Quân đội và người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu là những người mang trong mình trách nhiệm bảo vệ tổ quốc, giữ gìn an toàn, trật tự quốc gia. Đây là lực lượng không thể thiếu đối với mỗi quốc gia dù trong thời chiến hay trong thời bình. Vì vậy, những hành vi xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu đều bị coi là phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Chương XXV Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự). Bàn về tội danh đào ngũ, hiện có nhiều nghiên cứu cho ta tiếp cận một cách chính xác và chi tiết về cấu thành tội phạm, cũng như hình phạt đối với tội danh này. Ở đây, tác giả xin triển khai và bổ sung một số quan điểm liên quan khi bình luận về tội đào ngũ như sau:
1. Chủ thể của tội đào ngũ
Tội đào ngũ được quy định tại Điều 402 Bộ luật Hình sự, theo đó, có thể hiểu, đào ngũ là một tội phạm có chủ thể đặc biệt, chỉ áp dụng cho một số đối tượng cá biệt, cụ thể, chủ thể của tội phạm đào ngũ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan - chiến sĩ đang phục vụ tại ngũ. Như vậy, phân tích, so sánh với quy định về chủ thể của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân tại Điều 392 Bộ luật Hình sự để nhận thấy rõ những đối tượng không phải là chủ thể của tội đào ngũ. Cụ thể:
Thứ nhất, về quy định quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện tại khoản 2 Điều 392 Bộ luật Hình sự. Quân nhân đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 nhưng không đang trong thời gian tập trung huấn luyện, hay có thể hiểu, đây là những đối tượng nằm trong kế hoạch bổ sung lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân nhưng chưa được biên chế và tổ chức hoàn chỉnh trong thời bình thì những quân nhân dự bị này không phải là chủ thể của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân.
Thứ hai, về quy định dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại khoản 3 Điều 392 Bộ luật Hình sự. Điều 2 Luật Dân quân tự vệ năm 2019 quy định khái niệm dân quân tự vệ như sau: “Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ”. Trong đó, dân quân tự vệ gồm 04 loại khác nhau: (i) Dân quân tự vệ tại chỗ là lực lượng làm nhiệm vụ ở thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu và ở cơ quan, tổ chức; (ii) Dân quân tự vệ cơ động là lực lượng cơ động làm nhiệm vụ trên các địa bàn theo quyết định của cấp có thẩm quyền; (iii) Dân quân thường trực là lực lượng thường trực làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng; (iv) Dân quân tự vệ biển là lực lượng làm nhiệm vụ trên các hải đảo, vùng biển Việt Nam.
Như vậy, không phải mọi thời điểm mà dân quân, tự vệ đều là chủ thể của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Dân quân, tự vệ chỉ là chủ thể của các tội phạm kể trên trong thời gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
Thứ ba, về quy định công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội tại khoản 4 Điều 392 Bộ luật Hình sự. Công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội là người được điều động vào phục vụ quân đội trong trường hợp đất nước có chiến tranh theo Lệnh tổng động viên hoặc Lệnh động viên cục bộ của Chủ tịch nước. Những công dân này tuy không được trao quân hàm, mặc quân phục nhưng phải phục tùng sự chỉ huy của người chỉ huy đơn vị quân đội và có nghĩa vụ, trách nhiệm như mọi quân nhân. Như vậy, không phải mọi công dân đang phục vụ trong quân đội đều được coi là chủ thể của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân để chịu trách nhiệm hình sự, ví dụ như lao động hợp đồng tại các doanh nghiệp quân đội, công chức quốc phòng.
Về đối tượng công dân đăng ký phục vụ trong ngạch công chức quốc phòng, tác giả nêu ra một số vướng mắc trong việc có xác định đây là chủ thể của tội đào ngũ hay không:
Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 16/2020/TT-BQP ngày 21/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng (Thông tư số 16/2020/TT-BQP) có quy định đối tượng áp dụng như sau: Thông tư này áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tuy nhiên, Điều 20 Thông tư số 16/2020/TT-BQP quy định về hành vi đào ngũ lại không đề cập đến đối tượng công chức quốc phòng. Vậy, công chức quốc phòng có phải là chủ thể của tội đào ngũ hay không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), công chức được xác định là “công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong… cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng..., trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.
Như vậy, có thể thấy rằng, quy định tại Điều 20 Thông tư số 16/2020/TT-BQP đề cập đến các đối tượng là chủ thể của hành vi đào ngũ bao gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng nhưng lại không nhắc đến đối tượng công chức quốc phòng. Điều này có thể là ý của các nhà làm luật, cũng có thể là sự bỏ sót. Tác giả mong nhận được ý kiến trao đổi, thảo luận.
2. Trách nhiệm liên đới của những người liên quan
Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ (phục vụ trong các lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân) và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân (đây là hình thức phục vụ quân sự ngoài biên chế của lực lượng thường trực). Hành vi đào ngũ, chứa chấp, bao che quân nhân đào ngũ là một trong những hành vi vi phạm về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ. Trong thực tiễn, có nhiều trường hợp biết được người thân có hành vi đào ngũ nhưng không trình báo hoặc nghiêm trọng hơn là đã có hành vi giúp sức nhằm bao che, chứa chấp cho đối tượng đào ngũ; hay có trường hợp một số đơn vị do chưa hiểu rõ hoặc cố tình không tuân thủ đúng các quy định tại Thông tư số 16/2020/TT-BQP mà che giấu hoặc báo cáo không trung thực cho các cơ quan tư pháp quân đội, từ đó gây nên khó khăn trong việc xử lý, giải quyết các vụ án đào ngũ. Vậy, hành vi chứa chấp, bao che quân nhân đào ngũ sẽ được xử lý như thế nào?
Căn cứ tại Điều 7 Thông tư số 95/2014/TT-BQP ngày 07/7/2014 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thi hành Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu thì các hành vi “chứa chấp, bao che quân nhân đào ngũ” là một trong các hành vi sau: (i) Để quân nhân đào ngũ ở nhà mình hoặc ở cơ quan, tổ chức mà không khai báo với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền; (ii) Đưa quân nhân đào ngũ đi trốn hoặc cung cấp phương tiện, vật chất để quân nhân đào ngũ lẩn trốn; (iii) Làm các giấy tờ để hợp thức cho hành vi đào ngũ.
Điều 8 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi chứa chấp bao che quân nhân đào ngũ.
Như vậy, đối với hành vi chứa chấp, bao che cho quân nhân đào ngũ, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định nói trên mà không đủ điều kiện để cấu thành và chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi che giấu hoặc không tố giác tội phạm này.
Tuy nhiên, cần chú ý khi giải quyết vụ án là cần kiên quyết đấu tranh để làm rõ trách nhiệm liên đới của người chỉ huy nếu hành vi đào ngũ của quân nhân gây ra hậu quả rất nghiệm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và hậu quả này có liên hệ nhân quả với hành vi bao che, chứa chấp đào ngũ của người chỉ huy. Khi đó, tùy theo mức độ, tính chất và hậu quả liên đới của hành vi gây ra mà hành vi đó có thể mang dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng...
3. Áp dụng tình tiết giảm nhẹ phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng đối với tội đào ngũ
Tại Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, đã giải thích về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” khi có đủ hai yếu tố “phạm tội lần đầu” và “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Nếu bị cáo phạm tội lần đầu mà không phải thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc ngược lại phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nhưng đây không phải là phạm tội lần đầu thì không áp dụng điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, theo tác giả, không phải bị cáo phạm bất kỳ tội nào nếu có đủ hai yếu tố nêu trên thì đều áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự mà còn cần phải xem xét, đánh giá qua các yếu tố khác.
Đối với tội đào ngũ, ví dụ, quân nhân Nguyễn Văn T tự ý rời bỏ đơn vị nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, bị đơn vị xử lý kỷ luật về hành vi đào ngũ. Sau đó T tiếp tục tự ý rời bỏ đơn vị và không trở lại đơn vị. T bị bắt theo lệnh truy nã và bị xét xử về tội đào ngũ theo khoản 1 Điều 402 Bộ luật Hình sự. Trong vụ án này, mặc dù T “phạm tội lần đầu” và “có khung hình phạt cao nhất là 03 năm tù”, nhưng hành vi của T đã được đơn vị xử lý kỷ luật, giáo dục, đáng lý ra T phải lấy đó làm bài học mà rèn luyện, an tâm công tác nhưng T tiếp tục thực hiện hành vi đào ngũ dẫn đến phạm tội. Hành vi phạm tội của T đã xâm phạm đến sức mạnh chiến đấu của quân đội, ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Do đó, Tòa án đã không áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự cho Nguyễn Văn T.
Trong Kết luận của Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương tại Hội nghị sơ kết và tập huấn nghiệp vụ năm 2020 ngày 28/7/2020 đã nêu ra như sau: Khi bị cáo bị truy tố về tội đào ngũ theo khoản 1 Điều 402 Bộ luật Hình sự, nghĩa là trước đó bị cáo đã có hành vi đào ngũ và bị xử lý kỷ luật về hành vi này, sau đó lại tiếp tục có hành vi đào ngũ (bị cáo có ít nhất 02 lần thực hiện hành vi rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ). Mặt khác, nếu coi hành vi này là “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” thì sẽ không có tác dụng đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này, ảnh hưởng đến sức mạnh, kỷ luật quân đội. Do đó, không nên áp dụng tình tiết “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” khi xét xử tội đào ngũ.
4. Phân biệt ranh giới giữa tội đào ngũ với các tội danh khác
Thứ nhất, ranh giới giữa tội đào ngũ và tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu (Điều 401 Bộ luật Hình sự).
Về mặt khách quan, hai tội này có thể được thực hiện với cùng một động cơ đó là từ bỏ, trốn tránh thực hiện nhiệm vụ chiến đấu thể hiện dưới hành vi “tự ý rời bỏ vị trí chiến đấu” (tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu) và hành vi “rời bỏ hàng ngũ quân đội” (tội đào ngũ). Tuy nhiên, hành vi đào ngũ là hành vi chủ yếu đề cập trong thời bình hoặc trong thời chiến nhưng không có nhiệm vụ tác chiến cụ thể và rõ ràng, chỉ cần có hành vi rời bỏ hàng ngũ, trốn khỏi doanh trại... thì sẽ được coi là đào ngũ. Bên cạnh đó, “bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu” được nhấn mạnh rõ ở hoàn cảnh chiến đấu nên chỉ xảy ra trong thời chiến và trên chiến trường. Theo đó, bỏ vị trí chiến đấu được hiểu là hành vi rời bỏ nơi được phân công chiến đấu mà không được phép của người chỉ huy hoặc cấp trên hoặc không có mặt tại nơi được phân công chiến đấu mà không có lý do chính đáng hoặc không được phép của người chỉ huy hoặc cấp trên.
Thứ hai, ranh giới giữa tội đào ngũ và tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 121 Bộ luật Hình sự)
Từ các quy định của Điều 402 và Điều 121 Bộ luật Hình sự có thể thấy, trong khi chủ thể của tội đào ngũ là chủ thể đặc biệt thì đối với tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, chủ thể phạm tội có thể là bất cứ người nào có hành vi thỏa mãn các yếu tố cấu thành theo quy tại Điều 121 Bộ luật Hình sự. Giả sử, quân nhân A đang phục vụ tại ngũ có hành vi trốn ra nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân thì sẽ bị xử lý về tội đào ngũ hay tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân hay cả hai tội?
Thực tiễn định tội danh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử cũng cho thấy, mối liên hệ giữa các tội phạm tạo thành phạm nhiều tội tổng hợp thực tế thuộc hình thức biểu hiện thứ nhất được thể hiện ở chỗ: Một trong số các tội phạm được thực hiện giữ vai trò là điều kiện, phương tiện, phương thức thực hiện tội phạm khác hoặc một trong số các tội phạm ấy là phương tiện, phương thức che giấu tội phạm khác hoặc tất cả các hành vi phạm tội đó đều được thực hiện bởi một động cơ phạm tội nhất định... Trong ví dụ nêu trên, hành vi “rời bỏ hàng ngũ quân đội” của A là tiền đề, cũng như là điều kiện, phương thức để A hoàn thành hành vi trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân của mình. Như vậy, theo quan điểm của tác giả, trong trường hợp này thì theo nguyên tắc thu hút tội danh, hành vi của A nên bị truy cứu vào tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự.
Thứ ba, ranh giới giữa hành vi “rời bỏ hàng ngũ” với hành vi “bỏ trốn” trong cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 Bộ luật Hình sự).
Ví dụ: H (Trung úy, Thuyền trưởng Tàu của Hải đội X, Hải đoàn Y, Bộ đội Biên phòng) từ tháng 10/2010 đến tháng 11/2010 nhiều lần thực hiện hành vi thuê xe mô tô của bà T sau đó đem đi cầm cố vay tiền tại tiệm cầm đồ của ông D mà không có khả năng chi trả. Ngày 04/12/2020, H được đơn vị cho nghỉ phép đến ngày 08/01/2011 phải có mặt tại đơn vị, nhưng quá thời gian nghỉ phép nhiều ngày H không trở lại đơn vị mà bỏ trốn sang Cộng hòa Liên bang Nga từ ngày 09/01/2011 đến 18/4/2018 thì quay về Việt Nam, cho đến ngày 04/4/2019 thì bị bắt. Tòa án tuyên bố bị cáo H phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản áp dụng điểm a khoản 1 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt bị cáo 01 năm tù.
Qua ví dụ trên, giả sử quân nhân B vay, mượn tiền của người công tác trong cùng đơn vị, do không có khả năng chi trả nên đã bỏ trốn nhằm chiếm đoạt số tài sản trên. Hành vi bỏ trốn khỏi doanh trại của quân nhân B có dấu hiệu thỏa mãn cấu thành tội đào ngũ, tuy nhiên, qua đấu tranh, B khai nhận bản thân chỉ bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản chứ không nhằm rời bỏ hàng ngũ quân đội, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ của một quân nhân. Vậy, với trường hợp này, hành vi của B nên bị truy cứu vào tội danh nào?
“Đào ngũ” là hành vi do chủ thể đặc biệt thực hiện, còn “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” lại áp dụng với mọi công dân. Tuy nhiên, khác với ví dụ của quân nhân A nêu trên, trường hợp B rời bỏ hàng ngũ quân đội không thể coi là điều kiện khách quan và hiển nhiên nhằm mục đích “chiếm đoạt tài sản”. Trong trường hợp này, tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm quân nhân rời bỏ đơn vị hoặc từ lúc phải có mặt ở đơn vị đúng hạn mà không có mặt nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự và hành vi thuộc một trong các dấu hiệu khách quan của tội đào ngũ. Ngoài ra, khách thể bị xâm hại bởi hai hành vi này là độc lập, vì vậy, khi định tội danh trong trường hợp này phải định tội danh là hai tội độc lập. Quay lại với ví dụ về H, ta thấy rằng, vụ án xảy ra vào thời điểm Thông tư số 16/2020/TT-BQP chưa ra đời, khi đó vẫn còn đang tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử đối với loại tội danh này, do đó, Tòa án đã không thể xét xử H về tội đào ngũ.
Tóm lại, bảo vệ Tổ quốc và chống xâm lược là nghĩa vụ cao cả của mỗi công dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật là nghĩa vụ vinh dự của công dân. Luật Nghĩa vụ quân sự đã quy định chi tiết và cụ thể về việc công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự như thế nào, đồng thời yêu cầu rõ ràng người tại ngũ phải chấp hành điều lệnh, điều lệnh quân đội, trung thành với nghĩa vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Người thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về nghĩa vụ quân sự, không được bỏ trốn khỏi quân đội, nếu không sẽ xâm phạm đến chế độ nghĩa vụ quân sự do luật pháp quốc gia quy định và gây thiệt hại đến lợi ích quốc phòng. Chính vì vậy, việc đấu tranh với tội phạm đào ngũ cần được thực hiện quyết liệt, một mặt để bảo vệ sự nghiêm minh, trong sạch của quân đội, mặt khác, nhằm bảo đảm việc thực thi, tuân thủ pháp luật được đồng bộ, hiệu quả, phát huy vai trò của các cơ quan tư pháp trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm, tránh bỏ lọt, bỏ sót, làm oan người vô tội./.
Lê Bình Phương
Viện kiểm sát quân sự khu vực 71/ Quân khu 7