Dắt bầy trâu về lại chuồng, ba vẫn dặn đi dặn lại chị em chúng tôi phải chăm sóc bầy trâu cho thật cẩn thận. Ba nói, con vật cũng như con người, cũng cần “ăn Tết” và nghỉ ngơi. Ba dọn dẹp thật sạch chuồng trại, tắm rửa cho trâu sạch sẽ như cái cách ba trả ơn cho bầy trâu cùng ba quanh năm mưa nắng.
Có đôi khi tôi còn phân bì rằng, ba lo cho bầy trâu ấy còn hơn chị em chúng tôi. Buổi sáng ngày cuối năm, ba loay hoay với bầy trâu mà chẳng thèm để ý đến công việc bếp núc trong nhà. Mẹ bận bịu với nhà cửa, bánh trái mà tôi thì chẳng thể phụ giúp được gì cho mẹ. Ba giao cho tôi việc thay rơm mới trong chuồng trâu còn ba đóng lại những cái thanh ngang đã mục. Tôi tức anh ách khi nhìn thấy dáng vẻ dửng dưng của đám trâu đen trùi trũi, mắt nó nhìn tôi như thể muốn nói: “Làm đàng hoàng cho tụi tui nghen!”. Những lúc khom lưng ôm rơm, tôi chỉ muốn đánh cho đám trâu một trận đã đời khi thấy đám bạn trong xóm đã bắt đầu xúng xính quần áo mới, đi khắp đầu làng cuối xóm. Ba vẫn cẩn thận đóng từng cây đinh, thay từng tấm ván, bỏ thêm rơm khô vào trong chuồng. Rót chén trà, ba nhìn bầy trâu với cái nhìn trìu mến như thầm cảm ơn bầy trâu đã đồng hành cùng ba suốt bốn mùa cơ cực.
Ba ngồi thở dài: “Tội nghiệp tụi mày quá!”. Ba dắt bầy trâu ra tắm rửa sạch sẽ để chuẩn bị đón chào năm mới. Ba nói, hồi ra ở riêng ba mẹ chỉ mua được một con nghé con, tằn tiện mãi rồi cũng có bầy trâu như hôm nay. Ba nhớ tính nết của từng con trâu, con này thích ăn cái gì, con kia có tật ở đâu. Nhiều khi tôi cảm thấy ba còn thương bầy trâu hơn cả tôi. Cho nên mỗi khi ra đồng chăn trâu, tôi vẫn thường tìm cách để “trả thù” nó. Một hôm, tôi cố tình quật mạnh vào mông trâu. Nó đau điếng, chạy thục mạng về phía trước. Ba lấy cây quất vào mông tôi rồi hỏi: “Con có thấy đau không?”. Mắt tôi rưng rưng mà không nói được gì. Ba nói: “Con trâu nó cũng biết đau. Mình mắc nợ nó nhiều rồi, không có nó chắc cả nhà đã chết đói”.
Chiều hôm đó, khi mọi việc đã xong xuôi, mẹ nhìn chuồng trâu có vẻ tươm tất hơn trong nhà. Mẹ cười: “Tết ra chuồng trâu ở cho rồi!”. Nhưng mẹ chẳng bao giờ than phiền việc ba chăm sóc bầy trâu như thế nào. Mẹ cũng “cưng” bầy trâu như ba. Trước buổi chiều cuối năm, mẹ đã chuẩn bị thức ăn dự trữ cho trâu, mẹ nói: “Tết nhất phải để cho trâu ăn uống đầy đủ”. Mẹ không muốn trâu bị đói, như vậy sẽ là điềm không lành, trâu sẽ không khỏe mạnh suốt một năm sau đó. Nhưng trên hết, ba mẹ muốn trả công cho bầy trâu thật xứng đáng.
Sáng mùng một Tết, ba phụ mẹ bưng thức ăn cho bầy trâu. Thức ăn đầy máng, cỏ được ba cắt từ khuya vẫn còn tươi (ba không cắt sáng mùng một, vì mọi vật đều có linh hồn và cũng cần ăn Tết). Nhìn bầy trâu say sưa ăn uống, ba mẹ thở thào nhẹ nhõm rồi mới bắt tay chuẩn bị thức ăn trong nhà. Mâm cơm đầu năm rộn rã tiếng cười và trong những câu chuyện đầu năm, ba mẹ vẫn không quên nhắc bầy trâu trong chuồng đang say giấc. Hàng xóm nói, năm nay năm con trâu cực lắm. Người trong xóm thường gắn đặc tính của con giáp vào vận hạn cả năm. Ba tôi chỉ cười, năm nào cũng vậy, phải làm thì mới có ăn. Bầy trâu trong chuồng cũng đã được nghỉ ngơi sau bao ngày vất vả trên đồng. Tôi ngồi nhìn những tia nắng xuân xuyên qua vòm lá, tiếng bầy trâu lại ục ịch khi ba mẹ đổ thức ăn vào máng. Dẫu sao, bầy trâu cũng thật đủ đầy vào một ngày đầu năm. Còn tôi vẫn luôn hy vọng năm sau ba mẹ bớt cực nhọc hơn và bầy trâu cũng vậy.