Để hạn chế một cách tối đa các thông tin sai sự thật trên không gian mạng, bên cạnh việc quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trách nhiệm của các tổ chức doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng thì bản thân mỗi công dân Việt Nam khi thực hiện các hành vi trên không gian mạng cần tôn trọng, tuân thủ pháp luật, thực hiện hành vi, ứng xử phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nếu vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Chế tài áp dụng đối với hành vi thông tin sai sự thật trên không gian mạng như một biện pháp có hiệu quả cao trong răn đe, phòng ngừa chung làm trong sạch môi trường xã hội trên không gian mạng.
1. Các quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động trên không gian mạng
- Luật An toàn thông tin mạng năm 2015: Quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng, trong đó, quy định rõ 06 nhóm hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 4 Điều 7 có hành vi liên quan đến thiết lập hệ thống thông tin giả mạo và lừa đảo: “Phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo”.
- Luật An ninh mạng năm 2018: Quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Hành vi thông tin sai sự thật thuộc nhóm các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng được quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 8: “Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.
- Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội năm 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành: Quy định 04 quy tắc ứng xử chung gồm: “Quy tắc Tôn trọng, tuân thủ pháp luật: Tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Quy tắc Lành mạnh: Hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; Quy tắc An toàn, bảo mật thông tin: Tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin; Quy tắc Trách nhiệm: Chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật” (Điều 3).
Đối với tổ chức và cá nhân, không đăng tải những thông tin giả mạo sai sự thật là một trong những quy tắc ứng xử trên không gian mạng: “Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội” (khoản 6 Điều 4).
2. Chế tài xử lý đối với các hành vi đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng
Chế tài xử lý đối với hành vi đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng được quy định tại Điều 8 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Điều 9 Luật An ninh mạng năm 2018 bao gồm: Tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Như vậy, có 04 chế tài được áp dụng đối với hành vi đưa thông tin sai sự thật, giả mạo trên không gian mạng, đó là chế tài hành chính, chế tài kỷ luật, chế tài hình sự và chế tài dân sự. Tùy từng tính chất và mức độ mà người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị áp dụng một, hai hoặc nhiều chế tài đối với một hành vi vi phạm. Phạm vi bài viết sẽ đề cập đến hai chế tài chính, đó là chế tài hành chính và chế tài hình sự.
2.1. Chế tài hành chính
Xử phạt hành chính đối với hành vi thông tin sai sự thật trên không gian mạng được thực hiện theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, gồm có các mức xử phạt tương ứng đối với từng đối tượng, từng nhóm hành vi cụ thể:
- Đối với các quy định về trang tin điện tử khi thực hiện hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Trang tin điện tử vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm[1].
- Đối với các quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội khi thực hiện hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân sẽ phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm[2].
- Đối với các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội khi thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm[3].
- Đối với quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin khi thực hiện hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sẽ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng[4].
2.2. Chế tài về hình sự
- Đối với trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội vu khống” theo khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Người phạm tội sẽ bị xử phạt tù từ 01 năm đến 03 năm và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
- Đối với hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật để thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể bị xử lý về “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo quy định tại khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Người phạm tội sẽ bị xử phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
- Đối với hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân với mục đích nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị xử lý về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Người phạm tội sẽ bị xử phạt tù từ 05 đến 12 năm.
Việc chia sẻ, đăng tải, phát ngôn thông tin trên không gian mạng là quyền tự do cơ bản của mỗi công dân. Tuy nhiên, việc sử dụng và thực hiện quyền này phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, phải phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức và Nhà nước. Nếu vượt quá khuôn khổ pháp luật cho phép thì đây được xem là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị áp dụng chế tài hành chính và chế tài hình sự tương ứng theo quy định. Do đó, mỗi công dân khi hoạt động trên không gian mạng phải có trách nhiệm về thông tin mình đăng tải, cũng như tỉnh táo khi tiếp nhận, chia sẻ các thông tin để hạn chế thấp nhất những vi phạm có thể mắc phải, không vô hình chung tiếp tay cho các đối tượng xấu, phản động lợi dụng các thông sai sự thật do mình đăng tải, chia sẻ để bôi nhọ, chống phá truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân nhân Việt Nam, chống phá Đảng và Nhà nước. Nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cả nước đang dồn sức, chung tay đồng lòng chống dịch. Mỗi người dân hãy trở thành một công dân gương mẫu và có trách nhiệm trên không gian mạng.
Viện kiểm sát quân sự Quân khu 1