Tóm tắt: Bài viết bàn về việc định tội danh của một số tội thuộc chương các tội xâm phạm sở hữu, khi đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, đồng thời, đưa ra một số đề xuất hoàn thiện.
Abstract: The paper discusses the defining names of some crimes in the chapter: crimes against ownership, after having been administratively fined for asset appropriation in accordance with the provisions of the Criminal Code of 2015, and at the same time raises some completion suggestions.
Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018. Tuy nhiên, hiện nay, một số hướng dẫn thi hành trước đây không còn phù hợp với thực tế trong việc triển khai và áp dụng pháp luật nhưng chưa có văn bản mới thay thế, dẫn đến những khó khăn trong việc xử lý hình sự. Trong phạm vi bài viết này, tác giả bàn về việc định tội danh một số tội thuộc chương các tội xâm phạm sở hữu khi đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, một số bất cập trong việc hướng dẫn xử lý hình sự, đồng thời, có một số đề xuất hoàn thiện việc văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.
1. Các tội xâm phạm sở hữu
So với Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) vẫn giữ nguyên các tội danh được thuộc chương các tội xâm phạm sở hữu. Cụ thể, tại Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn bao gồm 13 tội danh từ Điều 168 đến Điều 180 quy định các tội có tính chất xâm phạm quyền sở hữu tài sản, điều khác biệt đó là thay đổi một số tình tiết định tội, định khung, mức hình phạt thể hiện nguyên tắc hình sự hóa và phi hình sự hóa theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta phù hợp với thực tế.
Trong số đó có 04 tội danh quy định tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản” là tình tiết định tội quy định tại khoản 1 các Điều 172 (Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản); Điều 173 (Tội trộm cắp tài sản); Điều 174 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản); Điều 175 (Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản), khi giá trị tài sản bị chiếm đoạt dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự mà trước đó người thực hiện hành vi vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản. Cả 04 tội danh trên đều có một số dấu hiệu chung như:
- Khách thể bị xâm hại đều là quan hệ sở hữu đã được Hiến pháp ghi nhận và được luật hình sự bảo vệ khỏi hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu giao trách nhiệm quản lý tài sản.
- Chủ thể của tội phạm: Là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định. Tuy nhiên, cần chú ý căn cứ vào tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người thực hiện hành vi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3, khoản 4 Điều 173 (Tội trộm cắp tài sản), còn đối với Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172), Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175) nếu người thực hiện hành vi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
- Dấu hiệu về định lượng là yếu tố thuộc cấu thành cơ bản của các tội danh trên. Trong đó, đối với Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172), Tội trộm cắp tài sản (Điều 173), Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 175) thì tài sản bị chiếm đoạt phải có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên, còn đối với Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175) là 4.000.000 đồng trở lên. Nếu tài sản bị xâm phạm dưới mức giá trị nêu trên thì phải thỏa mãn một trong các điều kiện như: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về một số tội quy định trong Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội… Trong đó có dấu hiệu chung là “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm”. Nghĩa là, người thực hiện một trong bốn hành vi nêu trên tuy chiếm đoạt tài sản dưới mức định lượng thuộc cấu thành cơ bản nhưng trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
2. Bất cập trong việc hướng dẫn xử lý hình sự
Hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa có văn bản hướng dẫn mới về các tội xâm phạm sở hữu, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn đang áp dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 hướng dẫn một số quy định các tội xâm phạm sở hữu (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 02) được áp dụng trong quá trình giải quyết các vụ án xâm phạm sở hữu theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999, tại mục 1.3 phần I Thông tư liên tịch số 02 quy định: Bị coi là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt” nếu trước đó đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi sau đây: a) Hành vi cướp tài sản; b) Hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; c) hành vi cưỡng đoạt tài sản; d) Hành vi cướp giật tài sản; đ) Hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản; e) Hành vi trộm cắp tài sản; g) hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; h) Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; i) Hành vi tham ô tài sản; k) Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Quy định trên được hiểu là khi một người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một các hành vi nêu trên mà chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý nay lại thực hiện một trong thực hiện một trong các hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì dù giá trị tài sản bị chiếm đoạt dưới mức cơ bản mà điều luật đã quy định vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đối với các hành vi cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản thì chỉ cần người nào thực hiện một trong số các hành vi đó là đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm, khoa học luật hình sự gọi đó là “tội phạm có cấu thành hình thức”. Tức là, người thực hiện hành vi phạm tội chỉ cần thực hiện một trong các hành vi nêu trên nhằm chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức khác là đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm, bất luận đó là tài sản gì có giá trị bao nhiêu chỉ còn là yếu tố để định khung hình phạt.
Khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự quy định: “Người từ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác”. Như vậy, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi nêu trên chỉ đặt ra đối với trường hợp người thực hiện hành vi ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự quy định “người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều …168, 169, 170, 171, 173,…”. Từ đó cho thấy, nếu người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản trong số các hành vi nêu trên nay lại thực hiện một trong các hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì cũng không bị coi là tội phạm. Bởi lẽ, nếu khởi tố trong trường hợp này thì người thực hiện hành vi phạm tội chỉ có thể bị khởi tố theo khoản 1 của các điều luật có mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm thuộc trường hợp ít nghiêm trọng trong khi đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự. Chiếu theo các quy định nêu trên thì mặc dù trước đó trước đó một người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b, c, d mục 1.3 phần I của Thông tư liên tịch số 02 mà lại tiếp tục thực hiện hành vi quy định tại các Điều 173, Điều 174, Điều 175 và Điều 176 nhưng tài sản bị chiếm đoạt dưới mức cấu thành cơ bản thì cũng sẽ không bị coi là tội phạm và không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, việc quy định đã bị đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt đối với hành vi tham ô tài sản, hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản cũng sẽ không hợp lý. Bởi vì, hành vi tham ô tài sản và và hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trong Bộ luật Hình sự được xếp ở chương các tội phạm về chức vụ, mục các tội phạm tham nhũng có tính chất khác với các hành vi chiếm đoạt tài sản thông thường quy định tại Chương các tội xâm phạm sở hữu cả về chủ thể thực hiện hành vi và mức độ nguy hiểm cho xã hội.
3. Đề xuất hoàn thiện
Để pháp luật được áp dụng thống nhất, theo tác giả cần sớm ban hành nghị quyết hoặc thông tư liên tịch hướng dẫn việc áp dụng pháp luật đối với trường hợp “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt mà còn vi phạm”. Theo quan điểm của tác giả, nên bỏ quy định đã bị xử xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt đối với các hành vi sau: Hành vi cướp tài sản; hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; hành vi cưỡng đoạt tài sản; hành vi cướp giật tài sản; hành vi tham ô tài sản; hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Chỉ xử lý hình sự nếu người nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý mà mà lại thực hiện một trong các hành vi: Hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản; hành vi trộm cắp tài sản; hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp