Abstract: This article concentrates on analyzing, commenting about the legal requirements for donation conditions on the basis of a comparison with the laws of some countries in the world.
1. Điều kiện tặng cho phải được xác định
Khoản 1 Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho”. Theo quy định này, trước hết, điều kiện tặng cho được hiểu là một hoặc nhiều nghĩa vụ, do đó, điều kiện tặng cho phải thỏa mãn các yêu cầu của nghĩa vụ nói chung.
Điều 274 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền)”. Như vậy, đối tượng của nghĩa vụ chính là tài sản và công việc (bao gồm công việc phải thực hiện hoặc không được thực hiện). Theo quy định tại khoản 2 Điều 276 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “đối tượng của nghĩa vụ phải được xác định”.
Như vậy, điều kiện tặng cho chính là một nghĩa vụ mà bên được tặng cho phải thực hiện, do đó, điều kiện tặng cho phải được xác định theo quy định chung của nghĩa vụ. Tính xác định của nghĩa vụ nói chung và điều kiện tặng cho nói riêng được thể hiện thông qua chính đối tượng của nghĩa vụ: (i) Nếu đối tượng của nghĩa vụ là tài sản thì cần phải được xác định cụ thể về loại tài sản, số lượng tài sản. Đối với tài sản hình thành trong tương lai thì loại tài sản này cũng được xác định qua các mô tả về chi tiết tài sản; (ii) Nếu đối tượng của nghĩa vụ là công việc thì cần xác định loại công việc, địa điểm thực hiện công việc, công việc hướng tới chủ thể nào… Tính xác định là một yêu cầu không thể thiếu đối với điều kiện tặng cho, bởi lẽ, nếu điều kiện tặng cho không được xác định cụ thể thì bên được tặng cho không có đủ cơ sở để hoàn thành điều kiện mà bên tặng cho đưa ra.
2. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội
Nhằm tránh sự lạm quyền của bên tặng cho tài sản cũng như loại bỏ các thỏa thuận bất hợp pháp, khoản 1 Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ: “Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”. Điều kiện tặng cho là một nội dung trong hợp đồng tặng cho, bởi vậy, việc ghi nhận yêu cầu này hoàn toàn phù hợp với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015: “... nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”.
Điểm chung cơ bản giữa Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam và trong quy định của Bộ luật Dân sự Pháp là đều ghi nhận điều kiện tặng cho không được trái luật, đạo đức xã hội. Tuy vậy, khác với pháp luật Việt Nam, các luật gia Pháp đã dự liệu hậu quả pháp lý khi điều kiện không thỏa mãn điều kiện trên. Theo đó, Điều 900 Bộ luật Dân sự Pháp quy định: Nếu trong chứng thư tặng cho hoặc trong di chúc có các điều kiện không thể thực hiện được, các điều kiện trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì “coi như không có các điều kiện đó”. Trong khi đó, đây là nội dung vẫn đang bị bỏ ngỏ chưa được ghi nhận trong cả Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015.
Có quan điểm cho rằng, nếu điều kiện tặng cho vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì hợp đồng tặng cho vô hiệu toàn bộ nên phải giải quyết theo hướng giao dịch dân sự vô hiệu[1]. Bởi lẽ, đối với hợp đồng tặng cho có điều kiện thì việc thực hiện điều kiện là cơ sở để nhận được tài sản tặng cho. Do vậy, khi điều khoản liên quan đến điều kiện tặng cho vô hiệu thì kéo theo đó là toàn bộ hợp đồng tặng cho vô hiệu theo.
Quan điểm trái chiều khác thì lại đồng tình với cách giải quyết trong Bộ luật Dân sự Pháp, tức là nếu tặng cho có điều kiện vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội thì coi như không có các điều kiện đó. Điều này có nghĩa, việc tặng cho vẫn được thừa nhận và trường hợp này được coi là tặng cho tài sản không có điều kiện. Lập luận của những người theo quan điểm này dựa trên sự chiếm ưu thế về ý chí của bên tặng cho trong việc áp đặt điều kiện tặng cho đối với bên được tặng cho. Cả Pháp và Việt Nam đều thừa nhận tặng cho là hợp đồng, do đó, về lý thuyết, điều kiện tặng cho cũng là kết quả hình thành từ sự thỏa thuận giữa bên tặng cho và bên được tặng cho nhưng sự thỏa thuận này không mang tính triệt để, hoàn hảo như với các trường hợp thỏa thuận khác. Sự không triệt để của yếu tố thỏa thuận được thể hiện ở chỗ: Trên thực tế, điều kiện tặng cho thường do bên tặng cho đưa ra, vì bên được tặng cho là bên mong muốn nhận được tài sản tặng cho nên họ thường chấp nhận các điều kiện tặng cho. Bởi vậy, với các điều kiện vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì coi như không có điều kiện tặng cho là cách thức quy định thiên về bảo vệ cho quyền lợi của người được tặng cho tài sản.
Mỗi quan điểm đưa ra đều có những lý lẽ riêng để bảo vệ cho tính đúng đắn và hợp lý của quan điểm đó. Đối với vấn đề này, theo tác giả, nếu điều kiện tặng cho vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì hợp đồng tặng cho vô hiệu toàn bộ vì một số lý do sau đây:
Một là, đối với tặng cho tài sản có điều kiện, để được nhận tài sản tặng cho thì bên được tặng cho phải hoàn thành điều kiện đã cam kết. Khi điều kiện tặng cho vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì điều khoản này vô hiệu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015. Sự vô hiệu của điều kiện tặng cho ảnh hưởng trực tiếp và kéo theo sự vô hiệu của việc tặng cho tài sản. Do vậy, trong trường hợp này, hợp đồng tặng cho được xác định vô hiệu toàn bộ.
Hai là, nếu ghi nhận điều kiện tặng cho vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì coi như không có điều kiện tặng cho, việc tặng cho vẫn được thực hiện bình thường (trường hợp này tặng cho có điều kiện trở thành tặng cho không có điều kiện) thì không bảo đảm sự bình đẳng giữa bên tặng cho và bên được tặng cho; đồng thời không bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật. Theo pháp luật Việt Nam, tặng cho tài sản là hợp đồng, do đó, điều kiện tặng cho cũng được hình thành trên cơ sở thống nhất ý chí của các bên (có thể điều kiện tặng cho do hai bên cùng thỏa thuận bàn bạc trực tiếp hoặc bên tặng cho đưa ra điều kiện và được sự đồng ý của bên được tặng cho). Bởi vậy, khi điều kiện tặng cho vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì cả bên được tặng cho và bên tặng cho đều phải có trách nhiệm mà không thể chỉ quy định coi như điều kiện tặng cho không có và bên được tặng cho vẫn được nhận tài sản tặng cho.
Việc đưa ra các quan điểm nhằm giải quyết lỗ hổng của pháp luật chỉ giải quyết được khía cạnh khoa học của vấn đề. Nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật được hiểu và áp dụng thống nhất giữa các Tòa án thì vấn đề giải quyết hậu quả pháp lý khi điều kiện tặng cho vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội cần được quy định bổ sung.
Qua phân tích trên có thể thấy, điều kiện tặng cho phải được xác định và điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội là hai yêu cầu pháp lý được ghi nhận một cách gián tiếp và trực tiếp trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa ghi nhận đầy đủ về điều kiện tặng cho nên đã gây ra không ít khó khăn trong quá trình giải quyết các tranh chấp trên thực tế liên quan đến tặng cho tài sản có điều kiện.
3. Điều kiện tặng cho không được mang lại lợi ích vật chất một cách tương xứng cho bên tặng cho tài sản
Trong toàn bộ quy định của Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015, nhà làm luật mới chỉ ghi nhận duy nhất yêu cầu là điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. Chính bởi sự sơ sài, thiếu hụt của pháp luật mà dẫn tới trên thực tế phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp liên quan đến điều kiện tặng cho không được giải quyết. Một vấn đề gây ra nhiều tranh luận nhất trong thời gian vừa qua đó là điều kiện tặng cho có được mang lại lợi ích vật chất cho bên tặng cho hoặc bên thứ ba khác hay không? Xung quanh vấn đề này đang tồn tại ba quan điểm chính sau đây:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng, vì hợp đồng tặng cho là hợp đồng không có đền bù, nên trong mọi trường hợp, điều kiện tặng cho không được mang lại bất cứ lợi ích vật chất nào cho chính bên tặng cho và cho bên thứ ba. Bởi nếu điều kiện tặng cho mang lại lợi ích vật chất cho bên tặng cho tài sản thì hợp đồng tặng cho lại mang tính chất đền bù - điều này ngược lại hoàn toàn với đặc trưng không có đền bù của hợp đồng tặng cho tài sản. Do đó, nếu điều kiện tặng cho mang lại lợi ích vật chất cho bên tặng cho thì điều kiện này không được công nhận. Quan điểm này cũng được thừa nhận bởi PGS.TS. Bùi Đăng Hiếu[2]. Theo đó, quan điểm của PGS.TS. Bùi Đăng Hiếu tuyệt đối hóa tính chất không đền bù của hợp đồng tặng cho, dù điều kiện tặng cho mang lại lợi ích vật chất hay lợi ích tinh thần cho chính bên tặng cho thì đều không được chấp nhận.
- Quan điểm thứ hai khẳng định rằng, điều kiện tặng cho không được mang lại lợi ích vật chất cho bên tặng cho nhưng có thể mang lại lợi ích vật chất cho một chủ thể thứ ba khác. Lập luận để bảo vệ cho quan điểm này như sau: Dựa trên sự có đi, có lại về lợi ích vật chất thì hợp đồng được phân loại thành hợp đồng có đền bù và hợp đồng không có đền bù. Tính chất có đền bù hay không có đền bù của hợp đồng là đề cập đến chính các bên chủ thể trong hợp đồng có nhận được lợi ích trong quan hệ hợp đồng hay không mà không phải là vấn đề lợi ích của người thứ ba. Do vậy, theo lý thuyết này, hợp đồng tặng cho là hợp đồng không có đền bù thì chỉ cần người tặng cho không nhận được bất cứ lợi ích vật chất nào, còn người thứ ba dù có nhận hay không nhận được lợi ích vật chất từ hợp đồng tặng cho cũng không làm thay đổi tính chất không có đền bù của hợp đồng tặng cho.
Đây là quan điểm được thừa nhận bởi TS. Tuấn Đạo Thanh và Phạm Thu Hằng (Văn phòng Công chứng số 1 thành phố Hà Nội và Văn phòng Công chứng Âu Lạc). Trong bài viết “Bàn về điều kiện trong hợp đồng tặng cho tài sản”[3], hai tác giả khẳng định, “điều kiện trong hợp đồng tặng cho phải được hiểu là thỏa thuận của chính hai chủ thể tham gia giao kết hợp đồng tặng cho đó chứ không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của bên thứ ba… vai trò của bên thứ ba đối với hợp đồng tặng cho được pháp luật ghi nhận một cách tương đối hạn chế và hầu như không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của hợp đồng tặng cho…”. Qua một số phân tích và lấy ví dụ minh họa thì hai tác giả bài viết đó khẳng định, nếu điều kiện mang lại lợi ích cho bên thứ ba thì cũng không làm mất đi tính chất không có đền bù của hợp đồng tặng cho tài sản.
- Quan điểm thứ ba cho rằng, điều kiện tặng cho có thể mang lại lợi ích gián tiếp và không cân xứng cho bên tặng cho tài sản. Đây là quan điểm tương đối mềm dẻo, không cứng nhắc và tuyệt đối như hai quan điểm trên. Những người theo quan điểm này vẫn thừa nhận bản chất của hợp đồng tặng cho tài sản là không có đền bù nhưng sự đền bù phải được hiểu là các bên chủ thể trong quan hệ hợp đồng đều nhận được những lợi ích vật chất tương đương về mặt giá trị (mang tính tương đối); còn đối với trường hợp một bên nhận được một lợi ích không tương xứng, nhỏ hơn rất nhiều so với lợi ích họ trao cho bên kia thì hợp đồng vẫn được xác định là không có đền bù.
Vận dụng lý thuyết này vào tặng cho tài sản có điều kiện thì những người theo quan điểm thứ ba đưa ra kết luận, nếu điều kiện tặng cho mang lại lợi ích vật chất một cách gián tiếp cho người tặng cho nhưng những lợi ích này “không đáng kể” so với giá trị của tài sản tặng cho thì điều kiện tặng cho không làm mất đi tính chất không có đền bù của hợp đồng tặng cho, do đó, những điều kiện tặng cho này vẫn được thừa nhận. Đây cũng là quan điểm được thừa nhận bởi GS. Philippe Chauviré, Trường Đại học Loraine, Cộng hòa Pháp[4].
Thực tế hiện nay tại nước ta cho thấy, điều kiện tặng cho mà bên tặng cho đưa ra thường rơi vào trường hợp theo quan điểm thứ ba, tức là những điều kiện này có mang lại lợi ích vật chất cho bên tặng cho nhưng những lợi ích này thường mang tính chất gián tiếp và giá trị rất nhỏ so với giá trị tài sản tặng cho[5].
Qua các vụ việc thực tế cùng với quá trình tìm hiểu các trường hợp tặng cho có điều kiện được công chứng tại phòng công chứng thì có thể thấy, đa phần các trường hợp tặng cho có điều kiện thường được xác lập giữa cha mẹ với con liên quan đến đối tượng là nhà đất và điều kiện phổ biến nhất là người con (người được tặng cho) phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc hay cấp dưỡng một số tiền nhất định hàng tháng cho cha mẹ.
Nếu hiểu một cách cứng nhắc điều kiện tặng cho luôn không được tạo ra bất cứ một lợi ích vật chất nào cho bên tặng cho thì tác giả nhận thấy có những điểm không phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam:
Một là, đa phần các trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất, nhà ở rơi vào tình huống cha mẹ khi về già tặng lại cho con cái. Nhằm đảm bảo cho cuộc sống sau này của mình thì cha mẹ thường đưa ra điều kiện con cái phải chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ cho đến khi cha mẹ chết. Điều này hoàn toàn phù hợp với tâm lý, đạo đức và truyền thống của người Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đối chiếu điều kiện “chăm sóc, phụng dưỡng” theo quan điểm thứ nhất và thứ hai thì điều kiện này không được chấp nhận với lý do là đã mang lại lợi ích vật chất một cách gián tiếp cho bên tặng cho tài sản. Bởi để thực hiện điều kiện chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ thì người được tặng cho phải bỏ ra các khoản chi phí ăn uống, sinh hoạt khác cho cha mẹ.
Hai là, so sánh giữa lợi ích vật chất mà bên tặng cho và bên được tặng cho nhận được trong hợp đồng thì thấy rằng, điều kiện tặng cho nếu mang lại lợi ích vật chất cho bên tặng cho thì đó chỉ là những lợi ích vật chất không đáng kể so với giá trị tài sản tặng cho mà bên được tặng cho nhận được. Do vậy, việc bên được tặng cho phải mất một khoản lợi ích vật chất nhỏ cho việc thực hiện điều kiện tặng cho cũng không làm thay đổi bản chất không có đền bù của hợp đồng tặng cho tài sản.
Ba là, những người theo quan điểm thứ nhất và thứ hai cho rằng, nếu điều kiện tặng cho mang lại lợi ích vật chất cho bên tặng cho tài sản thì tùy từng trường hợp cần xác định hợp đồng đó là hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng trao đổi tài sản hay hợp đồng dịch vụ… Ví dụ 1: A tặng cho B một căn nhà với điều kiện B tặng lại cho A một chiếc ô tô. Mặc dù hai bên thỏa thuận là “tặng cho” nhưng bản chất trường hợp này là hợp đồng trao đổi. Ví dụ 2: A thỏa thuận tặng cho B 10 triệu đồng với điều kiện B xây tường bao cho A. Xét thấy ngôn từ các bên thỏa thuận là tặng cho nhưng bản chất của hợp đồng này là hợp đồng dịch vụ. Đây là một quan điểm đúng nhưng chưa thực sự đầy đủ bởi lẽ: Với các hợp đồng có sự trao đổi tương đương về mặt lợi ích vật chất (như trong hai ví dụ trên) thì những hợp đồng này không phải là hợp đồng tặng cho tài sản, do đó, cần phải xác định lại chính xác loại hợp đồng. Tuy nhiên, đối với các điều kiện tặng cho mà mang lại lợi ích rất nhỏ, không đáng kể hay đó chỉ là những điều kiện như chăm sóc, nuôi dưỡng, trông nom mồ mả, cúng bái… (xét đến cùng thì để thực hiện những điều kiện này, bên được tặng cho phải bỏ ra một khoản lợi ích vật chất cho bên tặng cho) thì không thể nào xác định đó là hợp đồng mua bán, trao đổi hay dịch vụ… mà bản chất của những thỏa thuận này vẫn là tặng cho có điều kiện.
Như vậy, có thể nhận định, điều kiện tặng cho có thể mang lại lợi ích vật chất một cách gián tiếp, không đáng kể (so với giá trị tài sản mà bên được tặng cho nhận được) cho bên tặng cho tài sản. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, truyền thống và đạo đức của người Việt Nam.
4. Điều kiện tặng cho phải có khả năng thực hiện được
Bên tặng cho có thể đưa ra điều kiện về việc chuyển giao tài sản hay thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc. Vấn đề đặt ra là, Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa dự liệu đến khả năng thực hiện được của điều kiện tặng cho. Nếu trong trường hợp, bên tặng cho đưa ra một điều kiện không thể thực hiện được trên thực tế thì điều kiện này có được thừa nhận hay không?
Trước đây, khoản 3 Điều 282 Bộ luật Dân sự năm 2005 đã ghi nhận về vấn đề này: “Chỉ những tài sản có thể giao dịch được, những công việc có thể thực hiện được mà pháp luật không cấm, không trái đạo đức xã hội mới là đối tượng của nghĩa vụ dân sự”. Điều luật này đã quy định rất rõ “công việc có thể thực hiện được” mới trở thành đối tượng của nghĩa vụ. Tuy nhiên, Điều 276 Bộ luật Dân sự năm 2015 không tái ghi nhận điều kiện này.
Thực chất, tặng cho tài sản là hợp đồng, do vậy, điều kiện tặng cho cũng phải được sự đồng ý của bên được tặng cho. Do đó, với những điều kiện mang tính chất “phi lý” thì bên được tặng cho hoàn toàn có thể từ chối thực hiện nên không hình thành quan hệ tặng cho giữa bên tặng cho và bên được tặng cho. Do đó, theo quan điểm của tác giả, việc ghi nhận yêu cầu điều kiện tặng cho có thể thực hiện được trong Bộ luật Dân sự là không cần thiết mặc dù điều kiện tặng cho phải đáp ứng yêu cầu này.
Qua các phân tích trên có thể thấy, quy định về điều kiện tặng cho trong Bộ luật Dân sự năm 2015 còn sơ sài, chưa quy định đầy đủ các yếu tố cần thiết của điều kiện tặng cho. Vì lý do đó, hiện nay, trên thực tế phát sinh rất nhiều tranh chấp liên quan đến điều kiện tặng cho mà Tòa án còn gặp lúng túng trong việc giải quyết vì thiếu căn cứ pháp lý. Ngược lại với sự sơ sài của pháp luật Việt Nam, các quy định về điều kiện tặng cho trong Bộ luật Dân sự Pháp tương đối hoàn thiện, không mắc phải những điểm bất cập như Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam mặc dù Bộ luật Dân sự Pháp được xây dựng cách đây hơn 200 năm (năm 1804). Cụ thể, Bộ luật Dân sự Pháp ghi nhận đối với chứng thư tặng cho có điều kiện thì điều kiện tặng cho phải thỏa mãn các yếu tố sau đây: (i) Điều kiện tặng cho phải có thể thực hiện được; (ii) Điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Ngoài ra, Điều 900 Bộ luật Dân sự Pháp quy định rõ: “Nếu trong chứng thư tặng cho hoặc trong di chúc có các điều kiện không thể thực hiện được, các điều kiện trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì coi như không có các điều kiện đó”. Đây là một điểm thiếu sót chưa được ghi nhận trong pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, tặng cho là việc chuyển giao quyền sở hữu mà không có đền bù, nên sẽ không hợp lý nếu bên tặng cho đưa ra một điều kiện làm lợi cho chính họ. Do vậy, Bộ luật Dân sự Pháp ghi nhận, việc tặng cho cũng vô hiệu nếu kèm theo điều kiện phải thanh toán các khoản nợ hoặc các chi phí khác với các khoản nợ hoặc chi phí xác định tại thời điểm tặng cho hoặc những khoản nợ hoặc chi phí được xác định trong chứng thư tặng cho hoặc trong một bản kê khác kèm theo chứng thư tặng cho (Điều 945 Bộ luật Dân sự Pháp).
Vì vậy, tác giả kiến nghị cần phải bổ sung quy định về điều kiện tặng cho để tránh phát sinh các tranh chấp, vướng mắc liên quan đến tặng cho có điều kiện trong thời gian vừa qua.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Xem: Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[2]. Bùi Đăng Hiếu, “Tính chất đền bù của hợp đồng song vụ”, Tạp chí Luật học, số 11/2006.
[3]. TS. Tuấn Đạo Thanh & Phạm Thu Hằng, “Bàn về điều kiện trong hợp đồng tặng cho tài sản”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 9 (270), 2014, tr. 45 - 49.
4. Quan điểm do Giáo sư trình bày tại Tọa đàm “Những nội dung sửa đổi Bộ luật Dân sự của Cộng hòa Pháp về nghĩa vụ và hợp đồng”, Trường Đại học Luật Hà Nội, ngày 05-06/12/2016.
5. Xem một số vụ việc tại: http://baophapluat.vn/xet-xu/tang-dat-ma-con-khong-ngoan-bo-me-2-lan-ra-toa-doi-lai-327594.html, ngày truy cập 20/8/2017; http://ndh.vn/tang-cho-nha-dat-luat-thieu-rach-roi-toa-kho-thong-nhat-20131007081059648p4c148.news, ngày truy cập 20/8/2017.