tài khoản ngân hàng.
Bên cạnh đó, theo các khoản 2, 3 Điều 133 Bộ luật 2015, trong trường hợp yêu cầu áp dụng BPKCTT thuộc trường hợp phải thực hiện biện pháp bảo đảm thì Tòa án chỉ áp dụng khi người yêu cầu thực hiện xong biện pháp bảo đảm. Nếu yêu cầu áp dụng BPKCTT tại phiên tòa thì việc thực hiện biện pháp bảo đảm phải thực hiện xong trước khi Hội đồng xét xử vào phòng nghị án. Cho nên, với việc không quy định mức thiệt hại cụ thể có thể phát sinh, đương sự sẽ không biết được số tiền để chuẩn bị mà phụ thuộc vào sự đánh giá của Tòa án. Qua đó, Tòa án có thể dự tính với mức cao để hạn chế quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT của đương sự.
Để tránh sự tùy nghi trong việc xác định “thiệt hại thực tế có thể xảy ra”, kiến nghị sửa đổi, bổ sung căn cứ xác định “thiệt hại thực tế có thể xảy ra” dựa vào tỷ lệ % của giá trị tài sản bị áp dụng BPKCTT hoặc nghĩa vụ tài sản của người bị áp dụng BPKCTT (có thể bằng 30% giá trị tài sản bị áp dụng BPKCTT hoặc nghĩa vụ tài sản của người bị áp dụng BPKCTT) tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật 2015.
5. Về hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Theo các khoản 2, 3 Điều 138 Bộ luật 2015, khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật 2015, Tòa án ra ngay quyết định hủy bỏ BPKCTT đã được áp dụng. Trường hợp hủy bỏ BPKCTT, Tòa án phải xem xét, quyết định để người yêu cầu áp dụng BPKCTT nhận lại chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá quy định tại Điều 136 Bộ luật 2015, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật 2015[2]. Thủ tục ra quyết định hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT được thực hiện theo quy định về thủ tục áp dụng BPKCTT tại Điều 133 Bộ luật 2015. Trường hợp đã có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì việc giải quyết yêu cầu hủy quyết định áp dụng BPKCTT do một thẩm phán được Chánh án của Tòa án đã ra quyết định áp dụng BPKCTT phân công giải quyết. Việc áp dụng quy định này trong thực tiễn phát sinh một số bất cập như sau:
Một là, chưa có sự phân chia thủ tục hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các căn cứ khác nhau
Do thủ tục hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT cũng là thủ tục áp dụng BPKCTT nên phải có đơn yêu cầu; Chánh án phân công thẩm phán xem xét; trường hợp đơn yêu cầu thiếu nội dung, tài liệu, chứng cứ chưa đủ thì Thẩm phán yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu, cung cấp bổ sung tài liệu, chứng cứ… Đồng thời, do chưa có sự phân chia thủ tục hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT đối với các căn cứ khác nhau nên bất kể căn cứ hủy bỏ là gì thì thủ tục hủy bỏ cũng áp dụng như nhau. Trong khi đó, đối với một vài căn cứ hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT, Tòa án có thể tự nhận biết mà không cần phải có thêm tài liệu, chứng cứ chứng minh hay phải có đơn yêu cầu của đương sự.
Hai là, cần bổ sung thủ tục hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đương nhiên
Theo khoản 3 Điều 138 Bộ luật 2015, trường hợp đã có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì việc giải quyết yêu cầu hủy quyết định áp dụng BPKCTT do một thẩm phán được Chánh án của Tòa án đã ra quyết định áp dụng BPKCTT phân công giải quyết. Do không có ngoại lệ nên trong trường hợp bản án, quyết định đã được thi hành án xong thì nó vẫn còn hiệu lực và phải qua thủ tục hủy bỏ của Tòa án. Việc này là cứng nhắc, không kịp thời đảm bảo quyền lợi của người bị yêu cầu. Bởi vì, sau khi đã thực hiện xong nghĩa vụ mà bản án, quyết định của Tòa án ấn định và là căn cứ để tồn tại BPKCTT được áp dụng thì người bị yêu cầu phải làm đơn yêu cầu hủy bỏ và chờ Tòa án xem xét hủy bỏ theo trình tự, thủ tục do Bộ luật 2015 quy định.
Như vậy, để khắc phục những hạn chế nêu trên, tác giả kiến nghị (i) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 138 Bộ luật 2015: Phân chia thủ tục hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT thành hai trường hợp có yêu cầu của đương sự (trong trường hợp Tòa án không thể biết căn cứ hủy việc áp dụng BPKCTT nếu chỉ dựa vào hồ sơ vụ án, quy định pháp luật mà để biết được căn cứ hủy việc áp dụng BPKCTT phải dựa trên yêu cầu của đương sự và tài liệu, chứng cứ kèm theo, trong trường hợp này, thủ tục hủy bỏ áp dụng như thủ tục áp dụng BPKCTT) và Tòa án tự hủy bỏ (không cần phải theo thủ tục áp dụng BPKCTT đối với những căn cứ hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT mà Tòa án xác định được khi dựa vào hồ sơ vụ án, quy định pháp luật); (ii) Bổ sung vào khoản 3 Điều 138 Bộ luật 2015 quy định về BPKCTT bị hủy bỏ đương nhiên, theo đó, nếu nghĩa vụ theo bản án, quyết định của Tòa án đã được thi hành án xong thì thời điểm mà cơ quan thi hành án dân sự xác định việc thi hành án xong đó, BPKCTT đương nhiên bị hủy bỏ.
6. Về khiếu nại, kiến nghị việc áp dụng hay không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Một là, về người có quyền khiếu nại
Do Bộ luật 2015 (Điều 140) quy định chỉ đương sự mới có quyền khiếu nại nên việc xác định quyền khiếu nại sẽ phụ thuộc vào việc người bị thiệt hại có phải là đương sự hay không. Nếu vì một lý do nào đó mà người bị ảnh hưởng bởi BPKCTT do Tòa án áp dụng nhưng họ không phải và chưa được đưa vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì họ sẽ không có quyền hoặc sẽ hết thời hạn và không được trả lời khiếu nại. Để tháo gỡ vướng mắc này, tác giả kiến nghị bổ sung vào Điều 140 Bộ luật 2015 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ bị ảnh hưởng bởi quyết định áp dụng BPKCTT cũng có quyền khiếu nại như đương sự.
Hai là, về giá trị pháp lý của quyết định giải quyết khiếu nại
Theo các điều 140, 141 Bộ luật 2015, “đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị…”, Chánh án Tòa án phải xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị và quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án là quyết định cuối cùng và phải được cấp hoặc gửi ngay; tại phiên tòa, việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử và quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Hội đồng xét xử là quyết định cuối cùng. Như vậy, do quy định của pháp luật chưa cụ thể, rõ ràng nên sau khi Chánh án ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại vẫn khiếu nại đến Tòa án cấp trên và trong trường hợp khiếu nại có căn cứ thì Tòa án nhân dân cấp trên lại yêu cầu Tòa án cấp dưới khắc phục sai sót hoặc tiến hành áp dụng quy định về giải quyết khiếu nại tiếp theo được quy định tại Chương XLI về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự để giải quyết.
Để khắc phục hạn chế này, tác giả kiến nghị bổ sung vào khoản 2, khoản 3 Điều 141 Bộ luật 2015: Quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án, Hội đồng xét xử là quyết định “có hiệu lực thi hành”.
Tòa án nhân dân huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang