Abstract: Criminal liability exemption is one of important provisions of the Criminal Code representing tolerant, human policy of our Party and State towards criminals under circumstances, conditions which reduce to the lowest the character and danger level of a crime. This article makes comments on new regulations on the basis for criminal liability exemption provided in the Criminal Code of 2015.
Hiện thực hóa quan điểm trên đây, Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự như sau: “1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ: (a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; (b) Khi có quyết định đại xá. 2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ: (a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; (b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; (c) Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận. 3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.
Có thể hiểu, miễn trách nhiệm hình sự là một trong những chế định quan trọng trong luật hình sự nước ta, thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội nhưng có các tình tiết, điều kiện làm cho tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội giảm đến mức thấp nhất, không đáng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người được miễn trách nhiệm hình sự sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý do bản thân đã thực hiện hành vi phạm tội. Qua đó, động viên, khuyến khích người phạm tội lập công chuộc tội, chứng tỏ khả năng tự giáo dục, tự thay đổi trở thành người có ích cho xã hội. So với Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung căn cứ được miễn trách nhiệm hình sự và mở rộng phạm vi người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Cụ thể là:
Thứ nhất, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự nếu “khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”(điểm a khoản 1). Đây là một bổ sung quan trọng, quy định người phạm tội chắc chắn sẽ được các cơ quan, người tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự. Do đây là quy định “cứng” nên trong mọi trường hợp, nếu người phạm tội hoàn toàn thỏa mãn quy định này thì họ được miễn trách nhiệm hình sự. Nếu vì lý do nào đó mà cơ quan tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không ban hành quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội đó, thì có nghĩa là người, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người phạm tội. Do đó, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm đó, nếu gây thiệt hại thì có thể phải bồi thường. Ví dụ: Người phạm tội vì không được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 29, bị kết án tù, dẫn đến trầm cảm, tự tử thì người, cơ quan có thẩm quyền áp dụng pháp luật phải chịu trách nhiệm pháp lý về hậu quả (chết người) đó và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra.
Nội dung căn cứ này được hiểu là tại thời điểm vụ án được điều tra, truy tố hoặc xét xử, chính sách, pháp luật trực tiếp liên quan đến hành vi phạm tội đang bị truy cứu đã có sự thay đổi đáng kể so với quy định tương ứng tại thời điểm xảy ra tội phạm. Sự thay đổi đó đã làm cho hành vi phạm tội đang bị truy cứu không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, vì vậy, không cần thiết buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự. Đó có thể là do Bộ luật Hình sự đã phi tội phạm hóa đối với tội phạm đó; hoặc hành vi phạm tội tuy vẫn được quy định trong Bộ luật Hình sự (do chưa kịp sửa đổi, bổ sung) nhưng pháp luật chuyên ngành về lĩnh vực đó đã có sự thay đổi dẫn đến hành vi đó không còn bị nghiêm cấm nữa… Ví dụ: Từ thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, hành vi đánh bạc trái phép mà tài sản dùng đánh bạc có giá trị dưới năm triệu đồng thì không phải là tội phạm (nếu không thuộc các trường hợp đã bị xử lý hành chính, kết án về hành vi này hoặc hành vi gá bạc, tổ chức đánh bạc chưa được xóa án tích). Cho nên, nếu hành vi đánh bạc được thực hiện trước ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực, nhưng sau thời điểm đó mới bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì căn cứ điểm a khoản 1 Điều 29, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự. Trong mọi trường hợp, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Thực tế thời gian qua, đã có rất nhiều người phạm tội đánh bạc (giá trị tài sản dưới năm triệu đồng) thuộc trường hợp trên đã được cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung trường hợp người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu “khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa” (điểm b khoản 2). Sự bổ sung căn cứ người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo đã thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với con người, phù hợp thực tiễn khách quan. Trên thực tế, khi người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa như HIV giai đoạn cuối, ung thư giai đoạn cuối…, khi đó sự sống của họ chỉ còn tính bằng ngày, bằng tháng, sức khỏe giảm sút nhanh chóng, vì vậy, khả năng để họ có thể gây nguy hại thêm cho xã hội là rất hạn chế. Mặt khác, việc không bắt họ chịu chế tài hình sự sẽ tạo điều kiện cho người phạm tội có điều kiện chữa trị bệnh tật để có cơ hội kéo dài sự sống. Đây là một quy định hết sức nhân văn, mang giá trị giáo dục sâu sắc. Tuy nhiên, đây là quy định mang tính chất “tùy nghi”, không phải cứ mắc bệnh hiểm nghèo là được miễn trách nhiệm hình sự. Người áp dụng pháp luật có trách nhiệm xem xét, đánh giá xem người phạm tội tuy mắc bệnh hiểm nghèo nhưng họ có thực sự “không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” hay không mới có thể quyết định việc miễn hay không cho miễn trách nhiệm hình sự. Để có nhận định khách quan về khả năng đó, trước hết, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần xem xét tình trạng bệnh tật? Mắc loại bệnh hiểm nghèo nào, bệnh đang ở giai đoạn nào, khả năng diễn biến của bệnh ra sao và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe người phạm tội như thế nào? Ngoài việc nghiên cứu bệnh án mà cơ quan chức năng cung cấp, người áp dụng pháp luật cần tìm hiểu về loại bệnh lý, khi cần thiết, có thể tham khảo ý kiến của cơ quan chức năng chuyên khoa để tiên lượng về diễn biến của căn bệnh, mức độ ảnh hưởng sức khỏe của người phạm tội. Mặt khác,người áp dụng pháp luật cần chú ý đến nhân thân người phạm tội, tính chất hành vi phạm tội để xem xét khả năng tiếp tục gây án. Sự đánh giá này mang tính chủ quan, ngoài năng lực thực tiễn của người áp dụng pháp luật, thì rất cần ở họ một thái độ vô tư, khách quan. Có như vậy, chính sách nhân đạo này mới được thực thi một cách hiệu quả, thuyết phục, tránh bị lạm dụng và mang đầy đủ giá trị nhân văn của nó.
Thứ ba, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung trường hợp người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu “người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự (khoản 3 Điều 29). Theo quy định này, điều kiện cần và đủ để người phạm tội được xem xét miễn trách nhiệm hình sự phải đồng thời thỏa mãn ba điều kiện sau đây:
Một là, hành vi của người phạm tội thực hiện thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác. Như vậy, trước hết, loại tội được xem xét phụ thuộc vào đối tượng xâm hại của tội phạm. Đó phải là tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác. Điều này có liên quan mật thiết tới điều kiện “được người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự”. Tiếp đến là việc xác định loại tội phạm. Theo đó, chỉ được xem xét đối với hai loại tội phạm sau đây: (i) Tội phạm ít nghiêm trọng (không phân biệt lỗi cố ý hay lỗi vô ý) gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác; (ii) Tội phạm nghiêm trọng mà người phạm tội thực hiện với lỗi vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác. Quy định này phù hợp với Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại. Tuy nhiên, cách quy định trên có thể dẫn đến hai cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau: (i) Có thể xem xét miễn trách nhiệm hình sự đối với tất cả các tội ít nghiêm trọng không phụ thuộc vào khách thể bị xâm hại. Quan điểm này sẽ mở rộng phạm vi áp dụng; (ii) Chỉ xem xét miễn trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng với lỗi vô ý. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017 đã khắc phục vướng mắc này nhằm bảo đảm thống nhất nhận thức và áp dụng pháp luật.
Hai là, được người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải. Việc “hòa giải” có thể được biểu hiện dưới các hình thức sau đây: Giữa người phạm tội và người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại đã thỏa thuận giải quyết xong trách nhiệm dân sự; người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại có thể không yêu cầu bồi thường, đã thông cảm, tha thứ cho lỗi lầm của người phạm tội do người phạm tội chân thành xin lỗi nên hai bên không còn căng thẳng, mâu thuẫn giữa các bên đã được giải quyết. Tất nhiên, việc hòa giải đó phải trên cơ sở tự nguyện, xuất phát từ mong muốn của người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại mà không bị bất cứ sức ép khách quan nào. Điều luật sử dụng từ “hoặc” khi nói đến quyền hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự của hai chủ thể “người bị hại” và “đại diện hợp pháp của người bị hại”, vậy, cần hiểu quyền đó thuộc về ai khi cả hai đều tham gia tố tụng? Theo tác giả, trong trường hợp người bị hại là người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị thiệt hại về sức khỏe, tài sản thì cần được sự đồng ý hòa giải của cả người bị hại dưới 18 tuổi và đại diện hợp pháp của họ. Tuy nhiên, chỉ nên hỏi ý kiến của người bị hại dưới 18 tuổi nhưng trên 12 tuổi, bởi nếu người dưới 12 tuổi thì họ hầu như chưa đủ nhận thức cơ bản thế nào là hòa giải. Quan điểm này xuất phát từ cơ sở lý luận rằng, người bị hại dù dưới 18 tuổi vẫn cần được tôn trọng ý kiến cá nhân, bên cạnh việc có người đại diện hợp pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; đối với người bị hại trên 12 tuổi, họ đã bắt đầu có những nhận thức nhất định về các vấn đề xã hội nên cũng cần được hỏi ý kiến.
Ba là, được người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại hoàn toàn tự nguyện đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Tương tự như điều kiện “hòa giải”, trong trường hợp có cả người bị hại dưới 18 tuổi và đại diện hợp pháp của người bị hại tham gia tố tụng thì cần có sự tự nguyện đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội của cả hai. Đề nghị miễn trách nhiệm hình sự có thể được thể hiện bằng văn bản xong cũng có thể bằng lời nói (phải được thể hiện trong biên bản do cơ quan tiến hành tố tụng lập hoặc được ghi trong biên bản phiên tòa). Quy định này cho thấy, pháp luật ngày càng tôn trọng hơn quyền của người bị tội phạm xâm hại (hoặc đại diện hợp pháp của họ) về việc giải quyết vụ án. Trong điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay, các quan hệ kinh tế, xã hội ngày càng đa dạng và phong phú; những tranh chấp, khiếu kiện, xung đột quyền lợi giữa cá nhân, tổ chức ngày càng xảy ra nhiều, đan xen nhau. Vì vậy, áp lực đối với hoạt động tư pháp ngày càng lớn. Cho nên, việc tạo căn cứ pháp lý khuyến khích cá nhân, tổ chức tự hòa giải, tự giải quyết các mâu thuẫn, xung đột, để các chủ thể quan hệ pháp luật tự mình hóa giải mâu thuẫn là một trong các giải pháp hữu ích; một mặt, sẽ giảm tải các khiếu kiện đến Tòa án, giảm thiểu những chi phí không cần thiết cho hoạt động tư pháp; mặt khác, tạo cơ hội cho người phạm tội thoát khỏi “vòng lao lý” song vẫn phải thực hiện các trách nhiệm pháp lý. Đây là một xu hướng quản lý và điều chỉnh xã hội tiên tiến, văn minh mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng.
Cũng như đối với điểm b khoản 2 Điều 29, nội dung khoản 3 Điều 29 có quy định mang tính chất “tùy nghi”. Theo đó, việc miễn trách nhiệm hình sự trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này không chỉ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người bị hại, mà cơ quan điều tra, điều tra viên, Viện kiểm sát, kiểm sát viên, Tòa án, thẩm phán, hội thẩm còn phải xem xét căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội cũng như khả năng giáo dục, cải tạo của họ… để quyết định miễn hay không miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Tất nhiên, cơ sở ban đầu là người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại đã hòa giải được với bị can, bị cáo và tự nguyện đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Thông thường, nếu người phạm tội có nhân thân tốt, được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ (như người phạm tội thực sự ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, nhận rõ sai phạm của mình và tự nguyện bồi thường, khắc phục một phần hoặc toàn bộ hậu quả...), xét thấy không cần thiết buộc họ phải chịu chế tài pháp lý thì cơ quan tiến hành tố tụng quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho họ. Ngược lại, mặc dù người phạm tội đáp ứng đủ các điều kiện tại khoản 3 Điều 29, nhưng nhân thân không tốt, thường xuyên vi phạm trật tự hành chính, việc bồi thường cơ bản do gia đình thực hiện thay trong khi bản thân họ có tài sản thì không nên cho họ hưởng chính sách miễn trách nhiệm hình sự. Có thể nói, việc bổ sung căn cứ được miễn trách nhiệm hình sự tại khoản 3 Điều 29 là một đổi mới quan trọng trong tư duy xử lý tội phạm ở nước ta, thể hiện tính chất hướng thiện, chứa đựng tính nhân văn sâu sắc, giúp người phạm tội quay trở lại cộng đồng một cách bền vững. Trong giai đoạn hiện nay, quy định này có ý nghĩa thiết thực trong xử lý các tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản người khác như tội cố ý gây thương tích, các tội trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản...; tội nghiêm trọng do lỗi vô ý như tội phạm về vi phạm các quy định an toàn về giao thông... Các quy định mới tại khoản 3 Điều 29 đã tạo căn cứ pháp lý cho việc giải quyết, xử lý nhiều trường hợp vướng mắc, bất cập trong thực tế, rất nhiều vụ án, khi các bên hòa giải, thỏa thuận bồi thường và được người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin miễn trách nhiệm hình sự, nhưng mỗi nơi xử lý một kiểu. Rất nhiều trường hợp được cơ quan công an các địa phương miễn trách nhiệm hình sự ngay sau khi vụ tai nạn được giải quyết xong về dân sự, nhiều vụ không được khởi tố, điều tra. Trong khi đó, hầu hết các trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tố tụng trong quân đội vẫn truy tố, xét xử. Sự thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật đó dẫn đến sự bất bình đẳng giữa những người phạm tội, tính pháp chế không được đề cao.
Thực tiễn xét xử cho thấy, việc đưa ra xét xử người phạm tội khi họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đã bồi thường thỏa đáng theo yêu cầu của người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại và được họ xin miễn trách nhiệm hình sự thì chế tài áp dụng nhiều khi cũng chỉ mang tính tượng trưng (phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc cho hưởng án treo) mà chưa hẳn đã mang lại hiệu quả trong giáo dục, ngăn chặn hoặc trừng trị tội phạm cao hơn việc cho họ miễn trách nhiệm hình sự. Vì vậy, tác giả cho rằng, quy định mới về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 là một bổ sung cần thiết, thể hiện sự tôn trọng quyền cá nhân trong xử lý các mối quan hệ mà họ là chủ thể và giải quyết được bất cập trong thực tế xử lý các tội phạm thông thường, ít nghiêm trọng và một số tội nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại diễn ra hiện nay.
Các tin khác
Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án dân sự và xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại Vướng mắc trong thụ lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật và thụ lý ly hôn Biện pháp bảo đảm thi hành án và thực tiễn áp dụng Tạm dừng việc cưỡng chế thi hành án dân sự được áp dụng trong trường hợp nào? Mối quan hệ giữa Toà án và Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự Bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự liên quan đến giao dịch dân sự vô hiệu Hủy giấy chứng nhận kết hôn có coi là hủy hôn nhân trái pháp luật không? Xác định mục đích của nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2005