Sẽ khó có thể lý giải hết được ý nghĩa, giá trị, tư tưởng của những quy phạm, chế định hay những thiết chế pháp luật của một thời đại nếu không đặt chúng vào trong bối cảnh và mối tương quan với các điều kiện sinh tồn của thời đại đó. Chính bởi vậy, để có thể đánh giá được một cách đúng đắn, toàn diện tính nhân văn, tiến bộ của nền pháp luật phong kiến Đại Việt, không thể không xem xét đến các yếu tố quy định sự hình thành và nội dung điều chỉnh của nó.
1. Yếu tố thời đại
Vấn đề quyền con người đã được nhắc tới trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1789 và Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ năm 1776. Tuy nhiên, quyền con người chỉ thực sự nổi lên như một vấn đề ở tầm quốc tế từ những năm đầu của thế kỷ XIX, cùng với cuộc đấu tranh nhằm xóa bỏ chế độ nô lệ và buôn bán nô lệ diễn ra rất mạnh mẽ và liên tục tới tận cuối thế kỷ đó và phong trào đấu tranh đòi cải thiện điều kiện sống cho người lao động và bảo vệ nạn nhân trong các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới.
Suốt thời kỳ phong kiến, Việt Nam luôn phải chịu một sức ép rất lớn từ những sự xung đột thường trực với đất nước Trung Hoa lớn mạnh. Trong hơn 900 năm, quốc gia Đại Việt đã trải qua 10 triều (Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn) với hơn 60 đời Vua và hầu hết các triều đại đều phải đương đầu với họa ngoại xâm. Vì vậy, ở Việt Nam, đấu tranh vì quyền con người luôn đi cùng với các cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Chính điều kiện lịch sử đó hình thành nên tư tưởng cốt lõi nhất về quyền con người là tinh thần đấu tranh, chiến đấu giải phóng và độc lập dân tộc. Có thể nói rằng, lịch sử Việt Nam là lịch sử đấu tranh để khẳng định nền độc lập tự do và quyền tự quyết dân tộc. Chỉ khi dân tộc được độc lập, thì người dân mới được đảm bảo các quyền và tự do cơ bản. Dân tộc Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc đấu tranh gian khổ để có được quyền cơ bản và tất yếu đó.
2. Yếu tố nhận thức
Nhận thức, thực hiện, bảo đảm và bảo vệ quyền con người chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau như: Năng lực tư duy, kiến thức nền, tương tác với các sự vật, hiện tượng, điều kiện, hoàn cảnh môi trường sống, yếu tố văn hóa, yếu tố chính trị, yếu tố thời đại… tất cả những yếu tố này trong mối tương quan với nhau hình thành nhận thức của mỗi cá nhân, cộng đồng, dân tộc về quyền con người.
Khác với phương Tây, trong xã hội phong kiến Việt Nam không có các nhà tư tưởng “chuyên nghiệp”, không hình thành những trường phái tư tưởng lớn, không có một hệ thống lý thuyết mang tính học thuật và trình bày một cách tập trung về vấn đề quyền con người. Cội nguồn sâu xa của tình hình này là do suốt từ khi lập nước đến thời cận đại, nền kinh tế của người Việt chủ yếu mang tính tự cấp tự túc, lao động thủ công, năng suất thấp, mức thu nhập thấp và không ổn định. Bên cạnh đó, tuyệt đại đa số cư dân sống ở nông thôn, lấy làng làm đơn vị tụ cư cơ bản, với nhiều mối quan hệ xóm giềng, họ hàng, phường hội đan xen nhau phức tạp. Trong khi đó, học thuyết chính trị - pháp lý chủ đạo là Nho giáo được truyền đạt thông qua con đường giáo dục là chính, song lại chỉ có một số ít người được đi học và trong số đó, những người học cao, thông hiểu được các chính kiến của “thánh hiền” không nhiều. Tuyệt đại đa số cư dân các làng xã mù chữ hay có trình độ văn hóa rất thấp1.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc thực hiện quyền con người không thể tách rời mà luôn luôn được thể hiện và thông qua việc nhận thức và thực hiện đạo lý làm người. Đạo làm người là những giá trị, tư tưởng đạo đức và những nguyên tắc ứng xử cần phải được tôn trọng, giữ gìn và tuân theo như những bổn phận của mỗi con người đối với các thành viên trong gia đình và cộng đồng xã hội. Khi đã xác định rõ vị trí của mình trong mối quan hệ cụ thể thì phải biết tôn trọng và có cách ứng xử thích hợp sao cho phù hợp với đạo lý của dân tộc (các quan niệm truyền thống như kính già yêu trẻ, hiếu nghĩa với bố mẹ…), sự coi trọng vị trí, vai trò và phẩm giá của con người. Dân tộc Việt Nam có truyền thống coi trọng con người, coi con người là vốn quý nhất. Người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, theo truyền thuyết, có nguồn gốc cao quý là “con rồng cháu tiên”, coi con người là sản phẩm kết tinh từ những gì cao đẹp nhất. Vì thế, dù trong khó khăn, mất mát, người Việt Nam vẫn luôn quan niệm còn người, còn của, “một mặt người hơn mười mặt của”. Người Việt Nam vốn trọng danh dự và phẩm giá nên không chỉ quan tâm đến việc sống và chết, mà quan trọng hơn là sống và chết như thế nào. Đạo lý của người Việt Nam là ‘thác trong còn hơn sống đục”, “người đời hữu tử hữu sinh, sống lo xứng phận thác dành tiếng thơm”.
3. Truyền thống pháp luật và văn hóa pháp lý
Truyền thống pháp luật được hiểu là các quan điểm có nguồn gốc lịch sử sâu xa quy định bản chất của pháp luật, vai trò của pháp luật trong xã hội và chính thể, quy định cấu trúc và hiệu lực của hệ thống pháp luật và cách mà pháp luật được hoặc có thể làm ra. Còn truyền thống văn hóa pháp lý là một hệ thống các giá trị văn hóa pháp lý biểu hiện bằng tính cách, các thế ứng xử của một cộng đồng, được hình thành trong lịch sử, phản ánh đời sống pháp luật, mang tính ổn định có thể được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Truyền thống văn hóa pháp lý trong lịch sử nhà nước và pháp luật phong kiến Việt Nam được thể hiện trước hết ở mối quan hệ bền chặt giữa pháp luật nhà nước và lệ làng. Lệ làng là những phong tục tập quán của làng, tồn tại dưới dạng văn bản (hương ước, khoán ước) hoặc chỉ được truyền miệng. Hương ước lệ làng là môi trường văn hóa pháp lý đặc thù vừa để phát huy hiệu lực của luật nước và vừa hạn chế luật nước trong mối quan hệ bảo lưu các nét đặc trưng của lối sống cộng đồng ở một quốc gia nông nghiệp.
Có thể khẳng định rằng, hoạt động của con người, quyền con người ở Việt Nam bị chi phối bởi phong tục tập quán. Phong tục tập quán chi phối quyền con người cả trước và sau khi có luật pháp và chính luật pháp không chỉ thừa nhận mà còn coi phong tục tập quán là một trong những nguồn gốc quan trọng. Việt Nam có câu: “Đất có lề quê có thói” nghĩa là ở đâu cũng có phong tục, tập quán theo từng làng xã, từng vùng, từng miền, cả đất nước và phong tục tập quán chi phối quyền con người. Những bộ luật lớn thời kỳ phong kiến Đại Việt đều thừa nhận sự tồn tại và tác động của phong tục tập quán đối với đời sống của nhân dân.
Lệ làng có tính chất “dân chủ làng xã”, tôn trọng quyền con người với tư cách là thành viên của cộng đồng làng xã và thể hiện tính nhân đạo khá sâu sắc: Quan tâm giúp đỡ một cách cụ thể, thiết thực đối với những người già cả, tàn tật, ốm đau, nghèo đói, không nơi nương tựa. Song, lệ làng cùng với những thành kiến và dư luận xã hội đã ràng buộc chặt chẽ con người vào cộng đồng theo những giá trị, tiêu chuẩn, tiêu chí hầu như đã định hình. Sự bảo thủ đó có khuôn cứng làng xã cùng với các thành viên của nó trong một xã hội thu nhỏ, khép kín, biệt lập. Vì vậy, quyền con người trong cộng đồng làng xã không có điều kiện và khả năng vượt quá quyền và lợi ích trong khuôn khổ nhỏ bé của làng xã. Nhìn từ góc độ bảo đảm quyền con người thì phụ nữ vẫn bị thiệt thòi, bị đối xử bất bình đằng đối với nam giới trên tất cả các lĩnh vực: quyền lợi chính trị, lợi ích kinh tế, hoạt động xã hội, hôn nhân và gia đình.
Pháp luật phong kiến Đại Việt hướng đến các giá trị nhân văn và quyền con người trong xã hội thần dân. Đỉnh cao của truyền thống bảo vệ quyền con người được kết tinh trong luật Hồng Đức thời Lê Sơ, trong đó có nhiều chế định pháp luật tiến bộ, giàu tính nhân văn, nhiều quy định bảo vệ quyền con người. Quốc triều Hình luật áp dụng những hình phạt nghiêm khắc đối với việc vô cớ cướp đoạt quyền sống của người khác, đồng thời quy định chặt chẽ đối với những trường hợp phải chịu án tử hình. Bảo vệ quyền sống còn bao hàm cả bảo đảm nâng cao mức sống của người dân, pháp luật có nhiều quy định nhằm bảo vệ sản xuất và áp dụng những chế tài nghiêm khắc đối với những người vi phạm, kể cả các quan chức.
Đặc biệt, pháp luật cũng đã có nhiều quy định mang tính bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng thuộc nhóm xã hội yếu thế như phụ nữ, người già, trẻ em, người thiểu số… và cả những người do rủi ro mà lâm vào hoàn cảnh ốm đau không nơi nương tựa. Bộ Quốc triều Hình luật là một minh chứng sinh động về truyền thống nhân đạo, quý trọng con người của dân tộc Việt Nam. Đây là một bộ luật tiến bộ, có nhiều giá trị quý báu và là một đóng góp của dân tộc Việt Nam vào giá trị quyền con người chung của nhân loại.
4. Trạng thái dân chủ của xã hội
Mỗi quốc gia, dân tộc đều có những đặc tính dân chủ khác nhau, vì dân chủ luôn được đặt trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể, do vậy, cách hiểu về dân chủ sẽ không giống nhau. Từ xa xưa, trong suốt thời kỳ phong kiến, nước ta đã có một truyền thống dân chủ, dân chủ không chỉ dừng lại ở tư tưởng, học thuyết mà đã được hiện thực hóa trong cách tổ chức nhà nước và phương pháp cai trị của nhà cầm quyền. Dân chủ trong xã hội cổ truyền Việt Nam được xem xét ở hai phạm vi: Phạm vi quan hệ giữa làng xã với Nhà nước và phạm vi quan hệ trong nội bộ từng làng xã.
Nhìn từ mối quan hệ giữa làng xã với Nhà nước, có thể thấy yếu tố dân chủ thể hiện rõ ở sự thừa nhận của Nhà nước đối với tính cách tự trị - tự quản của làng xã. Trong thực tế, làng xã cổ truyền Việt Nam được hưởng quyền tự quyết tương đối rộng trên nhiều phương diện. Trước hết đó là quyền tự tổ chức bộ máy quản lý làng xã. Trong mỗi làng cùng tồn tại hai bộ máy quyền lực kép (hội đồng kỳ mục và bộ máy chức dịch) từ thời Lê Thánh Tông đến khi cuộc Cách mạng Tháng Tám bùng nổ cho thấy rất rõ tư tưởng tự trị - tự quản ở lãng xã. Hội đồng kỳ mục là cơ quan quản lý truyền thống của làng Việt, là cơ quan có toàn quyền trong việc đề ra các chủ trương và biện pháp giải quyết các công việc của làng và các việc nước liên quan đến làng.
Hội đồng kỳ mục có cách thức tổ chức, tập hợp thành viên tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng làng và do cư dân làng quyết định mà Nhà nước phong kiến trên thực tế không thể can thiệp được. Còn bộ máy chức dịch là đại diện của Nhà nước phong kiến tại làng, tuy vậy, ngay cả đối với bộ máy này, cư dân làng xã cũng đòi hỏi được chi phối việc thiết lập, cư dân từng làng cũng đòi hỏi phải có bộ máy chức dịch riêng cho từng làng.
Như vậy, làng xã - với tư cách một tập thể - trở thành chủ thể trực tiếp nắm giữ quyền lực nhà nước ở địa phương. Bên cạnh đó, làng xã cổ truyền Việt Nam được hưởng quyền tự quyết tương đối rộng rãi trên nhiều lĩnh vực đời sống: Tự tổ chức sản xuất, tự bảo vệ an ninh, tự tổ chức việc học hành, tự tổ chức các hoạt động thờ cúng và lễ hội; tự lo ngân quỹ để giải quyết các công việc trong cộng đồng, Nhà nước phong kiến không cấp ngân sách cho làng và cũng không can thiệp vào các chi tiêu của làng… Mỗi làng cũng xác định những hình thức phân xử và những chế tài phạt riêng đối với những hành vi vi phạm lệ làng.
Nhìn từ mối quan hệ trong nội bộ từng làng xã, yếu tố dân chủ thể hiện trước hết ở phương thức tổ chức và thực hiện quyền lực ở làng xã với ba thiết chế cơ bản bao gồm: Lý dịch (xã trưởng); Hội đồng kỳ mục và đại diện của dân hàng xã. Với thiết chế tổ chức này, mọi người trong làng xã (dân hàng xã) đều có quyền bầu cử xã trưởng và tham dự vào giải quyết các công việc ở làng. Yếu tố dân chủ ở làng xã còn thể hiện ở các thiết chế tự quản cùng vận hành với bộ máy quản lý xã, điển hình ở thiết chế Giáp. Yếu tố dân chủ làng xã được thể hiện rõ nét ở hương ước (văn bản pháp lý của làng), trong đó mọi thành viên trong làng được quyền tham gia góp ý kiến (theo đơn vị giáp của mình) vào việc soạn thảo, sửa đổi, bổ sung và có quyền giám sát việc thực hiện hương ước.
Từ hai phạm vi xem xét trên có thể thấy, dân chủ phong kiến Việt Nam mang đặc tính dân chủ công xã. Nếu như ở phương Tây chủ thể và đồng thời cũng là trung tâm của lý thuyết dân chủ bao giờ cũng là cá nhân độc lập, thì ở nước ta thời kỳ phong kiến không thể có dân chủ thực sự nếu cá nhân không đặt mình trong một tập thể công xã. Quyền bình đẳng và dân chủ giữa các thành viên được thừa nhận khi họ là thành viên công xã, là bộ phận tạo thành của cộng đồng2.
5. Đặc thù của mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân
Mô hình kinh tế, xã hội và văn hóa truyền thống của Việt Nam đã dẫn tới một đặc điểm: Quyền con người của cá nhân luôn gắn với lợi ích cộng đồng. Ở Việt Nam, cá nhân gắn với cộng đồng vừa là nhu cầu, vừa là điều kiện để bảo đảm thực hiện quyền con người trong đời sống của xóm làng và dân tộc. Đối với việc đảm bảo quyền con người, C. Mác cũng đã từng nhấn mạnh: “Sự phát triển tự do mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”3 nhưng mặt khác cũng cần nhận thức rõ: Chỉ có trong cộng đồng cá nhân mới có được những phương tiện để có thể phát triển toàn diện những năng khiếu của mình và do đó, chỉ có trong cộng đồng, mới có thể có tự do cá nhân. Nếu như việc đề cao quyền và tự do cá nhân được coi là giá trị tiêu biểu của các nước phương Tây thì ý thức cộng đồng chính là nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam.
Nói đến giá trị cộng đồng Việt Nam là nói đến cấu trúc nhà - làng - nước. Cấu trúc này là rường cột của mọi mối quan hệ xã hội. Trong tâm thức của người Việt thì “nước thịnh thì nhà yên”, “nước mất thì nhà tan”, do đó, sự cố kết cộng đồng của dân tộc Việt Nam hết sức chặt chẽ. Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt trong các văn kiện quốc tế về nhân quyền coi tất cả mọi người đều là “thành viên trong gia đình nhân loại” và yêu cầu phải đối xử với nhau trong tình anh em. Việc đảm bảo các quyền không thể dừng lại ở các cá nhân riêng lẻ mà phải có sự hợp tác chặt chẽ của mọi thành viên trong cộng đồng. Vì vậy, giá trị cộng đồng, tình đoàn kết dân tộc lại chính là một ưu thế cơ bản để thúc đẩy và thực hiện nhân quyền trong thời đại ngày nay. Tuy nhiên, tính cộng đồng của người Việt Nam, trong nhiều trường hợp cũng thể hiện sự hạn chế như trong một số hoàn cảnh cá nhân không được tôn trọng mà bị phủ nhận.
Trong xã hội phong kiến Việt Nam, con người sống trong nghĩa vụ và bổn phận, ý thức về quyền cá nhân không được phát triển. Mặt khác, nền quân chủ chuyên chế chèn ép sự phát triển ý thức cá nhân. Nhà vua nắm quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Vì thế, trong quan hệ giữa Nhà nước với dân là quan hệ bất bình đẳng: Nhà nước, đứng đầu là Vua - thiên tử - cai trị dân, còn dân phải có nghĩa vụ với Nhà nước, nhà Vua.
Trong nền quân chủ tập quyền theo mô hình Nho giáo, nhân vật trung tâm là Vua, quốc gia không phải của dân mà là của Vua, Vua thường được đồng nhất với nước, Vua là Nhà nước. Vua là người nắm mệnh trời, thay mặt trời để cai trị muôn dân, đồng thời cũng là người đại diện cho dân trước thượng đế. Trong Nhà nước quân chủ tập quyền phong kiến Đại Việt, Vua là người thay trời trị dân và phải có trách nhiệm bảo vệ thần dân của mình, còn thần dân phải tuyệt đối phục tùng Vua và các quý tộc, quan lại của Vua. Trời sinh dân rồi lập ra Vua để làm lợi cho dân (Kinh thư) nên muốn củng cố quyền lực của chế độ, trước hết phải chăm lo đến cái gốc của nước là dân chúng. Không chỉ dừng ở việc ý thức được trách nhiệm của Nhà nước đối với nhân dân, mà từ ý thức đó biến thành những hành động, việc làm cụ thể chăm lo ổn định đời sống của dân chúng, phải làm cho dân được no đủ, tránh để dân kêu ca, oán thán; trọng dụng nhân tài bằng việc mở ra khả năng cho những người có nguồn gốc bình dân được tham gia vào quan trường phong kiến…
Tuy nhiên, các triều đại phong kiến Đại Việt mới chỉ nhìn dân, yêu dân như là đối tượng của sự cai trị, cần được nuôi nấng, thương yêu, cứu vớt mà chưa lấy dân làm người chủ của quyền cai trị đất nước, mà theo cách gọi của chúng ta ngày nay là người nắm giữ quyền lực nhà nước. Đó là thứ chủ nghĩa dân bản mang đậm tính đẳng cấp, là chủ nghĩa dân bản “từ trên xuống”, đóng vai trò phụ đề cho chủ nghĩa tôn quân quyền. Tư tưởng về mối quan hệ Nhà nước - nhân dân trong thời kỳ phong kiến Việt Nam đã không đặt nhân dân ở vị thế chủ quyền của quyền lực. Bởi vậy, về mặt bản chất, tư tưởng về trách nhiệm nhà nước thời kỳ phong kiến Việt Nam hoàn toàn không tương đồng với nội dung yêu cầu về vai trò, trách nhiệm của Nhà nước phục vụ nhân dân, cũng như trách nhiệm qua lại giữa Nhà nước và nhân dân trong hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân do dân vì dân ở nước ta hiện nay.
Khoa Luật, Đại học Vinh
[1]. Nguyễn Thị Việt Hương, Tư tưởng chính trị - pháp lý ở làng xã cổ truyền và ảnh hưởng của nó đối với xã hội Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học (2001), tr. 35.
[2]. Nguyễn Minh Tuấn, “Dân chủ trong chế độ phong kiến Việt Nam”, Tạp chí Ngiên cứu lập pháp số 10 (45), 2004, tr. 62 - 67.
[3]. C.Mac và Ph.Angghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, t.4, tr. 628.