Cùng với đó, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020) đã tăng mức phạt tiền đối với hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn so với Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ trước đó. Mặc dù mới được áp dụng nhưng những tác động tích cực của hai văn bản này đến đời sống xã hội là khá rõ rệt. Minh chứng cụ thể là lượng tiêu thụ rượu, bia trong cả nước trong 06 tháng đầu năm 2020 giảm rõ rệt, số vụ tai nạn giao thông, tai nạn thương tích có nguyên nhân từ sử dụng rượu, bia trong 06 tháng đầu năm cũng giảm hẳn so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, để công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu quả lâu dài và tiến đến hình thành được nét văn hóa, thói quen ứng xử văn minh trong sử dụng rượu, bia trong nhân dân thì bên cạnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, truyền thông, giáo dục cho nhân dân, Nhà nước cũng cần có những biện pháp mạnh, cụ thể là cần phải hoàn thiện chế tài, cả về hành chính và hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật do sử dụng rượu, bia. Cụ thể:
Hiện nay xuất hiện tình trạng người sử dụng mạng xã hội livestream, đăng tải những hình ảnh, clip có cảnh ăn nhậu, uống rượu, bia lên mạng xã hội. Chúng ta biết rằng, thông tin lan truyền lên mạng xã hội là rất nhanh và có tác động rất lớn đến tâm lý, tình cảm, tư tưởng, nhận thức của con người. Chính vì vậy, pháp luật cần quy định cụ thể việc nghiêm cấm đưa thông tin như bài viết ca ngợi, hình ảnh, clip có cảnh uống rượu, bia... lên mạng xã hội (hiện nay, Nghị định số 24/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mới chỉ quy định: Hạn chế hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình và không ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh rượu bia). Người có hành vi đăng tải bài viết ca ngợi, hình ảnh, clip có cảnh uống rượu, bia lên mạng xã hội phải được xem như là hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác sử dụng rượu, bia và phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng cần quy định: Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định là tình tiết tăng nặng đối với một số lĩnh vực vi phạm hành chính như an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống bạo lực gia đình...
Theo Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Có nghĩa rằng: Tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, mặc dù ngưởi sử dụng rượu, bia đã mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm do mình gây ra như đối với người có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật hình sự, phạm tội “trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định” còn là tình tiết tăng nặng định khung của một số tội liên quan đến trật tự, an toàn giao thông, đó là: Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ; tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt; tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy.
Trước tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp, trong đó, tỷ lệ người có hành vi phạm tội do sử dụng rượu, bia ngày càng tăng, thiết nghĩ, để tăng tính ngăn ngừa, giáo dục, răn đe, góp phần đẩy lùi tệ nạn lạm dụng rượu, bia như hiện nay thì ngoài việc quy định “phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định” là tình tiết tăng nặng đối với một số tội phạm về trật tự, an toàn giao thông thì chúng ta cần nghiên cứu để bổ sung tình tiết “phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định” là tình tiết tăng nặng đối với các tội danh khác, đặc biệt là các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người như tội giết người, tội cố ý gây thương tích, tội hiếp dâm, tội dâm ô... hay các tội phạm về bạo lực gia đình như tội hành hạ người khác, làm nhục người khác, tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu…
Để đảm bảo tính hiệu quả của công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia đòi hỏi phải có sự vào cuộc của toàn xã hội với nhiều giải pháp đồng bộ, thường xuyên, quyết liệt. Một trong những giải pháp đó chính là cần hoàn thiện về mặt thể chế, trong đó, hoàn thiện chế tài để xử lý hành vi vi phạm pháp luật do sử dụng rượu, bia là một trong những giải pháp cơ bản nhất để hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của rượu, bia đối với đời sống con người và xã hội.
Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị