Thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 08/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2021” và Kế hoạch số 4155/KH-UBND ngày 30/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2021 trên địa bàn tỉnh Gia Lai”, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về PBGDPL và thực hiện trách nhiệm cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, hàng năm, Sở Tư pháp đều tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật; tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành Kế hoạch hoạt động của Hội đồng, theo đó, đều xác định các nội dung trọng tâm cần phổ biến theo định hướng của trung ương cũng như đặc điểm, tình hình địa phương, đặc biệt chú trọng tuyên truyền, PBGDPL cho đối tượng là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Các hình thức tuyên truyền, PBGDPL cho người dân tộc thiểu số được thường xuyên thực hiện như biên soạn, biên tập, phát hành tài liệu phổ biến pháp luật; trực tiếp hoặc phối hợp thực hiện chương trình trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho người dân tộc thiểu số; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật...
1. Bài học kinh nghiệm và các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả cho người dân tộc thiểu số
Từ quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 cũng như thực tiễn triển khai cho thấy một số nội dung, hình thức tuyên truyền, PBGDPL được đánh giá là hiệu quả trong thời gian qua như:
- Phổ biến pháp luật trực tiếp: Đây là hình thức tuyên truyền trực tiếp thông qua việc báo cáo viên trực tiếp giới thiệu, truyền đạt các kỹ năng và quy định của pháp luật liên quan đến chủ đề cần phổ biến kết hợp với xử lý tình huống, giải đáp pháp luật. Trong công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ nguồn nhân lực thực hiện PBGDPL ở cơ sở, vào thời điểm trước khi tổ chức lớp, đơn vị chủ trì sẽ tiến hành khảo sát ở địa phương về nhu cầu bồi dưỡng, thời gian, thời điểm tổ chức lớp để đảm bảo số lượng cũng như chất lượng tổ chức. Những đối tượng này là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, do đó, việc tổ chức lớp nhìn chung đảm bảo về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, việc triển khai cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị chủ trì, các đơn vị có liên quan và cân đối với các nhiệm vụ chuyên môn khác.
- Biên soạn và phát hành các tài liệu tuyên truyền pháp luật: Tùy từng đối tượng, từng địa bàn mà có thể lựa chọn hình thức tài liệu khác nhau như: Sổ tay pháp luật, tờ gấp pháp luật, đề cương tuyên truyền, đĩa hình về các tiểu phẩm pháp luật hay các hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật.
- Thi tìm hiểu pháp luật: Đây là hình thức có thể áp dụng ở hầu hết các đối tượng với nhiều dạng khác nhau như: Thi viết, thi sân khấu, thi trực tuyến trên các cổng/trang thông tin điện tử. Hình thức thi này dễ tác động đến nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.
- Hoạt động hòa giải ở cơ sở: Hoạt động này giúp các bên mâu thuẫn hiểu được quy định của pháp luật, từ đó hình thành thói quen tuân thủ pháp luật và lan tỏa đến các đối tượng xung quanh.
- Hoạt động xét xử của Tòa án: Hoạt động này được ghi nhận tại khoản 1 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014: “Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác”. Giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử như: Hoạt động hòa giải các vụ việc dân sự, xét xử các vụ án của Tòa án.
- Trợ giúp pháp lý: Trợ giúp pháp lý cho các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý, trong đó có đối tượng là người dân tộc thiểu số là hoạt động miễn phí, với mục đích đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, quyền bình đẳng cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.
- Tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng: Đây là một trong những hình thức chiếm ưu thế, ngày càng phát huy tính hiệu quả, nhanh chóng, tiện lợi và áp dụng phổ biến đối với các đối tượng.
Phần đông người dân tộc thiểu số ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn có trình độ học vấn thấp, khả năng đọc, nói và hiểu tiếng Việt còn hạn chế. Mặt khác, một số quy định pháp luật cụ thể chưa rõ ràng nên gây không ít khó khăn cho công tác PBGDPL. Do đó, cần chú trọng lựa chọn hình thức tuyên truyền, PBGDPL phù hợp, tăng cường sử dụng các hình ảnh trực quan, sinh động, dễ hiểu, có thể lồng ghép với các loại hình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ để tạo sức hút đối với đối tượng cần tuyên truyền.
Trong thời gian qua, việc lựa chọn nội dung tuyên truyền, PBGDPL thường tập trung vào các lĩnh vực mà người dân quan tâm như: Công tác hòa giải ở cơ sở; các quy định của pháp luật về dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình, hộ tịch, chứng thực, an toàn thực phẩm, bảo vệ rừng, phòng ,chống tội phạm, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới; chế độ, chính sách đối với người nghèo, người có công với cách mạng và đồng bào dân tộc thiểu số;...
Để công tác PBGDPL trong đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả, bên cạnh việc chú trọng về nội dung và hình thức thực hiện thì cũng cần phải lưu ý các vấn đề về điều kiện sinh hoạt, tập quán, văn hóa của họ vì nó ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức thực hiện và hiệu quả của công tác PBGDPL. Ví dụ như: Chọn thời điểm người dân chưa vào mùa vụ hoặc đã thu hoạch xong hay các dịp nghỉ ngơi khác để người dân có thể yên tâm tham gia các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL, đặc biệt là hình thức tuyên truyền trực tiếp. Đối với công tác trợ giúp pháp lý lưu động và truyền thông về trợ giúp pháp lý, thông thường, tùy điều kiện sinh hoạt của địa phương nơi dự kiến tổ chức các hoạt động để triệu tập người dân tham gia, có thể vào lúc sáng sớm (thường là khoảng 5 giờ đến 7 giờ), buổi tối hoặc ngày nghỉ.
Mặt khác, trong cuộc sống hàng ngày của người dân tộc thiểu số luôn có tính cộng đồng, đoàn kết cao nên việc tuyên truyền chính sách hỗ trợ phải được công khai và nắm bắt những vấn đề dư luận quan tâm để định hướng tuyên truyền PBGDPL phù hợp, tạo hứng thú cho người nghe. Trong đó, già làng và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là một lực lượng quần chúng đặc biệt, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân, do vậy, cần phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuyên truyền, PBGDPL là một hoạt động mang tính lâu dài, thường xuyên, thực hiện theo cơ chế “mưa dầm thấm lâu”, đặc biệt, khi triển khai đối với đối tượng là người dân tộc thiểu số. Vì vậy, để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL cho người dân tộc thiểu số phải thực hiện bền bỉ, xác định nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn và điều kiện sinh hoạt, tập quán, văn hóa của họ.
2. Nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân tộc thiểu số trong thời gian tới
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, PBGDPL cho người dân tộc thiểu số trong thời gian tới, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đối với công tác PBGDPL. Theo đó, cần xác định “Phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị” đã được quy định trong Luật PBGDPL. Tất cả các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đều có trách nhiệm PBGDPL chuyên ngành, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý, đó không phải là trách nhiệm riêng của Ngành Tư pháp hay bất kỳ một ngành, một địa phương nào. Ngoài ra, cần thường xuyên tổ chức đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để có sự điều chỉnh phù hợp.
Hai là, thường xuyên đổi mới về hình thức tuyên truyền, PBGDPL với nội dung mang tính chọn lọc, ngắn gọn, thiết thực, tránh dàn trải, khó hiểu; chú trọng hình thức phổ biến pháp luật trực tiếp, trợ giúp pháp lý lưu động, tư vấn pháp luật, lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ; tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật; gắn chặt với công tác vận động nhân dân chấp hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền với việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào đang thực hiện tại cơ sở.
Ba là, tăng cường tính phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai, tổ chức thực hiện PBGDPL để đảm bảo tính thiết thực, bao quát và hiệu quả, hướng đến mục tiêu chung là tạo hiệu ứng tích cực về nhận thức pháp luật, ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật trong nhân dân, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Bốn là, tăng cường, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ người làm công tác PBGDPL, đặc biệt chú trọng đào tạo đội ngũ sử dụng thành thạo tiếng dân tộc thiểu số để có thể hiểu, trực tiếp trao đổi với đối tượng được tuyên truyền, qua đó, có thể đánh giá được chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL.
Năm là, căn cứ điều kiện, tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương và các văn bản pháp luật hiện hành để thực hiện chế độ hỗ trợ người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số khi tham gia các hoạt đông tuyên truyền, PBGDPL nhằm khích lệ tinh thần tham gia, nghiên cứu và dùng những kiến thức đã được truyền đạt để vận dụng trong công tác tuyên truyền lại cho người dân ở cơ sở.
Sáu là, bất kỳ một hoạt động nào để triển khai hiệu quả cũng cần phải có nguồn kinh phí hỗ trợ. Do đó, để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, PBGDPL nói chung và PBGDPL trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần bố trí nguồn kinh phí thích hợp để PBGDPL trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai