1. Tính hợp lệ của việc tống đạt văn bản tố tụng dân sự
Về nguyên tắc, văn bản tố tụng phải được giao trực tiếp cho cá nhân tại địa chỉ mà đương sự đã thông báo hợp lệ cho Tòa án hoặc tới địa chỉ mà đương sự đã thỏa thuận và đề nghị Tòa án liên hệ theo địa chỉ đó khoản 1 Điều 177 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tống đạt trực tiếp văn bản tố tụng cho đương sự là phương thức mang lại hiệu quả cao nhất, bảo đảm thực hiện kịp thời, chính xác, ít bị đương sự khiếu nại và hủy án vì lý do tống đạt không hợp lệ. Tuy nhiên, nếu người được tống đạt vắng mặt thì người thực hiện việc tống đạt sẽ giải quyết như sau (khoản 5 Điều 177 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015):
(i) Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt và sau đó quay lại nơi cư trú: người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải lập biên bản và giao cho người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng nơi cư trú với họ hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc để thực hiện việc ký nhận hoặc điểm chỉ và yêu cầu người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được cấp, tống đạt, thông báo. Biên bản phải được lưu trong hồ sơ vụ án.
(ii) Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ: người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt, thông báo, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, thực hiện thủ tục niêm yết công khai văn bản cần tống đạt theo quy định tại Điều 179 của Bộ luật này. Biên bản phải được lưu trong hồ sơ vụ án.
Thủ tục này là bằng chứng chứng minh người có nghĩa vụ tống đạt đã thực hiện hết trách nhiệm của mình[1], do không thể thực hiện tống đạt trực tiếp, trong khi Tòa án vẫn phải tiếp tục giải quyết vụ việc, tránh làm ảnh hưởng đến các đương sự khác. So với việc tống đạt trực tiếp văn bản tố tụng cho đương sự, thủ tục niêm yết công khai là phương thức có tính hiệu quả không cao, đương sự khó có thể tiếp cận văn bản tố tụng, không bảo đảm tính kịp thời, chính xác của việc tống đạt.
Đối với các loại văn bản tố tụng như giấy triệu tập, giấy mời và các giấy tờ khác của Tòa án, Tòa án có trách nhiệm tống đạt, chuyển giao, thông báo cho đương sự (khoản 1 Điều 22 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Tuy nhiên, Tòa án và Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận để tống đạt văn bản của Tòa án trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở Văn phòng Thừa phát lại (khoản 1 Điều 33 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại[2] (Nghị định số 08/2020/NĐ-CP)). Thủ tục tống đạt của Văn phòng Thừa phát lại là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP).
Khoản 1 Điều 174 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì được coi là hợp lệ. Pháp luật hiện hành chỉ quy định khái quát tính hợp lệ của việc tống đạt được xác định dựa trên quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 mà không quy định cụ thể cơ sở nào để xác định tính hợp lệ này. Văn phòng Thừa phát lại thực hiện thủ tục tống đạt văn bản của Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng nên việc tống đạt được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng (khoản 2 Điều 33 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP) thì được coi là hoàn thành. Như vậy, để xác định tính hợp lệ của việc tống đạt, cần căn cứ vào các quy định cụ thể của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Chương X Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định thủ tục tống đạt gồm các nội dung: nghĩa vụ tống đạt các văn bản tố tụng, người thực hiện việc tống đạt, các phương thức tống đạt, thủ tục tống đạt, thủ tục niêm yết công khai, thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và thông báo kết quả việc tống đạt… Trong đó, tính hợp lệ của việc tống đạt căn cứ vào hai yếu tố cơ bản, đó là: căn cứ thực hiện việc tống đạt và trình tự, thủ tục tống đạt. Nếu việc tống đạt được thực hiện không đúng trình tự, thủ tục, không dựa trên các căn cứ luật định, có sai sót trong quá trình thực hiện sẽ không được coi là hợp lệ. Việc tống đạt không hợp lệ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình giải quyết vụ án, quyền lợi hợp pháp của các đương sự.
2. Hậu quả pháp lý khi tống đạt văn bản tố tụng dân sự không hợp lệ
Thực tiễn trong một số trường hợp, do không quy định chế độ kiểm tra việc chuyển giao cho người được tống đạt từ người trung gian dễ dẫn đến việc người trung gian không giao hoặc giao không đúng thời hạn cho người được tống đạt dẫn đến việc người được tống đạt không thể biết việc Tòa án triệu tập mình để tham gia tố tụng[3]. Trong một vụ việc, thủ tục tống đạt trực tiếp cho nguyên đơn không hợp lệ dẫn đến hệ quả là quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm bị hủy để giải quyết lại vụ án theo trình tự sơ thẩm. Cụ thể như sau:
“Tại văn bản tống đạt trực tiếp không thành của Văn phòng Thừa phát lại quận H ngày 03/11/2017 và ngày 07/9/2017 ghi nhận ông Nguyễn Văn A không có mặt ở nhà, không biết khi nào trở về, không có người nhận thay văn bản theo quy định nên không thể tống đạt và tiến hành niêm yết công khai. Những người tham gia nghe, xác nhận, ký tên gồm có: Thừa phát lại, thư ký thừa phát lại, đại diện Ủy ban nhân dân phường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường. Tuy nhiên tại các văn bản trên không có sự xác nhận của tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn.
Tại phiếu yêu cầu xác minh ngày 20/11/2017 của Tòa án nhân dân Quận E thì cơ quan quản lý địa phương cho biết ông Nguyễn Văn A vẫn còn ở địa phương (địa chỉ không thay đổi), biên bản tống đạt quyết định đình chỉ do Văn phòng thừa phát lại Hóc Môn vẫn giao trực tiếp cho ông A tại địa chỉ nói trên.
Như vậy, Tòa án nhân dân Quận E tiến hành niêm yết công khai không đúng theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Nguyễn Văn A. Tòa án nhân dân Quận E căn cứ Điều 48, 217, 218, 219 và khoản 2 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự đình chỉ giải quyết vụ án với lý do nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt là chưa đảm bảo căn cứ và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông A, kháng cáo của ông Nguyễn Văn A và kháng nghị của Viện kiểm sát là có cơ sở để chấp nhận”[4].
(i) Về căn cứ thực hiện tống đạt: có mâu thuẫn giữa kết quả xác minh của Văn phòng Thừa phát lại quận H và Tòa án cấp sơ thẩm. Theo xác minh của Tòa án cấp sơ thẩm, ông A vẫn còn ở địa phương và địa chỉ không thay đổi; theo ghi nhận của Văn phòng Thừa phát lại quận H, ông A không có mặt ở nhà và không biết khi nào trở về. Ngoài ra, biên bản tống đạt quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do Văn phòng thừa phát lại Hóc Môn tống đạt vẫn giao trực tiếp cho ông A. Qua đó có thể xác định, căn cứ niêm yết công khai của Văn phòng Thừa phát lại quận H là không đúng sự thật khách quan.
(ii) Về trình tự, thủ tục tống đạt: tại các biên bản tống đạt trực tiếp không thành của Thừa phát lại, mặc dù có xác nhận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, nhưng không có sự xác nhận của tổ dân phố hay Công an xã, phường, thị trấn theo khoản 5 Điều 177 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Do đó, thủ tục niêm yết công khai của Văn phòng Thừa phát lại quận H là không đúng trình tự luật định.
Về cả hai phương diện nêu trên, Văn phòng Thừa phát lại quận H đều không tuân thủ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Việc tống đạt này được xem là không hợp lệ. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ thủ tục tống đạt giấy triệu tập của Văn phòng Thừa phát lại quận H và sự vắng mặt của nguyên đơn để ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đã ảnh hưởng đến quyền của ông A, ông A không có quyền khởi kiện lại theo khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Như vậy, thủ tục tống đạt văn bản tố tụng đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự và có mối quan hệ mật thiết với các thủ tục, giai đoạn tố tụng khác, đơn cử là quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự với lý do nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt. Thủ tục tống đạt hợp lệ giấy triệu tập đương sự là cơ sở để đương sự có mặt tại Tòa án; việc đương sự không có mặt dù đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai là căn cứ để Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án. Do đó, nếu việc tống đạt giấy triệu tập không hợp lệ thì lần triệu tập này không có giá trị pháp lý, không được tính vào số lần triệu tập. Tòa án căn cứ vào lần triệu tập không hợp lệ mà đình chỉ giải quyết vụ án là chưa phù hợp.
3. Đề xuất bổ sung trách nhiệm pháp lý của Thừa phát lại trong hoạt động tống đạt văn bản
Theo Điều 32 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, Văn phòng Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm trước Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự về việc tống đạt thiếu chính xác, không đúng thủ tục, đúng thời hạn của mình; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định. Khi việc tống đạt không hợp lệ, Thừa phát lại chỉ phải chịu trách nhiệm trước Tòa án về thủ tục này, vì Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt dựa trên cơ sở thỏa thuận với Tòa án; còn Tòa án phải chịu trách nhiệm về việc tống đạt không hợp lệ của Văn phòng Thừa phát lại, do đây là trách nhiệm của Tòa án đã được luật định. Trên thực tế, nhiều bản án, quyết định của Tòa án đã bị hủy theo trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, trong đó có các vi phạm liên quan đến tính hợp lệ của việc tống đạt các văn bản tố tụng[5]. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định ràng buộc cụ thể trách nhiệm pháp lý của Thừa phát lại trong trường hợp việc tống đạt không hợp lệ, làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ việc dân sự.
Trong khi đó, ý nghĩa của việc “khai sinh” các tổ chức Thừa phát lại ở Việt Nam là nhằm xác định lại đúng mức độ, phạm vi can thiệp của Nhà nước trong lĩnh vực hành chính tư pháp, giảm khối lượng công việc và gánh nặng chi phí của Nhà nước, tinh gọn bộ máy và tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước. Giá trị của việc giao Thừa phát lại thực hiện tống đạt các văn bản tố tụng không chỉ đơn thuần là giảm tải công việc cho ngành Tòa án mà cao hơn, còn có tác động tôn vinh vị trí, vai trò của Tòa án, đồng thời, giúp “tách” cán bộ Tòa án khỏi các bên đương sự, bảo đảm sự khách quan trong giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, giữa vị trí pháp lý, chức năng, vai trò của Thừa phát lại và trách nhiệm pháp lý của tổ chức này còn chưa tương xứng. Pháp luật cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của Thừa phát lại và Văn phòng Thừa phát lại trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án bị hủy do Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt không hợp lệ theo quy định của pháp luật tố tụng hoặc nhẹ hơn là “chậm trễ” trong việc tống đạt.
Kết luận:
Mặc dù pháp luật chưa quy định rõ cơ sở pháp lý để đánh giá tính hợp lệ của việc tống đạt văn bản tố tụng dân sự nhưng từ thực tiễn xét xử, nghiên cứu cho thấy, tính hợp lệ của việc tống đạt dựa trên hai yếu tố cơ bản: căn cứ thực hiện việc tống đạt và trình tự, thủ tục tống đạt. Trường hợp tống đạt được thực hiện không đúng trình tự, thủ tục, không dựa trên các căn cứ luật định có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình giải quyết vụ án, dẫn đến bản án, quyết định của Tòa án bị hủy, không có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp này, trách nhiệm trước hết là ở cơ quan, người tiến hành tố tụng tại Tòa án. Tuy nhiên, trách nhiệm của Thừa phát lại và Văn phòng Thừa phát lại cũng cần được pháp luật quy định rõ ràng hơn, góp phần củng cố vị trí và giá trị pháp lý của chế định Thừa phát lại trong hệ thống pháp luật và hệ thống tư pháp của Việt Nam./.
Phan Duy Nhật
Học viên Lớp Đào tạo luật sư, Học viện Tư pháp - Cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh
[1] Nguyễn Kim Giang, Cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng dân sự, Luận văn Thạc sĩ, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014, tr. 51.
[2] Trước đây là Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ.
[3] Lê Văn Quang, “Cần hướng dẫn thi hành quy định về cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng dân sự”, Tạp chí Kiểm sát, số 5, 2018, tr. 55.
[4] Quyết định giải quyết việc kháng cáo đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 287/2018/QĐ-PT ngày 15/3/2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
[5] Bộ Tư pháp, “Điểm tin báo chí ngày 16/9 và sáng ngày 17/9/2014 - Thông tin liên quan đến công tác tư pháp”, https://moj.gov.vn/UserControls/News/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/qt/thongtinbaochi/Lists/DiemTinBaoChi&ListId=f40803e2-3d26-43db-82e2-fefffe8e7709&SiteId=5d7ff17f-37bc-40e8-83bb-f20d380bacd0&ItemID=1624&SiteRootID=b71e67e4-9250-47a7-96d6-64e9cb69ccf3, truy cập ngày 22/4/2024.