Abstract: The paper analyzes insufficiencies of legal provisions which impact interests of the person who bought auctioned property in the civil judgment execution, thence, puts forward solutions.
Đấu giá tài sản là một dịch vụ ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Đấu giá tài sản là một trong những cách thức linh hoạt để chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản từ chủ thể này sang chủ thể khác, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế nói chung, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa nói riêng phát triển một cách đa dạng. Qua phương thức bán đấu giá tài sản, giá trị của tài sản được phát huy cao nhất mà người bán tài sản mong muốn đạt được. Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác thi hành án dân sự, quy định của pháp luật về vấn đề này vẫn còn nhiều “lỗ hổng”, do đó, quyền lợi của người mua tài sản bán đấu giá chưa được bảo vệ một cách trọn vẹn, tối ưu nhất.
Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án dân sự) không giải thích thế nào là người mua được tài sản bán đấu giá. Theo Luật Đấu giá tài sản năm 2016 thì người mua được tài sản bán đấu giá được hiểu là “người trúng đấu giá và ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá tài sản”. Như vậy, trong hoạt động thi hành án dân sự, người mua được tài sản bán đấu giá có thể là tổ chức, cá nhân và chỉ xuất hiện khi tài sản thi hành án được đưa vào bán đấu giá. Để bảo vệ quyền của người mua được tài sản bán đấu giá, Luật Thi hành án dân sự đã dành một điều luật (Điều 103) quy định cụ thể: Người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án được bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó; trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác; việc cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án thực hiện theo quy định tại các điều 114, 115, 116 và 117 của Luật này.
Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã khẳng định: Khi người mua được tài sản bán đấu giá thực hiện xong nghĩa vụ nộp tiền theo hợp đồng đấu giá tài sản thì trong thời hạn không quá 30 ngày, trường hợp khó khăn, phức tạp thì không quá 60 ngày, kể từ ngày người mua được tài sản nộp đủ tiền, cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức việc giao tài sản cho người mua được tài sản, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng; tổ chức bán đấu giá tài sản có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá; tổ chức, cá nhân cản trở, can thiệp trái pháp luật dẫn đến việc chậm giao tài sản bán đấu giá thành mà gây thiệt hại cho người mua được tài sản bán đấu giá thì phải bồi thường (Điều 27).
Như vậy, mặc dù pháp luật thi hành án dân sự đã có các quy định về bảo vệ quyền của người mua được tài sản bán đấu giá, tạo hành lang pháp lý giúp cho việc áp dụng pháp luật được thực hiện dễ dàng, tuy nhiên, thực tế vẫn có trường hợp người mua tài sản đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản và đã nhận tài sản nhưng lại “khóc dở, mếu dở” vì chưa làm được thủ tục hợp thức hóa quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định. Nguyên nhân của tình trạng này là do:
Thứ nhất, quyền của người mua được tài sản bán đấu giá chưa được bảo vệ triệt để do luật chưa có quy định cụ thể trong việc thanh toán tiền thi hành án. Tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành về việc thanh toán tiền thi hành án trong trường hợp bán đấu giá thành tài sản thi hành án chưa quy định cụ thể về việc trừ thuế sử dụng đất (số tiền nợ, số tiền được miễn, giảm), thuế thu nhập cá nhân của người phải thi hành án trong trường hợp bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà. Do đó, trong quá trình áp dụng, một số cơ quan thi hành án không thực hiện khấu trừ số tiền nêu trên.
Ví dụ: Chi cục Thi hành án dân sự huyện B xử lý tài sản của ông A bán đấu giá thành được 02 tỷ đồng, sau khi thực hiện thanh toán tiền thi hành án theo khoản 1 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự, chấp hành viên chi khoản tiền còn lại cho người được thi hành án, mà không trừ lại khoản tiền thuế thu nhập cá nhân đã được nêu trong hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản. Khi người mua trúng đấu giá thực hiện thủ tục tại cơ quan có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng thì được yêu cầu đóng thuế thu nhập cá nhân của người phải thi hành án. Do tiền thi hành án của người phải thi hành án đã chi trả hết, người mua trúng đấu giá khởi kiện cơ quan thi hành án vụ tranh chấp buộc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuế thu nhập cá nhân và tiền sử dụng đất.
Thứ hai, quyền của người mua được tài sản bán đấu giá chưa được đảm bảo trong trường hợp xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tại Điều 12 Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42/2017/QH14) đã quy định: “Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm. Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật”. Theo quy định này thì cơ quan thi hành án dân sự ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng sau khi trừ chi phí cưỡng chế theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Hơn nữa, Công văn số 3022/TCTHADS-NV1 ngày 15/8/2017 của Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn một số nội dung liên quan đến triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14. Công văn số 3022/TCTHADS-NV1 cũng hướng dẫn cơ quan thi hành án dân sự khi thực hiện việc thanh toán khoản tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thì ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng sau khi trừ chi phí cưỡng chế theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Đối với các nghĩa vụ khác (trong đó có nghĩa vụ thuế) của người phải thi hành án chỉ được thực hiện thanh toán trong trường hợp khoản tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế…
Như vậy, theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Công văn số 3022/TCTHADS-NV1, trong trường hợp sau khi thực hiện những khoản ưu tiên thanh toán nêu trên mà không còn tiền, nếu ngân hàng không đồng ý việc trích nguồn tiền từ bán tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để nộp thuế thu nhập cá nhân và các khoản thuế còn nợ khác của người phải thi hành án thì cơ quan thi hành án không được trích tiền bán tài sản để thu án phí, nộp thuế thu nhập cá nhân và các khoản thuế còn nợ khác của người phải thi hành án - chủ tài sản cũ, dẫn đến người mua được tài sản bán đấu giá không thể hoàn tất thủ tục hợp thức hóa quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản mua trúng đấu giá.
Thứ ba, theo quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 và pháp luật về thuế thì trường hợp xử lý nợ xấu không phải là trường hợp được miễn, giảm thuế. Bên cạnh đó, Điều 15 Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định: Cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; việc nộp thuế của bên bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế; bên nhận bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng không phải thực hiện nghĩa vụ thuế, phí khác của bên bảo đảm từ số tiền chuyển nhượng tài sản bảo đảm khi thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm. Như vậy, Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã quy định rõ trách nhiệm của cơ quan đăng ký, đặc biệt là cơ quan đăng ký đất đai trong việc thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận tài sản bảo đảm. Trong việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, bên bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm chỉ phải nộp các khoản thuế liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản. Ngoài ra, đối với các khoản nợ thuế, phí khác của bên bảo đảm thì bên nhận bảo đảm hoặc bên nhận chuyển nhượng không có trách nhiệm thực hiện, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Các cơ quan liên quan không được từ chối thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm vì lý do bên bảo đảm còn nợ các khoản thuế, phí khác.
Mặc dù Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Nghị quyết; Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế quán triệt, hướng dẫn chính sách liên quan đến thuế quy định tại Nghị quyết. Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa ban hành hướng dẫn về thuế, phí liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm.
Chính vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của người mua được tài sản bán đấu giá trong thi hành án dân sự, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
- Trước khi ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản, cơ quan thi hành án dân sự cần làm việc với cơ quan thuế có thẩm quyền để xác định tài sản bán đấu giá phải chịu các loại thuế gì, trách nhiệm nộp thuế thuộc về ai, trên cơ sở đó xác định rõ các loại thuế phải nộp và trách nhiệm nộp thuế để thông báo công khai cho người đăng ký mua tài sản biết. Đồng thời, nêu rõ về khả năng người phải thi hành (hoặc người có tài sản bảo đảm) không có điều kiện nộp các khoản thuế, phí liên quan đến việc chuyển nhượng mà theo quy định của pháp luật thì người đó phải nộp để người có nhu cầu mua tài sản biết và cân nhắc việc thỏa thuận nộp thay khoản thuế, phí khi mua được tài sản.
- Cần sự chung tay của các bộ, ngành chức năng: Đối với quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Nghị quyết số 42/2017/QH14, các bộ, ngành cần sớm hướng dẫn những vấn đề thuế, phí liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm cũng như các khoản thuế (liên quan đến tài sản bảo đảm) mà người phải thi hành án đang nợ để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người mua trúng đấu giá.
- Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung khoản 3 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự theo hướng: “… sau khi trừ chi phí cưỡng chế, nghĩa vụ tài chính liên quan đến tài sản của chủ cũ, án phí của bản án, quyết định đó và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này” để giải quyết khó khăn trong quá trình thi hành án liên quan đến nghĩa vụ tài chính.
Chi cục Thi hành án dân sự huyện An Dương, TP. Hải Phòng