Tóm tắt: Bài viết đánh giá quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, từ đó, đưa ra những kiến nghị hoàn thiện các biện pháp này.
Abstract: The article evaluates the provisions of the 2015 Criminal Procedure Code on special investigation and procedure measures, from which, makes recommendations to improve these measures.
1. Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Điều tra vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng hình sự (TTHS) thứ hai, theo đó, Cơ quan điều tra căn cứ vào các quy định của pháp luật TTHS và dưới sự kiểm sát của Viện kiểm sát tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm thu thập và củng cố chứng cứ, nghiên cứu các tình tiết của vụ án, phát hiện nhanh chóng và chính xác tội phạm, người phạm tội để truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS), tiến hành các hoạt động cần thiết khác và trên cơ sở đó đưa ra các quyết định phù hợp.
Điều 223 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (TTĐB) gồm: “1. Ghi âm, ghi hình bí mật; 2. Nghe điện thoại bí mật; 3. Thu thập bí mật dữ liệu điện tử”[1]. Những biện pháp này đều được tiến hành một cách bí mật, vừa để bảo đảm bí mật trong quá trình điều tra, vừa giúp quá trình thu thập chứng cứ diễn ra một cách khách quan, đối phó với những tội phạm có tính chất nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi. Các biện pháp này chính là các biện pháp trinh sát kỹ thuật trước đây đã được sử dụng trong Ngành Công an, Quân đội, thuộc trường hợp bí mật nghiệp vụ, nay được đưa vào Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nghĩa là được thực hiện một cách hợp pháp và thông tin từ các biện pháp này có thể trở thành chứng cứ mà không cần phải qua bước chuyển hóa như trước đây khi cơ quan điều tra muốn sử dụng.
Nhằm bảo đảm hiệu quả cao trong việc áp dụng biện pháp điều tra TTĐB và tránh sử dụng tràn lan, ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân, khoản 1, khoản 2 Điều 224 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định chỉ áp dụng biện pháp điều tra tố TTĐB với các tội phạm: “Tội xâm phạm an ninh quốc gia, Tội phạm về ma túy, Tội phạm về tham nhũng, Tội khủng bố, Tội rửa tiền; Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Đây là những tội phạm có tổ chức chặt chẽ, phương thức, thủ đoạn phạm tội và che giấu tội phạm hết sức tinh vi, xảo quyệt, đối tượng phạm tội thường ngoan cố, chống đối đến cùng, không hợp tác với cơ quan tố tụng dẫn tới các biện pháp điều tra tố tụng thông thường không mang lại hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Do đó, việc sử dụng biện pháp điều tra TTĐB trong các trường hợp này là cần thiết.
2. Đánh giá quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Trong tiến trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm. Năm 2000, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua Công ước quốc tế của Liên Hợp quốc về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC) cùng các nghị định thư kèm theo. Công ước UNTOC là một trong những hiệp ước được phê chuẩn rộng rãi nhất về vấn đề pháp luật hình sự quốc tế. Việt Nam trở thành thành viên của Công ước vào ngày 08/6/2012.
Theo Điều 20 Công ước của Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, biện pháp điều tra đặc biệt được khuyến nghị gồm một nhóm các biện pháp điều tra khác nhau, như: Vận chuyển có kiểm soát, các hình thức giám sát, hoạt động sử dụng lực lượng bí mật. Nhằm thực thi các công ước quốc tế, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm lập pháp của các quốc gia trên thế giới, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định “ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật và thu thập bí mật dữ liệu điện tử” là các biện pháp điều tra TTĐB[2]. Việc luật hóa các biện pháp điều tra đặc biệt trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là cần thiết, phù hợp với tình hình hiện nay, thông qua đó đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”[3].
Thực tế tố tụng trong một số vụ án tham nhũng, cơ quan điều tra đã sử dụng biện pháp điều tra TTĐB, sau đó chuyển hóa chứng cứ. Bên cạnh đó, một khía cạnh nữa cũng tích cực giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật khám phá ra các vụ án đưa nhận hối lộ, đó là Bộ Luật tố Tụng hình sự năm 2015 đã cho phép các cơ quan bảo vệ pháp luật được áp dụng các biện pháp điều tra TTĐB trong đấu tranh chống tham nhũng[4].
Bên cạnh những điểm tích cực trong việc quy định và áp dụng biện pháp điều tra TTĐB, kể từ khi được ban hành cho đến nay, quy định này đã bộc lộ một số vướng mắc, hạn chế cần được khắc phục, cụ thể như sau:
Một là, về trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt:
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, Cơ quan điều tra chỉ áp dụng biện pháp điều tra TTĐB đối với các tội phạm thuộc trường hợp quy định tại Điều 224. Tuy nhiên, Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) xác định “hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng để trục lợi…” là các hành vi tham nhũng và được phép sử dụng “kỹ thuật điều tra đặc biệt”. Mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không coi “Tội đưa hối lộ, Tội môi giới hối lộ và Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” là các tội phạm về tham nhũng ở Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự (mà quy định tại Mục 2 - Các tội phạm khác về chức vụ); nhưng có thể thấy rằng, các tội phạm này có mối quan hệ tương ứng và thường xảy ra cùng với các tội phạm về tham nhũng. Do vậy, nếu không áp dụng biện pháp điều tra TTĐB trong điều tra các tội phạm này sẽ không phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng và không phát huy được tác dụng của biện pháp điều tra TTĐB trong thu thập thông tin, tài liệu để đấu tranh chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.
Hai là, về thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt:
Khoản 1 Điều 225 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định “Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực thụ lý, điều tra thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự khu vực đề nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu xem xét, quyết định áp dụng”. Trong khi đó, khoản 3 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật Hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp”. Do vậy, sẽ là thiếu sót nếu không quy định Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền quyết định áp dụng biện pháp điều tra TTĐB; điều này không tương thích với các quy định khác của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành và làm giảm hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Ba là, về thẩm quyền yêu cầu quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 225 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hiện hành thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra quyết định áp dụng biện pháp điều tra TTĐB, nhưng không quy định Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương. Như vậy, nếu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Bộ Công an hoặc Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương không có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp điều tra TTĐB. Trong khi đó, khoản 3 Điều 225 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 lại quy định: “Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ việc áp dụng biện pháp này, kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ nếu xét thấy không còn cần thiết”. Bất cập này dẫn đến một nghịch lý: Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên không có quyền yêu cầu, chỉ có quyền phê chuẩn, trong khi Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới có cả quyền yêu cầu và quyền phê chuẩn.
Bốn là, về việc sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 227 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì: “Thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra TTĐB chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời”. Như vậy, điều luật quy định thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra TTĐB được “sử dụng vào việc khởi tố”, mà không quy định rõ là khởi tố vụ án hay khởi tố bị can. Do vậy, “việc khởi tố” ở đây được hiểu là khởi tố vụ án và khởi tố bị can. Từ đó có thể hiểu rằng, biện pháp điều tra TTĐB có thể được tiến hành trước khi khởi tố vụ án để thu thập thông tin, tài liệu phục vụ việc khởi tố. Tuy nhiên, hiểu như vậy sẽ mâu thuẫn với quy định “sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra TTĐB” tại Điều 223 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Như vậy, khoản 1 Điều 227 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn thiếu sót khi không quy định rõ thông tin, tài liệu chỉ được sử dụng vào khởi tố bị can, không sử dụng vào việc khởi tố vụ án.
3. Một số đề xuất hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng năm 2015 về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Một là, sửa đổi khoản 1 Điều 224 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành theo hướng quy định thêm một số tội phạm thuộc trường hợp áp dụng biện pháp điều tra TTĐB. Cụ thể: Bổ sung thêm “Tội tài trợ khủng bố, Tội đưa hối lộ, Tội môi giới hối lộ, Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” là các tội phạm thuộc trường hợp áp dụng biện pháp điều tra TTĐB.
Hai là, sửa đổi khoản 1 Điều 225 Bộ luật Tố tụng hiện hành theo hướng bổ sung “Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra TTĐB”; “Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền yêu cầu ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra TTĐB”.
Ba là, sửa đổi khoản 1 Điều 227 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành theo hướng: Quy định rõ thông tin, tài liệu thu thập qua việc tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được sử dụng vào việc khởi tố bị can hoặc bỏ cụm từ “khởi tố” trong khoản 1 Điều 227 bởi vì “khởi tố bị can” là một hoạt động trong quá trình điều tra, vì vậy không nhất thiết phải để cụm từ này trong quy định tại khoản 1 Điều 227 sẽ dễ gây hiểu lầm trong việc áp dụng.
Bốn là, xem xét việc bổ sung biện pháp theo dõi bí mật và sử dụng cộng tác viên bí mật là các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Thực tế, bên cạnh các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì cũng còn các biện pháp khác được sử dụng trong ngành Công an, Quân đội như trinh sát nghiệp vụ, đặc tình, sổ đen... cũng nhằm mục đích phá án mà các biện pháp này lại không chịu sự kiểm sát của Viện kiểm sát như các biện pháp điều tra TTĐB. Sự tồn tại song song này dẫn đến một thực tế là dù được quy định trong luật nhưng trên thực tế số lượng các vụ án sử dụng được các biện pháp điều tra TTĐB là rất hạn chế. Trong việc đấu tranh chống các tổ chức tội phạm rất cần cộng tác viên trong chính tổ chức tội phạm ấy. Bộ luật Hình sự đã có quy định miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội nhưng tự thú và khai báo, góp phần tích cực phát hiện, điều tra tội phạm. Vậy có nên luật hóa biện pháp theo dõi bí mật và sử dụng cộng tác viên bí mật không? Đây là những biện pháp mà trên thực tế lực lượng chức năng đã và đang làm. Theo tác giả, cần nghiên cứu bổ sung thêm các biện pháp này vào Bộ luật Tố tụng hình sự vì tính hiệu quả, cũng như sự cần thiết trong cuộc đấu tranh với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (ví dụ như trong vụ án bắt cóc, khi người thân mang tiền đến điểm hẹn đưa cho đối tượng bắt cóc để chuộc người nhà thì phải bố trí lực lượng theo dõi bí mật, tìm chứng cứ).
Hoàng Thị Hiền
Giảng viên Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk
[1]. Xem: Điều 223 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[2]. Điều 223 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[3]. Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
[4]. https://phaply.net.vn, Phúc Anh “vu-an-nguyen-duy-linh-va-qui-dinh-cua-phap-luat-ve-cac-bien-phap-dieu-tra-to-tung-dac-biet-trong-dau-tranh-chong-tham-nhung-a252427.html , truy cập ngày 09/12/2022.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 382), tháng 6/2023)