Phân công trong hoạt động thi hành án hành chính được hiểu là việc xác định các công việc, hoạt động, nội dung do các cơ quan nhà nước thực hiện nhằm bảo đảm cho bản án hành chính được thi hành trên thực tế. Phối hợp trong thi hành án hành chính được hiểu là sự bổ sung, hỗ trợ giữa các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được phân công để mỗi cơ quan thực hiện tốt nhất trách nhiệm được phân công trong thi hành án hành chính. Cơ chế kiểm soát trong thực hiện một việc là việc quy định, xác định trách nhiệm, quyền, cách thức mà cơ quan, tổ chức xem xét việc thực hiện của cơ quan, tổ chức khác. Kiểm soát quyền lực nhà nước được thực hiện tốt nhất thông qua việc phân công rành mạch chức năng, nhiệm vụ giữa cơ quan, tổ chức và quy định đầy đủ các chế tài xử lý trách nhiệm trong trường hợp có vi phạm trách nhiệm của các chủ thể đã được phân trách nhiệm, cùng với đó là các thiết chế kiểm soát nhằm bảo đảm cho các cơ quan thực hiện đúng, đủ và có trách nhiệm quyền hạn của mình trên thực tế.
Về vấn đề này, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết “Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong hoạt động thi hành án hành chính và một số kiến nghị” của ấn phẩm 200 trang “Công tác thi hành án hành chính”. Trong phạm vi bài viết này, tác giả nêu lên những nội dung chính như: Yêu cầu phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan trong hoạt động thi hành án hành chính; cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan trong hoạt động thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành; một số đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính.