Ở Việt Nam, trong thời gian qua, những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là rất quan trọng. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng đã được đưa ra xét xử, từ đó, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Trong giai đoạn 2012 - 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 04 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang[1]. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 được ban hành gồm 10 chương với 96 điều, thay thế Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2007, 2012). Triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cho thấy, nhiều quy định đã đi vào thực tiễn cuộc sống giúp “tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm, tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đến nay, Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (02 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang”. Những tháng đầu năm 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu tập trung đưa ra xét xử sơ thẩm 10 vụ án nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm[2].
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, tồn tại là: “Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”[3].
Qua các vụ việc tham nhũng bị phát hiện cho thấy, quy mô và độ tinh vi trong các vụ án tham nhũng cũng ngày càng tinh vi, phức tạp với những diễn biến nhanh, khó lường. Tình hình thế giới và khu vực trong thời gian tới, cũng như tình hình trong nước cho thấy công tác phòng, chống tiêu cực còn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, cần có những giải pháp căn cơ, đột phá để đẩy lùi được tham nhũng, tiêu cực.
Pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã và đang đi vào thực tiễn cuộc sống xã hội. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới việc thực hiện pháp luật, trong đó, các yếu tố về xã hội có sự tác động rất đáng kể đến quá trình thực hiện pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng. Những yếu tố xã hội quan trọng tác động đến quá trình này bao gồm:
1. Yếu tố kinh tế
Yếu tố kinh tế hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tổng thể các điều kiện, hoàn cảnh về kinh tế - xã hội, hệ thống chính sách kinh tế, chính sách xã hội và việc triển khai thực hiện, áp dụng chúng trong lĩnh vực xã hội. Yếu tố kinh tế là nền tảng của sự nhận thức hiểu biết pháp luật và thực hiện pháp luật nên có tác động mạnh mẽ tới hoạt động thực hiện pháp luật của các chủ thể pháp luật[4].
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi. Chúng ta thấy rằng, phần lớn các trường hợp tham nhũng đều nhằm đến mục đích hưởng lợi bất chính. Tham nhũng là những hành vi vụ lợi cá nhân, trong đó, vấn đề lợi ích vật chất được đặt lên hàng đầu. Do đó, yếu tố kinh tế là yếu tố có tác động không nhỏ đến việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Mọi người dân, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức, đều cần có kinh tế để duy trì sự sống và các nhu cầu cuộc sống. Do đó, khi cuộc sống không được bảo đảm về mặt kinh tế thì cán bộ, công chức, viên chức khó có khả năng duy trì sự liêm chính, mà họ sẽ tìm cách để có thêm thu nhập, bổng lộc từ việc thực thi công vụ.
Môi trường kinh tế thiếu minh bạch sẽ là cơ hội để tham nhũng phát triển. Thực tiễn cuộc sống cho thấy, trong các lĩnh vực về kinh tế dễ dẫn đến các tội phạm liên quan đến tham nhũng. Theo Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022 đã phát hiện 5.117 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 36,68%, trong đó khởi tố 2.390 vụ với 4.135 bị can; phát hiện 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 40,97%, trong đó khởi tố 501 vụ với 1.211 bị can. Trong 2.390 vụ về kinh tế thì số vụ việc về tham nhũng bị khởi tố chiếm gần 25%. Điều này cho thấy, tỷ lệ các vụ việc về tham nhũng trên tỷ lệ các vụ việc về kinh tế chiếm tỷ trọng rất cao, bởi lẽ lĩnh vực kinh tế là lĩnh vực gắn liền với lợi ích vật chất, vì vậy, các quy định về quản lý kinh tế càng chặt chẽ thì càng hạn chế được tham nhũng, khi các quy định về quản lý kinh tế càng có nhiều kẽ hở thì tham nhũng càng dễ phát sinh. Do đó, pháp luật điều chỉnh các quan hệ kinh tế có tác động đến việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Đối với những người thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng cũng sẽ thực hiện tốt hơn công tác này nếu như họ được bảo đảm các quyền lợi về kinh tế và về tinh thần. Khi vấn đề kinh tế của những người tham gia phòng, chống tham nhũng được bảo đảm sẽ giúp họ tránh việc bị “sa lầy”, “bị thoái hóa” trong thực hiện nhiệm vụ. Như vậy, việc bảo đảm về kinh tế cũng giúp cho việc thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng tốt hơn.
2. Yếu tố chính trị
Yếu tố chính trị gắn chặt với quyền lực nhà nước. Quyền lực nhà nước được thể hiện thông qua các chủ thể có chức vụ quyền hạn, do đó, quyền lực nhà nước không được kiểm soát chặt chẽ sẽ bị lạm dụng, chiếm đoạt, bị tha hóa thành quyền lực cá nhân biến thành công cụ để thực hiện các hành vi tham nhũng. Dưới góc độ chính trị, nguồn gốc của tham nhũng xuất phát từ hai yếu tố là: Sự tồn tại của quyền lực và sự tận dụng quyền lực để thỏa mãn nhu cầu cá nhân một cách không hợp pháp. Do đó, hệ thống chính trị cần xây dựng được tiêu chuẩn và hệ thống kiểm soát quyền lực để hạn chế tham nhũng, tiêu cực.
Pháp luật về phòng, chống tham nhũng là sự thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác này, tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động trong cả nước. Để thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đúng mục tiêu, định hướng, pháp luật thì yếu tố quan điểm, thái độ và quyết tâm chính trị của từng cá nhân, cơ quan, tổ chức, chính quyền có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của công tác này. Thực tế cho thấy, ở thời điểm hệ thống chính trị có quyết tâm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng lên cao thì chính quyền sẽ kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với các hiện tượng tham nhũng.
Mặc dù, Luật Phòng, chống tham nhũng đã được ban hành từ năm 2005, nhưng số vụ tham nhũng bị phát hiện trước đây còn ít và cơ bản là các vụ nhỏ, liên quan đến đến những người có chức vụ, quyền hạn không cao trong hệ thống chính trị. Từ năm 2012 khi thành lập Ban Nội chính Trung ương - cơ quan thường trực về phòng, chống tham nhũng của Đảng và với việc ban hành rất nhiều các nghị quyết của Đảng về công tác này, cho đến nay, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều các vụ đại án như vụ Việt Á, vụ Vạn Thịnh Phát, vụ Tập đoàn Phúc Sơn, vụ chuyến bay giải cứu… trong đó đều có liên quan đến nhiều nguyên lãnh đạo giữ các vị trí, trọng trách cao trong nhà nước. Kết quả trên cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng phụ thuộc rất lớn vào nhận thức chính trị, quyết tâm chính trị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng thông qua các hành động chính trị cụ thể.
3. Yếu tố văn hóa - xã hội
Xét từ góc độ văn hóa - xã hội, tham nhũng xuất phát từ quan điểm lệch lạc và thái độ thiếu tôn trọng giá trị công cộng, giá trị cá nhân. Khi giá trị cá nhân không được coi trọng sẽ dẫn đến xâm hại giá trị công cộng. Việc chống chủ nghĩa cá nhân thái quá dẫn đến cực đoan trong đời sống tinh thần, xã hội. Việc xem nhẹ giá trị cá nhân sẽ dẫn đến thiếu trách nhiệm đối với hành vi của mình, dễ dàng tiếp nhận lợi ích không chính đáng. Sự nhận thức lệch lạc về giá trị cá nhân, giá trị tập thể sẽ dẫn đến tham nhũng tập thể.
Tham nhũng còn được hỗ trợ bởi các yếu tố tiêu cực trong nền văn hóa như văn hóa Á Đông là văn hóa biếu, tặng quà, văn hóa “cảm ơn”. Việc biếu, tặng quà, cảm ơn nếu theo nghĩa tích cực và không đặt nặng vấn đề vật chất thì là hành vi đẹp bày tỏ sự biết ơn của mình với những người thân, những người đã hỗ trợ mình trong cuộc sống và thông thường được thực hiện vào các dịp lễ tết, tuy nhiên, nếu những người lợi dụng văn hóa này theo hướng tiêu cực thì các món quà tặng, sự cảm ơn bằng tiền, bằng rất nhiều tiền để đạt được mục đích cá nhân thì chính là hành vi dẫn đến tham nhũng. Bên cạnh đó, tâm lý tiểu nông, thu vén cá nhân đã dẫn đến tư duy chỉ chăm chăm lợi ích cá nhân, mà không quan tâm đến lợi ích chung, lợi ích tập thể. Đây là khởi nguồn của tham nhũng. Thói quen “trọng tình, trọng nghĩa hơn trọng lý” dẫn đến tình trạng cả nể, vô nguyên tắc, thiếu tôn trọng pháp luật. Tâm lý “dĩ hòa vi quý”, “im lặng là vàng” sẽ dẫn đến việc “thui chột” tinh thần đấu tranh, phòng, chống tham nhũng.
Quan hệ dòng họ, thân tộc, quyến thuộc cũng có tác động tiêu cực đến việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, dễ nảy sinh tính cục bộ, lợi dụng, thu được các lợi ích bất hợp pháp.
Công tác truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Truyền thông đối với gương người tốt, việc tốt trong phòng, chống tham nhũng sẽ làm mỗi công dân, cơ quan, tổ chức tự tin, dám đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực. Truyền thông về các mặt trái của tham nhũng, kết quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ giúp cho mỗi cá nhân nhận thức đúng đắn về tham nhũng, từ đó tự hạn chế, loại trừ tham nhũng. Chúng ta cũng thấy rằng, gần đây, mỗi vụ việc tham nhũng bị phát hiện, bị xử lý thì truyền thông chính thống trong nước đã có nhiều bài viết, phân tích, đưa tin về vụ việc một cách khách quan để từ đó định hướng dư luận trong việc tích cực đóng góp cho công cuộc phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, nếu đọc thông tin từ báo chí phản động trong và ngoài nước thì thấy rằng thông tin có tính suy diễn để bôi nhọ và làm giảm sút uy tín của Đảng. Do đó, việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm soát công tác truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hướng dự luận và tạo niềm tin trong công tác phòng, chống tham nhũng.
4. Yếu tố pháp luật
Yếu tố pháp luật là yếu tố rất quan trọng trong việc thực thi pháp luật. Muốn thực hiện được công tác phòng, chống tham nhũng thì cần phải có quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Pháp luật sẽ đóng vai trò là cơ sở, là nền tảng và là công cụ để thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Trong các công cụ thực hiện việc phòng, chống tham nhũng thì công cụ pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất. Nếu không có hệ thống các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì không có cơ sở pháp lý để tiến hành các hoạt động phòng ngừa và xử lý tham nhũng. Do đó, khi hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng được ban hành đầy đủ, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao là điều kiện cần để thực hiện việc phòng ngừa và đấu tranh với tham nhũng. Nhưng nếu hệ thống các quy định pháp luật không đầy đủ, chồng chéo, mâu thuẫn hoặc xa rời thực tế sẽ cản trở quá trình thực hiện pháp luật trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng càng chặt chẽ, nghiêm minh, hình phạt tương ứng với hành vi tham nhũng thì sẽ hạn chế được tình trạng tham nhũng vì pháp luật có tính răn đe rất cao. Ngược lại, nếu các quy định này không đủ sức răn đe thì sẽ không tạo được sự cảnh tỉnh đối với các cá nhân có khả năng tham nhũng, sẽ dẫn đến “nhờn” pháp luật, sẵn sàng vi phạm pháp luật vì mục đích cao hơn.
Bên cạnh đó, ý thức pháp luật của các cán bộ, công chức, viên chức cũng như của các tổ chức, cá nhân cũng là yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Ý thức pháp luật được biểu hiện qua các hành vi ứng xử của từng cá nhân cán bộ, công chức, viên chức là bộ phận có cơ hội để thực hiện các hành vi tham nhũng. Vì vậy, nếu cán bộ, công chức, viên chức có ý thức pháp luật cao thì họ sẽ có khả năng lựa chọn hành vi để có sự xử sự đúng đắn trước những cám dỗ của lợi ích, có đủ bản lĩnh để từ chối và giữ được sự liêm chính của mình. Về phía công dân, khi đã có ý thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng tốt thì họ sẽ không thực hiện các hành vi tiếp tay cho tham nhũng như hành vi hối lộ và cũng sẽ không ngần ngại, không sợ hãi, không nao núng trước hành vi tham nhũng và sẵn sàng cung cấp thông tin để xử lý các hành vi tham nhũng.
5. Yếu tố hội nhập quốc tế
Hội nhập quốc tế cũng có tác động đến công tác phòng, chống tham nhũng. Khi hội nhập quốc tế các quan hệ giao lưu với các nước trên thế giới được rộng mở, do đó cũng đặt ra thách thức cho công tác phòng, chống tham nhũng, bởi lẽ, tham nhũng sẽ tinh vi, phức tạp hơn khi có sự giao lưu học hỏi các cách thức khác nhau của tham nhũng và sự tiếp tay từ bên ngoài thông qua các hành vi như chuyển tài sản, tiền tham nhũng ra nước ngoài hoặc hành vi rửa tiền của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài vào Việt Nam, trốn ra nước ngoài để tránh việc bị điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế cũng tạo cơ hội cho công tác phòng, chống tham nhũng như việc tham gia các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương về phòng, chống tham nhũng sẽ đòi hỏi các quốc gia phải nỗ lực để thực hiện các cam kết này, đồng thời hội nhập còn là quá trình chia sẻ các kinh nghiệm hay về công tác phòng, chống tham nhũng…
Nhìn chung, tham nhũng xuất phát từ chính bộ máy công quyền, có gắn kết chặt chẽ với quyền lực nhà nước, người có chức vụ, quyền hạn, vì vậy, phòng, chống tham nhũng nói chung, thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng nói riêng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là các yếu tố về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội và pháp luật. Việc nhận diện các yếu tố này sẽ giúp cho hoạt động thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng ở nước ta có những cơ chế phù hợp nhằm phát huy yếu tố tích cực, giảm thiểu tác động trái chiều, giúp cho kết quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng đạt kết quả cao hơn./.
Đặng Kim Hoa
Phó Cục trưởng Cục Bổ Trợ tư pháp, Bộ Tư pháp
[1]. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Nhìn lại 10 năm qua; định ra phương hướng nhiệm vụ cho thời gian tới - TIÊU ĐIỂM, Tạp chí Cộng sản (tapchicongsan.org.vn).
[2]. ThS. Nguyễn Văn Hùng, Thực trạng và một số giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Tổ chức nhà nước, (tcnn.vn).
[3]. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Nhìn lại 10 năm qua; định ra phương hướng nhiệm vụ cho thời gian tới - TIÊU ĐIỂM, Tạp chí Cộng sản (tapchicongsan.org.vn).
[4]. https://luatduonggia.vn/yeu-to-kinh-te-tac-dong-den-hoat-dong-thuc-hien-phap-luat/, truy cập ngày 20/3/2024.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 402), tháng 4/2024)