Trong tình hình hiện nay, có thể nói, việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng là yêu cầu cấp thiết của nền giáo dục Việt Nam nhằm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, Việt Nam cần phải đẩy mạnh và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, phương pháp học, kiểm tra, đánh giá kết quả, công tác quản lý, tạo cho người học chủ động hơn trong việc tự học, tự nghiên cứu và tiếp thu kiến thức… Trước bối cảnh chung đó, việc đẩy nhanh công tác bồi dưỡng cán bộ nói chung và cán bộ tư pháp địa phương bằng phương pháp trực tuyến là điều cần thiết, đặc biệt là tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới như hiện nay.
Năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các quốc gia, các ngành, lĩnh vực, trong đó có Việt Nam và lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng. Đại dịch Covid-19 đã làm cho nhiều lớp học trên toàn thế giới đóng cửa và buộc 1,5 tỷ sinh viên, 63 triệu nhà giáo dục không thể thực hiện các hoạt động học tập trung theo phương thức truyền thống[1]. Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nước, nhiều cơ sở giáo dục đào tạo, bồi dưỡng đã triển khai phương thức học trực tuyến hoặc kết hợp giữa học tập trung với học trực tuyến để tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Ở Việt Nam, có khoảng 20 cơ sở giáo dục đại học cung cấp các khoá học trực tuyến theo các hình thức trực tuyến hoàn toàn, hình thức kết hợp giữa học truyền thống và trực tuyến hoặc một phần các chương trình dành cho viên chức chuyên ngành và có khoảng gần 10 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của các bộ, ngành thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ chức theo hình thức trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tuyến với tập trung[2].
1. Một số vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến
Hiện nay, có nhiều khái niệm, thuật ngữ, cách hiểu khác nhau về đào tạo trực tuyến. Tùy thuộc vào quan niệm, góc nhìn khác nhay, thuật ngữ “học trực tuyến” có thể được hiểu là học tập điện tử, e-learning, học qua mạng. E-learning (Electronic Learning), về bản chất là một hệ thống hoặc công cụ giáo dục dựa trên máy tính cho phép người học có thể học ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào. Ngày nay, e-learning chủ yếu được phân phối thông qua internet, mặc dù trước đây được phân phối bằng cách sử dụng kết hợp các phương pháp dựa trên máy tính như CD-ROM[3].
Mặc dù, e-learning có nhiều cách hiểu khác nhau nhưng nhìn chung có 04 đặc tính cơ bản là: (i) Sử dụng công nghệ để cung cấp các chương trình học tập và đào tạo; (ii) Phân phối chương trình học tập, đào tạo hoặc giáo dục bằng phương tiện điện tử; (iii) Việc học tập được tạo điều kiện thuận lợi bằng cách sử dụng các công cụ và nội dung kỹ thuật số liên quan đến một số hình thức tương tác, có thể bao gồm tương tác trực tuyến giữa người học và giảng viên hoặc đồng nghiệp của họ; (iv) Công nghệ thông tin và truyền thông được sử dụng để hỗ trợ người học cải thiện việc học tập[4].
Như vậy, có thể hiểu e-learning là một phương thức học trong đó người dạy và người học có thể giao tiếp với nhau qua mạng dưới các hình thức như: E-mail, thảo luận trực tuyến (chat), diễn đàn (forum), hội thảo video…; các nội dung học tập có thể được phân phát qua các công cụ điện tử hiện đại như máy tính, mạng vệ tinh, mạng internet, các website… hoặc có thể thu được từ đĩa CD, DVD, băng video… Học trực tuyến phải gắn liền với các nền tảng công nghệ chuyên nghiệp, được phát triển với mục đích chuyên biệt. Vì vậy, cho dù hiểu học trực tuyến ở phương thức, góc độ nào thì phương thức, cách thức học trực tuyến cũng khác với phương thức, cách thức học truyền thống trực tiếp trên lớp. Đối với loại hình học tập truyền thống tập trung trên lớp thì người học tập trung tại lớp để học tập, nghe giảng viên lên lớp giảng bài. Điều này có nghĩa là, học viên trực tiếp nhận thông tin bài giảng từ giảng viên. Đối với phương thức học trực tuyến, hiện nay có hai hình thức giao tiếp giữa người dạy và người học đó là: Giao tiếp đồng bộ và giao tiếp không đồng bộ. Giao tiếp đồng bộ là phương thức giao tiếp trong đó có nhiều người truy cập tại cùng một thời điểm và trao đổi thông tin trực tiếp với nhau như: Thảo luận trực tuyến, hội thảo video… Giao tiếp không đồng bộ là phương thức người học không nhất thiết phải truy cập tại cùng một thời điểm như tự học qua mạng internet, CD-ROM, email, diễn đàn… Như vậy, học trực tuyến hay học tập trên mạng tạo ra yếu tố giao tiếp hai chiều giữa học viên với giảng viên và trao đổi với học viên khác qua mạng máy tính hoặc qua mạng internet. Học trực tuyến có tác dụng kích thích ý thức tự học của người học, hỗ trợ người học tiếp cận với nguồn thông tin phong phú hơn rất nhiều so với học tập trung trên lớp theo phương thức truyền thống.
Hiện nay, có rất nhiều loại hình, cách thức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến. Tuy nhiên, căn cứ vào việc tổ chức thực hiện trên thực tế có thể phân loại đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến thành ba hình thức như sau:
- Hình thức học trực tuyến mở từ xa (Massive Open Online Courses - MOOC). MOOC là các khóa học được thiết kế cho một lượng lớn người tham dự, cách học này có thể được truy cập ở bất cứ nơi nào và cho bất kỳ ai nếu như họ có thể kết nối với internet. MOOC là nguồn mở cho tất cả mọi người, không đòi hỏi phải chứng thực trình độ mới có thể tham gia, cung cấp các khóa học trực tuyến hoàn chỉnh và hoàn toàn miễn phí[5].
- Hình thức kết hợp giữa học trực tuyến và học trực tiếp (Blended Learning). Đây là hình thức đang được nhiều trường đại học, cơ sở giáo dục trên thế giới cũng như ở Việt Nam áp dụng. Ưu điểm của hình thức kết hợp là tận dụng được những ưu điểm của hình thức học trực tuyến và của hình thức học tập trung nên hiệu quả hơn, ít rủi ro vì có thể sử dụng linh hoạt các công nghệ khác nhau trong quá trình chuyển đổi. Với hình thức này, tùy từng tính chất nội dung bài giảng mà cơ sở giáo dục lựa chọn phương thức học tập trung hay học trực tuyến. Đồng thời, trong phương thức này, các trao đổi, thảo luận giữa người học với nhau và với giảng viên về các bài học có thể được thực hiện một cách linh hoạt ngoài giờ học trên lớp như sử dụng diễn đàn, email,…
- Hình thức lớp học đảo ngược (flipping the classroom). Trong hình thức này, người học được xem trước các video bài giảng và khi đến lớp, các hoạt động chính tập trung vào thảo luận giải quyết các vấn đề chính của bài học và làm việc nhóm. Hình thức này giúp cho môi trường học được năng động hơn, có nhiều tương tác hơn giữa người học với nhau và với giảng viên. Với hình thức này giảng viên đóng vai trò là người hướng dẫn giúp học viên đạt được các mục tiêu học tập của mình.
Học tập trực tuyến thường phải gắn liền với các nền tảng công nghệ chuyên nghiệp, được phát triển với mục đích để quản lý và tích hợp các hoạt động dạy - học của người học, người giảng và cán bộ quản lý. Các hệ thống phần mềm quản lý hoạt động học tập trực tuyến là LMS (viết tắt của Learning Management System) và phần mềm quản lý nội dung học tập LCMS (viết tắt của Learning Content Management System).
Đặc biệt, với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc học trực tuyến hiện nay đã phát triển với các hệ thống trợ giảng thông minh sử dụng máy tính, điện thoại di động mô phỏng các trợ giảng giúp cho người học có thể học, tương tác với giảng viên và với các học viên khác ở mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, việc ứng dụng, sử dụng công nghệ mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo như sử dụng trí tuệ nhân tạo, điện tử đám mây, internet vạn vật, cơ sở dữ liệu lớn, trò chơi hóa, video hóa hoạt động học tập, lớp học ảo, diễn đàn ảo sẽ thúc đẩy hoạt động học tập trực tuyến tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa và đáp ứng tối đa nhu cầu học tập của con người.
2. Thực trạng hoạt động bồi dưỡng cán bộ tư pháp địa phương bằng phương pháp trực tuyến
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Tư pháp đã tổ chức được 164 lớp cho 15.271 lượt công chức, viên chức thuộc Bộ, công chức hệ thống thi hành án dân sự về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo của người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ, Phó Vụ trưởng, lãnh đạo cấp phòng; bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn ngạch thư ký thi hành án, chấp hành viên trung cấp, thẩm tra viên, thẩm tra viên chính, kỹ năng nghiệp vụ thi hành án; bồi dưỡng quản lý nhà nước, tiêu chuẩn công chức, tiêu chuẩn chức danh viên chức, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành, vị trí việc làm, nâng cao kiến thức, bồi dưỡng tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản… Đồng thời, trong giai đoạn 2016 - 2020, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ Tư pháp đã phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương tổ chức được 56 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch cho 9.771 công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã và cấp huyện của các địa phương trên toàn quốc. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ còn tổ chức thành công nhiều lớp bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội. Hiện nay, theo quy định của pháp luật, việc bồi dưỡng cán bộ tư pháp địa phương không thuộc sự quản lý trực tiếp của Bộ Tư pháp sẽ do địa phương thực hiện nên chưa có số liệu thống kê chính thức số lượng cán bộ tư pháp địa phương do các địa phương tổ chức bồi dưỡng.
Đối với Học viện Tư pháp, trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9/2020, đã tổ chức được tổng cộng 350 lớp bồi dưỡng cho 25.444 lượt người học, trong đó có 108 lớp bồi dưỡng được Bộ Tư pháp giao theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức hàng năm cho 7.490 lượt người học và 242 lớp bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội cho 17.954 lượt người học; 11 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nâng cao về pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế cho công chức, viên chức làm công tác liên quan đến pháp luật, pháp chế của các bộ, ngành và địa phương; 41 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch cho 4.291 học viên[6].
Hầu hết, các lớp bồi dưỡng do Bộ Tư pháp thực hiện kể cả các lớp bồi dưỡng cho cán bộ tư pháp địa phương đều được thực hiện theo phương thức truyền thống tập trung. Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy hiểm trên diện rộng, ngày 05/5/2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1000/QĐ-BTP phê duyệt chủ trương tổ chức thí điểm đào tạo, bồi dưỡng tập trung kết hợp từ xa theo phương thức trực tuyến tại Học viện Tư pháp. Vì thế, trong năm 2020, Học viện Tư pháp đã tổ chức được 36 lớp bồi dưỡng theo phương thức học trực tuyến kết hợp tập trung cho 2.499 lượt học viên. Tuy nhiên, các lớp bồi dưỡng trực tuyến do Học viện Tư pháp tổ chức thực hiện dưới hình thức lớp học ảo (virtual class) với việc ứng dụng phần mềm Microft Teams. Vì thế, người học và giảng viên đều phải truy cập vào cùng một khung giờ chung để giảng viên giảng bài, học viên học bài và cùng trao đổi thảo luận với nhau.
Ngoài Học viện Tư pháp còn có một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp như Tổng cục Thi hành án dân sự, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật… đã triển khai một số lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ tư pháp địa phương theo hình thức hội nghị trực tuyến hoặc các lớp học ảo giống như Học viện Tư pháp.
Như vậy, các lớp bồi dưỡng trực tuyến cho cán bộ tư pháp địa phương do Học viện Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tổ chức mới chỉ thực hiện theo phương thức giao tiếp đồng bộ, trong đó tất cả học viên, giảng viên đều truy cập tại cùng một thời điểm và trao đổi thông tin trực tiếp với nhau như thảo luận trực tuyến, hội thảo video… mà chưa thực hiện theo các hình thức khác. Học viện Tư pháp chưa có phần mềm LMS và LCMS để thực hiện quản lý các hoạt động bồi dưỡng trực tuyến. Việc ứng dụng phần mềm Microsoft Teams, cũng như phương thức cầu truyền hình trực tuyến, hội nghị trực tuyến để tổ chức các hoạt động bồi dưỡng chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho người học, giảng viên cũng như cán bộ quản lý. Về bản chất, Microsoft Teams không phải là phần mềm đào tạo trực tuyến. Đồng thời, các lớp bồi dưỡng, tập huấn trực tuyến do Học viện Tư pháp và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp thực hiện chưa đa dạng, chưa bài bản, chủ yếu là giải pháp tình thế trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh Covid-19.
3. Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động bồi dưỡng cán bộ tư pháp địa phương bằng phương pháp trực tuyến
Để việc bồi dưỡng cho cán bộ tư pháp địa phương bằng phương thức trực tuyến phát triển, đạt chất lượng, hiệu quả cao thì cần phải có giải pháp đồng bộ, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, đơn vị sử dụng cán bộ, cơ sở bồi dưỡng, đội ngũ giảng viên và ý thức, trách nhiệm cao của người học. Một số giải pháp cụ thể như:
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật về việc bồi dưỡng cán bộ bằng phương pháp trực tuyến. Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật quy định về việc bồi dưỡng cho cán bộ nói chung và bồi dưỡng cho cán bộ tư pháp bằng phương pháp trực tuyến. Vì vậy, để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, Nhà nước, Bộ Tư pháp cần phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy chế quy định cụ thể, chi tiết về việc bồi dưỡng cán bộ nói chung và cán bộ tư pháp bằng phương thức trực tuyến nhằm xác định rõ vị trí, vai trò, giá trị pháp lý của hình thức bồi dưỡng trực tuyến, trong đó có các quy định về cách thức tổ chức thực hiện, quản lý, kiểm tra, kiểm định, đánh giá đảm bảo chất lượng đối với hình thức bồi dưỡng trực tuyến làm cơ sở cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thực hiện. Nhà nước, Bộ Tư pháp cần phải có chính sách để khuyến khích các cơ sở bồi dưỡng đầu tư thực hiện hình thức bồi dưỡng cho cán bộ bằng phương pháp trực tuyến.
Thứ hai, xây dựng, ban hành các thể chế, quy chế, quy định về bồi dưỡng trực tuyến. Học viện Tư pháp và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ cần phải xây dựng, ban hành các quy chế, quy định về việc đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến để làm căn cứ, cơ sở thực hiện. Quy chế, quy định về đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cần phải cụ thể, chi tiết và phải quản lý, kiểm soát được người học, người giảng, đánh giá, đảm bảo được chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến cho cán bộ tư pháp địa phương.
Thứ ba, xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng trực tuyến thật sự thiết thực, bổ ích. Học viện Tư pháp và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ Tư pháp cần phải xây dựng được các chương trình bồi dưỡng trực tuyến thật sự thiết thực, bổ ích cho người học, xuất phát từ người học, từ nhu cầu giải quyết công việc của người học trên thực tế, gắn với nhu cầu thực tế của cơ quan, đơn vị sử dụng người học. Các chương trình bồi dưỡng trực tuyến phải góp phần trang bị, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, thái độ thực hiện công việc thực tế theo từng vị trí việc làm của người học nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại cũng như tương lai của người học, của cơ quan, đơn vị sử dụng người học, nhằm giải quyết tốt các yêu cầu thực tế của xã hội.
Các chương trình bồi dưỡng trực tuyến cần giảm thiểu các nội dung lý thuyết, tăng tính thực tế, tăng kỹ năng nghiệp vụ, được xây dựng theo trình tự thủ tục, các bước giải quyết công việc trên thực tế, sử dụng hình ảnh minh hoạ thực tiễn để người học dễ hiểu, dễ nhớ. Đồng thời, các bài giảng trực tuyến phải tạo hứng thú, kích thích, lôi cuốn người học để thu hút, tạo động lực cho người học tham gia học tập.
Thứ tư, xác định phương thức, cách thức tổ chức bồi dưỡng trực tuyến phù hợp, hiệu quả. Học viện Tư pháp và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ Tư pháp cần phải xác định phương thức, cách thức tổ chức và nội dung bồi dưỡng cán bộ tư pháp địa phương bằng phương thức trực tuyến như xác định: Bồi dưỡng toàn bộ chương trình bằng phương thức trực tuyến hay bồi dưỡng kết hợp giữa trực tuyến với bồi dưỡng tập trung trực tiếp; bồi dưỡng trực tuyến theo phương thức giao tiếp đồng bộ, hay theo phương thức giao tiếp không đồng bộ, hay kết hợp cả phương thức giao tiếp đồng bộ với giao tiếp không đồng bộ… Đối với các chương trình bồi dưỡng dài ngày hoặc các chương trình bồi có nhiều nội dung khác nhau thì cần phải xác định những nội dung nào thì tổ chức bồi dưỡng bằng phương pháp trực tuyến, nội dung nào thì tổ chức bồi dưỡng tập trung, nội dung nào sẽ bồi dưỡng trực tuyến theo phương thức giao tiếp đồng bộ, nội dung nào sẽ bồi dưỡng theo phương thức giao tiếp không đồng bộ… để hoạt động bồi dưỡng cho cán bộ tư pháp địa phương đạt chất lượng và thật sự thiết thực, hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu của người học và của cơ quan, đơn vị sử dụng người học trên thực tế.
Trong giai đoạn đầu mới triển khai bồi dưỡng trực tuyến, để hoạt động bồi dưỡng cán bộ tư pháp địa phương thật sự thiết thực, bổ ích, đạt chất lượng, hiệu quả cao, Học viện Tư pháp và các cơ sơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ Tư pháp nên áp dụng bồi dưỡng kết hợp giữa trực tuyến với tập trung, kết hợp giữa bồi dưỡng trực tuyến theo phương thức giao tiếp đồng bộ với phương thức giao tiếp không đồng bộ. Đối với những chương trình bồi dưỡng, tập huấn cập nhật văn bản mới ban hành, những nội dung mang tính lý thuyết, trình tự thủ tục thì nên áp dụng bồi dưỡng theo phương pháp trực tuyến; đối với những nội dung bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ mang tính chất cầm tay chỉ việc cần hướng dẫn sâu thì nên bồi dưỡng theo phương pháp tập trung trực tiếp; đối với những nội dung mang tính phổ thông, đại trà, nhiều người học, ít thay đổi nội dung thì nên áp dụng phương pháp bồi dưỡng trực tuyến theo phương thức giao tiếp không đồng bộ; đối với những nội dung mang tính chất toạ đàm, đối thoại, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thì nên bồi dưỡng tập trung hoặc bồi dưỡng trực tuyến theo phương thức giao tiếp đồng bộ.
Thứ năm, xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên giảng dạy trực tuyến có chất lượng. Học viện Tư pháp và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ Tư pháp phải xây dựng được đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy trực tuyến có kiến thức, có kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn, và biết sử dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy trực tuyến. Đặc biệt, cần xây dựng được đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy là các chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo các cục, vụ, viện… am hiểu thực tiễn, để truyền đạt lại các kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác cho đội ngũ cán bộ tư pháp địa phương.
Thứ sáu, nâng cao năng lực sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên giảng dạy bồi dưỡng trực tuyến. Học viện Tư pháp và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ Tư pháp cần phải chú trọng, quan tâm đến việc bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ nhất là năng lực, trình độ sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, tham gia quản lý, giảng dạy các lớp bồi dưỡng trực tuyến nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy; có cơ chế khen thưởng, kỷ luật để tạo động lực, thúc đẩy và phát huy tính chủ động, sáng tạo, sự nhiệt tình, có trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong việc tham gia thực hiện bồi dưỡng cho cán bộ tư pháp địa phương bằng phương pháp trực tuyến. Phải thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy trực tuyến cho đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp giảng dạy trực tuyến cho đội ngũ giảng viên.
Thứ bảy, lựa chọn công nghệ, phân kỳ đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở dữ liệu điện tử đảm bảo thiết thực, phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả cho bồi dưỡng trực tuyến. Học viện Tư pháp và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cần phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ và các trang thiết bị máy móc hiện đại để tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng trực tuyến nhất là cơ sở hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ thông tin, các chương trình phần mềm quản lý, phần mềm đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến. Đầu tư xây dựng cổng thông tin điện tử, công thông tin bồi dưỡng trực tuyến, hệ thống thư viện điện tử, cơ sở dữ liệu, học liệu điện tử, số hoá bài giảng đạt chuẩn theo đúng quy định như khoá học, bài giảng, tài liệu, đề thi, đề kiểm tra, phiếu đánh giá chất lượng… và cung cấp trên mạng internet (cổng thông tin điện tử, trang website, hệ thống chia sẻ học liệu điện tử…) để cung cấp cho người học và hỗ trợ cho đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy. Đầu tư xây dựng và trang bị các phòng studio sản xuất bài giảng, số hoá bài giảng, học liệu điện tử.
Trong giai đoạn đầu mới triển khai bồi dưỡng bằng phương pháp trực tuyến, số lượng lớp học, người học chưa nhiều, đội ngũ nhân sự chưa đảm bảo, chưa có nhiều kinh nghiệm, Học viện Tư pháp và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nên kết hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo trực tuyến để thuê phần mềm, thuê server, đường truyền. Sau khi đã có kinh nghiệm, đã thực hiện thành công các khoá đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến, đảm bảo đủ nguồn lực mới nên đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công nghệ hoặc kết hợp đầu tư mua sắp hạ tầng kỹ thuật, công nghệ với thuê dịch vụ để đảm bảo tính hiệu quả.
Đặc biệt, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ tư pháp địa phương theo phương pháp trực tuyến cần phải áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, kỹ thuật mới, hiện đại và áp dụng linh hoạt các phương thức để đạt chất lượng, hiệu quả cao, đáp ứng tối đa nhu cầu học tập của cán bộ tư pháp địa phương như sử dụng trí tuệ nhân tạo, điện tử đám mây, internet vạn vật, cơ sở dữ liệu lớn, trò chơi hóa, video hóa hoạt động học tập, công nghệ thực tế ảo…
Thứ tám, tăng cường quản lý, kiểm soát, đảm bảo và nâng cao chất lượng, hiệu quả, chống gian lận trong hoạt động bồi dưỡng trực tuyến. Học viện Tư pháp và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ Tư pháp cần phải tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ tư pháp địa phương bằng phương pháp trực tuyến để chất lượng bồi dưỡng được bảo đảm, đạt chất lượng, hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của người học và của cơ quan, đơn vị sử dụng người học cũng như nhu cầu giải quyết công việc trên thực tế của xã hội.
Đặc biệt, Học viện Tư pháp và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ Tư pháp phải nắm được, biết được chất lượng và kết quả bồi dưỡng trực tuyến, những thành công đạt được và các khiếm khuyết, hạn chế còn tồn tại để từ đó đưa ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của bồi dưỡng trực tuyến. Muốn vậy, ngoài hệ thống công cụ, tiêu chí đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức chung do Bộ Nội vụ ban hành, Bộ Tư pháp nói chung và Học viện Tư pháp, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ Tư pháp nói riêng cần xây dựng được hệ công cụ, tiêu chí đánh giá riêng để nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ tư pháp địa phương bằng phương pháp trực tuyến.
Học viện Tư pháp
[1]. Theo World Bank Education and Covid-19
[2]. Bộ Nội vụ, Báo cáo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo loại hình từ xa trong thời gian qua và định hướng giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội, ngày 23/10/2020.
[3]. Epignosis LLC, E-Learning: Concepts, trends, applications, January 2014 (page 5-6) at www.talentms.com (truy cập ngày 29/12/2020).
[4]. Sangrà, A.; Vlachopoulos, D.; Cabrera, N. Building an inclusive definition of e-learning: An approach to the conceptual framework. Int. Rev.Res. Open Distrib. Learn. 2012, 13, p. 145-159.
[5]. Nguyễn Tấn Công (2017), “Khoá học trực tuyến mở - xu hướng phát triển giáo dục đại học”, Tạp chí Thư viện Việt Nam, Số 4/2017, tr. 31-38.
[6]. Bộ Tư pháp, Tài liệu hội thảo “Sơ kết 05 năm thực hiện Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2025 và lấy ý kiến dự kiến Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp năm 2021”, Hà Nội, ngày 25/11/2020, tr. 24.