Abstract: The author of this article mentions amendments, supplements of procedures in the Criminal Procedural Code of 2015 to meet requirements of the Criminal Code of 2015 (as amended , supplemented in 2017), and from this point to raise recommendations for better compatibility between substance law and formal law.
1. Những sửa đổi, bổ sung các thủ tục tố tụng trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhằm đáp ứng những yêu cầu của Bộ luật Hình sự năm 2015 [1]
Thứ nhất, một trong những đổi mới có tính đột phá của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là việc mở rộng chủ thể chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với pháp nhân thương mại, bên cạnh chủ thể chịu TNHS truyền thống là cá nhân. Vì vậy, để đáp ứng các quy định mới này, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tại Chương XXIX đã dành 16 điều luật (từ Điều 431 đến Điều 446) để quy định các thủ tục tố tụng truy cứu TNHS pháp nhân. Theo đó, sau khi thực hiện các hành vi có dấu hiệu tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự và bị khởi tố, thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thì các hoạt động tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án sẽ được thực hiện đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền.
Để bảo đảm cho các hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được thuận lợi, trong quá trình giải quyết vụ án, pháp nhân có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp như: Kê biên tài sản; phong tỏa tài khoản; tạm đình chỉ hoạt động có thời hạn; buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án. Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng còn phải làm sáng tỏ TNHS của pháp nhân với lỗi riêng của từng cá nhân là thành viên của pháp nhân để ra các quyết định chính xác, đúng người, đúng tội.
Thứ hai, đổi mới chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là phải bảo đảm lợi ích tốt nhất và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội[2]...
Kế thừa nguyên tắc nhân đạo nêu trên, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có những đổi mới theo hướng “có lợi” hơn cho người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đó, đã mở rộng các trường hợp được miễn TNHS và nhằm phát huy các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thay vì áp dụng các biện pháp chế tài hình sự. Cụ thể: Nếu người dưới 18 tuổi phạm tội nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả gây ra thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục.
Để thực hiện quy định mới này, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tại các điều 426, 427, 728 và 429 đã giao trách nhiệm cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thẩm quyền quyết định áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn TNHS, gồm: Khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện đường lối của Đảng và Nhà nước về “hạn chế số lượng hình phạt tử hình trong cơ cấu hình phạt của Bộ luật Hình sự” trong hai Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) tiếp tục bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội (trong đó có 05 tội bỏ hoàn toàn, gồm: Tội hoạt động thổ phỉ; Tội cướp tài sản; Tội hủy hoại công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội chống mệnh lệnh; tội đầu hàng địch và có 03 tội bỏ hình phạt tử hình trên cơ sở tách từ các tội có quy định hình phạt tử hình trước đó, gồm: Tội buôn bán, sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy). Ngoài ra, Bộ luật Hình sự cũng đã mở rộng đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Mở rộng thêm 2 trường hợp không thi hành án tử hình, gồm: Người từ đủ 75 tuổi trở lên và người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và lập công lớn. Trong trường hợp này sẽ chuyển thành hình phạt tù chung thân. Điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã giao cho Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án tử hình và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành chung thân cho người bị kết án.
Thứ tư, về chế định xóa án tích, nếu như trong Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định: Trong mọi trường hợp xóa án tích do Tòa án thực hiện, thì đến Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có những đổi mới theo hướng: Đối với trường hợp đương nhiên xóa án tích (Điều 70) thì giao cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp thực hiện; các trường hợp xóa án tích còn lại (tại Điều 71 và Điều 72) sẽ giao cho Tòa án. Vì vậy, Điều 369 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã cơ cấu hai thủ tục xóa án tích khác nhau cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp trong trường hợp đương nhiên được xóa án tích và thủ tục xóa án tích do Tòa án thực hiện sau khi nhận được đơn của người bị kết án và ý kiến bằng văn bản của Viện kiểm sát cùng cấp về việc đủ điều kiện xóa án tích.
Thứ năm, một trong những điểm mới cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là lần đầu tiên quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 64) nhằm tạo cho phạm nhân có cơ hội được trở về với cộng đồng sớm hơn nhưng phải chịu sự giám sát của chính quyền cơ sở khi về sinh sống tại cộng đồng, điều này góp phần bảo đảm an ninh trật tự, hạn chế khả năng tái phạm của họ[3]... nhằm đáp ứng các đổi mới này, Điều 368 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã giao trách nhiệm cho trại giam. Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn và chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù; Viện kiểm sát có trách nhiệm trong việc nghiên cứu hồ sơ và phải ra văn bản thể hiện quan điểm về việc đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện của cơ quan đề nghị; trách nhiệm và thủ tục Tòa án mở phiên họp xét tha tù trước thời hạn có điều kiện; thủ tục xử lý trong trường hợp người được tha tù trước thời hạn vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan.
Về cơ bản, các thủ tục mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đáp ứng yêu cầu của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên, theo chúng tôi có một số quy định cần phải sớm có hướng dẫn để tăng cường sự thống nhất hơn nữa giữa luật nội dung và luật hình thức. Cụ thể như sau:
Thứ hai, khoản 1 Điều 439 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, “thời hạn tạm đình chỉ hoạt động của pháp nhân không được quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật này”. Chúng tôi cho rằng, quy định này không khác gì hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, thậm chí, nếu tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng đều áp dụng thì còn nặng hơn cả hình phạt chính và thực sự làm khó cho các pháp nhân, bởi hoạt động của các pháp nhân thương mại luôn đặt lợi ích kinh tế làm đầu. Vì thế, theo chúng tôi nên có hướng dẫn theo hướng là tùy theo hành vi phạm tội của pháp nhân gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ của con người, môi trường hoặc trật tự, an toàn xã hội để cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của pháp nhân thương mại cho phù hợp.
Thứ ba, về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xóa án tích. Theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (Điều 70) quy định thì đối với trường hợp đương nhiên xóa án tích sẽ được giao cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp thực hiện. Tuy nhiên, Điều 446 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về thủ tục đương nhiên xóa án tích đối với pháp nhân lại không nhất quán, mâu thuẫn với Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Nếu theo điều luật này (Điều 446 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) thì Tòa án sẽ cấp giấy chứng nhận pháp nhân đã được đương nhiên xóa án tích; điều này có nghĩa là Tòa án không cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho cá nhân nhưng lại cấp giấy chứng nhận cho pháp nhân, trong khi đó Bộ luật Hình sự đã xác định rõ đã là đương nhiên xóa án tích thì trong mọi trường hợp giao hẳn cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp thực hiện. Bên cạnh đó, nếu theo quy định tại Điều 446 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sẽ tạo ra sự khác biệt trong thủ tục cấp giấy chứng nhận xóa án tích và sẽ tạo ra sự tồn tại hai khái niệm cấp giấy chứng nhận xóa án tích và xác nhận lý lịch tư pháp không có án tích do hai cơ quan khác nhau là cơ quan tư pháp và cơ quan hành pháp thực hiện. Thời gian tới khi ban hành văn bản hướng dẫn Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần có quy định rõ ràng.
Thứ tư, lần đầu tiên Bộ luật Hình sự giao cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo dõi vấn đề xóa án tích đương nhiên của người bị kết án. Do vậy, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cần phải đề cao trách nhiệm của mình và phải chủ động trong việc theo dõi, cập nhật thông tin về án tích, đặc biệt là trong việc tiến hành xác minh các điều kiện đương nhiên xóa án tích để bảo đảm đáp ứng thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp liên quan đến trường hợp đương nhiên xóa án tích quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nêu trên, tránh các sai sót đáng tiếc xảy ra.
Thứ năm, về công tác tuyên truyền, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trên cơ sở thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 đã kế thừa những tinh hoa của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và tham khảo các quy định pháp luật tiên tiến trên thế giới. Việc cho ra đời một loạt các thủ tục tố tụng mới đáp ứng yêu cầu công cuộc đấu tranh, chống tội phạm là yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, để nhanh chóng đưa các quy định mới này đi vào thực tiễn cuộc sống thì công tác tuyên truyền, phổ biến đóng vai trò rất quan trọng, không những đối với các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà còn cả đối với người tham gia tố tụng và các cá nhân, cơ quan, tổ chức... Vì vậy, theo quan điểm của chúng tôi, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cần phối hợp với các cơ quan như: Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức xã hội... tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến về pháp luật hình sự, tố tụng hình sự nói chung và các quy định về thủ tục tố tụng hình sự mới nói riêng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông như: Đài phát thanh, cổng thông tin điện tử… làm được như vậy thì các chính sách mới mới thực sự nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống và phát huy một cách hiệu quả nhất.
Đại học Luật thuộc Đại học Huế
[1]. Bộ luật này đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2017.
[2]. Xem thêm: Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
[3].Xem thêm tác giả Lg. Vũ Nguyên tại địa chỉ: http://www.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2216.