Toàn cảnh buổi làm việc
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cho biết, trên cơ sở các quan điểm, chủ trương của Đảng, cũng như việc tham khảo các Nghị quyết của Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, dự thảo Nghị quyết đã đưa ra một số chính sách sau:
Thứ nhất, về đối tượng được hưởng chế độ, chính sách đặc biệt gồm: (i) áp dụng chế độ phụ cấp đặc biệt bằng 150% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng, cộng phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với nhóm cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật; (ii) người tham gia công tác xây dựng pháp luật được hưởng thù lao, kinh phí thuê khoán thì kinh phí thuê khoán thực hiện theo quy định của Chính phủ, bảo đảm vượt trội ít nhất từ 03 đến 05 lần so với định mức theo quy định hiện tại; (iii) thu nhập từ công tác xây dựng pháp luật được miễn thuế thu nhập cá nhân và các nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước.
Thứ hai, bảo đảm ngân sách cho công tác xây dựng pháp luật gồm: (i) bảo đảm định mức vượt trội ít nhất từ 03 đến 05 lần so với định mức theo quy định hiện tại, tương xứng theo từng nhiệm vụ, hoạt động gắn với khoản chi theo kết quả của nhiệm vụ, hoạt động; (ii) Quốc hội quyết định giao cho Chính phủ mức ngân sách bảo đảm chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Chính phủ có trách nhiệm phân bổ, giao kịp thời, đúng, đủ ngân sách bảo đảm chi theo kế hoạch hoặc ngoài kế hoạch theo quyết định của cấp có thẩm quyền...; (iii) Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ, hoạt động được quyền chủ động, linh hoạt, thay đổi nội dung chi; chịu trách nhiệm trong việc sử dụng ngân sách được giao; bảo đảm việc phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí có sự phân hóa trên cơ sở mức độ quan trọng, phức tạp của nhiệm vụ, hoạt động và đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế phát sinh trong thực hiện nhiệm vụ, hoạt động bảo đảm dân chủ, minh bạch, công khai, đúng quy định; (iv) tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ, hoạt động được miễn trách nhiệm dân sự đối với ngân sách nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hoạt động có sử dụng ngân sách nhà nước khi đã thực hiện đầy đủ các quy định liên quan trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, hoạt động.
Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế phát biểu tại buổi làm việc
Thứ ba, thành lập Quỹ hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật: Quỹ hỗ trợ nghiên cứu chính sách, pháp luật là Quỹ nhà nước, có tư cách pháp nhân, trực thuộc Bộ Tư pháp hoạt động không nhằm mục đích lợi nhuận và do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Thứ tư, thu hút, sử dụng tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ, hoạt động trong công tác xây dựng pháp luật gồm: (i) Nhà nước khuyến khích và quy định cơ chế, chính sách vượt trội, thuận lợi cho cơ quan thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật; thu hút, sử dụng tổ chức, cá nhân có trình độ, uy tín cao trong nghiên cứu, thực tiễn về nội dung nhiệm vụ, hoạt động trong công tác xây dựng pháp luật; (ii) cơ quan thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật được tự chủ lựa chọn cách thức, tổ chức, cá nhân hợp tác để thực hiện nhiệm vụ, hoạt động trong công tác xây dựng pháp luật; được ký kết hợp đồng với các tổ chức cá nhân để đặt hàng thực hiện một phần nhiệm vụ...
Thứ năm, xây dựng, phát triển, quản lý hạ tầng công nghệ, kỹ thuật, cơ sở dữ liệu lớn phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng pháp luật: ưu tiên ngân sách trung ương, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để triển khai các hoạt động xây dựng, phát triển, quản lý hạ tầng công nghệ, kỹ thuật, cơ sở dữ liệu lớn phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng pháp luật. Tập trung thực hiện đề án về xây dựng dữ liệu lớn về xây dựng pháp luật; đề án phát triển sản phẩm, dịch vụ ứng dụng AI, công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ xây dựng pháp luật, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số về xây dựng pháp luật...
Trao đổi tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo. Ngoài ra, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu một số nội dung sau: (i) dự thảo Nghị quyết cần chia ra 02 nhóm chính sách, cụ thể: nhóm 1 gồm các chính sách về nhân lực; nhóm 2 gồm các chính sách về hoạt động xây dựng pháp luật; (ii) cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát thêm các chính sách pháp luật về cán bộ, công chức ở các tất cả quy định về biệt phái, bổ nhiệm, tuyển dụng, đào tạo, học tập,... nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật; (iii) cần nghiên cứu cơ chế khoán nhiệm vụ, đánh giá, sàng lọc... đối với nhóm cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật; (iv) đối với hoạt động của Quỹ hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung căn cứ theo Quyết định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền, lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; (v) về đề án phát triển sản phẩm, dịch vụ ứng dụng AI, công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ xây dựng pháp luật, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số về xây dựng pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cần bám sát Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết số 193/2025/QH15) và Nghị định số 88/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị quyết số 193/2025/QH15...
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú cho biết, để phục vụ cho công tác nhân lực, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung chương trình đào tạo chất lượng cao ở các trường đại học luật, trong đó tập trung vào 02 trường trọng điểm là Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh đó, cần thiết kế 02 chương trình đào tạo thạc sĩ luật và tiến sĩ luật ở nước ngoài. Đối với nội dung về xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu, cần bổ sung cơ chế bình xét để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các phần mềm bảo đảm tuân thủ pháp luật. Về mặt cấu trúc của dự thảo Nghị quyết, cần phân chia rõ ràng thành 05 chương, cụ thể: chương 1 về những vấn đề chung, chương 2 về tài chính, chương 3 về nhân lực, chương 4 về hạ tầng và cơ sở dữ liệu lớn, chương 5 về điều khoản thi hành. Đối với quy định về hướng dẫn thi hành, bên cạnh việc quy định Chính phủ hướng dẫn thi hành, cũng cần giao nhiệm vụ này cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu kết luận buổi làm việc
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, đây là dự thảo Nghị quyết khó, nhưng thiết thực, mang đậm dấu ấn và vai trò chủ lực của Bộ Tư pháp trong công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu một số nội dung sau: (i) về định hướng chính sách, cần tập trung vào ba nhóm trụ cột gồm: cơ chế tài chính, nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin - chuyển đổi số; (ii) nội dung các điều trong dự thảo Nghị quyết phải rõ cơ chế, chính sách. Với những nội dung mang tính định lượng, cần có luận cứ chặt chẽ; (iii) về thành lập Quỹ hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật, cần làm rõ cơ chế chi tiêu, phạm vi hoạt động, quy định cơ chế pháp lý bảo đảm công khai, minh bạch, không trục lợi, không lợi ích nhóm gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng chính sách, pháp luật; (iv) về nguồn nhân lực, cần bổ sung cơ chế đặc thù trong đào tạo, tuyển dụng, sử dụng; nghiên cứu để có thể áp dụng học bổng, miễn học phí với sinh viên xuất sắc; có chính sách thu hút nhân tài từ bên ngoài, nguồn lực ở bên trong về làm công tác xây dựng pháp luật; xây dựng cơ chế tuyển dụng, điều động cán bộ có trình độ, kinh nghiệm về địa phương, sang pháp chế các Bộ, ngành khác làm công tác xây dựng pháp luật; có chính sách ưu đãi, phụ cấp đối với cán bộ làm công tác này…; (v) về hạ tầng công nghệ thông tin, cần tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác xây dựng pháp luật; tập trung thực hiện đề án xây dựng dữ liệu lớn về xây dựng pháp luật; đề án phát triển sản phẩm, dịch vụ ứng dụng AI… cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho hoạt động này áp dụng theo Nghị quyết số 193/2025/QH15.../.
Thùy Dung