Ở Việt Nam, thực hiện chủ trương nhân đạo hóa, tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự đối với người chưa thành niên theo tinh thần Nghị quyết số 48/NQ-TW và Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị cũng như để bảo đảm sự phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em và các chuẩn mực pháp lý quốc tế về tư pháp đối với người chưa thành niên, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định về việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục (khoản 2 Điều 91), đồng thời, bổ sung một mục quy định về 03 biện pháp giám sát, giáo dục bao gồm khiển trách, hòa giải tại cộng đồng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn với các nghĩa vụ cụ thể mà người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự phải thực hiện tại cộng đồng nhằm tăng cường hiệu quả phòng ngừa tái phạm, bảo đảm phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng đối với các em. Chính sách này được quy định tại khoản 2 Điều 91 và Mục 2 Chương XII (các điều 92, 93, 94 và Điều 95) của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Vì vậy, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết “Các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015” của tác giả Nguyễn Thị Thuần được đăng tải trong số chuyên đề 200 trang về “Bộ luật Hình sự năm 2015 với yêu cầu bảo đảm quyền con người, quyền công dân và hội nhập quốc tế trong phòng, chống tội phạm” năm 2019. Trong bài viết này, tác giả đề cập đến điều kiện áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự. Đồng thời, tập trung phân tíchcác biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự như: Biện pháp khiển trách; biện pháp hòa giải tại cộng đồng; biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.