Khi người giàu đã sắm đủ đầy cho cái Tết “mỗi năm chỉ có một lần” thì những người nghèo mới chen chúc giữa dòng người đông đúc, cố mua cho mình những món đồ mà đáng lẽ nếu có điều kiện họ nên mua từ mấy ngày trước. Má nắm chặt tay tôi lách qua đám đông, miệng dặn đi dặn lại: “Nắm tay cho chắc, coi chừng bị lạc”. Những lúc ấy, tôi vẫn thường càm ràm với má về buổi chợ chiều nhốn nháo. Giây phút má ướm chiếc áo lên người tôi, xoay đi xoay lại mấy vòng, cảm giác thèm thuồng cũng tan biến vì chặng đường bị bỏ lại. Má hồ hởi lúc phát hiện cái túi áo bị sứt chỉ hay chi tiết lỗi nào đó của nhà sản xuất, để được hạ giá thêm chút ít. Sự hồ hởi của má khi phát hiện ra vết ố vàng trên chiếc áo đã bao lần làm tôi tổn thương. Sự trọn vẹn cũng sứt mẻ phần nào trong lòng tôi kể từ giây phút đó.
Khi bắt đầu lớn, biết được những ngày cuối năm ba má chắt chiu từng đồng để đi chợ. Nỗi xót xa đối với những người bán hàng vơi đi ít nhiều trong tôi. Giữa buổi chợ đông nghịt người qua lại, tôi cũng đã lách qua những dòng người, lựa hết món này đến món khác, sẵn sàng trả giá với bất cứ thứ gì mình đang cầm nắm trên tay. Những người bán hàng vẫn ngơ ngác nhìn theo bóng người đi quanh chợ. Vào buổi chiều cuối năm, ai cũng đợi được mua giá rẻ, những chậu hoa vẫn tưng bừng khoe sắc mà không biết nỗi buồn trong mắt chủ hàng hoa. Bà chủ bán dưa nhìn tôi cười xởi lởi: “Năm nào cũng gặp má con mày”. Ông chủ gánh hàng hoa lắc đầu nhìn tôi: “Tết nhứt toàn lựa mấy chậu hoa héo là sao?”… Để ngoài tai hết, những người đàn bà trong xóm tôi vẫn cứ háo hức buổi chiều cuối năm tất bật. Sự chờ đợi đó, có khi sẽ còn nối với nhau dài dài, không biết bao giờ dừng lại.
Qua rồi những tháng ngày vất vả, má tôi cũng không còn đủ sức để chen lấn, ngồi xổm xuống bên đường mà giành giật từng món đồ, trả giá khô nước miếng với chủ sạp thịt cuối chợ. Tôi cũng bắt đầu sợ khi nhìn thấy một ánh mắt buồn bâng quơ, ngó theo bóng người xa khuất của người bán hàng “không bán qua Tết cũng đem đổ dưới sông hà”. Má tôi cũng không còn tha thiết nhìn nét mặt buồn buồn của người bán. Má dắt tôi đi thong thả trên con đường quen thuộc, lối vào chợ bày bán những món đồ Tết rộn ràng. Qua chỗ bán dưa hấu, chúng tôi đã không còn gặp lại người đàn bà nhỏ thó, nhưng miệng nói đủ thứ chuyện trên đời. Gánh hàng hoa của ông chủ suốt ngày cởi trần đã không còn quay trở lại từ buổi ông nhoẻn miệng cười “gặp má con mày năm nay nữa thôi nha”. Chỗ đó giờ được chất đầy đồ điện tử, chẳng có dấu vết nào cho thấy ở đó từng chất đầy những bông hoa rực rỡ sắc màu. Bà chủ sạp thịt bùi ngùi nhắc chuyện xưa như thể bắt gặp một điều gì đó thân thuộc lắm. Bà chủ cứ dặn đi dặn lại: “Nào rảnh nhớ ghé chơi, khỏi mua thịt cũng được”. Dạo quanh chợ, bao nhiêu kỷ niệm ùa về trong tôi, mỗi bước chân đi như chạm vào một miền nhớ. Dẫu có người còn, người mất nhưng góc chợ quê ngày nào cũng tất bật kẻ bán người mua. Buổi chợ “bình thường” không quá rộn ràng, không quá bon chen đủ để má con tôi nhặt lại từng mảng ký ức.
Tôi chọn cặp dưa to tròn, chậu hoa vừa hé nụ. Chủ hàng nói dưa này ngon lắm, hoa này đến Tết nở là vừa. Nhìn vẻ hồ hởi của ông chủ mà tôi thấy khóe mắt mình cay cay. Thương buổi chiều cuối năm với những lần theo chân má đi vòng quanh chợ. Chắc sẽ còn rất nhiều người đợi chợ đến buổi chợ chiều cuối năm và trong dòng người hối hả đó, sẽ có những người như má con tôi ngày ấy. Tháng năm qua đi nhưng không thể nào xóa được những gì đã là ký ức. Năm nay, tôi sẽ cùng má đứng ở bên ngoài nhìn buổi chợ chiều cuối năm đi qua. Biết đâu đó, chúng tôi sẽ lại thấy lại đời mình trong dòng người chật ních ngoài kia…