Trong công tác thi hành án dân sự, hoạt động kiểm sát giữ một vai trò rất quan trọng. Theo đó, tất cả các hoạt động, hành vi có liên quan đến việc thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đều phải được kiểm sát bởi Viện kiểm sát nhân dân các cấp; cơ quan kiểm sát, kiểm sát viên phải chịu trách nhiệm về việc tuân theo pháp luật của cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay có những vướng mắc, bất cập về thẩm quyền và trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác thi hành án dân sự, nhất là khi xảy ra sai phạm, không tuân thủ pháp luật của cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến hai khía cạnh, đó là thẩm quyền và trách nhiệm của Viện kiểm sát, kiểm sát viên trong công tác thi hành án dân sự.
1. Thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác thi hành án dân sự
Hiến pháp khẳng định: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành” (Điều 106 Hiến pháp năm 2013). Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành đúng theo quy định của pháp luật, điều này không chỉ thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật mà còn có tác động trực tiếp đến lòng tin của nhân dân đối với pháp luật. Vì vậy, việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giữ vững kỷ cương phép nước, củng cố pháp chế và trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, đảm bảo cho quyền lực tư pháp được thực thi trên thực tế. Để bảo đảm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thi hành đúng theo quy định của pháp luật thì công tác kiểm sát đóng vai trò hết sức quan trọng.
Theo Điều 28 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và khoản 2 Điều 12 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì Viện kiểm sát có thẩm quyền rất lớn, phạm vi kiểm sát là rất rộng, tất cả các hoạt động của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên và các hành vi liên quan đến công tác thi hành án dân sự đều được kiểm sát, từ khâu “cấp, chuyển giao, giải thích, đính chính bản án, quyết định của Tòa án, ra quyết định thi hành án…” đến “tự kiểm tra việc thi hành án và thông báo kết quả thi hành án và nếu như trong quá trình thi hành án nếu có những nội dung gì hoặc hành vi của chấp hành viên không đúng pháp luật thì Viện kiểm sát có quyền kháng nghị; yêu cầu đình chỉ việc thi hành án, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật”. Kiểm sát thi hành án dân sự là một trong những khâu kiểm sát hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa. Phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn là kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án dân sự, nhằm đảm bảo việc thi hành án kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật. Công tác kiểm sát thi hành án dân sự gồm rất nhiều khâu nghiệp vụ kiểm sát, trong đó có nghiệp vụ kiểm sát trực tiếp thường xuyên đối với hoạt động thi hành án, kiểm sát viên tham gia trực tiếp việc tác nghiệp của chấp hành viên trong từng vụ việc. Đây là một trong những nghiệp vụ kiểm sát thi hành án dân sự có vị trí then chốt để phát hiện các sai phạm một cách toàn diện, kịp thời, có hiệu quả, từ đó kịp thời chấn chỉnh, chấm dứt các vi phạm, hạn chế tới mức thấp nhất các vi phạm của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.
2. Trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác thi hành án dân sự
Mặc dù thẩm quyền trong công tác kiểm sát hoạt động thi hành án là rất lớn nhưng thực tiễn hiện nay, trách nhiệm của Viện kiểm sát, kiểm sát viên trong công tác thi hành án còn nhiều bất cập. Do đó, cần phải làm rõ trách nhiệm của Viện kiểm sát, kiểm sát viên trong hoạt động kiểm sát thi hành án dân sự ở hai vấn đề:
Thứ nhất, về nội dung
Khoản 2 Điều 12 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định: “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án dân sự…” và quy định các quyền kèm theo nhằm đảm bảo cho việc thi hành án dân sự kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật. Như vậy, việc tuân theo pháp luật của cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên khi giải quyết vụ việc thi hành án thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát; việc thi hành án có kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật hay không thì Viện kiểm sát và kiểm sát viên được phân công phải chịu trách nhiệm hoặc cùng chấp hành viên chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, thực tế trong suốt quá trình giải quyết vụ việc thi hành án và cả qua công tác kiểm sát trực tiếp hàng năm của ba cấp kiểm sát thì vẫn có rất nhiều sai sót, vi phạm của cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên, thậm chí là có rất nhiều vụ việc dẫn đến đương sự yêu cầu bồi thường hàng chục tỷ đồng, nhưng trong các vụ việc nói trên thì hầu như lại chưa đề cập đến trách nhiệm của Viện kiểm sát cũng như kiểm sát viên kiểm sát vụ việc. Đây là một bất cập lớn, trong quá trình giải quyết vụ việc thi hành án, kiểm sát viên là người tham gia kiểm sát từ khi chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án, ra quyết định thi hành án, kê biên, bán đấu giá, giao tài sản và kết thúc vụ việc nhưng khi xảy ra sai sót, vi phạm thì hầu như chỉ xét đến trách nhiệm của chấp hành viên mà ít khi nhắc đến trách nhiệm của kiểm sát viên, mặc dù kiểm sát viên là người kiểm sát việc tuân theo pháp luật của chấp hành viên (đáng lẽ kiểm sát viên phải là người chịu trách nhiệm chính trong vụ việc vì sai quy định của pháp luật).
Thứ hai, về thẩm quyền
Khoản 2 Điều 28 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định: “Trực tiếp kiểm sát việc thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan”.
Theo quan điểm của tác giả, thẩm quyền kiểm sát quy định như vậy là quá rộng lớn nhưng trách nhiệm thì lại chưa rõ. Việc kiểm sát chỉ nên thực hiện cấp nào kiểm sát cấp đó, không nên một cơ quan thi hành án như Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện phải chịu ba cấp kiểm sát (tối cao, tỉnh, huyện). Mặt khác, thẩm quyền kiểm sát cấp nào phải chịu trách nhiệm với kiểm sát cấp đó, nếu cấp dưới đã kiểm sát mà cấp trên kiểm sát lại phát hiện vụ việc đó sai sót, vi phạm thì kiểm sát cấp dưới đó phải chịu trách nhiệm. Thực tế hiện nay có nhiều vụ việc, khi thực hiện công tác kiểm sát, Viện kiểm sát cấp dưới không thống nhất với Viện kiểm sát cấp trên; Viện kiểm sát cấp dưới đã thực hiện kiểm sát xác định chấp hành viên thực hiện đúng, chấp hành viên thực hiện theo quan điểm của kiểm sát viên, nhưng Viện kiểm sát cấp trên kiểm sát lại cho rằng sai. Như vậy, trong vụ việc này lỗi nào là lỗi của chấp hành viên, lỗi nào là lỗi của kiểm sát viên; trách nhiệm là như thế nào, không thể một mình chấp hành viên là người phải chịu trách nhiệm?
Vì vậy, theo quan điểm của tác giả, các cơ quan có thẩm quyền cần nhận diện rõ thẩm quyền và trách nhiệm của Viện kiểm sát, kiểm sát viên trong hoạt động kiểm sát thi hành án dân sự (cần phải được xem như trong kiểm sát việc thi hành án hình sự - sai ở khâu nào thì cơ quan cũng như người thi hành công vụ ở khâu đó phải chịu trách nhiệm). Từ đó, tác giả kiến nghị cần sửa đổi Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Thi hành án dân sự sao cho phù hợp; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm, có vai trò thì phải có trách nhiệm; phân định rõ thẩm quyền của từng cấp kiểm sát để nâng cao vai trò của hoạt động kiểm sát và năng lực của kiểm sát viên trong công tác thi hành án dân sự. Tránh tình trạng một cơ quan có quá nhiều cơ quan kiểm sát chồng chéo; không thể một cơ quan có vai trò, quyền hạn quá lớn nhưng lại ít phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm từ quá trình kiểm sát.
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai