Toàn cảnh Tọa đàm đánh giá kết quả sơ kết năm 2024 và Hội thảo tư vấn, hướng dẫn Sổ tay tài trợ phụ.
Nhiều giải pháp được triển khai để tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế
Dự án “Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế” do Ngân hàng thế giới tài trợ từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Phát triển xã hội Nhật Bản. Cơ quan chủ quản của Dự án là Bộ Tư pháp. Dự án được thực hiện trong 4 năm (2022 - 2026) tại Hà Nội, Điện Biên, Yên Bái và các tỉnh, thành phố khác được lựa chọn trong quá trình thực hiện Dự án.
Mục tiêu tổng thể của Dự án nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý và thúc đẩy trao quyền pháp lý cho các đối tượng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý, tập trung vào các tỉnh được lựa chọn tại khu vực miền núi phía Bắc. Các mục tiêu cụ thể của Dự án bao gồm: Nâng cao nhận thức của người dân về trợ giúp pháp lý; tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý của người dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ trợ giúp pháp lý; tăng cường sự tham gia trợ giúp pháp lý của tổ chức xã hội phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Dự án phù hợp với chủ trương thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… của Đảng và Nhà nước ta.
Trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, Dự án phù hợp với mục tiêu trọng tâm của Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý và Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, đó là lấy người được trợ giúp pháp lý là trung tâm, nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, đẩy mạnh công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý và thu hút các tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia trợ giúp pháp lý.
Dự án có 04 hợp phần, cụ thể như sau:
- Hợp phần 1: Nâng cao khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý của người dân ở cơ sở, đặc biệt là nhóm người nghèo, dân tộc thiểu số và những người dễ bị tổn thương khác ở khu vực miền núi phía Bắc. Hợp phần này tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc hiện nay là người dân chưa sử dụng nhiều dịch vụ trợ giúp pháp lý (mặc dù không phải trả phí).
- Hợp phần 2: Tập trung vào việc nâng cao năng lực một cách toàn diện (bao gồm các kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý và kỹ năng mềm) của những người thực hiện trợ giúp pháp lý và các công chức có liên quan như thẩm phán, công tố viên, điều tra viên... trong thực hiện trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự phối hợp, liên kết, qua đó giúp cho các hoạt động trợ giúp pháp lý được thực hiện hiệu quả, có chất lượng.
- Hợp phần 3: Hướng tới việc thí điểm thực hiện một số hoạt động nhằm nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý. Hợp phần này gồm các hoạt động huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội có đủ điều kiện trong thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý gắn với việc cải thiện đời sống của người được trợ giúp pháp lý có tính bền vững và đề xuất việc thiết kế một hệ thống kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý.
- Hợp phần 4: Quản lý dự án, hành chính, theo dõi và đánh giá, phổ biến thông tin.
Tại Tọa đàm, các thành viên Ban Quản lý dự án, đại diện các đơn vị thực hiện Dự án đã trao đổi về những thuận lợi cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, triển khai dự án và đề xuất nhiều giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, với quyết tâm cam kết hoàn thành mọi công việc theo kế hoạch hoạt động năm 2024, góp phần thực hiện thành công, hiệu quả Dự án và đem lại nhiều tác động tích cực cho xã hội.
Ông Đào Quý Lộc, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Giám đốc Ban Quản lý dự án chuyên trách, Bộ Tư pháp.
Sổ tay tài trợ phụ được sử dụng để lựa chọn, theo dõi, giám sát, đánh giá các tổ chức được lựa chọn thực hiện các hoạt động được Dự án giao.
Sổ tay tài trợ phụ Dự án “Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế” được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở Văn kiện dự án được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-BTP ngày 17/01/2022, trong đó, tập trung hướng dẫn hoạt động 3.1 Hợp phần 3 của Văn kiện Dự án là hướng tới thí điểm thực hiện một số hoạt động nhằm nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý; huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội có đủ điều kiện trong thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý, gắn với việc cải thiện đời sống của người được trợ giúp pháp lý có tính bền vững.
Sổ tay tài trợ phụ hướng dẫn triển khai thử nghiệm mô hình trợ giúp pháp lý với sự liên kết, phối hợp giữa các Trung tâm Trợ giúp pháp lý với các tổ chức xã hội đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý và hoạt động tương tự trợ giúp pháp lý kịp thời, có chất lượng cho người dân thuộc diện thụ hưởng trợ giúp pháp lý. Thông qua việc thí điểm thu hút các tổ chức xã hội đủ điều kiện được lựa chọn để thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc các hoạt động tương tự trợ giúp pháp lý; tích hợp việc cung cấp các dịch vụ trợ giúp pháp lý trong một mạng lưới rộng lớn hơn, các dịch vụ bảo trợ xã hội cho các đối tượng được lựa chọn và thể hiện vai trò của trợ giúp pháp lý đối với việc cải thiện sinh kế cho người dân. Đây là một trong những hoạt động có tính mới đặc thù của Dự án này.
Tại Hội thảo, Ban Quản lý dự án đã tư vấn, hướng dẫn cách thức sử dụng Sổ tay tài trợ phụ và hướng dẫn việc chuẩn bị các hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của Chủ đề kêu gọi đề xuất tài trợ phụ lần thứ nhất (Call 1).
Chủ đề đợt kêu gọi lần thứ nhất tập trung vào chủ đề trợ giúp pháp lý và hôn nhân gia đình. Trong đó, các đề xuất thuộc một hoặc các nội dung sau đây:
- Nội dung 1: Tăng cường sự tham gia của các tổ chức đủ điều kiện trong việc nâng cao hiểu biết về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí, trợ giúp pháp lý về các vấn đề pháp luật về hôn nhân gia đình cho người dân, tập trung vào các nhóm dễ tổn thương như phụ nữ, người dân tộc thiểu số và người nghèo. Khuyến khích các đề xuất bao gồm các kênh truyền thông và hoạt động dễ hiểu, dễ tiếp cận, sử dụng ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số như công nghệ thông tin và các công cụ có tính sáng tạo khác.
- Nội dung 2: Nâng cao năng lực tư vấn pháp luật, tham gia kết nối người thuộc diện trợ giúp pháp lý, đặc biệt là phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.
Đối tượng thụ hưởng của các đề xuất: Tất cả các đề xuất phải bảo đảm mang lại lợi ích cho người dân và người cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý tại 02 tỉnh thụ hưởng dự án là Điện Biên và Yên Bái, trong đó có ít nhất một trong những nhóm người dễ bị tổn thương sau đây: (i) Phụ nữ; (ii) Đồng bào dân tộc thiểu số; (iii) Người nghèo (hoặc cận nghèo). Đề xuất cần làm rõ làm thế nào tổ chức nộp đề xuất bảo đảm những hoạt động đề xuất sẽ tiếp cận được các đối tượng thụ hưởng này.
Thời gian thực hiện các đề xuất: Các đề xuất được thiết kế thực hiện trong khoảng thời gian tối đa là 12 tháng, kể từ ngày ký hợp đồng tài trợ. Các tổ chức đã thực hiện thành công các đề xuất trong lần kêu gọi thứ nhất có thể tiếp tục nộp đề xuất mới cho các lần kêu gọi tiếp theo.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến phát biểu từ các tổ chức: Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam, Hội phụ nữ tỉnh Điện Biên, Yên Bái; Hội luật gia và Hội Nông dân của 2 tỉnh Điện Biên, Yên Bái… Các ý kiến đã chia sẻ những thông tin và sáng kiến về khả năng đáp ứng yêu cầu của các tổ chức, thể hiện sự sẵn sàng tham gia đợt kêu gọi lần thứ nhất của Ban Quản lý dự án. Hy vọng, sau Hội thảo, thông tin về chủ đề kêu gọi lần thứ nhất của Dự án sẽ tiếp tục được lan tỏa và thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều tổ chức xã hội, nhằm góp phần thực hiện thành công Dự án, góp phần nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm.
Mình Trí