Tại cuộc họp, đồng chí Lê Tuấn Phong, Phó Chánh Văn phòng Bộ đã báo cáo về tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao của Đề án 06 và đề xuất lộ trình thực hiện phục vụ Hội nghị giao ban Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tháng 8/2024 trên cơ sở tổng hợp thông tin của các đơn vị thuộc Bộ, cụ thể:
Về thủ tục hành chính liên thông gồm đăng ký kết hôn và xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến, đến nay, đã có 10/12 địa phương đã thực hiện điều chỉnh hệ thống để dự kiến sẽ triển khai chính thức trên toàn quốc trong tháng 9/2024. Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục theo dõi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai quy trình của nhóm thủ tục hành chính này.
Về 02 thủ tục hành chính liên thông gồm: (i) Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 06 tuổi và (ii) Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và Cục Công nghệ thông tin tiếp tục phối hợp với Cục C06 - Bộ Công an; Cục Chuyển đổi số quốc gia - Bộ Thông tin và truyền thông hỗ trợ địa phương kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp để bảo đảm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ liên thông điện tử liên quan đến khai sinh, khai tử theo đúng phương thức quy định tại Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 34 địa phương chính thức triển khai quy trình liên thông nhóm thủ tục hành chính này.
Về triển khai thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia tiếp tục bám sát việc triển khai nhiệm vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, theo đó: (i) Kết quả cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID từ ngày 22/4/2024 đến ngày 20/8/2024 tại thành phố Hà Nội: Tổng số tiếp nhận 62.315, trong đó yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID là 43.183 (chiếm tỷ lệ 69.3%), tại tỉnh Thừa Thiên Huế: Tổng số tiếp nhận 6.322, trong đó yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID là 4.813 (chiếm tỷ lệ 76,1%). (ii) Về mở rộng triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đang phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan dự thảo Kế hoạch triển khai và dự thảo Quy trình thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên Ứng dụng định danh quốc gia VNeID trên toàn quốc.
Về cung cấp Dịch vụ công thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Tổng cục thi hành án dân sự tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Kho bạc Nhà nước giải quyết các vấn đề còn vướng mắc trong triển khai dịch vụ công này.
Về tiến độ số hóa hồ sơ, Vụ Con nuôi, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đang bảo đảm thực hiện số hóa 100% hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC thực hiện tại đơn vị. Cục Bổ trợ tư pháp đã thực hiện số hóa 60% các hồ sơ tiếp nhận (khoảng hơn 1300 hồ sơ). Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đang triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp với những hồ sơ phát sinh hàng ngày. Riêng đối với hơn 166.000 hồ sơ (từ tháng 7/2023 trở về trước).
Về kết nối, chia sẻ dữ liệu: (i) Liên quan đến số hóa dữ liệu hộ tịch, đến nay, đã có 63/63 tỉnh đã thực hiện số hoá. Số Sổ hộ tịch đã được số hóa 2.524.892 sổ với hơn 60 triệu dữ liệu, trong đó, đã cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hệ thống điện tử trên 50 triệu dữ liệu. (ii) Về kết nối, chia sẻ dữ liệu, Cục Công nghệ thông tin đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ kết nối, khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên các hệ thống phần mềm như: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp; Phần mềm quản lý quốc tịch phiên bản Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; Phần mềm quản lý lý lịch tư pháp phiên bản cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia; Phần mềm lý lịch tư pháp dùng chung cho Sở Tư pháp; Phần mềm quản lý trợ giúp pháp lý; Phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự. (iii) Về tích hợp dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với nhiệm vụ tích hợp 02 loại giấy tờ là Giấy khai sinh, bản trích lục đăng ký khai sinh; giấy đăng ký kết hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Căn cước thì Bộ Tư pháp đã thực hiện kết nối, chia sẻ 18/23 trường thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đối với nhiệm vụ tích hợp các trường thông tin theo quy định tại khoản 26 Điều 9 Luật Căn cước (các trường thông tin dữ liệu yêu cầu tích hợp thuộc Cơ sở dữ liệu hộ tịch, Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp), hiện nay, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 chưa có tài liệu kỹ thuật hướng dẫn về việc tích hợp này. Tuy nhiên, một số thông tin về hộ tịch, lý lịch tư pháp đã có sẵn để có thể thực hiện tích hợp.
Cũng tại phiên họp, đồng chí Lê Tuấn Phong, Phó Chánh Văn phòng Bộ đã báo cáo những khó khăn, vướng mắc về tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao của Đề án 06, cụ thể: (i) Đối với dịch vụ công trực tuyến: Việc triển khai nhóm thủ tục hành chính “Đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân” tại các địa phương còn chậm do yêu cầu ưu tiên cho việc triển khai Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ. Đối với “Dịch vụ công thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng dịch vụ công Quốc gia” thì việc triển khai nhiệm vụ phụ thuộc vào kế hoạch, lịch trình của Tòa án nhân dân tối cao và Kho bạc Nhà nước Việt Nam dẫn đến kéo dài quá trình nghiên cứu, tìm giải pháp tháo gỡ liên quan đến việc chậm thanh toán trực tuyến khi triển khai dịch vụ công nêu trên. (ii) Về kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu thì tiến độ số hóa Sổ hộ tịch ở khá nhiều địa phương còn chậm, nguy cơ không bảo đảm tiến độ (hoàn thành trong năm 2024). (iii) Về triển khai tích hợp dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì việc tích hợp dữ liệu theo quy định của Luật Căn cước với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề kỹ thuật.
Tại phiên họp, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cũng đã trao đổi, thảo luận về một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể về thực hiện các nhiệm vụ được giao của Đề án 06 đến hết quý III/2024 như: Tiếp tục triển khai đồng bộ có hiệu quả việc cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử phục vụ liên thông 02 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử trên phạm vi cả nước. Hoàn thành nhiệm vụ triển khai chính thức trên toàn quốc đối với nhóm thủ tục hành chính “Đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân”. Tiếp tục phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, có giải pháp chia sẻ các dữ liệu hộ tịch, đặc biệt là dữ liệu khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, cải chính hộ tịch cho các bộ, ngành, địa phương để nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền được giao theo quy định của Luật Căn cước. Khẩn trương số hóa, làm sạch dữ liệu, nhất là dữ liệu đăng ký khai sinh trước ngày 01/01/2016, thông tin Giấy chứng nhận kết hôn để đồng bộ về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư....
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh, quá trình triển khai thực hiện Đề án 06 đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc. Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần có sự thay đổi, phối hợp, chủ động để kịp thời báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo Bộ, từ đó thống nhất thông tin, phương án để tổng hợp lại trong Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát nhằm có phương hướng thực hiện cụ thể./.
Hoàng Trung