1. Vai trò của giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông và cơ sở xác định các nguyên tắc thực hiện
Quyền con người có giá trị chung, mang tính phổ quát và tính đặc thù của từng dân tộc, quốc gia, sự khác nhau về lịch sử, thể chế chính trị, văn hóa và tôn giáo[1]. Giáo dục quyền con người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập và phát triển. Đối với đối tượng học sinh phổ thông, giáo dục quyền con người góp phần hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức, nhân văn và ý thức tôn trọng, bảo vệ quyền con người, tôn trọng và tuân thủ pháp luật.
Giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông góp phần bảo đảm yêu cầu giáo dục toàn diện của bậc giáo dục phổ thông, từ đó bảo đảm sự phát triển toàn diện cho người. Thực tế, giáo dục không chỉ nhằm cung cấp cho con người kiến thức mà cần phải có kỹ năng, thái độ, khả năng chung sống, khả năng làm việc, khả năng thích ứng… Tất cả những đòi hỏi này đặt ra yêu cầu đối với hoạt động giáo dục quyền con người phải dựa trên sự nhận thức, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, bởi lẽ, chỉ khi học sinh phổ thông nhận thức được quyền con người của mình thì mới có thể tôn trọng, bảo vệ quyền con người của người khác.
Giáo dục quyền con người cũng như bất kỳ một hoạt động xã hội nào khác, cần phải được thực hiện theo những nguyên tắc nhất định. Đối với học sinh phổ thông, do đặc điểm tâm sinh lý đang trong giai đoạn hình thành, ổn định và phát triển mà thực chất là quá trình chuyển đổi từ “trẻ con” sang “người lớn” do vậy, việc xác định và thực hiện đúng các nguyên tắc giáo dục quyền con người lại càng có ý nghĩa quan trọng.
Nguyên tắc giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông được xây dựng căn cứ vào những quan điểm, chính sách cơ bản của Đảng và Nhà nước ta về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo nước nhà, xây dựng cho học sinh có năng lực lĩnh hội và thực hành kiến thức khoa học, đạo đức và pháp luật. Quan điểm cơ bản của Đảng về giáo dục và đào tạo đã được thể hiện trong Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong giai đoạn hiện nay: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”[2]. Đồng thời, các nguyên tắc cơ bản của giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông còn xuất phát từ yêu cầu phù hợp với nguyên lý của nền giáo dục quốc gia và mục tiêu của giáo dục phổ thông được quy định trong Luật Giáo dục 2005 (sửa đổi 2009); đặc điểm tâm, sinh lý và khả năng nhận thức của học sinh phổ thông; các yếu tố truyền thống dân tộc, truyền thống gia đình, nền văn hóa dân tộc và sự tương thích với luật pháp quốc tế, xu thế phát triển tiến bộ của thời đại.
Nghiên cứu thực tiễn giáo dục toàn diện ở Việt Nam cho thấy, yêu cầu giáo dục toàn diện ở nước ta hiện nay được xây dựng và triển khai trên nền tảng, triết lý, tư tưởng giáo dục, đào tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong triết lý giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến yêu cầu đào tạo những công dân hữu ích cho nước nhà; phát triển các năng lực sẵn có của trẻ em; trọng dụng nhân tài; giáo dục, dạy làm người; dạy tốt, học tốt; học đi đôi với hành…[3]
Hội nghị thế giới về quyền con người được tổ chức tại Vienna (Áo) năm 1993 đã nhấn mạnh: Coi giáo dục, đào tạo và thông tin chung về quyền con người là thiết yếu cho thúc đẩy và đạt được các quan hệ hài hòa, ổn định trong các cộng đồng và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, khoan dung và hòa bình. Vì vậy, giáo dục về quyền con người là thông điệp chung của thời đại: “Con người càng hiểu biết nhiều về các quyền của chính mình thì càng tôn trọng các quyền của những người khác và như vậy càng có cơ hội chung sống hoà bình. Chỉ khi nào người dân được giáo dục về quyền con người thì lúc đó chúng ta mới có thể hy vọng ngăn chặn những hành vi vi phạm quyền con người cũng như ngăn chặn xung đột”[4].
2. Những nguyên tắc cơ bản của hoạt động giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông
2.1. Nguyên tắc bảo đảm sự phù hợp giữa mục tiêu giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông với mục tiêu giáo dục toàn diện trong nhà trường phổ thông
Giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông là sự cụ thể hóa mục tiêu giáo dục đạo đức các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam của giáo dục phổ thông. Giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông đặt trọng tâm vào việc hình thành kỹ năng vận dụng kiến thức quyền con người vào từng trường hợp cụ thể, từ đó giúp học sinh phổ thông chủ động trong việc tự học, sử dụng kiến thức quyền con người.
Nội dung giáo dục quyền con người là một nội dung - thành tố của giáo dục phổ thông, được kết cấu lồng ghép trong nhiều nội dung của chương trình giáo dục phổ thông. Sự gắn kết chặt chẽ giữa phương pháp giáo dục phổ thông và phương pháp giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông, nghĩa là phương pháp giảng dạy quyền con người cho học sinh phổ thông được sử dụng phổ biến là phương pháp thuyết giảng. Hoạt động giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông góp phần quan trọng vào việc hình thành mục tiêu phát triển nhân cách cho học sinh phổ thông.
2.2. Giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông được tiến hành thường xuyên và có hệ thống
Giáo dục quyền con người nói chung, giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông nói riêng là một chỉnh thể thống nhất, có sự gắn bó chặt chẽ giữa giáo dục quyền (những việc được làm và được tôn trọng) với giáo dục nghĩa vụ (những việc phải làm, phải tuân thủ vì lợi ích chung, lợi ích cộng đồng hoặc lợi ích của người khác) với giáo dục trách nhiệm quyền con người. Trách nhiệm đối với quyền con người không chỉ bao hàm trách nhiệm pháp lý mà còn cả trách nhiệm đạo đức trong quan hệ gia đình, dòng họ, làng xóm, bạn bè; trách nhiệm cộng đồng, xã hội.
Quá trình phát triển, hoàn thiện tri thức, nhân cách của học sinh phổ thông có vai trò to lớn của nhà trường phổ thông. Các hoạt động giáo dục của nhà trường phổ thông có tác động mạnh mẽ tới nếp nghĩ, cách hành động của học sinh phổ thông. Và do đó, có thể khẳng định, giai đoạn học sinh phổ thông là thời cơ vàng của việc truyền đạt, ghi nhận hệ thống tri thức cơ bản đặt nền móng cho các cấp học cao hơn và bước chân vào đời sống xã hội. Để cho quá trình nhận thức về quyền con người đòi hỏi việc giáo dục quyền con người phải được tiến hành song song với quá trình giáo dục phổ thông, là quá trình phát triển liên tục của quá trình nhận thức, phù hợp với đặc điểm nhận thức, tâm lý lứa tuổi học sinh phổ thông. Từ việc mở rộng các quan hệ xã hội, môi trường sống và các yếu tố tác động đến nhận thức và thực hành về quyền con người của học sinh phổ thông cũng phát triển theo. Chẳng hạn, đối với học sinh tiểu học, trọng tâm của giáo dục quyền con người cho đối tượng này là giáo dục ý thức trách nhiệm của bản thân đối với mình và đối với người xung quanh, tôn trọng các quy tắc giao tiếp tối thiểu, những hoạt động được phép… Đối với học sinh phổ thông trung học, những kiến thức về quyền con người liên quan đến quyền học tập, quyền được người khác tôn trọng, quyền lao động, quyền kết hôn, trách nhiệm đối với gia đình, xã hội trong tư cách của người trưởng thành là những nội dung trọng tâm cần được trang bị cho học sinh phổ thông trung học. Như vậy, tính liên kết hệ thống từ thấp đến cao trong hoạt động giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông là một trong những nguyên tắc quan trọng. Nếu việc giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông không có tính liên kết, tính hệ thống theo mức độ nhận thức sẽ dẫn đến tính trạng trùng lặp về nội dung giáo dục quyền con người và dẫn đến thái độ thờ ơ, không quan tâm tìm hiểu để nâng cao nhận thức về quyền con người.
2.3. Giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông phải bảo đảm tính linh hoạt, gắn kết giữa giáo dục lý luận với giáo dục thực tiễn
Giáo dục phổ thông tập trung vào trang bị kiến thức cơ bản, phổ thông từ thấp đến cao, phù hợp với quá trình hoàn thiện năng lực tư duy của học sinh phổ thông. Do vậy, hoạt động giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông cũng là một bộ phận không thể tách rời của nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, trong hoạt động giáo dục phổ thông, việc trang bị kiến thức được coi trọng hơn việc trang bị, giáo dục kỹ năng sống, cách hành xử, lối suy nghĩ dựa trên quyền con người. Nội dung giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông cần đảm bảo tính thiết thực, liên quan đến cuộc sống hàng ngày của các em, các em đều có thể trải nghiệm thực tế.
Bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa giáo dục quyền con người chính thức do các trường phổ thông thực hiện với giáo dục quyền con người do các tổ chức đại diện của học sinh phổ thông như Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chi hội Phụ nữ… là một trong những nội dung quan trọng giúp cho việc gắn kết việc bảo vệ quyền con người với thực tiễn và phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi. Sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho học sinh phổ thông vào hoạt động giáo dục quyền con người rất đa dạng như tham vấn về nội dung giáo dục quyền con người, hỗ trợ hoạt động giáo dục quyền con người chính thức trên lớp học.
2.4. Bảo đảm sự tham gia chủ động của học sinh phổ thông vào hoạt động giáo dục quyền con người
Với tư cách là đối tượng được giáo dục về quyền con người, hoạt động giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông phải tạo được môi trường có tính tranh luận để học sinh phổ thông có thể tự do phát biểu quan điểm, chính kiến của mình về các vấn đề liên quan đến quyền con người. Tạo lập môi trường cho học sinh phổ thông được chủ động trong hoạt động giáo dục quyền con người đòi hỏi các trường phổ thông phải xây dựng được môi trường giáo dục vì con người, tôn trọng con người và cho con người. Học sinh phổ thông phải được tôn trọng trong môi trường giáo dục phổ thông. Sự tham gia chủ động của học sinh phổ thông vào hoạt động giáo dục quyền con người được thể hiện qua nhiều phương thức như: Chủ động xây dựng tình huống; tham gia thuyết trình về quyền con người; tham gia giải quyết các bài tập tình huống dưới sự hướng dẫn của giáo viên, cán bộ làm công tác thực tiễn.
Bảo đảm sự tham gia chủ động của học sinh phổ thông vào hoạt động giáo dục quyền con người cần được tiến hành song song với qua trình đổi mới hoạt động giáo dục phổ thông, coi học sinh phổ thông là trung tâm của mọi hoạt động giáo dục, coi trọng việc gây dựng, rèn luyện kỹ năng sống dựa trên cơ sở quyền con người. Khi được tham gia chủ động vào hoạt động giáo dục quyền con người, học sinh phổ thông có điều kiện thực hành các lý thuyết quyền con người, vận dụng pháp luật quyền con người vào việc gây dựng, duy trì quan hệ xã hội hòa bình, khả năng chung sống, hòa nhập vào các môi trường văn hóa khác nhau.
Sở Văn hóa, Du lịch & Thể thao Hà Nội
[1]. Nguyễn Trường Giang, Giáo dục quyền con người tại các trường đại học hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị, số 5/2013.
[2]. Xem: Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
[3]. Xem: Vũ Văn Phúc, Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo tinh thần nghị quyết đại hội XI của Đảng: Quan điểm, thực trạng và giải pháp
[4]. Thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc Koffi Annan nhân ngày Quyền con người, 10/12/2000, Thông cáo báo chí Liên Hợp quốc, ngày 10/2/2000.