1. Thực trạng pháp luật về văn hóa trong cộng đồng dân cư nông thôn mới
Trong lĩnh vực văn hóa, hiện nay đang có 06 luật, 52 nghị định, 18 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 109 thông tư, thông tư liên tịch điều chỉnh trực tiếp. Trong 10 lĩnh vực chuyên môn về văn hóa, gia đình hiện mới có 06 lĩnh vực có luật điều chỉnh gồm: Luật Điện ảnh; Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Luật này chỉ điều chỉnh 1 nhánh của công tác gia đình) và Luật Thư viện; 04 lĩnh vực chuyên môn còn lại được điều chỉnh bằng nghị định gồm: Nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm; văn hóa quần chúng, văn hóa dân tộc và tuyên truyền cổ động.
Theo kết quả rà soát chuyên ngành, hiện có 05 nhóm văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp các hoạt động văn hóa trong cộng đồng dân cư, bao gồm: (i) Các văn bản pháp luật về xây dựng, công nhận các danh hiệu văn hóa; (ii) Các văn bản về quản lý hoạt động văn hóa, tín ngưỡng trong cộng đồng dân cư; (iii) Các văn bản về thực hiện nếp sống văn minh; (iv) Các văn bản về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; (v) Các văn bản về quản lý thiết chế văn bản cơ sở.
Hệ thống các văn bản điều chỉnh lĩnh vực văn hóa nêu trên đã và đang được triển khai thực thi tại cộng đồng dân cư và bước đầu đạt được một số kết quả nhất định góp phần phát huy tốt vai trò của văn hóa, giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp tạo môi trường ổn định, đoàn kết để phát triển kinh tế, hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới.
2. Thực trạng thi hành pháp luật về văn hóa trong cộng đồng dân cư nông thôn mới
Tuy nhiên, tình hình thực thi pháp luật về văn hóa trong cộng đồng dân cư còn nhiều bất cập, cụ thể như: Tình trạng vi phạm pháp luật còn diễn ra còn tương đối phổ biến; một số lĩnh vực thực hiện chưa nghiêm túc, còn có biểu hiện hình thức ví dụ việc công nhận gia đình văn hóa; cấp ủy, chính quyền cơ sở có nơi chưa quan tâm, đôn đốc; việc giám sát thực hiện còn coi nhẹ; nhiều quy định của pháp luật về văn hóa trong cộng đồng dân cư chưa được tuyên truyền sâu rộng, đặc biệt là các quy định mới; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn chưa thường xuyên, liên tục; các điều kiện cụ thể về con người, kinh phí, cơ sở vật chất… để thực thi pháp luật ở một số nơi còn thiếu thốn, chưa được bảo đảm…
Việc thực thi pháp luật còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng còn những tồn tại, hạn chế trong hoạt động văn hóa tại cộng đồng dân cư, cụ thể là:
Hoạt động văn hóa, tín ngưỡng: Có nơi, có lễ hội vẫn còn xuất hiện hiện tượng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa trong khuôn viên di tích; các tệ nạn và hiện tượng xấu như đánh bạc, cá cược ăn tiền núp bóng trò chơi truyền thống; xem bói, gieo quẻ, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch; tăng giá dịch vụ bán hàng, trông giữ xe vào di tích và lễ hội; đốt đồ mã, vàng mã nhiều tại các di tích, đền, phủ; ùn tắc giao thông, mất an toàn trên sông, nước; vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, bày bán thịt động vật hoang dã...
Hoạt động công nhận các danh hiệu văn hóa: Một số nơi có hiện tượng chạy theo thành tích, chưa chú trọng đến chất lượng trong việc bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa; tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa cao, nhưng các biểu hiện tiêu cực, tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, tội phạm… không giảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hướng xấu đến thuần phong mỹ tục, trật tự an toàn xã hội và làm suy đồi đạo đức, lối sống.
Hoạt động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội: Còn xuất hiện hiện tượng "thương mại hóa" việc cưới; khi tổ chức cưới còn vi phạm hành lang an toàn giao thông, gây mất trật tự công cộng như dựng lán, bạt lấm chiếm lòng lề, đường, mở loa đài quá giờ quy định với công suất quá to, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của các gia đình xung quanh; một số hủ tục vẫn tồn tại trong đời sống xã hội như đón dâu, rước dâu đi lại nhiều lần, ăn cỗ lấy phần, ăn cỗ nhiều ngày trong lễ tang, rải vàng mã trên đường khi đưa tang...
Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước: Thực tế vẫn còn tình trạng hương ước, quy ước có nội dung vi phạm pháp luật, quy định việc xử phạt trái pháp luật, vi phạm hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân, đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội và hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật; công tác thẩm định, phê duyệt hương ước, quy ước của một số địa phương còn chậm, chưa bảo đảm chất lượng, có tình trạng thẩm định, phê duyệt không đúng thẩm quyền hoặc bỏ qua khâu này mà thực hiện ngay hương ước, quy ước; hương ước, quy ước ở một số địa phương còn chưa được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chưa cao mặc dù nội dung hương ước, quy ước đã khá đầy đủ và rõ ràng.
Trong hoạt động của các thiết chế văn hóa: Một số địa phương chưa thực hiện quy hoạch đất cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao hoặc đã có quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng hay có nơi còn tình trạng dùng quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao vào mục đích khác; một số nơi đã có Trung tâm Văn hóa nhưng vẫn bị chuyển đổi vị trí để phục vụ mục đích kinh doanh thương mại; cơ sở vật chất Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh cũ kỹ, xuống cấp chưa được nâng cấp kịp thời, không đủ sức mạnh để thu hút người dân tham gia; việc xây dựng cơ chế chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ công tác tại hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở còn chậm, thiếu; nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất không có thiết chế văn hoá, thể thao phục vụ đời sống văn hoá tinh thần, luyện tập thể dục, thể thao của người lao động; một số Nhà văn hóa lao động bị tỉnh thu hồi, mặc dù tỉnh đã đền bù xây dựng Nhà văn hóa lao động ở vị trí khác, tuy nhiên vị trí mới đều không bằng vị trí cũ do không ở trung tâm, xa khu dân cư, xa khu công nghiệp, không thuận tiện về giao thông nên khó hoạt động, khó thu hút công nhân lao động và nhân dân đến sinh hoạt.
3. Các giải pháp nâng cao chất lượng thi hành pháp luật về văn hóa trong cộng đồng dân cư nông thôn mới
Trước thực trạng pháp luật và thi hành pháp luật như trên, tác giả đề xuất một số giải pháp cụ thể để nâng cao hơn nữa việc thực thi pháp luật về văn hóa trong cộng đồng dân cư nông thôn mới, phù hợp với những đặc điểm đặc thù tại từng địa phương, khu vực như sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với công tác thực thi pháp luật và vai trò của thực thi pháp luật trong đời sống xã hội
Đối với nhóm giải pháp này cần tập trung vào các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp trong công tác thực thi pháp luật, gắn việc thực thi pháp luật với xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Từ thực trạng xây dựng đời sống văn hóa cho thấy, nhận thức đầy đủ, thống nhất của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân về vai trò của thực thi pháp luật, gắn thực thi pháp luật với thành công của công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo ra sự đồng thuận và sự nhiệt tình, hưởng ứng của đông đảo của các đoàn thể luôn giữ vai trò quan trọng hàng đầu.
Thứ hai, hoàn thiện thể chế, chính sách góp phần nâng cao thực thi pháp luật
Các giải pháp trong nhóm này tập trung vào việc gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng chính sách, pháp luật với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành chính sách, đưa pháp luật vào cuộc sống; gắn công tác tổ chức thi hành pháp luật với công tác xây dựng pháp luật, hạn chế tối đa tình trạng cắt khúc trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Theo đó, những yếu tố bảo đảm thi hành pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật phải được đặt ra, cân nhắc kỹ lưỡng trong quá trình soạn thảo pháp luật; tính khả thi của pháp luật phải được đánh giá nghiêm túc trong tất cả các giai đoạn của xây dựng pháp luật; tăng cường khảo sát thực tiễn, đảm bảo sự tham gia rộng rãi và thực chất của nhân dân trong xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Một giải pháp quan trọng khác trong hoàn thiện pháp luật chính là sự phản biện, tham gia của nhân dân trực tiếp hoặc thông qua cộng đồng dân cư đối với việc xây dựng chính sách, pháp luật như việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, lấy ý kiến của các đối tượng tham gia các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội, các đối tượng thụ hưởng các chính sách văn hóa từ các thiết chế văn hóa...
Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về văn hóa trong cộng đồng dân cư nông thôn mới
Các giải pháp ở nhóm này cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của nhân dân đối với pháp luật. Khi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần giải thích, phân tích cho người dân hiểu được rằng pháp luật không chỉ bao gồm các quy định hạn chế, quản lý các hoạt động mà pháp luật còn bao gồm các quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mà còn khuyến khích, bảo vệ công dân khi tham gia vào các hoạt động văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Các biện pháp tuyên truyền phải phù hợp với từng hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng và phải thiết thực, đa dạng. Bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống, cần quan tâm khai thác có hiệu quả các văn bản pháp luật cập nhật, lưu trữ trên mạng tin học diện rộng của Chính phủ, mạng internet. Xây dựng và đưa vào sử dụng rộng rãi các cơ sở dữ liệu pháp luật điện tử; tiếp tục củng cố và phát triển các hệ thống thông tin pháp luật phù hợp tại các cơ quan nhà nước, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp. Nâng cao khả năng hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức làm công tác thông tin pháp luật tạo thành mạng lưới thông tin pháp luật thống nhất từ trung ương đến địa phương thực hiện việc tổ chức, quản lý và cung cấp thông tin pháp luật. Ngoài ra, biện pháp rất hữu hiệu là kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật với hướng dẫn áp dụng pháp luật trong cộng đồng dân cư nông thôn mới vùng đồng bằng Bắc bộ.
Thứ tư, tăng cường nguồn nhân lực thực thi pháp luật về văn hóa
Nguồn nhân lực này bao gồm các cơ quan, nhà quản lý; các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị tại địa phương vào công tác thực thi pháp luật. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, cơ quan chuyên môn phải chú trọng nâng cao kỹ năng, kỹ thuật lập pháp, kỹ năng rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra việc tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí và của người dân đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật
Việc kiểm tra, thanh tra phải gắn với có biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, việc khen thưởng cũng cần phải đổi mới, tích cực. Công tác khen thưởng cần có sự đổi mới, hướng về cơ sở, tăng cường khen thưởng cho người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, tập thể, cá nhân điển hình. Bám sát các quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị; đặc biệt khen thưởng đột xuất, thành tích đặc biệt xuất sắc được thực hiện kịp thời, đảm bảo tính biểu dương, tôn vinh./.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch