Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. RCEP là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới được ký kết. Hiệp định chiếm khoảng 30% của tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu, trở thành một khối thương mại lớn nhất trong lịch sử. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các nước đối tác gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020. Ngày 6/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP về việc ký Nghị định thứ hai về Chỉ định các cửa khẩu biên giới thuộc Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh (phê duyệt Hiệp định RCEP).
Nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hiệp định RCEP, đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa (bao gồm cả quy định về vận chuyển trực tiếp) và có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của Hiệp định RCEP và quy định hiện hành của pháp luật, ngày 30/12/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 129/2022/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực giai đoạn 2022 - 2027.
Nghị định số 129/2022/NĐ-CP quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giai đoạn 2022 - 2027 và điều kiện được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định này.
Ban hành kèm theo Nghị định này các Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực giai đoạn 2022 - 2027 (thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng sau đây gọi là thuế suất RCEP). Hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất RCEP phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định này.
Thứ hai, được nhập khẩu từ các nước là thành viên của Hiệp định RCEP, bao gồm các quốc gia và vùng lãnh thổ sau: Bru-nây Đa-rút-xa-lam; Vương quốc Cam-pu-chia; Cộng hòa In-đô-nê-xi-a; Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Ma-lay-xi-a; Cộng hòa Xinh-ga-po; Vương quốc Thái Lan; Ô-xtrây-li-a (Australia); Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc); Đại hàn Dân Quốc (Hàn Quốc); Nhật Bản; Niu Di-lân (New Zealand).
Hiệp định RCEP đã tiếp tục có hiệu lực với Myanmar kể từ ngày 04/3/2022, có hiệu lực với Philippines kể từ ngày 2/6/2023. Trên cơ sở đó, ngày 01/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 129/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực giai đoạn 2022 - 2027 để bổ sung quy định áp dụng đối với Myanmar và Philippines.
Theo đó, Nghị định số 84/2023/NĐ-CP bổ sung vào cuối điểm a của khoản 3 Điều 3 Nghị định số 129/2022/NĐ-CP như sau: "từ ngày 04/3/2022 đến ngày 31/12/2022 đối với Cộng hoà Liên bang Myanmar". Bổ sung vào cuối điểm b của khoản 3 Điều 3 Nghị định số 129/2022/NĐ-CP như sau: "Từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2023 đối với Cộng hoà Liên bang Myanmar; từ ngày 02/6/2023 đến ngày 31/12/2023 đối với Cộng hoà Philippines". Bổ sung điểm n và điểm o vào sau điểm m của khoản 2 Điều 4 Nghị định số 129/2022/NĐ-CP như sau: "n) Cộng hòa Liên bang Myanmar; o) Cộng hòa Philippines”.
Trong đó, đối với hàng hóa được nhập khẩu từ Myanmar và đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu từ ngày 04/03/2022, đối với hàng hóa được nhập khẩu từ Philippines và đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu từ ngày 02/6/2023 đến trước ngày Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 129/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng thuế suất RCEP theo quy định tại Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 129/2022/NĐ-CP và Nghị định số 129/2022/NĐ-CP của Chính phủ và nếu đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn thì được cơ quan hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Có thể thấy hiện nay, nguồn cung, nguồn chung gian của phần lớn sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đến từ khu vực RCEP và đầu ra của một số sản phẩm cũng ở khu vực này. Khi cả chuỗi cung ứng nằm trong cùng một khu vực và có một bộ xuất xứ hoàn chỉnh thì đó chính là lợi thế để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn, nhiều hơn, hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiệp định RCEP giữ vai trò lớn trong câu chuyện về hài hòa quy tắc xuất xứ, chính vì vậy, Chính phủ đã kịp thời ban hành các quy định mới về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực giai đoạn 2022 - 2027 để bổ sung quy định áp dụng đối với Myanmar và Philippines phù hợp với Hiệp định RCEP.
Hiện nay, các báo cáo đánh giá về tác động của RCEP đều cho rằng Hiệp định sẽ mang lại nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế khu vực. Theo đó, tới năm 2030, sẽ làm tăng thu nhập của toàn khu vực khoảng 0,6%, tương đương với tăng thêm mỗi năm 245 tỷ USD và tạo thêm 2,8 triệu việc làm. Đối với Việt Nam, các nghiên cứu gần đây đều chỉ ra Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ RCEP. Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới năm 2022 dự báo rằng GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 4,9% và xuất khẩu tăng ở mức 11,4% tới năm 2030. Các quy định mới về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực giai đoạn 2022 - 2027, được Chính phủ Việt Nam kịp thời sửa đổi, bổ sung sẽ mở thêm nhiều cơ hội kết nối thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia sâu hơn, rộng hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực này.
Phúc Bảo
Ảnh: internet