1. Chính quyền địa phương theo quy định của Hiến pháp và pháp luật
Chính quyền địa phương được hiểu là một tổ chức hành chính có tư cách pháp nhân được Hiến pháp và pháp luật công nhận sự tồn tại vì mục đích quản lý một khu vực nằm trong một quốc gia. Tuy nhiên, khái niệm “chính quyền địa phương” chỉ mới được sử dụng chính thức từ khi có Hiến pháp năm 2013 và đặc biệt là được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (thay thế Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003). Chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính, có nhiệm vụ bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật, quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cấp trên; trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương…
Hiến pháp năm 2013 đã sửa đổi tên gọi của Chương IX từ “Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” thành “Chính quyền địa phương”. Việc sửa đổi tên gọi của chương này không chỉ thuần túy là sự sửa đổi về câu chữ, mà hơn hết đã thể hiện được tính thống nhất của chính quyền địa phương và sự kết nối chặt chẽ của hai cơ quan tổ chức thực thi quyền quyền lực nhà nước ở địa phương. Mặc dù Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân là hai cơ quan có vị trí và chức năng khác nhau, nhưng được tổ chức và hoạt động trên cùng một địa bàn, một cấp hành chính, có mối quan hệ chặt chẽ về mặt tổ chức và trong tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Thực tế cho thấy, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của một cấp chính quyền địa phương chủ yếu dựa vào việc phát huy mang tính tổng hợp hiệu lực hoạt động của cả hai cơ quan trong một thể thống nhất. Bởi vậy, việc đổi tên gọi của chương này được coi là một bước thay đổi nhận thức về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trong Hiến pháp, thể hiện rõ tính thống nhất, thông suốt của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến chính quyền địa phương trong một nhà nước đơn nhất.
Mô hình tổ chức cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cũng được đổi mới theo hướng: (i) Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, trong đó, Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước trong phạm vi đơn vị hành chính - lãnh thổ, thực hiện chức năng của mình trên cơ sở Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, đóng vai trò chủ yếu trong việc tổ chức thực hiện Hiến pháp, pháp luật và các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên ở địa phương. Ủy ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên; (ii) Phân cấp, phân quyền rành mạch nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, bảo đảm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương và các nguồn lực bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp; (iii) Khẳng định rõ nét hơn vị trí của chính quyền địa phương trong hệ thống hành chính thống nhất, thông suốt của một nhà nước đơn nhất, trong đó, giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa chính quyền địa phương với các cơ quan hành chính cấp trên và giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau.
Tổ chức chính quyền địa phương được quy định cụ thể hơn trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Chính quyền địa phương có nhiệm vụ tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên. Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương. Trong trường hợp cần thiết, chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan nhà nước cấp trên với các điều kiện bảo đảm thực hiện những nhiệm vụ đó (Điều 112).
Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân (Điều 113).
Uỷ ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Uỷ ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao (Điều 114).
Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thực hiện chế độ thông báo tình hình của địa phương cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tổ chức này về xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân động viên nhân dân cùng Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương.
2. Nhiệm vụ bảo đảm thi hành pháp luật của chính quyền địa phương
Như trên đã trình bày, chính quyền địa phương có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật tại địa phương. Ở nước ta pháp luật được thi hành thông qua các hình thức chủ yếu là tuân thủ pháp luật, sử dụng pháp luật, chấp hành pháp luật và áp dụng pháp luật. Bảo đảm thi hành pháp luật là tổng thể các biện pháp, phương thức mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng để các chủ thể thực hiện pháp luật đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống. Các biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật gồm: (i) Biện pháp pháp lý là các biện pháp từ việc tạo ra cơ sở pháp lý cụ thể (ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản cá biệt) để thi hành pháp luật đến các biện pháp cưỡng chế (hành chính hoặc tư pháp); (ii) Biện pháp kinh tế - xã hội (ổn định và phát triển cơ sở vật chất, đời sống, điều kiện phương thức kỹ thuật…); (iii) Biện pháp hành chính điều hành bảo đảm để các chủ thể quan hệ pháp luật thực hiện các hành vi hợp pháp. Ngoài những nội dung trên, việc bảo đảm thi hành pháp luật ở địa phương có những đặc điểm sau:
- Về phạm vi địa bàn, địa phương là một địa bàn đã được xác định một cách ổn định và cụ thể, tuy hẹp nhưng không kém phần phức tạp, vì đây là một xã hội thu nhỏ với trình độ phát triển, những nét văn hóa, truyền thống, tập quán riêng.
- Về chủ thể quan hệ pháp luật, đối với cá nhân là những người dân bao gồm cả những người lãnh đạo và những người dân thường với trình độ văn hóa, học vấn, nhận thức khác nhau, điều kiện bản thân, gia đình, mức sống, nhu cầu tự do, sở thích, quyền lợi khác nhau; đối với tổ chức, là các chủ thể quan hệ pháp luật có trách nhiệm thực hiện pháp luật và bảo đảm thi hành pháp luật, đó là các cơ quan thuộc chính quyền địa phương, các cơ quan bảo vệ pháp luật, các tổ chức, cơ quan khác trong hệ thống chính trị.
- Về vai trò bảo đảm thi hành pháp luật, chính quyền địa phương có trách nhiệm quyết định việc thực hiện các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân; áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân địa phương là những cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương. Các đoàn thể và tổ chức xã hội là lực lượng to lớn trong thực hiện pháp luật của Nhà nước và tuyên truyền, phổ biến và động viên các hội viên, tổ chức của mình cũng như toàn dân thực hiện pháp luật và giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương.
Việc bảo đảm thi hành pháp luật ở địa phương được thực hiện bằng nhiều biện pháp đồng bộ của các cơ quan chính quyền địa phương, từ việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương đến các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và thi hành pháp luật cụ thể. Đặc biệt, các biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật ở địa phương được xây dựng trên cơ sở phát huy truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, kết hợp giữa các quy định chung của pháp luật với những nét đặc thù của địa phương. Tuy nhiên, việc bảo đảm thi hành pháp luật ở địa phương được thực hiện trên cơ sở các quy định của pháp luật về thẩm quyền của chính quyền địa phương, song các quy định hiện hành về vấn đề này còn quá chung chung. Tài liệu về các quy định của pháp luật, nhất là những văn bản pháp luật mới được ban hành không đáp ứng kịp thời, các văn bản pháp luật lại thường xuyên sửa đổi, bổ sung, nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo nhau gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật, nhất là ở cơ sở; điều kiện vật chất, phương tiện, kinh phí cho hoạt động bảo đảm thi hành pháp luật, nhất là ở cơ sở rất khó khăn; đội ngũ cán bộ (nhất là cán bộ có trình độ) ở địa phương vừa thiếu, vừa yếu, đặc biệt là ở cơ sở… Để nâng cao hiệu quả bảo đảm thi hành pháp luật ở địa phương, cần thiết phải quan tâm đẩy mạnh một số vấn đề sau đây:
- Đổi mới hoạt động để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật tạo ra hệ thống pháp luật đồng bộ bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật mang tính khả thi cao, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Đây là yêu cầu quan trọng làm cơ sở cho việc bảo đảm thi hành pháp luật, nhất là ở địa phương. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về thẩm quyền của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm thi hành pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương, trong đó có việc quy định cụ thể hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân và nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra của Ủy ban nhân dân. Nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức cơ sở trong việc triển khai thi hành các quy định của pháp luật và bảo đảm thi hành pháp luật ở địa phương.
- Tăng cường các điều kiện cho việc bảo đảm thi hành pháp luật ở địa phương từ việc cung cấp đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật đến các điều kiện để tổ chức thi hành pháp luật và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Bảo đảm để các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn trong việc áp dụng pháp luật ở địa phương. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị tạo thành sức mạnh tổng hợp bảo đảm thi hành pháp luật ở địa phương.
Ngoài các biện pháp trực tiếp nêu trên, chúng ta còn cần có một số biện pháp khác như quan tâm và chú trọng tới yếu tố kinh tế, xã hội, nhất là vấn đề phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Yếu tố kinh tế có ảnh hưởng rất lớn tới ý thức thực hiện pháp luật, yếu tố kinh tế là nền tảng của sự nhận thức, hiểu biết pháp luật và thực hiện pháp luật nên có tác động mạnh mẽ tới hoạt động thực hiện pháp luật của các chủ thể pháp luật. Từ đó, niềm tin của các chủ thể đối với pháp luật được củng cố, hoạt động thực hiện pháp luật sẽ mang tính tích cực, thuận chiều, phù hợp với các giá trị, chuẩn mực pháp luật hiện hành. Chú trọng tới việc thực hiện chính sách xã hội, đảm bảo các nguyên tắc của công bằng xã hội là điều kiện cần thiết cho sự ổn định chính trị, tăng cường pháp chế và đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, từ đó, ý thức tôn trọng pháp luật cũng được nâng lên một bước và việc thực hiện pháp luật của các chủ thể trở nên tự giác và chủ động hơn. Cùng với việc quan tâm phát triển kinh tế và ổn định chính trị, thì vấn đề văn hóa, lối sống trong cộng đồng dân cư cũng rất quan trọng. Với những mặt, những khía cạnh biểu hiện của mình như phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, lễ nghi, tín ngưỡng… có ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động thực hiện pháp luật thể hiện trên các mặt như phong tục tập quán trong cộng đồng xã hội có ảnh hưởng nhất định tới hoạt động thực hiện pháp luật của các tầng lớp nhân dân, thể hiện đặc biệt rõ nét ở khu vực nông thôn. Lối sống, quan hệ dòng họ, thân tộc đã và đang có những tác động nhất định tới việc thực hiện pháp luật, đặc biệt là sự tác động mạnh mẽ của dư luận xã hội.
Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong Hà Nội