Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả làm rõ thực trạng pháp luật về chế độ lao động, học nghề của phạm nhân ở Việt Nam, từ đó, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả bảo đảm chế độ lao động, học nghề của phạm nhân trên thực tế.
Abstract: In this article, the author clarifies the legal status of labor and apprenticeship regime of prisoners in Vietnam, thereby making recommendations to improve the efficiency of ensuring the above-mentioned prisoners' labor and apprenticeship in the practice.
Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, đã đánh dấu bước phát triển của pháp luật Việt Nam trong việc ghi nhận và bảo đảm quyền con người trong hoạt động thi hành án hình sự. Pháp luật hiện hành quy định, trong quá trình thi hành án phạt tù, phạm nhân được hưởng các quyền công dân, quyền con người cơ bản như quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn thân thể, danh dự, nhân phẩm, quyền được hưởng các tiêu chuẩn sống thích đáng, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền khiếu nại, tố cáo..., trong đó, quyền lao động, học nghề và thụ hưởng kết quả vừa đề cao giá trị lao động đối với mọi chủ thể, vừa có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chế độ cải tạo phạm nhân. Đồng thời, việc ghi nhận quyền lao động, học nghề của phạm nhân đã thể hiện sự nỗ lực của Việt Nam trong việc nội luật hóa các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người vào hệ thống pháp luật quốc gia, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để quyền con người được thực hiện và bảo vệ một cách toàn diện.
1. Các quy định về quyền lao động, học nghề của phạm nhân trong quá trình thi hành án hình sự
Lao động của phạm nhân trong trại giam không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là quyền lợi. Điều này đã được ghi nhận tại Điều 6 Công ước Quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 với quy định về quyền được làm việc của tất cả mọi người và Nhà nước có trách nhiệm thi hành các biện pháp thích hợp để đảm bảo quyền này. Đồng thời, xuất phát từ nhận thức lao động không phải là hoạt động có mục đích trừng phạt phạm nhân, Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân 1955 (viết tắt là SMR) cũng xác định lao động là một quyền của tù nhân thay vì nghĩa vụ bắt buộc của chương trình cải tạo trong thời gian phạt tù (khoản 1, khoản 3 Điều 71 SMR). Mục đích của lao động không phải mang tính khổ sai mà là hoạt động giúp cho phạm nhân được giáo dục, cải tạo, nâng cao tay nghề và thể lực. Phạm nhân được bố trí công việc phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và điều kiện của cơ sở giam giữ. Đặc biệt, thành quả lao động của phạm nhân được dùng để đầu tư vào chất lượng bữa ăn hàng ngày hoặc dùng làm phần thưởng khích lệ phạm nhân có thành tích tốt trong giáo dục cải tạo và tạo lập quỹ hòa nhập cộng đồng để chi hỗ trợ cho các phạm nhân đã chấp hành xong án phạt tù.
Nhằm tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế nói trên, pháp luật Việt Nam hiện hành cũng đã ghi nhận quyền được lao động, học nghề của phạm nhân tại Luật Thi hành án hình sự năm 2019[1], theo đó, phạm nhân được tổ chức lao động phù hợp với độ tuổi, sức khỏe, giới tính, mức án, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của phạm nhân. Ngoài ra, còn tính đến các điều kiện khác về tài nguyên, lao động, cũng như điều kiện sẵn có của cơ sở giam giữ... Để đảm bảo sự quản lý và phù hợp của việc lao động, pháp luật Việt Nam còn có quy định yêu cầu kế hoạch tổ chức lao động hàng năm được lập và phê duyệt bởi cơ quan quản lý thi hành án trước khi triển khai trên thực tế. Hoạt động lao động của phạm nhân phải đặt dưới sự giám sát quản lý của trại giam, trại tạm giam[2]. Bên cạnh đó, thời gian lao động của phạm nhân vẫn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật lao động như không quá 8 tiếng một ngày và 5 ngày làm việc trong một tuần, được nghỉ các ngày chủ nhật, lễ tết. Tùy trường hợp đột xuất có thể tăng ca nhưng không được vượt quá giờ làm trong ngày theo quy định pháp luật. Trong quá trình lao động, phạm nhân được áp dụng các biện pháp đảm bảo vệ sinh và an toàn lao động[3]. Ngoài ra, pháp luật của Việt Nam cũng chú ý đến chế độ lao động dành riêng cho các đối tượng phạm nhân đặc thù như phạm nhân chưa thành niên, phạm nhân nữ, phạm nhân nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi đang ở cùng mẹ trong trại giam. Những đối tượng này được bố trí công việc phù hợp với giới tính, lứa tuổi và sức khỏe; không sử dụng các phạm nhân này làm các công việc nặng nhọc, độc hại có trong danh mục cấm sử dụng lao động nữ, lao động dưới 18 tuổi. Các phạm nhân bị bệnh hoặc có nhược điểm về thể chất và tâm thần, tùy vào mức độ và tính chất của bệnh và trên cơ sở chỉ định của cơ sở y tế được miễn hoặc giảm thời gian lao động[4]. Một điểm mới về quyền lao động của phạm nhân là pháp luật đã bổ sung các quy định về sử dụng kết quả lao động của phạm nhân. Theo đó, kết quả lao động của phạm nhân sau khi trừ đi các chi phí hợp lý được sử dụng để bổ sung mức ăn cho phạm nhân, bổ sung vào quỹ phúc lợi, khen thưởng của trại giam hoặc lập quỹ hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, các phạm nhân trực tiếp tham gia lao động sản xuất vẫn được được chi trả một phần công lao động từ kết quả lao động[5].
Có thể thấy rằng, với các quy định mới về quyền lao động, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong việc đảm bảo các quyền con người cơ bản cho phạm nhân. Điều này, vừa tạo điều kiện cho phạm nhân sản xuất ra của cải vật chất, vừa cho họ thụ hưởng trên chính sản phẩm mình làm ra, trong đó, các công việc được phân công không mang tính khổ sai hay ép buộc, khẳng định Việt Nam đang có nhiều nỗ lực trong việc ghi nhận các quyền con người nói chung và quyền lao động của phạm nhân nói riêng, tạo cơ sở pháp lý để các quyền đó được thực hiện trên thực tế.
2. Thực hiện chế độ lao động, học nghề của phạm nhân trong các trại giam ở Việt Nam hiện nay
Theo Báo cáo tổng kết công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự năm 2017, căn cứ theo mức án, chung thân có đến 5.718 phạm nhân (chiếm 4,29%) tăng hơn so với năm 2016 là 275 phạm nhân; 16.475 phạm nhân có mức án trên 15 năm đến 30 năm (chiếm 12,31%), 35.636 phạm nhân có mức án trên 3 năm đến 7 năm (chiếm 26.64%), 33.468 phạm nhân có mức án từ 03 năm trở xuống (chiếm 25,02%). Các phạm nhân vào trại giam có đến 50.803 phạm nhân có tiền án (35.128 phạm nhân có 01 tiền án chiếm 26,25%; 15.675 phạm nhân có tới 02 tiền án chiếm tỉ lệ 11.59%)[6]. Không chỉ biến động về số lượng mà thành phần phạm nhân cũng có sự đa dạng, phức tạp về hành vi phạm tội cũng như tính chất, mức độ nguy hiểm, trong đó, yếu tố nhân thân của phạm nhân tương đối phức tạp, nhiều phạm nhân tỏ ra bất cần, manh động và liều lĩnh, đôi khi có những biểu hiện chống đối, không chịu tuân theo sự giáo dục của cán bộ, thường xuyên vi phạm nội quy, gây rối trật tự, tấn công cán bộ, hay tìm mọi cách để bỏ trốn. Về cơ cấu nghề nghiệp của phạm nhân trước khi đi chấp hành án, theo thống kê năm 2017, trong tổng số 172.856 phạm nhân đang chấp hành án có đến 69.723 phạm nhân không có nghề nghiệp (chiếm tỉ lệ 40,33%); 30.862 phạm nhân là nông dân (chiếm tỷ lệ 17,85%); công nhân có đến 4.660 phạm nhân (chiếm tỷ lệ 2,69%); 1.093 phạm nhân là cán bộ, công chức (chiếm tỷ lệ 0,63%); 66.518 phạm nhân làm các nghề nghiệp khác chủ yếu là lao động tự do, dịch vụ (chiếm 38,48%)[7].
Để bảo đảm quyền lao động, học nghề của phạm nhân, các trại giam đã có những hoạt động thiết thực. Phạm nhân được tổ chức lao động, học nghề phù hợp với sức khỏe, lứa tuổi, giới tính, mức án... Kết quả lao động của phạm nhân được sử dụng đúng với mục đích theo quy định pháp luật. Ngoài ra, do phụ thuộc vào điều kiện địa lý, cơ sở vật chất nên tổ chức lao động ở các trại giam chủ yếu là lao động phổ thông với các ngành nghề như chăn nuôi, trồng trọt, mộc, cơ khí, xây dựng… Hiện nay, một số cơ sở đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, đổi mới đa dạng hóa theo hướng từ nông, lâm nghiệp thuần túy giản đơn sang phát triển cây công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ để phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng nghề nghiệp đó sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Với những chính sách linh hoạt, nâng cao về chất lượng và đổi mới về phương pháp, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và tình hình mới, công tác lao động, dạy nghề cho phạm nhân đã đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, đến năm 2016, cả nước có 46 trại giam thành lập Trung tâm dạy nghề cho phạm nhân; tổ chức hướng dẫn, đào tạo nghề, truyền nghề cho 261.840 lượt phạm nhân với các nghề may mặc, xây dựng, mộc, cơ khí, thêu ren, thủ công mỹ nghệ, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thủy sản, khâu bóng chày, khai thác mủ cao su, hàn mạch điện tử... và đã có 2.328 phạm nhân được cấp chứng chỉ nghề[8]. Công tác lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngày càng được quan tâm đã tạo điều kiện cho các phạm nhân có tay nghề cao sau khi trở về địa phương có thể phát huy tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp, tạo thu nhập chính đáng, nuôi sống bản thân. Đồng thời, triển khai tổ chức lao động, dạy nghề cũng góp phần quan trọng vào hoạt động quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân, giúp phạm nhân hiểu được giá trị của lao động, của cải vật chất do mình làm ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng lao động, học nghề của phạm nhân trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Theo thống kê của Bộ Công an năm 2017, về cơ cấu trình độ đào tạo nghề, chuyên môn, trong số 44.944 phạm nhân được khảo sát có tới 43.783 phạm nhân chưa từng được đào tạo nghề trước khi phạm tội (chiếm 97,41%), có 725 phạm nhân đã qua đào tạo trung cấp nghề (chiếm 1,63%); có 229 phạm nhân đã được đào tạo cao đẳng nghề (chiếm 0,50%); có 189 phạm nhân đã tốt nghiệp đại học (chiếm 0,42%) và có 18 phạm nhân đã được đào tạo sau đại học (chiếm tới 0,04%)[9]. Như vậy, tỷ lệ khá lớn các phạm nhân trước khi chấp hành án chưa được đào tạo nghề hoặc chưa tham gia vào quan hệ lao động đã gây ra những khó khăn nhất định cho công tác tổ chức lao động và dạy nghề tại các trại giam. Bên cạnh đó, một số trại giam vẫn diễn ra tình trạng phân công công việc không phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe, chưa bảo đảm thời gian nghỉ ngơi, chế độ với phạm nhân làm thêm giờ, làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại chưa đúng với quy định của pháp luật lao động. Ngoài ra, đa số các trại giam có diện tích chật hẹp, nên không có nhiều địa điểm để triển khai sản xuất cũng như phát triển các mô hình hướng nghiệp mới. Đội ngũ cán bộ có trình độ tay nghề cao vẫn còn thiếu và yếu, nhiều mô hình triển khai theo điều kiện vật chất hạn chế không phù hợp với nhu cầu lao động xã hội đã dẫn đến tình trạng nhiều phạm nhân sau khi ra tù không thể sử dụng ngành nghề đã đào tạo để tìm kiếm cơ hội việc làm, ổn định cuộc sống.
Để tháo gỡ những khó khăn đó, thời gian qua, Bộ Công an thành lập các trung tâm dạy nghề và liên kết với các trường nghề bên ngoài để hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề, cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân. Đồng thời, tổ chức thí điểm cho phạm nhân lao động ngoài trại giam và các điểm lao động đều được doanh nghiệp xây dựng theo mẫu thiết kế của trại giam nhưng nằm trong khuôn viên của doanh nghiệp, cách biệt khu dân cư và có tường rào bao quanh. Hoạt động này đã giải quyết được vướng mắc lớn nhất trong việc đa dang hóa ngành nghề và tạo cho phạm nhân có nhiều cơ hội học nghề và nâng cao trình độ tay nghề. Tính đến năm 2018, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng có 23 khu sản xuất trực thuộc các trại giam, 154 điểm lao động dạy nghề ngoài khu vực trại giam[10]. Hoạt động sản xuất của các cơ sở này đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đem lại hiệu quả kinh tế, tạo cơ hội học nghề giúp phạm nhân sau khi mãn hạn tù có nhiều cơ hội sử dụng nghề đã học được để xây dựng, ổn định cuộc sống. Điều này khẳng định rằng, việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động là một trong những biện pháp giáo dục, cải tạo phạm nhân có hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận biểu quyết thông qua Luật Thi hành án hình sự năm 2019, có nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh việc cho phạm nhân được lao động ngoài khu vực trại giam. Theo đó, đối với các khu lao động, dạy nghề do trại giam tự mình hoặc hợp tác với các tổ chức và các khu này phải thuộc phạm vi quản lý của trại giam thì được khuyến khích thực hiện. Đối với các khu sản xuất ngoài trại giam do chính các doanh ngiệp bỏ vốn đầu tư, trực tiếp tổ chức sản xuất và quản lý thì chưa được đồng ý và đưa quy định này vào luật. Chính vì thế, việc xây dựng cơ chế pháp lý cho việc phạm nhân lao động ngoài trại giam vẫn đang là một vấn đề còn bỏ ngỏ và chưa đưa ra được quan điểm thống nhất.
3. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong các trại giam ở Việt Nam
Có thể nói rằng, pháp luật thi hành án hình sự hiện hành đã có những quy định mới nhằm tăng cường quyền con người trong thi hành hình phạt tù nói chung và quyền lao động, học nghề của phạm nhân chấp hành hình phạt tù nói riêng. Tuy nhiên, để bảo đảm thực hiện quyền lao động, học nghề của phạm nhân trên thực tế cũng như tăng cường hiệu quả thực hiện chế độ lao động, dạy nghề cho phạm nhân các cơ quan, tổ chức có liên quan cần phải làm tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, cần cải cách các chương trình giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân ở các cơ sở giam giữ bởi chất lượng giáo dục, cải tạo phạm nhân còn thấp, chương trình giáo dục còn nhiều bất cập. Cần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục cảm hóa tạo được sự chủ động, giúp phạm nhân tuân thủ, chấp hành tốt quá trình cải tạo, sớm hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng.
Thứ hai, tăng cường xây dựng các chương trình dạy nghề thiết thực và hữu ích cho phạm nhân. Thực tiễn cho thấy, hiện nay các phạm nhân trong trại giam chủ yếu lao động nông nghiệp, lâm nghiệp và một số ngành nghề thủ công đơn giản chưa đáp ứng nhu cầu lao động xã hội. Chính vì thế, khi ra tù, phần lớn phạm nhân không áp dụng được ngành nghề mình được đào tạo trong trại giam để lao động và tìm kiếm việc làm gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tái hòa nhập cộng đồng sau này. Vì thế, mục đích của hoạt động dạy nghề thay vì phụ thuộc vào điều kiện của cơ sở giam giữ thì nên hướng đến việc tạo điều kiện cho phạm nhân học nghề có thể vận dụng để lao động và tìm kiếm việc làm. Cần tích cực, chủ động tạo môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn cho phạm nhân, tập trung xây dựng các mô hình dạy nghề phù hợp với yêu cầu thực tiễn xã hội, tạo điều kiện cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành án xong.
Thứ ba, trong tương lai, tác giả kiến nghị việc tiếp tục xem xét cũng như xây dựng đầy đủ cơ sở pháp lý về việc liên kết giữa trại giam với các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất để đưa phạm nhân lao động ở bên ngoài. Bởi vì thực tiễn cũng đã chứng minh đây là một biện pháp giáo dục, cải tạo phạm nhân có hiệu quả, giúp các phạm nhân sau khi mãn hạn tù sớm trở về có thể kiếm được việc làm và tái hòa nhập cộng đồng.
Khoa Luật, Đại học Vinh
[1]. Điều 32, Điều 33, Điều 34.
[2]. Điều 33 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
[3]. Khoản 1 Điều 32 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
[4]. Điều 32, Điều 74 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
[5]. Điều 34 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
[6]. Vụ Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, Báo cáo tổng kết công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự năm 2017.
[7]. Vụ Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, Báo cáo tổng kết công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự năm 2017.
[8]. Bộ Công an, Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự trong Công an nhân dân (2011-2016), tr. 8 - 18.
[9]. Ngô Văn Trù (2017), Giáo dục pháp luật cho phạm nhân ở Việt Nam, Sách chuyên khảo, Nxb. Công an nhân dân, tr. 106 - 109.
[10]. Phạm nhân lao động sản xuất ngoài trại giam: Giúp phạm nhân hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, http://www.bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/pham-nhan-lao-dong-san-xuat-ngoai-trai-giam-giup-pham-nhan-hoan-luong-tai-hoa-nhap-cong-dong-d17-t25555.html.