Thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020), Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ chuẩn bị dự thảo Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó, ngay từ đầu năm 2021 và hằng tháng, Bộ Tư pháp đều có công văn đôn đốc các bộ, ngành chủ động lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, đề xuất đưa vào Chương trình năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã tổ chức một số cuộc họp, buổi làm việc với các bộ, cơ quan ngang bộ để nắm tình hình, đôn đốc, hướng dẫn nghiệp vụ về lập đề nghị xây dựng các dự án luật, pháp lệnh; tổ chức làm việc trực tiếp với pháp chế các bộ với sự tham gia của đại diện của các đơn vị xây dựng pháp luật thuộc Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội, để đôn đốc và trao đổi, thảo luận về việc lập đề nghị về Chương trình năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022.
Qua theo dõi, tổng hợp, hiện nay có 23 đề nghị xây dựng luật đã được các bộ, cơ quan ngang bộ chuẩn bị và dự kiến đề nghị đưa vào Chương trình năm 2023 hoặc bổ sung vào Chương trình năm 2022.
Về nguyên tắc lập Chương trình, ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết Vụ đề nghị đưa ra 04 nguyên tắc, cụ thể:
Thứ nhất, bám sát nội dung định hướng, nhiệm vụ xây dựng pháp luật theo Nghị quyết số 48-NQ/TW và Kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị; Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV; Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW và Đề án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ hai, ưu tiên đề xuất vào Chương trình các dự án cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm: (i) Tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là các dự án nhằm kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các Kết luận của Bộ Chính trị về việc tổng kết thực hiện các nghị quyết về tư pháp, pháp luật…; (ii) Thực hiện các cam kết quốc tế; (iii) Bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp; (iv) Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; (v) Các dự án nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng chống, dịch bệnh COVID-19.
Thứ ba, đề nghị về Chương trình năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022 đảm bảo tính khả thi, tránh dồn nhiều dự án vào Chương trình năm 2022. Đồng thời, tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan soạn thảo, thẩm tra hoặc vào kỳ họp cuối năm nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ soạn thảo và thẩm định, thẩm tra.
Thứ tư, không đưa vào Chương trình những dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Đồng thời, phải bảo đảm tính linh hoạt, tính đến khả năng trong năm 2022 và 2023 sẽ tiếp tục có các đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính “gối đầu” giữa Chương trình năm 2022 và năm 2023.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị xây dựng pháp luật đã trao đổi, thảo luận và cho ý kiến cụ thể về sự cần thiết, nội dung, tiến độ xây dựng các Luật do vụ mình chủ trì thẩm định. Theo đó, đối với các đề nghị xây dựng luật đã trình Chính phủ nhưng chính phủ chưa xem xét hoặc đang hoàn thiện để trình Chính phủ, các đơn vị đề xuất là trong trường hợp các bộ, cơ quan ngang bộ kịp trình Chính phủ xem xét và thông qua đồng thời với việc quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 02/2022, sau Phiên họp sẽ tổng hợp, đưa vào Chương trình năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022 khi đã được chỉnh lý hoàn thiện và gửi đầy đủ hồ sơ về Bộ Tư pháp theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật nghiên cứu chỉnh lý lại dự thảo Đề nghị của Chính phủ; đồng thời đôn đốc các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm, bảo đảm chất lượng, tiến độ của hồ sơ dự án luật đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
(Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp)