1. Mở đầu
Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó, dân tộc Kinh chiếm nhiều nhất (85,3%); 53 dân tộc thiểu số còn lại có 14,1 triệu người, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước. Sau 10 năm, từ năm 2009 đến năm 2019, quy mô dân số của 53 dân tộc thiểu số đã tăng gần 1,9 triệu người, trong đó, nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn nữ giới, tương ứng là 50,1% so với 49,9%. Các dân tộc thiểu số đông dân nhất lần lượt là Tày, Thái, Mường, Mông, Khmer, Nùng, Dao, Hoa, Gia Rai, Ê Đê. Các dân tộc thiểu số có quy mô dân số ít nhất là Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, PuPéo, Si La; trong đó, dân tộc Ơ Đu có dân số ít nhất (428 người)1. Theo thống kê, phụ nữ dân tộc thiểu số chiếm 49,8% trong tổng số hơn 14,2 triệu người dân tộc thiểu số trên toàn quốc. Tỷ lệ lao động có việc làm trên tổng số người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên là 82,1%, tương đương 7,9 triệu người, trong đó nữ chiếm 78,3%2.
Phân tích số liệu tách biệt giới tính trong giai đoạn 2015 - 2019 tại Báo cáo số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019 và Tóm tắt chính sách các vấn đề giới trong vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam do Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) và Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam công bố mới đây, cũng đã cho thấy những thành tựu nổi bật về bình đẳng giới trong các vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Việt Nam. Có thể kể đến như: Tỷ lệ tảo hôn của người dân tộc thiểu số đã giảm 4,7%; tỷ lệ hộ gia đình dân tộc thiểu số có kết nối internet (wifi, cáp hoặc 3G) tăng 9,4 lần, từ 6,5% năm 2015 lên 61,3% năm 2019; thu nhập bình quân một nhân khẩu/tháng của người dân tộc thiểu số năm 2018 đã tăng mạnh 1,8 lần so với năm 2014 và thu nhập trung bình hàng tháng của hộ gia đình dân tộc thiểu số có chủ hộ là nữ luôn cao hơn so với chủ hộ là nam. Tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em dân tộc thiểu số tăng 15,2% trong giai đoạn 2015 - 2019; tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,5%, trong đó không có sự khác biệt giữa nam và nữ3.
2. Hệ thống chính sách an sinh xã hội đối với phụ nữ dân tộc thiểu số
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng, nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện.
Về cơ bản, hệ thống các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số khá toàn diện, bao quát các lĩnh vực, trong đó, các chính sách riêng dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số cũng đã được xây dựng và thực hiện có hiệu quả. Chính phủ cũng triển khai các chương trình, dự án nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản, toàn diện vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc, với nguyên tắc “không bỏ ai ở lại phía sau”, thì những vấn đề dân tộc thiểu số và thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng được quan tâm. Đảng và Nhà nước đã xây dựng khuôn khổ pháp luật quốc gia về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ khá tiến bộ, bao gồm các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Luật Bình đẳng giới năm 2006, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 và Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020 đều có chính sách thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, còn có một số chính sách đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số như Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025, Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025 và gần đây nhất là Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu của các chính sách này là bảo đảm an sinh xã hội, tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số4.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến tháng 7/2019, Quốc hội đã ban hành 108 luật, hơn 30 nghị quyết có nội dung chính sách liên quan đến lĩnh vực dân tộc thiểu số, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn, bao quát các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, lao động và việc làm, văn hóa, thông tin, giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, y tế, bảo vệ môi trường, công tác cán bộ… Hệ thống chính sách dân tộc do Chính phủ và các bộ, ngành ban hành là 118 văn bản, trong đó, có 54 đề án, chính sách dân tộc trực tiếp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi5. Tuy vậy, trong số các văn bản này, chỉ có bốn chính sách liên quan tới bình đẳng giới (chiếm khoảng 3,4%), gồm hai chính sách trực tiếp cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Vì vậy, phụ nữ dân tộc thiểu số dường như vẫn nằm ở “điểm khuất của góc khuất”, ít cơ hội tiếp cận chính sách nói chung, ngoài hai chính sách trực tiếp là quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số và Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 20256.
Hệ thống chính sách an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng được thể hiện ở các phương diện gồm:
Về chính sách giải quyết việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo: Đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng luôn là một trong những đối tượng ưu tiên nhóm chính sách giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo. Theo đó, nhiều chính sách ưu đãi về giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số đã được ban hành và đạt được những kết quả quan trọng. Số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2018, khoảng 480.000 người dân tộc thiểu số được học nghề, trong đó, 130.000 người học trung cấp, cao đẳng; 350.000 người được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng theo chính sách của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”7. Bên cạnh những điểm tích cực đó, chính sách giải quyết việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện. Thực tế, phụ nữ dân tộc thiểu số có xu hướng tham gia lao động rất sớm, nhiều trẻ em gái dân tộc thiểu số đã làm việc như người trưởng thành từ trước khi đủ 15 tuổi. Trong khi ở độ tuổi này, phần lớn trẻ em gái người Kinh còn đang tiếp tục đi học. Lao động nữ dân tộc thiểu số làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương nhiều hơn so với lao động nam dân tộc thiểu số và lao động nữ người Kinh. Những nhóm lao động nữ dân tộc thiểu số yếu thế không đáp ứng được các điều kiện tuyển dụng để làm việc trong các nhà máy, doanh nghiệp trong nước hoặc đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lại tìm việc làm bất hợp pháp ngoài biên giới là lựa chọn ngày càng phổ biến8.
Để góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được ban hành, giúp đồng bào cải thiện cuộc sống, hội nhập với xu hướng phát triển chung của cả nước. Tính đến ngày 31/8/2019, có hơn 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại Ngân hàng chính sách xã hội. Tuy vậy, do rào cản về tri thức, phụ nữ dân tộc thiểu số thường ít thông tin về các quyền được tham gia và hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất ở địa phương, ít được tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực hay đứng tên vay vốn tín dụng ưu đãi. Phụ nữ dân tộc thiểu số bất lợi hơn nam giới dân tộc thiểu số trong tiếp cận tín dụng chính thức để phát triển sinh kế, hoạt động sản xuất - kinh doanh - dịch vụ. Mặc dù phụ nữ dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh - dịch vụ các sản phẩm truyền thống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tuy nhiên, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội năm 2019 chỉ đạt 15,8%, thấp hơn gần 5% so với tỷ lệ tương ứng của hộ gia đình dân tộc thiểu số do nam giới làm chủ hộ là 20,7%. Các chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng ít đề cập đến vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong xây dựng, thực hiện, giám sát - đánh giá các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Phụ nữ dân tộc thiểu số cũng ít tham gia các tổ chức xã hội, đoàn thể, do vậy, đa số phụ nữ dân tộc thiểu số chưa nhận thức đầy đủ về giá trị bản thân, chưa mạnh dạn vươn lên trong học tập và phát triển sinh kế, cải thiện việc làm và thu nhập.
Về chính sách chăm sóc sức khỏe: Để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng, nhiều chương trình mục tiêu quốc gia đã được triển khai như: Chương trình tiêm chủng mở rộng, Chương trình chăm sóc sức khỏe và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, Chương trình y tế học đường, Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống HIV - AIDS… Cùng với đó, chính sách bảo hiểm y tế đã được triển khai rộng rãi đến người dân. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số có thẻ bảo hiểm y tế tăng cao, trong đó, nhiều đối tượng người dân tộc thiểu số được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Có thể nói, chính sách bảo hiểm y tế được ban hành rộng rãi đã làm thay đổi thói quen, quan niệm, nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân tộc thiểu số thay vì đến các thầy lang như trước, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe.
Bên cạnh những kết quả tích cực, các nghiên cứu vẫn chỉ ra thực trạng phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh mới đạt 38,5%, thấp hơn so với phụ nữ người Kinh và Hoa là 44,4%. Có 89,9% phụ nữ dân tộc thiểu số có thẻ bảo hiểm y tế hoặc số thẻ khám chữa bệnh miễn phí. Việc phụ nữ một số dân tộc thiểu số chưa sử dụng thẻ bảo hiểm y tế là do họ không thông thạo tiếng phổ thông, e ngại khi đi khám, chữa bệnh và phải phụ thuộc vào chồng khi làm các thủ tục khám, chữa bệnh. Ngoài ra, khi sinh đẻ, phụ nữ dân tộc thiểu số tại một số vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, chọn sinh đẻ tại nhà thay vì tới các cơ sở y tế. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe bà mẹ, trẻ em mà họ cũng mất đi cơ hội được chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế, thụ hưởng chính sách ưu việt trong khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế9.
Về chính sách trợ giúp xã hội: Nhằm bảo đảm thu nhập và các điều kiện sinh sống ở mức tối thiểu (bằng các hình thức và biện pháp khác nhau) cho đồng bào dân tộc thiểu số gặp rủi ro, bất hạnh, nghèo đói, thiệt thòi trong cuộc sống không đủ khả năng tự lo được cuộc sống của bản thân và gia đình, phụ nữ dân tộc thiểu số đã được thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội thông qua các chương trình chung do các địa phương tổ chức từ nguồn huy động ngân sách địa phương, cộng đồng và các nhà hảo tâm hỗ trợ. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai và thực hiện các chương trình trợ giúp xã hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua các chương trình hành động, các cuộc vận động hội viên, các chương trình kết hợp với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế. Ví dụ như: Chương trình “Trao khoản hỗ trợ tiền đa mục đích cho phụ nữ dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19”10, chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”…
Về chính sách tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: Giáo dục là một trong những điểm sáng trong việc thực hiện các chính sách dịch vụ xã hội cơ bản đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng. Giáo dục có nhiều sự cải thiện, có sự đảo ngược về khoảng cách giới trong tiếp cận giáo dục giữa trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số: Tỷ lệ biết đọc, biết viết năm 2019 của nhóm dân tộc thiểu số cũng đã tăng 5,1% so với năm 2015. Trung bình, năm 2019, khoảng cách đến trường của trẻ em dân tộc thiểu số là 2,2 km (đối với tiểu học), 3,7 km (đối với trung học cơ sở) và 10,9 km (đối với trung học phổ thông). Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số đi học đúng tuổi năm 2019 cũng tăng so với năm 2015, ở mọi cấp học. Mặc dù phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết chữ phổ thông ít hơn đáng kể so với nam giới dân tộc thiểu số và phụ nữ dân tộc Kinh, tuy nhiên, trẻ em gái dân tộc thiểu số có tỷ lệ đi học đúng tuổi cao hơn và tỷ lệ ngoài nhà trường thấp hơn trẻ em trai dân tộc thiểu số ở tất cả các cấp học11. Bên cạnh đó, các dịch vụ y tế cũng được triển khai có hiệu quả khi mạng lưới cơ sở y tế ngày càng phát triển, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng tăng. Báo cáo tổng kết 09 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh của Ủy ban Dân tộc cho thấy, thời gian qua, chính sách y tế chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được thực hiện theo hướng: Ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe; tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng; giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe. Trong đó, Nhà nước đã ưu tiên bố trí ngân sách thực hiện chương trình mục tiêu, các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng, nâng cấp, phát triển hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh, trang thiết bị y tế, nhất là đầu tư cho bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã. Bên cạnh đó, nhiều chính sách như hỗ trợ nhà ở, chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được thực hiện đã góp phần cải thiện điều kiện sống, nâng cao nhận thức của người dân tộc thiểu số nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho phụ nữ dân tộc thiểu số, thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển kinh tế - xã hội.
3. Giải pháp thúc đẩy thực hiện chính sách an sinh xã hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, hệ thống chính sách về dân tộc thiểu số, trong đó chú ý đến luật hóa các quy định về quyền, về sự tham gia của phụ nữ và luật hóa các cam kết quốc tế; các chính sách pháp luật cũng cần chú ý nhiều hơn đến cách tiếp cận các mục tiêu bình đẳng giới từ quyền của phụ nữ và các cam kết quốc tế. Các cơ quan chức năng cần phân tích các chính sách hiện hành; đề xuất sửa đổi những bất cập của chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số nói chung, chính sách đối với phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng, qua đó rút ngắn dần khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc miền núi với vùng đồng bằng, giữa các cộng đồng dân tộc, giữa đàn ông và phụ nữ dân tộc thiểu số.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện, rà soát phân định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện chính sách dân tộc thiểu số. Tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, các cấp trong việc thực hiện chính sách dân tộc, trong đó chú trọng đến công tác truyền thông, tổ chức các mô hình phù hợp với trình độ, với văn hóa của từng khu vực, từng nhóm đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho địa bàn đặc biệt khó khăn; tích cực vận động các nguồn hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế để hỗ trợ mô hình phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp cải thiện sinh kế, việc làm và thu nhập. Đổi mới cơ chế, chính sách dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số phù hợp với nhu cầu, yêu cầu của thị trường lao động. Tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ dân tộc thiểu số yếu thế được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ và nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế và thị trường lao động nhằm cải thiện việc làm và địa vị kinh tế của họ. Tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ dân tộc thiểu số yếu thế được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ dân tộc thiểu số.
Thứ tư, nâng cao trình độ dân trí, bảo đảm tiếp cận giáo dục, đào tạo, văn hóa, y tế có chất lượng đối với phụ nữ dân tộc thiểu số. Cần có chính sách khôi phục các loại hình thể thao, văn hóa, văn nghệ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số mà ở đó, người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa cộng đồng. Tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ dân tộc thiểu số tới các dịch vụ chất lượng về chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng các chương trình y tế quốc gia, đặc biệt với phụ nữ và trẻ em gái, vận động thực hiện hiệu quả chương trình kế hoạch hóa gia đình, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Thứ năm, tiếp tục tác động mạnh mẽ để thay đổi nhận thức và hành động của xã hội đối với phụ nữ dân tộc thiểu số; khuyến khích sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số vào quá trình thay đổi cuộc sống. Khơi dậy niềm tự hào, tự tin, tiềm năng, thế mạnh của phụ nữ dân tộc thiểu số.
Trịnh Thị Hoàng Anh
Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam
[1]. Tổng cục Thống kê, 2019, Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019.
[2]. https://baodantoc.vn/vi-the-moi-cua-phu-nu-dan-toc-thieu-so-1615081573141.htm.
[3]. http://www.cema.gov.vn/tin-tuc/tin-tuc-su-kien/kinh-te-xa-hoi/binh-dang-gioi-cho-phu-nu-dan-toc-thieu-so-nhieu-thanh-tuu-nhung-lam-thach-thuc.htm.
[4]. Tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, UN Women, 2021.
[5]. Nguyễn Thị Kim Oanh, 2020, “Một số giải pháp đẩy mạnh thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số”, truy cập tại https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/09/17/mot-so-giai-phap-day-manh-thuc-hien-chinh-sach-an-sinh-xa-hoi-doi-voi-vung-dan-toc-thieu-so/.
[6]. http://hoiphunu.hoabinh.gov.vn/di-n-dan/3011-4-nhom-van-de-giup-phu-nu-dan-toc-thieu-so-khong-bi-bo-lai-phia-sau.
[7]. https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=37644.
[8]. Tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, UN Women, 2021.
[9]. http://consosukien.vn/giai-phap-cho-phu-nu-dan-toc-thieu-so-tiep-can-day-du-co-hoi-phat-trien.htm.
[10]. http://www.cema.gov.vn/phong-chong-dich-covid-19/thong-tin-tuyen-truyen/ho-tro-tien-cho-phu-nu-dan-toc-thieu-so-bi-anh-huong-boi-dai-dich-covid-19.htm.
[11]. http://hoilhpn.org.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/mot-so-phat-hien-ve-phu-nu-dan-toc-thieu-so-qua-bao-cao-cua-unwomen-40649-6601.html.