Trong những năm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhiều lần sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Nhiều chế độ chính sách đã được bổ sung như: Chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; chế độ người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng; chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân người có công... Chế độ trợ cấp ưu đãi luôn được quan tâm, điều chỉnh tăng tương ứng với sự phát triển của điều kiện kinh tế - xã hội.
Chính sách ưu đãi người có công ngày một hoàn thiện, bảo đảm tính khoa học, công bằng, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, góp phần thực hiện tốt công tác tri ân, "đền ơn đáp nghĩa" đối với người có công với cách mạng, gia đình và thân nhân của họ. Chính vì vậy, năm 2017, kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là: Sớm nghiên cứu, sửa đổi những vướng mắc, bất cập nổi cộm hiện nay để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người có công với cách mạng; nghiên cứu, ban hành Pháp lệnh sửa đổi toàn diện thay thế Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành.
Thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động trong công tác chăm sóc người và gia đình có công với cách mạng; đồng thời xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ với các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
1. Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật người có công
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật người có công với cách mạng trong các ngành, các cấp và tại địa phương, triển khai sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng, trong đó tập trung tuyên dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong việc thực hiện phong trào "đền ơn đáp nghĩa" cũng như gương người có công với cách mạng, thân nhân tiêu biểu, vượt khó, giúp nhau vươn lên làm giàu chính đáng.
Khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước tham gia vào các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người và gia đình có công với cách mạng.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc người có công với cách mạng nhằm tri ân đối với những cá nhân và gia đình có nhiều cống hiến, hi sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Không ngừng bổ sung, sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật về chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, đảm bảo tính khoa học, thực tiễn phù hợp với tiến trình đổi mới của đất nước, đồng bộ với những văn bản pháp luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật.
2. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về công tác người có công với cách mạng
Tập trung phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng kết đánh giá hệ thống chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung năm 1998, 2000, 2001, 2005 và 2012). Trên cơ sở đó nghiên cứu xây dựng, trình ban hành Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực người có công với cách mạng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn.
3. Về công tác xác nhận người có công với cách mạng và giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng
Xác nhận người có công theo quy định về điều kiện tiêu chuẩn được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, đến nay số người có công được xác nhận và giải quyết chế độ là 9,1 triệu người, trong đó có 1,4 triệu người được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Qua các thời kỳ kháng chiến, do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, lâu dài, nhiều trường hợp cơ quan quản lý người bị thương, bị chết không còn lưu giữ được hồ sơ, bản thân quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến cũng không giữ được giấy tờ gốc. Mặt khác, không còn bất kỳ loại giấy tờ nào ghi nhận sự việc bị chết, bị thương trong kháng chiến... Vì vậy, các cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc xác nhận người bị chết là liệt sĩ, người bị thương là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Đề giải quyết những trường hợp còn tồn đọng sau chiến tranh, liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ.
Tuy nhiên, sau kết quả tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước vẫn còn một số lượng lớn hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng.
Thực hiện Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ, chỉ đạo tập trung giải quyết các hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng tại các địa phương theo trình tự, thủ tục, hồ sơ cụ thể do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, bảo đảm công khai, minh bạch, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, đến nay đã xem xét và giải quyết cơ bản số hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng của các địa phương.
Năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH theo hướng từng bước mở rộng phạm vi giải quyết hồ sơ còn tồn đọng ở các ngành, ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và trong nhân dân với tinh thần quyết liệt, chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và các cơ quan truyền thông trong việc tham gia giám sát, hạn chế tối đa những sai sót, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi trong quá trình xem xét, giải quyết.
4. Về công tác chăm sóc đời sống người có công
Nghiên cứu đề xuất, điều chỉnh bổ sung trợ cấp ưu đãi đối với người có công phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công; bảo đảm công bằng về trợ cấp giữa các diện đối tượng. Vì vậy, ngày 08/6/2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Tờ trình số 28/TTr-LĐTBXH trình Chính phủ về tăng mức trợ cấp ưu đãi đối với người có công. Theo nội dung dự thảo, mức chuẩn để xác định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng từ 1.417.000 đồng.
Thực hiện lời kêu gọi "đền ơn đáp nghĩa" ngày 27/7/1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 71 năm qua, nhân dân ta đã không ngừng phát huy truyền thống "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp luôn xác định công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng và những người có công với đất nước là nhiệm vụ chính trị, hoạt động thường xuyên của mình.
Bằng những việc làm thiết thực trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự hưởng ứng của các bộ, ngành, đoàn thể và nhân dân cả nước, phong trào đã được thực hiện sâu rộng với các chương trình: Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Những phong trào đó đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công.
Ngày 25/7/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ký kết Chương trình phối hợp số 652/CTr-BGDĐT-BLĐTBXH về việc chăm sóc, tu bổ thường xuyên các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc. Đến nay, có hơn 3000 nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước được các nhà trường, học sinh chăm sóc, tu bổ thường xuyên và tổ chức dâng hương vào những dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ và các ngày lễ lớn của dân tộc. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã ký kết Chương trình phối hợp số 35/CTPH/TWĐTN-BLĐTBXH ngày 27/3/2017 với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó có nội dung: Định kỳ hàng năm tổ chức tuần lễ "Đền ơn đáp nghĩa", chương trình "Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ" và tổ chức các hoạt động văn nghệ với chủ đề "Màu hoa đỏ" vào dịp 27/7; phát động phong trào mỗi đoàn viên, thanh niên làm một việc tốt tri ân các anh hùng liệt sĩ và người có công với cách mạng. Qua đó, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
5. Một số bất cập, tồn tại
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đến việc thực hiện đền ơn đáp nghĩa, báo đáp đối với người và gia đình có công với cách mạng, đó là nét đẹp truyền thống, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, thể hiện qua việc không ngừng sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, qua đó đã phần nào đáp ứng và cơ bản thể chế hóa được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, thúc đẩy và tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia tích cực vào việc đền ơn đáp nghĩa, chăm lo, trợ giúp người có công và tạo điều kiện để người có công tiếp tục vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, ngoài những thành tựu đạt được, cho đến nay Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách ưu đãi đối với người có công vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế, bất cập sau:
- Chưa quy định rõ thẩm quyền hướng dẫn thủ tục, hồ sơ xác nhận cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa cũng như chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống.
- Một người có thể hưởng nhiều suất trợ cấp phục vụ do quy định người có công thuộc 2 đối tượng trở lên được hưởng trợ cấp, phụ cấp với từng đối tượng.
- Chưa có quy định cụ thể về chế độ ưu đãi đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và bị địch bắt sau thời gian 30/4/1975.
- Đối với người bị thương đã giám định, kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 21% chưa có quy định về việc giám định vết thương tái phát.
- Bất hợp lý trong việc quy định hạn chế thân nhân liệt sĩ chỉ được hưởng tối đa 3 định suất, chưa đảm bảo quyền lợi hưởng chế độ theo mức độ, công lao đóng góp của người có công.
- Trường hợp vợ hoặc chồng của liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác chưa có quy định về ưu đãi.
- Tình trạng khai man hồ sơ, xác nhận sai sự thật để hưởng chế độ vẫn diễn ra phổ biến, gây bức xúc trong dư luận. Công tác thanh tra, kiểm tra dù đã được tăng cường nhưng tình trạng khai man hồ sơ vẫn diễn ra hết sức phức tạp, việc thi hành, xử lý các kết luận thanh tra gặp nhiều vướng mắc do đối tượng bị đình chỉ, cắt chế độ tiếp tục khiếu kiện kéo dài, gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước dẫn đến khả năng thu hồi số tiền đã hưởng sai chế độ không thực sự khả thi.
- Công tác khám, giám định bệnh tật, xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; các đối tượng không còn giấy tờ gốc do hoàn cảnh khách quan, người bị bắt tù đày... chưa được giải quyết triệt để, việc xác nhận người có công với cách mạng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
- Việc xác lập hồ sơ hưởng chế độ và quản lý đối tượng người có công tại một số địa phương thực hiện chưa tốt, chưa chú trọng cải cách hành chính gắn với phòng chống tham nhũng. Chậm đổi mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện quản lý chính sách, quản lý và xác lập hồ sơ ưu đãi đối với người có công.
6. Tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công
Bên cạnh những thành tựu đạt được trong việc thực hiện đền ơn đáp nghĩa đối với người và gia đình có công vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Do đó, việc cấp thiết là tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công, thực tiễn cho thấy cần sớm tổng kết toàn diện Pháp lệnh Ưu đãi người có công và các văn bản liên quan, nghiên cứu xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung đầy đủ những vấn đề bất cập, vướng mắc liên quan chính sách, bảo đảm tính khả thi về nguồn lực thực hiện, để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định…
Vẫn còn những ý kiến trái chiều giữa việc hoàn thiện theo hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh hiện hành hay xây dựng, ban hành Luật Người có công. Điều này cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Nhiều chuyên gia cho rằng, nên giữ nguyên hình thức pháp lệnh với mục tiêu kịp thời sửa đổi những bất cập, vướng mắc của Pháp lệnh hiện hành và tạo sự thuận lợi, linh hoạt khi cần điều chỉnh chính sách. Nhưng có thể thấy, về lâu dài cần xây dựng và ban hành Luật Người có công. Bởi, trong điều kiện phát triển của đất nước hiện nay cần phải có sự điều chỉnh phạm vi, đối tượng rộng hơn, đầy đủ hơn, họ không chỉ là những người có công trong kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, mà còn là những người có công trong lĩnh vực xây dựng đất nước…
Cùng với đó, cần xem xét các vấn đề vướng mắc trong xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi cho người có công, tập trung giải quyết vấn đề hồ sơ tồn đọng và xác nhận người có công qua các thời kỳ, để không một người có công nào phải chịu thiệt thòi. Phấn đấu đến năm 2020, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện và xử lý những sai sót trong xác nhận và thực hiện chính sách ưu đãi người có công…
Có thể thấy, chính sách pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng không chỉ mang tính chính trị, kinh tế - xã hội, mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “đền ơn đáp nghĩa” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách pháp luật ưu đãi người có công, phù hợp với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
(Theo tài liệu của Cục Người có công,
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
Ảnh: Nguồn Baodautu.vn