Tham dự Hội thảo có thành viên của Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thành viên Tổ giúp việc của Hội đồng và các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện một số bộ, ngành.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe trình bày khái quát kết quả hoạt động của Hội đồng trong việc bảo đảm cụ thể hóa chính xác quy định, nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 trong các văn bản về quyền con người, quyền công dân. Nhìn chung, Hội đồng đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình hoạt động, đã tổ chức cho ý kiến đối với nhiều dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quyền con người theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Hội thảo đã tập trung bàn luận về vấn đề giải thích Hiến pháp, hiểu thế nào là “đúng tinh thần của Hiến pháp” và hầu hết ý kiến đều cho rằng, dù rất khó để ban hành một văn bản giải thích Hiến pháp chính thống tương tự như nghị định, thông tư hướng dẫn, cụ thể luật, nhưng cần có giải pháp khắc phục để định hướng cho các luật có cách tiếp cận thống nhất, đồng bộ. Chẳng hạn:
- Cách tiếp cận khi cụ thể Hiến pháp là dựa trên quyền con người hay chú trọng tăng cường quản lý nhà nước.
- Cần làm rõ nội hàm của các quyền ở luật nội dung để khi quy định trình tự, thủ tục ở luật tố tụng tránh “mơ hồ” như một số quy định hiện nay.
- Về việc làm rõ nội hàm của một số quyền, đặc biệt là quyền mới, vấn đề mới được ghi nhận trong Hiến pháp nhằm tạo thuận lợi cho việc cụ thể hóa trong luật, có ý kiến cho rằng, có thể học tập kinh nghiệm của Nhật Bản là dựa trên bộ tiêu chí, quy chuẩn của các bộ chuyên ngành (ví dụ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có tiêu chí về không khí, tiếng ồn…).
- Về vấn đề hạn chế quyền quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013, việc cụ thể hóa có sự khác nhau ở các luật, có thể là nhắc lại Hiến pháp, có thể là thông qua việc quy định các điều cấm, các hành vi vi phạm pháp luật.
Nhiều đại biểu vẫn còn băn khoăn, liệu cách quy định nhiều điều cấm, nhiều hạn chế quyền thì có phù hợp với Hiến pháp là tự do quyền (như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do tín ngưỡng…) hay không? Hiến pháp quy định tự do quyền thì có thể hiểu tinh thần của Hiến pháp là được làm những điều mà pháp luật không cấm và như vậy, việc các luật quy định theo hướng chỉ được làm khi được cấp phép hoặc đặt ra các điều kiện, thì có trái với tinh thần của Hiến pháp hay không?
Giải thích cho vấn đề này, có nhiều ý kiến cho rằng, có thể là do để bảo đảm thuận lợi cho việc quản lý nhà nước khi mà trình độ quản lý, thanh tra, kiểm tra ở nước ta còn yếu, nên việc luật quy định hạn chế quyền là cần thiết.
Ngoài việc cần được giải thích Hiến pháp, tại Hội nghị cũng có nhiều đề xuất khác nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng, như: Đại diện các bộ, ngành cần tham gia tích cực hơn nữa trong các cuộc họp của Hội đồng, nếu không thể có mặt thì cần có ý kiến bằng văn bản; tạo điều kiện để có được nhiều hơn nữa những hội thảo có sự tham gia góp ý của các chuyên gia nước ngoài; trong quá trình hoạt động cần chú trọng hơn về cơ chế bảo hiến…
Uyên Nhi