1. Một số quy định về cầm giữ tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 2015
Thuật ngữ "cầm giữ" được Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: Cầm là giữ, nắm trong bàn tay hoặc ngón tay[1]; giữ là làm cho ở nguyên một chỗ, không có sự xê dịch[2]. Còn theo Từ điển Luật học, cầm giữ tài sản được định nghĩa là “lien on property”. Lien: Ràng buộc (quyền giữ đồ thế chấp); quyền giữ đồ thế chấp có thể là đặc quyền chung (gen-eral lien), khi hàng hóa bị giữ lại làm vật bảo đảm cho những món nợ chưa trả xong, hay đặc quyền đặc biệt (par-ticular lien) đối với vật được thế chấp, trong một số hợp đồng người bán chịu có quyền giữ hàng hóa đó cho đến khi nhận được số tiền bán; một người chủ xe có quyền giữ hàng hóa mà người đó đang chuyên chở”[3]. Từ đó, có thể khái quát rằng, cầm giữ là việc một chủ thể không phải chủ sở hữu tài sản được kiểm soát trực tiếp bằng cách nắm giữ tài sản của người khác để chờ đợi người đó thực hiện nghĩa vụ đối với mình.
Trong khoa học pháp lý, việc cầm giữ tài sản đã được thừa nhận khi mà Bộ luật Hàng hải năm 2015 quy định tại Điều 40[4]: “Quyền cầm giữ hàng hải là quyền của người có khiếu nại hàng hải quy định tại Điều 41 của Bộ luật này được ưu tiên trong việc đòi bồi thường đối với chủ tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu mà tàu biển đó đã làm phát sinh khiếu nãi hàng hải”. Có thể hiểu về cầm giữ hàng hải là việc bên bị vi phạm được quyền kiểm soát, bắt giữ tàu biển của bên vi phạm khi bên vi phạm đã thực hiện hành vi dẫn tới khiếu nại hàng hải như: Không thanh toán công cứu hộ tàu biển; sử dụng tàu biển gây tai nạn dẫn đến thiệt hại; không thanh toán lệ phí cảng biển hay phí trọng tải…Ví dụ, A là chủ sở hữu tàu biển, có neo đậu trong một vùng cảng nước sâu, khu vực cầu cảng nơi tàu của A neo đậu thuộc quản lý của Công ty TNHH vận tải biển và logistic XNZ. Trường hợp nếu bên A không thực hiện việc thanh toán lệ phí cảng biển, sẽ phát sinh khiếu nại của Công ty TNHH XNZ, đồng thời, công ty này có quyền cầm giữ tàu biển của A để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền của A. Mục đích của cầm giữ hàng hải mang tính hối thúc bên vi phạm nghiêm túc và thiện chí thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nếu muốn nhận lại tài sản đã bị cầm giữ. Dấu hiệu này mang bản chất đặc thù giống các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Cầm giữ tài sản cũng là một cách xử sự đã được thừa nhận trong các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005. Điều 416 Bộ luật này quy định: “Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang chiếm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được cầm giữ tài sản khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng theo thỏa thuận”. Mặc dù theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, cầm giữ chỉ được thừa nhận là một trong số các cách xử sử của các chủ thể tham gia hợp đồng song vụ. Tuy nhiên, quy định tại Điều 416 lại cho thấy, cầm giữ đóng vai trò như một biện pháp dự phòng, chỉ đặt ra khi một bên vi phạm nghĩa vụ. Đây là bản chất của một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Kế thừa các quy định về cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ của Bộ luật Dân sự năm 2005; tiếp thu những quy định của Bộ luật Hàng hải năm 2015 về cầm giữ hàng hải; Bộ luật Dân sự năm 2015 đã thừa nhận cầm giữ tài sản là một trong 09 biện pháp bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, một số quy định lần đầu tiên được giới thiệu trong một Bộ luật Dân sự đã thể hiện những bất cập nhất định
Thứ nhất, việc giới hạn đối tượng của các hợp đồng dân sự phát sinh biện pháp cầm giữ là bất hợp lý
Điều 346 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về cầm giữ tài sản như sau[5]: “Cầm giữ tài sản là việc có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”. Căn cứ quy định của điều luật thấy rằng, điều kiện cần để áp dụng biện pháp cầm giữ tài sản là bên có quyền đang thực tế chiếm hữu đối tượng của hợp đồng. Ví dụ: Anh A đến điểm du lịch có thuê xe máy tại cửa hàng của chị B với mục đích sử dụng để tham quan danh lam thắng cảnh địa phương trong thời hạn 03 ngày, có ký cược số tiền là 10 triệu đồng. Hết 03 ngày khi anh A quay lại cửa hàng chị B để trả xe, chị B không đồng ý trả lại anh A 10 triệu đồng; lúc này anh A có quyền cầm giữ chiếc xe máy của cửa hàng chị B tới khi chị B hoàn trả đủ tiền ký cược. Phân tích tình huống trên thấy rằng, anh A là người có quyền (yêu cầu nhận lại tiền ký cược), đồng thời, anh A cũng đang thực tế nắm giữ chiếc xe của chị B (là đối tượng trong hợp đồng thuê giữa anh A và chị B). Căn cứ quy định tại Điều 346, có thể khẳng định rằng, anh A được quyền cầm giữ chiếc xe của chị B bởi đây là một quyền dân sự hợp pháp. Biện pháp cầm giữ anh A đang thực hiện là một biện pháp bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ hoàn trả số tiền ký cược của chị B.
Tuy nhiên, với nội dung quy định tại Điều 346, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã gián tiếp không thừa nhận những trường hợp “cầm giữ” tài sản không phải là đối tượng của hợp đồng song vụ, mà chỉ là đối tượng của một công việc thực hiện nghĩa vụ từ hợp đồng song vụ. Ví dụ: Anh A có gửi xe ô tô tại cửa hàng sửa chữa mà anh B làm chủ để anh B sửa chữa xe cho mình. Sau khi hoàn thành việc sửa chữa, anh B thông báo để anh A đến nhận xe. Anh A đến nhận xe và thông báo chưa thu xếp đủ tiền để trả anh B. Anh B không chuyển giao xe cho anh A và có quyền cầm giữ chiếc xe ô tô của anh A để gây sức ép buộc anh A phải thanh toán chi phí này. Áp dụng quy định tại Điều 346 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì anh B hoàn toàn không được nắm giữ, kiểm soát chiếc xe ô tô của anh A, bất luận anh A có thanh toán chi phí cho việc sửa chữa chiếc xe hay không vì đối tượng của hợp đồng anh A và anh B ký kết là công việc dịch vụ sửa chữa xe ô tô. Đối tượng của hợp đồng song vụ giữa A và B không phải là tài sản, nên không thể đáp ứng quy định của Điều 346. Có thể nói, quy định về cầm giữ tài sản hiện nay không thể giải quyết được vấn đề phát sinh từ những quan hệ dân sự tương tự tình huống trong ví dụ này. Với cách thể hiện nội dung trong Điều 346, quy định về cầm giữ tài sản đã thể hiện sự bất cập rõ rệt.
Thứ hai, không có quy định về thời hiệu cầm giữ tài sản[6]
Điều 347 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rằng, cầm giữ tài sản phát sinh từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Tức là, nếu đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ, bên có nghĩa vụ thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ, thì bên có quyền đang chiếm hữu tài sản phải hoàn trả tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ. Trường hợp có sự vi phạm của bên có phạm nghĩa vụ thì bên có quyền được tiếp tục nắm giữ tài sản. Một trong những trường hợp quyền nắm giữ tài sản chấm dứt là nghĩa vụ đã thực hiện xong[7] (khoản 3 Điều 350 Bộ luật Dân sự năm 2015). Tuy nhiên, Bộ luật không có quy định về thời hạn bên có quyền được phép cầm giữ tài sản của bên có nghĩa vụ. Điều này dẫn đến sự bất cập trên thực tế khi bên có nghĩa vụ do cố ý hoặc do hoàn cảnh khách quan mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ trong một khoảng thời gian dài, còn bên có quyền duy trì việc nắm giữ nhưng cũng không xác định được thời điểm nào việc thực hiện nghĩa vụ có tính khả thi. Việc thiếu quy định về thời hạn tối đa đối với quyền cầm giữ tác động tiêu cực đến cả tính thiện chí trong thực hiện nghĩa vụ lẫn vấn đề đảm bảo quyền lợi của bên có quyền. Thực tế, trong lĩnh vực hàng hải, Bộ luật Hàng hải năm 2015 đã có quy định cụ thể về thời hạn cầm giữ hàng hải tại khoản 1 Điều 43[8]: “Thời hiệu quyền cầm giữ hàng hải là 01 năm kể từ thời điểm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải”. Bộ luật Dân sự năm 2015 cần tiếp thu ý tưởng về việc quy định thời hiệu cầm giữ này.
Thứ ba, thiếu quy định về nguyên tắc, phương thức xử lý tài sản cầm giữ
Căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về cầm giữ tài sản, thấy rằng, bên có quyền chỉ được cầm giữ tài sản để “chờ đợi” bên có nghĩa vụ hoàn thiện việc thực hiện nghĩa vụ với mình mà không hề có quyền chủ động xử lý tài sản cầm giữ. Ngoài bản chất là một phương án dự phòng, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự nói chung thể hiện bản chất của một quan hệ nghĩa vụ bổ sung. Trong trường hợp việc thực hiện nghĩa vụ dân sự chính bị thiếu hụt (không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ) thì các cam kết bảo đảm sẽ là căn cứ phát sinh một nghĩa vụ bổ sung, tức là bên có quyền sẽ được bù đắp quyền lợi trực tiếp từ đối tượng của biện pháp bảo đảm. Tuy nhiên, với những quy định hiện hành về cầm giữ tài sản thì bên có quyền không có phương thức nào để bù đắp lợi ích tương ứng với phần nghĩa vụ vi phạm từ tài sản cầm giữ là đối tượng bảo đảm. Thực tế cho thấy, sau một thời gian dài chậm trễ thực hiện nghĩa vụ; phần giá trị nghĩa vụ bị vi phạm gia tăng nhanh chóng; trong nhiều trường hợp có giá trị gần bằng hoặc tương đương với giá trị tài sản cầm giữ. Việc không cho phép bên có quyền được xử lý tài sản cầm giữ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi chính đáng của bên có quyền. Thực chất kiểm soát, chi phối tài sản bảo đảm trong thời gian bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ chính (giống trong cầm cố, thế chấp) chỉ là một bước chuẩn bị cho việc xử lý tài sản bảo đảm. Nếu cầm giữ tài sản chỉ dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị (bên có quyền kiểm soát, nắm giữ tài sản) thì rõ ràng đã không bảo đảm tuyệt đối được lợi ích của bên có quyền.
Pháp luật hiện hành không cho phép bên có quyền được xử lý tài sản cầm giữ cũng dẫn đến một thực trạng: Bên có quyền cầm giữ sẽ chịu bất lợi nếu tài sản đang cầm giữ bị xử lý để bảo đảm cho việc thực hiện một nghĩa vụ dân sự trước đó của bên có nghĩa vụ[9]. Ví dụ: A đang thực hiện cầm giữ tài sản của B do B vi phạm nghĩa vụ từ hợp đồng song vụ hai bên xác lập, trước đó tài sản của B đang được thế chấp tại ngân hàng. Trong thời gian A đang thực tế cầm giữ tài sản của B, ngân hàng yêu cầu xử lý tài sản thế chấp do B vi phạm nghĩa vụ đến hạn. Trường hợp này khi tài sản thế chấp được xử lý thì A cũng không được xác định trong thứ bậc ưu tiên thanh toán, vì theo quy định A chỉ được yêu cầu B thực hiện đúng nghĩa vụ vi phạm mà không được bù đắp quyền lợi từ chính giá trị tài sản cầm giữ (bị xử lý theo hợp đồng thế chấp với ngân hàng).
2. Một số kiến nghị nhằm bổ sung, hoàn thiện pháp luật
Một là, luật cần xác định chính xác tài sản cầm giữ là đối tượng của việc thực hiện nghĩa vụ
Như đã phân tích, quy định tại Điều 346 Bộ luật Dân sự năm 2015 khiến việc áp dụng pháp luật trên thực tế gặp nhiều khó khăn. Cầm giữ tài sản chỉ áp dụng đối với những tài sản là đối tượng của các hợp đồng song vụ; còn đối với những hợp đồng có đối tượng là công việc liên quan đến một tài sản cụ thể thì không thể viện dẫn điều luật này để điều chỉnh. Ví dụ: A có tài sản gửi giữ cho B; đối tượng hợp đồng là công việc trông giữ liên quan trực tiếp đến tài sản được gửi giữ; nhưng nếu trường hợp A chậm trễ thanh toán tiền trông giữ thì B không có quyền cầm giữ tài sản này của A. Do vậy, Điều 346 Bộ luật Dân sự năm 2015 cần được chỉnh sửa theo hướng như sau: “Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”.
Hai là, luật cần bổ sung quy định về thời hiệu cầm giữ. Để ràng buộc hơn trách nhiệm của bên có nghĩa vụ, đồng thời, đảm bảo hơn lợi ích chính đáng của bên có quyền luật cần có quy định cụ thể về thời hiệu cầm giữ. Giới hạn thời hạn cầm giữ sẽ buộc bên có nghĩa vụ phải thực sự nghiêm túc, thiện chí trong việc hoàn thiện phần nghĩa vụ còn thiếu đối với bên có quyền. Quy định về thời hiệu cầm giữ cũng góp phần giúp bên có quyền chủ động hơn trong việc bố trí nguồn lực, chuẩn bị chi phí, phương thức cần thiết cho việc bảo quản, trông giữ tài sản trong khoảng thời hiệu cầm giữ. Vì những lý do đó, Bộ luật dân sự 2015 cần bổ sung quy định về thời hiệu cầm giữ tại khoản 2 Điều 346: “Thời hiệu cầm giữ do các bên thỏa thuận, tối đa không quá 01 năm kể từ ngày phát sinh quyền cầm giữ của bên có quyền trong hợp đồng song vụ”.
Ba là, cần thiết bổ sung về quyền xử lý tài sản cầm giữ
Bổ sung quy định về thời hiệu cầm giữ là chưa đủ, về nguyên tắc thời hiệu phải gắn liền với một hậu quả pháp lý được luật dự liệu, khi hết thời hiệu này chủ thể sẽ được hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện, yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự. Do vậy, pháp luật cần thừa nhận quyền xử lý tài sản cầm giữ như một hệ quả hợp lý từ việc bên có nghĩa vụ không thể khắc phục phần nghĩa vụ hao hụt trong thời gian tài sản của mình bị cầm giữ. Việc bổ sung quy định về xử lý tài sản cầm giữ thể hiện được bản chất của biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự: Bên có quyền được tác động trực tiếp lên đối tượng của biện pháp bảo đảm để bù đắp cho phần lợi ích của mình bị khiếm khuyết do bên kia vi phạm nghĩa vụ.
Với những lập luận trên, Bộ luật Dân sự năm 2015 cần tiếp tục bổ sung quy định về quyền xử lý tài sản cầm giữ theo hướng bổ sung mới khoản 4 Điều 348 (quyền của bên cầm giữ) “được xử lý tài sản cầm giữ khi hết thời hiệu cầm giữ mà bên có nghĩa vụ chưa thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ theo phương thức các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định”./.
Đại học Luật Hà Nội