1. Xác định các loại tội phạm thông qua các bản án gần đây trong lĩnh vực ngân hàng
1.1. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tội kinh doanh trái phép
Đây là các tội thường xuyên xảy ra trong các vụ án lĩnh vực ngân hàng. Nội dung vi phạm pháp luật rất đa dạng, có thể liên quan đến hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD), hoặc vấn đề sở hữu chéo.
Trong đó, đối với tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999, đây là tội danh điển hình bị truy tố trong các đại án ngân hàng. Tội này được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn (chủ thể không nhất thiết phải là người thi hành công vụ và cũng không nhất thiết phải là người của cơ quan Nhà nước) không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế (phải căn cứ vào quy định trong văn bản pháp luật để xem xét hành vi cố ý làm trái là trái với quy định nào, ở văn bản nào) gây hậu quả nghiêm trọng, không những xâm phạm sự hoạt động quản lý kinh tế đúng đắn của Nhà nước mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất cho xã hội (tài sản bị thất thoát lãng phí, bị người khác chiếm đoạt…)[1].
Đối với tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các TCTD, kẽ hở của pháp luật trong việc quy định lãi suất cho vay trong hoạt động tín dụng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi chi lãi suất vượt trần của các ngân hàng. Hành vi chi lãi suất vượt trần bị coi là có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về cho vay trong họat động các TCTD, tội danh này xuất hiện khá nhiều trong các đại án kinh tế ngân hàng xảy ra trước khi Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực[2].
Nguyên nhân của hành vi chi lãi suất ngoài, trả lãi suất vượt trần được lý giải từ nhu cầu huy động vốn từ nguồn tiền gửi của khách hàng, nếu huy động với lãi suất cao thì sẽ thu hút được người gửi tiền, đảm bảo tính thanh khoản cho ngân hàng. Xem xét một ví dụ điển hình, trong vụ án tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại dương (Oceanbank)[3], bị cáo Hà Văn Thắm bị cáo buộc đã chủ trương cho phép Oceanbank thực hiện chi lãi ngoài, trái với quy định của NHNN về trần lãi suất huy động vốn bằng tiền đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ theo Thông tư 02/2011/TT-NHNN (đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm đó). Trong vụ án này, có 34 giám đốc chi nhánh bị truy tố về hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, với cáo buộc đã tiếp nhận chủ trương chi lãi suất ngoài của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Hà Văn Thắm gây thất thoát 1.567 tỷ đồng. Số tiền nói trên đã bị hạch toán trái với quy định Nhà nước, không có hóa đơn chứng từ hợp lệ, bị thất thoát sang các đối tượng khác và không có khả năng thu hồi.
Một vấn đề khác gây nhức nhối nền kinh tế nước ta nói chung và trong hệ thống các TCTD, ngân hàng nói riêng là vấn đề sở hữu chéo. Đó là việc ngân hàng này sở hữu một lượng cổ phần ngân hàng khác, hoặc một doanh nghiệp này sở hữu một lượng cổ phần doanh nghiệp khác. Trong lĩnh vực ngân hàng, thủ đoạn các đối tượng ngân hàng thường là dùng tiền của ngân hàng mình gửi tiền, mua cố phiếu ngân hàng khác rồi lại dùng chính khoản tiền, cổ phiếu đó đem thế chấp để vay ngân hàng khác… Tùy vào tính chất, mức độ sai phạm và thủ đoạn thực hiện mà hành vi này có thể phạm vào tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tội kinh doanh trái phép. Như trong vụ án bầu Kiên[4]. bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã vay số tiền hơn 2.400 tỷ đồng của Ngân hàng Á Châu (ACB), sau đó sử dụng tiền vay mua cổ phần, cổ phiếu của một số ngân hàng khác, rồi dùng số cổ phần, cổ phiếu đó thế chấp lại các khoản vay ban đầu tại Ngân hàng Á Châu, tạo ra vốn ảo, ảnh hưởng đến sự vận hành nền kinh tế quốc dân.
1.2. Tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng
Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) quy định 07 tội phạm tham nhũng gồm: Tội tham ô tài sản (Điều 278); Tội nhận hối lộ (Điều 279); Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280); Tội lợi ; Tội lợi dụng, chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ (Điều 282); Tội lợi dụng, chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 283); Tội giả mạo trong công tác (Điều 284).
Trong các đại án trong thời gian qua, đáng bàn hơn cả trong danh sách tội tham nhũng là tội tham ô tài sản, với khung hình phạt cao nhất là phạt tù haimươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Theo quy định tại Điều 278, dấu hiệu định tội là chủ thể của tội là người có chức vụ, quyền hạn, và người đó có trách nhiệm quản lý tài sản - trách nhiệm này có được từ chức vụ, quyền hạn được giao, đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Trong đó, đặc điểm của tài sản bị chiếm đoạt trong tội này là phải thuộc sở hữu Nhà nước. Tòa án nhân dân tối cao không có văn bản hướng dẫn đối với vấn đề này[5]. Tuy nhiên, qua thực tiễn xét xử, thì chỉ đối với doanh nghiệp mà Nhà nước chiếm tỷ lệ góp vốn từ 51% trở lên và giữ quyền chi phối doanh nghiệp đó, thì có thể xem xét tội danh tham ô tài
Trong các đại án ngân hàng, tội danh tham nhũng rất khó định danh vì khả năng che dấu hành vi phạm tội của các chủ thể, vì hiện tượng chuyển tội danh trong quá trình xét xử để giảm nhẹ hình phạt[7]. Tuy nhiên, trong các vụ án xét xử gần đây, các tội tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng đã bị đưa ra xét xử nghiêm minh. Ví dụ, trong bản án sơ thẩm của vụ án tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank)[8], ông Nguyễn Xuân Sơn bị Tòa sơ thẩm tuyên hình phạt tử hình với tội danh Tham ô tài sản; hình phạt chung thân với tội danh lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Đối với vấn đề đặc điểm của tài sản bị chiếm đoạt trong tội tham ô tài sản gây tranh cãi nhiều trong thực tiễn xét xử, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành 01/01/2018) đã khắc phục vấn đề này, tại Điều 353 quy định mở rộng phạm vi tài sản của tội tham ô tài sản không chỉ bó hẹp trong phạm vi sở hữu Nhà nước, mà còn bao gồm tài sản chung của doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị ngoài Nhà nước.
1.3. Tội lừa đảo thông qua thế chấp, cầm cố tài sản
Nhận thế chấp, cầm cố tài sản để cho vay vốn của các TCTD là một trong những hoạt động kinh doanh tiền tệ cơ bản của ngân hàng để đảm bảo an toàn vốn. Vì vậy, nhiều đối tượng vay vốn đã tạo ra dự án đầu tư và phương án kinh doanh giả để vay tiền. Các đối tượng phạm tội đăng ký thành lập doanh nghiệp để lấy tư cách pháp nhân, sau đó xây dựng các bộ hồ sơ dự án giả mạo để vay ngân hàng. Ví dụ như: Trong vụ đại án Phạm Công Danh tại Ngân hàng xây dựng (VNCB)[9], từ năm 2013 đến năm 2014, ông Danh chỉ đạo nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB dùng pháp nhân 29 công ty do ông thành lập (hoặc mượn pháp nhân) để làm hàng chục hồ sơ khống vay hơn 6.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Ngoài ra, đối tượng phạm tội còn có các thủ đoạn như: giả mạo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở, hoặc lừa đảo sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân, hoặc cùng một tài sản (nhà, đất) lập ra nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở, đất ở đem thế chấp tại nhiều ngân hàng để vay vốn; hoặc tạo ra các kho hàng rỗng như bột mỳ, gạo, phân bón, sắt thép… chất hàng đầy cửa kho để ngụy tạo kho hàng nhằm để cầm cố, sau đó bán dần hàng hóa trong kho hàng; hoặc thế chấp bằng hồ sơ bất động sản (nhà ở, xưởng máy) và động sản (ô tô) nhưng sau đó đem bán các tài sản trên…
Các hoạt động vi phạm trên thông thường đều có sự móc nối, liên kết giữa bên đi vay và cán bộ tín dụng, hoặc đại diện bên nhận thế chấp cầm cố. Việc thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ngơ trước hành vi vi phạm của khách hàng, hoặc thông đồng với khách hàng hợp thức hóa hồ sơ vay, cố ý làm trái các quy định quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng cho ngân hàng. Trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như[10], nguyên Trưởng phòng quản lý rủi ro Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) Chi nhánh Thành phố Hồ chí minh, là điển hình cho trường hợp cán bộ ngân hàng lợi dụng vị trí công tác, uy tín của tổ chức ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của các ngân hàng, tổ chức và cá nhân khác.
Ngoài ra trong lĩnh vực ngân hàng, còn xuất hiện tội xâm phạm quyền sở hữu như trộm cắp tài sản ở các cây rút tiền ATM, hoặc sử dụng công nghệ cao đánh cắp thông tin khách hàng xâm nhập tài khoản khách hàng để chiếm đọat tiền trong tài khoản; tổ chức băng nhóm trộm cướp tài sản ngân hàng. Đối với tội phạm rửa tiền, chiều hướng gia tăng nhưng hành vi này rất khó phát hiện, khách hàng sử dụng tiền, tài sản có được thông qua hoạt động phạm tội để mua bán bất động sản, chứng khoán… sau đó thông qua hệ thống ngân hàng để hợp pháp hóa số tài sản trên.
2.2. Giải pháp phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng
2.1. Xây dựng hệ thống pháp luật lĩnh vực tín dụng minh bạch, đáng tin cậy
Để đấu tranh phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng ở Việt Nam, vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay là phải xây dựng các quy định pháp luật rõ ràng ổn định. Bản thân ngành ngân hàng có nhiều chậm trễ trong việc ban hành các chính sách, pháp luật hay sửa đổi quy định liên quan đến hoạt động của ngành ngân hàng như: Bảo lãnh, thế chấp, cầm cố, phát mãi tài sản… Hành lang pháp lý chưa được ổn định, hay thay đổi hoặc chưa được quy định, bổ sung kịp thời để giải quyết nhiều vấn đề thực tế phát sinh đã tác động lớn đến việc “vượt rào” quy định, phát sinh phát triển tội phạm ngân hàng.
Ví dụ như, vấn đề chi lãi suất ngoài của các ngân hàng nhằm chạy đua trong việc huy động tiền gửi của khách hàng trong suốt một thời kì. Hiện nay, về cơ bản, Ngân hàng Nhà nước đã bỏ quy định về trần lãi suất, Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã cho phép TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng trừ trường hợp áp dụng mức lãi suất tối đa đối với cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với 05 lĩnh vực ưu tiên do Thống đốc NHNN nước quyết định trong từng thời kỳ tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN. Tuy nhiên, các hành vi chi lãi ngoài huy động vốn và trả lãi suất vượt trần xảy ra trước khi Thông tư này có hiệu lực cần phải được xử lý theo đúng quy định pháp luật để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật trong việc cấm các TCTD áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động; và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn.
Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần quan tâm đến hoàn thiện quy định pháp luật trong hoạt động các TCTD và ngân hàng thương mại để tránh tình trạng quy định chưa rõ ràng, hoặc quy định lỗi thời, không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động ngân hàng, không phản ảnh đúng nhu cầu của TCTD và khách hàng. Hiện nay, Luật các tổ chức tín dụng đang được yêu cầu lấy ý kiến đóng góp và sửa đổi, điều này sẽ góp phần ổn định hành lang pháp lý nói chung cho hoạt động của ngân hàng trong tương lai.
2.2. Nâng cao năng lực quản trị nội bộ của các ngân hàng, xác định trách nhiệm của người quản lý điều hành ngân hàng
Các ngân hàng cần phải nâng cao tính tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng để đấu tranh phòng chống tội phạm, bởi lẽ nếu ngân hàng không khẳng định được uy tín của mình trong hoạt động quản lý tiền gửi, cho vay, và đầu tư thì ngân hàng sẽ không thể duy trì và mở rộng hoạt động của chính ngân hàng.
Trong các đại án kinh tế xảy ra trong thời gian qua, nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống quản trị, kiểm soát, kiểm toán nội bộ của một số ngân hàng nói chung còn yếu, dẫn đến sơ hở trong quản lý, điều hành, chưa ngăn chặn kịp thời các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật. Trong vụ án Hà Văn Thắm tại Oceanbank xuất phát từ việc ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ của một số ngân hàng hoạt động yếu kém, khiến hoạt động ngân hàng bị thao túng bởi người đứng đầu, hoặc cổ đông lớn của ngân hàng. Các ngân hàng hoạt động thiếu công khai, minh bạch thông tin đối với khách hàng đến giao dịch hay với cổ đông của ngân hàng; hoặc sự liên kết thông tin yếu kém giữa trụ sở chính, và các văn phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng như trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.
Qua các đại án trên có thể thấy người phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng đều là những người ở vị trí quản lý, điều hành ngân hàng. Việc quản lý, điều hành kém sẽ dẫn đến tình trạng lỗ, nợ xấu, và hoạt động yếu kém của ngân hàng, thậm chí là kẽ hở cho cấp dưới lợi dụng để vi phạm pháp luật. Do vậy, từ góc độ quản lý trong nội bộ ngân hàng, giải pháp liên quan đến trách nhiệm của người quản lý điều hành ngân hàng, đóng vai trò rất quan trọng.
Về bản chất quan hệ giữa chủ sở hữu và cơ quan quản lý là quan hệ ủy nhiệm được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp năm 2014[11]. Trong các ngân hàng thương mại cổ phần, HĐQT, Tổng Giám đốc có trách nhiệm báo cáo hoạt động kinh doanh và chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông trong quản lý và điều hành ngân hàng. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa cơ quan quản lý trong ngân hàng thương mại cổ phần: HĐQT, và cơ quan điều hành: Tổng Giám đốc được quy định riêng biệt trong Luật Các tổ chức tín dụng. Cụ thể, theo Điều 34 Luật Các tổ chức tín dụng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng thương mại cổ phần không được đồng thời là người điều hành - Tổng Giám đốc của TCTD đó và các TCTD khác.
Như vậy, trong ngân hàng thương mại cổ phần có sự tách bạch giữa sở hữu, quản lý, điều hành, trong đó cơ quan chủ sở hữu - Đại hội đồng cổ đông với hội đồng quản trị[12] - cơ quan quản lý và Tổng Giám đốc - người điều hành và đại diện theo pháp luật.
Với chức danh quản lý, Tổng Giám đốc ngân hàng chính là người đại diện theo pháp luật ký kết hợp đồng giao dịch theo thẩm quyền hoặc ủy quyền cho người đứng đầu chi nhánh ngân nhàng thực hiện các giao dịch trong phạm vi điều lệ và quy định nội bộ.
Trong thời gian qua hành vi gian lận của người quản lý, điều hành tại hội sở chính, chi nhánh và phòng giao dịch tại một số ngân hàng trong nhận tiền gửi, cho vay và đầu tư là nguyên nhân chính dẫn đến các sai phạm cấu thành tội phạm hình sự trong các đại án. Đối với hoạt động ngân hàng, cho vay và đầu tư là hai hoạt động chính tạo ra doanh thu cho ngân hàng. Theo đó, về mặt trách nhiệm, người quản lý, điều hành từ cấp giám đốc chi nhánh hoặc trưởng phòng giao dịch, cho tới quản lý, điều hành cấp cao ở trụ sở chính phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra cho ngân hàng khi nhân danh ngân hàng thực hiện các giao dịch trái pháp luật hoặc vượt quá thẩm quyền trong hoạt động nhận tiền gửi, cho vay của đơn vị mình điều hành.
Bài học kinh nghiệm ở các quốc gia phát triển là cần quy định rõ trách nhiệm của người quản lý điều hành trong Luật Doanh nghiệp và Luật Các tổ chức tín dụng, tạo ra cơ chế để cổ đông dễ dàng khởi kiện yêu cầu người quản lý, điều hành bồi thường giúp cho ngân hàng giảm bớt nợ xấu do lỗi bất cẩn trong điều hành dẫn đến ngân hàng thua lỗ, hoặc những hành vi trái pháp luật khác của các cá nhân quản lý điều hành[13].
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để cổ đông đánh giá được tình trạng sức khỏe của ngân hàng hay người gửi tiền vào ngân hàng có thể nhận thức được nguy cơ rủi ro khi giao dịch tại ngân hàng, cụ thể tại các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng. Giải pháp là trong thời gian tới, cần minh bạch và công khai hoạt động của chi nhánh và phòng giao dịch, tạo ra cơ chế kiểm soát hiệu quả trong nội bộ ngân hàng kịp thời phát hiện các giao dịch bất hợp pháp. Tình trạng nhận tiền gửi nhưng không ghi nhận trên hệ thống tiền gửi của ngân hàng trong thời gian qua cũng như việc thực hiện lạm dụng chức vụ quyền hạn thực hiện hành vi trái pháp luật trong nhận tiền gửi và cho vay là dấu hiệu về sự yếu kém trong quản lý hoạt động của chi nhánh và phòng giao dịch của ngân hàng thương mại. Trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Trưởng phòng giao dịch của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh do cá nhân kinh doanh thua lỗ mất khả năng trả nợ, đã dùng mánh khóe để sử dụng hơn 4.000 tỷ đồng tiền gửi của nhiều cá nhân, tổ chức gửi tiền vào Vietinbank; hay nhiều vụ án cán bộ ngân hàng chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng. Luật Các tổ chức tín dụng cần có quy định chi tiết về phạm vi thẩm quyền của chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng thương mại và trách nhiệm của người đứng đầu - giám đốc chi nhánh, trưởng phòng giao dịch góp phần nâng cao trách nhiệm cá nhân lãnh đạo điều hành và nâng cao ý thức bảo vệ, kiểm soát vi phạm từ phía người gửi tiền, các khách hàng của ngân hàng.
2.3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng còn do tình trạng hạn chế, buông lỏng trong việc thanh tra, kiểm tra của NHNN Việt Nam, các chi nhánh NHNN tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với các Ngân hàng thương mại. Những sai phạm và tiêu cực trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại chưa được NHNN phát hiện, thậm chí chưa được kiên quyết xử lý khi bị phát hiện, rất ít vụ việc được chuyển cho cơ quan công an để điều tra xử lý theo pháp luật. Điển hình là hàng loạt sai phạm trong 5 đại án nghìn tỷ tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank bị phát hiện và đưa ra xét xử trong thời gian gần đây, dư luận dấy lên câu hỏi về trách nhiệm của kiểm toán Nhà nước, NHNN. Trong các phiên xử đại án ngân hàng, rất nhiều lần, luật sư biện hộ cho bị cáo đã kiến nghị khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với NHNN, từ đó để xử lý các cá nhân có trách nhiệm liên quan, ví dụ như đối với tình trạng chi lãi suất vượt trần được phát hiện trong một loạt các đại án ngân hàng.
Vai trò của NHNN là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, trung tâm phòng ngừa rủi ro của cả hệ thống tín dụng chưa thực sự hiệu quả, chưa hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại trong quá trình hoạt động ví dụ như thẩm định, xác minh hồ sơ khách hàng giao dịch tại các ngân hàng. Bằng việc xây dựng trung tâm dữ liệu thông tin khách hàng minh bạch và đầy đủ sẽ giúp các ngân hàng hạn chế hành vi lừa đảo của khách hàng.
Nỗ lực tiên phong của NHNN trong công cuộc phòng chống tội phạm ngân hàng rất quan trọng, từ việc ban hành quy định, hướng dẫn hoạt động, đến thanh kiểm tra xử lý sai phạm nghiêm khắc, kịp thời, sẽ giúp xây dựng hệ thống TCTD vững mạnh, giúp gia tăng niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng trong bối cảnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng tại Việt Nam hiện nay./.
ThS. Bạch Thị Nhã Nam
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
[1] Xem thêm: Đinh Văn Quế, 2016, Bình luận Khoa học Bộ Luật Hình Sự năm 1999 - Phần Các tội phạm (Bộ 10 tập), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh và bài viết “Tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng - những vướng mắc bất cập và kiến nghị”, trên trang web chính thức của Bộ Tư pháp tại http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1737, truy cập ngày 06/02/2018.
[2] Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2017.
[3] Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội mở các phiên xét xử sơ thẩm vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank) từ 28/08/2017 và nghị án vào 29/09/2017 sau phiên xét xử sơ thẩm đầu tiên vào tháng 02/2017, đối với bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT trị Oceanbank) cùng 50 bị cáo khác về các tội: vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
[4] Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm được Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm vào 05/2014 (sau phiên xử tạm hoãn vào 04/2014), được Tòa án nhân dân tối cao xử phúc thẩm vào 11/2014, và tuyên án phúc thẩm vào 15/12/2014. Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB bị tuyên án với 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Trốn thuế và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
[5] Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15/03/2001 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn xét xử về tội tham ô, nhưng cũng chỉ hướng dẫn các mức hình phạt áp dụng cho khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự năm1999.
[6] Xem thêm: Chuyên mục Hỏi đáp pháp luật, trên trang web chính thức của Tòa án nhân dân tối cao, tại http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/hoidap_pl?detail=2&id=354&sid=15681, truy cập ngày 06/02/2018.
[7] Xem Bùi Huyền, “Vì đâu khó đánh án tham nhũng trong liĩnh vực tài chính ngân hàng?”, Tạp chí Pháp lý, số cuối tháng 11/2015, tr23 - 25.
[8] Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên bản án sơ thẩm vụ án kinh tế xảy ra tại Oceanbank vào 29/09/2017.
[9] Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã mở phiên xử đầu tiên giai đoạn 2 vào ngày 08/01/2018, đối với bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Thiên Thanh), và đồng phạm đối với các sai phạm tại bốn ngân hàng: Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TP Bank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Đối với giai đoạn 1 của vụ án, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã xử phúc thẩm, và tuyên án 30 năm tù đối với ông Phạm Công Danh cùng 35 đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
[10] Xem thêm Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao ngày 07/01/2015 vụ án Huỳnh Thị Huyền Như về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
[11] Luật Doanh nghiệp 2014 quy định quyền của Đại hội đồng cổ đông trong bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm thành viên HĐQT, xem xét và xử lý vi phạm của HĐQT gây thiệt hại cho công ty và cổ đông (Điểm c, h khoản 2 Điều 135 Luật Doanh nghiệp năm 2014). Đây là quy định biểu hiện quan hệ ủy nhiệm kinh doanh của cổ đông cho các thành viên HĐQT.
[12] Chủ tịch HĐQT là người đứng đầu HĐQT được trao thẩm quyền riêng biệt.
[13] Tại Nhật Bản năm 2000, Tòa án Nhật đã ra phán quyết theo đơn kiện của đại diện cổ đông buộc 11 thành viên của HĐQT và Người điều hành Ngân hàng Daiwa phải bồi thường 775 triệu đô la cho Ngân hàng do thiệt hại gây ra cho công ty là 530 triệu đô do đầu tư trái phiếu thua lỗ ở Hoa Kỳ. (Trích dẫn trong Current Business and legal issues in Japan’s banking and Financial Industry, Mitsuru Misawa, 2011, 2nd Edition, tr 8 - 13.
Xem Nguyễn Thị Lan Hương,2017, “Xử lý ngân hàng yếu kém và các kiến nghị sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 20 (348), Kỳ 2 - Tháng 10/2017, tr.19 - 28.