Abstract: Over the years, Japan has continuously built and completed the legal system to promote the effectiveness of anti-corruption work and is one of the few Asian countries with high rankings in the transparency index as well as low corruption rates.The article focuses on analyzing the important outstanding contents of the law, the anti-corruption mechanism, giving an assessment and suggestive perspective for Vietnam.
Trong thời kỳ bùng nổ kinh tế hậu chiến tại Nhật Bản, tham nhũng xuất hiện phổ biến, thường được thực hiện dựa trên sự liên kết chặt chẽ của “tam giác sắt” (iron triangle)[1] giữa những doanh nghiệp Nhật Bản, chính trị gia và nhóm các quan chức thượng lưu. Sự liên kết chặt chẽ này đã giúp cho Nhật Bản từng trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới nhưng nó cũng tạo nên một “văn hóa” thỏa thuận ngầm. Những vụ tham nhũng tai tiếng khiến cho chính phủ Nhật Bản phải thực hiện hàng loạt cải cách, bao gồm việc công khai tài sản của các chính trị gia, áp dụng các nguyên tắc đạo đức nghiêm ngặt đối với công chức. Trong suốt hơn 15 năm qua, Nhật Bản xây dựng các quy tắc ứng xử nhằm nghiêm cấm việc trao nhận quà tặng, các khoản thanh toán “bôi trơn” (falicitate payment), hay các hình thức giải trí không chỉ với công chức mà còn đối với các doanh nghiệp nói chung. Kết quả của những nỗ lực này, cho đến nay, Nhật Bản là một trong số ít quốc gia châu Á có vị trí cao trong bảng xếp hạng các nước có ít tham nhũng nhất trên thế giới do Tổ chức Minh bạch quốc tế thực hiện, theo đó, Nhật Bản đứng thứ 18/180 quốc gia theo chỉ số tham nhũng của Tổ chức này[2]. Trong chỉ số năm 2021 về pháp quyền của Dự án Tư pháp quốc tế xếp hạng Nhật Bản đứng thứ 15/139 trong danh sách các quốc gia ít tham nhũng nhất[3].
1. Khuôn khổ pháp lý phòng, chống tham nhũng
Nhật Bản đã phê chuẩn Công ước của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế về chống hối lộ công chức nước ngoài trong giao dịch thương mại quốc tế vào năm 1997. Đồng thời, Nhật Bản là thành viên của Công ước Liên Hợp quốc về phòng, chống tham nhũng, trong đó có những yêu cầu về biện pháp pháp lý chống lại việc nhận hối lộ của công chức trong nước và hối lộ công chức trong nước và nước ngoài. Pháp luật chống hối lộ và tham nhũng ở Nhật Bản chủ yếu thể hiện tại Chương XXV của Bộ luật Hình sự, nghiêm cấm hối lộ các quan chức Nhật Bản và Đạo luật Phòng, chống cạnh tranh không lành mạnh, nghiêm cấm hối lộ các quan chức nước ngoài.
1.1. Hối lộ công chức trong nước
Công chức theo pháp luật Nhật Bản là những cán bộ thuộc trung ương hoặc địa phương, là thành viên của hội hoặc ủy ban hoặc tổ chức khác có liên quan đến việc thực thi các nghĩa vụ công theo quy định của pháp luật[4]. Thêm vào đó, những công chức hoặc nhân viên thuộc Ngân hàng Nhật Bản, trường đại học công lập, các tổ chức do Nhà nước thành lập và các phòng công chứng công đều được coi là công chức theo điều luật quy định về đưa hối lộ theo quy định của Bộ luật Hình sự[5]. Thậm chí, nếu một người không phải là công chức nhưng thực hiện các nhiệm vụ có tính chất công cộng, việc hối lộ những người này được điều chỉnh bởi các luật đặc thù, ví dụ như, Đạo luật Công ty, Đạo luật Công cụ và giao dịch tài chính, Đạo luật Phá sản[6].
Pháp luật Nhật Bản không có quy định định nghĩa về hối lộ, nhưng mọi lợi ích đều có thể bị coi là hối lộ. Dựa vào những vụ án trước đây, có thể những quà tặng hoặc lợi ích được coi đơn thuần là nghi thức xã giao nếu quà hoặc lợi ích đó được trao không liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ của công chức. Đạo luật Đạo đức công vụ[7] quy định hàng loạt nghĩa vụ áp dụng cho công chức, trong đó có nghĩa vụ báo cáo hàng quý cho lãnh đạo của các bộ tương ứng về những quà tặng hoặc lợi ích có giá trị trên 5.000 yên và thông tin người tặng. Đồng thời, Đạo luật này đưa ra cơ sở lập pháp cho việc tạo ra Bộ luật Đạo đức công vụ nhằm giải quyết cụ thể hơn các trường hợp mà một công chức bị cấm nhận quà tặng hoặc giá trị khác từ các chủ thể liên quan. Theo đó, công chức không được nhận quà từ một số chủ thể như người làm kinh doanh cần có giấy phép, chấp thuận hoặc người cần trợ cấp mà việc trao giấy phép, chấp thuận này thuộc thẩm quyền của công chức đó[8].
Điều 197 Bộ luật Hình sự nghiêm cấm công chức nhận, gạ gẫm, hoặc hứa hẹn sẽ nhận hối lộ có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ của mình, các hành vi cấm này cũng áp dụng đối với những người sắp được bổ nhiệm, tuyển dụng làm công chức. Điều 198 Bộ luật này quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đưa, đề nghị hoặc hứa hẹn đưa hối lộ cho một công chức hoặc người sắp được bổ nhiệm, tuyển dụng làm công chức. Cá nhân không mang quốc tịch Nhật Bản chỉ bị truy cứu khi tội phạm xảy ra tại Nhật Bản. Công dân Nhật Bản dù phạm tội ở nước ngoài vẫn bị truy cứu theo Bộ luật Hình sự Nhật Bản.
Hình phạt áp dụng với hành vi nhận hối lộ là phạt tù có hoặc không có lao động cải tạo lên đến 05 năm cùng với việc tịch thu tài sản tham nhũng. Nếu người phạm tội đã đồng ý thực hiện theo yêu cầu của người đưa hối lộ, hình phạt có thể lến đến 07 năm. Nếu người phạm tội đã thực hiện hành vi trái pháp luật hoặc không thực hiện nghĩa vụ của mình thì hình phạt có thể lên đến 20 năm. Đối với hành vi đề nghị hoặc hứa hẹn đưa hối lộ thì hình phạt có thể lên đến 03 năm hoặc phạt tiền lên đến 2,5 triệu yên[9]. Pháp luật Nhật Bản không quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự với trường hợp pháp nhân đưa hối lộ công chức trong nước nhưng pháp nhân có thể phải chịu những biện pháp trừng phạt như hạn chế tham gia đấu thầu hoặc chịu những biện pháp theo quy định của luật khác (như thu hồi giấy phép kinh doanh)[10].
1.2. Hối lộ công chức nước ngoài
Nhật Bản là thành niên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế từ năm 1964. Để thực thi Công ước của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế về chống hối lộ công chức nước ngoài trong giao dịch thương mại quốc tế, Nhật Bản đã sửa đổi Đạo luật Phòng, chống cạnh tranh không lành mạnh năm 1998 với mục đích ngăn chặn hành vi đưa hối lộ cho các quan chức nước ngoài của công dân Nhật Bản hoặc trên lãnh thổ Nhật Bản.
Đạo luật Phòng, chống cạnh tranh không lành mạnh quy định 05 nhóm đối tượng sau thuộc công chức nước ngoài: (i) Người tham gia vào thực hiện dịch vụ công cho chính quyền trung ương hoặc địa phương nước ngoài; (ii) Người tham gia thực hiện dịch vụ cho một tổ chức được thành lập theo quy định của luật nước ngoài để thực hiện những vấn đề cụ thể phục vụ lợi ích công cộng; (iii) Người tham gia thực hiện công việc của một tổ chức kinh tế, trong đó đa số cổ phần hoặc vốn do chính quyền trung ương hoặc địa phương nước ngoài sở hữu trên 50%; hoặc nhân viên (bao gồm giám đốc, kiểm toán, thành viên hội đồng, thanh tra viên, hoặc những người có nhiệm vụ quản lý khác) được bổ nhiệm bởi chính quyền trung ương hoặc địa phương nước ngoài, theo đó, quyền và nghĩa vụ đặc biệt được trao bởi chính quyền trung ương hoặc địa phương nước ngoài cho việc thực hiện hoạt động kinh doanh của tổ chức; (iv) Người tham gia thực hiện dịch vụ công cho một tổ chức nước ngoài (có nghĩa là một tổ chức nước ngoài được thành lập bởi Chính phủ hoặc tổ chức liên quốc gia); (v) Người dưới thẩm quyền của chính quyền trung ương hoặc địa phương nước ngoài hoặc một tổ chức quốc tế, tham gia vào hoạt động được chỉ định bởi quốc gia hoặc tổ chức đó[11].
Đạo luật Phòng, chống cạnh tranh không lành mạnh cũng quy định không ai được đưa, đề nghị hoặc hứa hẹn để đưa bất kỳ tiền hoặc lợi ích khác cho công chức nước ngoài để công chức này làm hoặc không làm một việc liên quan đến nghiệm vụ của công chức đó, hoặc để công chức này sử dụng vị trí của mình gây ảnh hưởng đến công chức nước ngoài khác để làm hoặc không làm một việc liên quan đến nhiệm vụ của công chức bị gây ảnh hưởng, nhằm đạt được những lợi ích bất hợp pháp trong kinh doanh liên quan đến giao dịch thương mại quốc tế[12].
Ngoài những quy định trên, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) đã công bố Hướng dẫn về ngăn chặn hối lộ các quan chức nước ngoài. Các hướng dẫn của METI, mặc dù không có tính chất pháp lý, không ràng buộc với Tòa án Nhật Bản nhưng đóng vai trò là tài liệu tham khảo hữu ích để diễn giải Đạo luật Phòng, chống cạnh tranh không lành mạnh. Hướng dẫn được xây dựng để hỗ trợ các công ty tham gia vào giao dịch thương mại quốc tế tình nguyện áp dụng biện pháp ngăn ngừa hối lộ công chức nước ngoài và cung cấp các thông tin cụ thể liên quan đến chương trình tuân thủ nhằm chống lại việc hối lộ công chức nước ngoài. Hướng dẫn này đưa ra những loại quà tặng được cho phép theo Đạo luật Phòng, chống cạnh tranh không lành mạnh. Theo đó, quà tặng giá trị thấp có thể được coi là quà xã giao hoặc nhằm mục đích thúc đẩy sự hiểu biết về sản phẩm hay dịch vụ của công ty, theo đó được cho phép tùy thuộc vào hoàn cảnh, loại quà tặng, giá trị tiền, tần suất và những yếu tố khác. Việc cung cấp đồ ăn, uống trong cuộc họp kinh doanh, đưa đón đến trụ sở của công ty, hoặc tặng những quà tặng theo mùa giá trị nhỏ theo tập quán địa phương đều được cho phép[13].
Khác với Bộ luật Hình sự, Đạo luật Phòng, chống hối lộ công chức nước ngoài truy cứu cả pháp nhân và thể nhân, chủ động hoặc thụ động tham gia hối lộ đối với các quan chức nước ngoài, bao gồm nhân viên của các tập đoàn thuộc Chính phủ nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế được thành lập bởi Chính phủ nước ngoài. Một điểm khác biệt trong vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân của Nhật Bản đó là pháp nhân chỉ bị truy cứu khi theo hình thức trách nhiệm kép (ryobatsu-kitei). Theo đó, pháp nhân sẽ phải chịu trách nhiệm cùng với thể nhân - người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, trừ phi pháp nhân đó chứng minh được rằng hành vi của thể nhân không do pháp nhân chỉ định hay giám sát thực hiện[14].
Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, công tố viên Nhật Bản có thẩm quyền tùy nghi truy tố, theo đó, công tố viên có thể không truy tố nếu nhận thấy việc truy tố là không cần thiết dựa trên đặc điểm người phạm tội, tình tiết bản chất của vụ án, tình trạng người phạm tội sau khi xảy ra vụ án[15]… Trong trường hợp đối với pháp nhân phạm tội tham nhũng, việc có một chương trình tuân thủ được thực hiện và quản lý hiệu quả có thể được coi là một tình tiết giảm nhẹ và giảm hoặc miễn truy tố. Hướng dẫn của METI đưa ra hình thức chương trình tuân thủ hiệu quả dựa trên những yếu tố chủ chốt sau: Tầm quan trọng của thái độ và ý kiến của những người quản lý cấp cao trong pháp nhân, cách tiếp cận dựa trên rủi ro và sự cần thiết có hành động đối với công ty con của pháp nhân dựa trên đánh giá nguy cơ phạm tội[16].
Hình phạt áp dụng đối với hành vi đưa hối lộ công chức nước ngoài là hình phạt tù có hoặc không có cải tạo lên đến 05 năm hoặc phạt tiền lên đến 05 triệu yên hoặc cả hai; trường hợp pháp nhân phạm tội thì ngoài cá nhân trực tiếp thực hiện hành vi, pháp nhân cũng bị truy cứu và áp dụng hình phạt lên đến 300 triệu yên.
1.3. Hối lộ trong lĩnh vực tư
Việc hối lộ trong lĩnh vực tư không được định danh trong pháp luật của Nhật Bản. Tuy nhiên, có một số luật quy định vấn đề này trong một số trường hợp cụ thể. Ví dụ, hành vi đưa hối lộ trong lĩnh vực tư tùy thuộc vào tình tiết vụ án cũng có thể cấu thành các tội như lạm dụng chức quyền hoặc vi phạm lòng tin (breach of trust)[17]. Theo đó, một người có trách nhiệm điều hành một công ty, vì mục đích lợi nhuận của bản thân hoặc cho người khác, hoặc vì mục đích gây tổn hại cho công ty, mà thực hiện hành vi vi phạm nghĩa vụ pháp lý của mình và gây thất thoát tài chính cho công ty có thể bị phạt tù có hoặc không có cải tạo lên đến 05 năm hoặc phạt tiền lên đến 500.000 yên. Bên cạnh đó, giám đốc một công ty có hành vi nhận lợi ích tài sản dựa trên yêu cầu bất hợp pháp liên quan đến việc thực thi nhiệm vụ của mình có thể bị phạt tù lên đến 05 năm hoặc phạt tiền lên đến 05 triệu yên[18]. Ngoài ra, Đạo luật Công cụ và giao dịch tài chính trừng phạt hành vi đưa hoặc nhận hối lộ đối với cán bộ điều hành kinh doanh công cụ tài chính. Luật Phá sản cũng quy đinh cấm đối với hành vi đưa hoặc nhận hối lộ đối với người được ủy thác trong phá sản. Có thể thấy, mặc dù không gọi tên những hành vi này là tham nhũng trong lĩnh vực tư nhưng nội dung của các điều luật này khá toàn diện và tương đồng đối với Điều 21 Công ước về phòng, chống tham nhũng của Liên Hợp quốc về tham nhũng trong lĩnh vực tư.
1.4. Ngăn ngừa việc chuyển giao tài sản phạm tội
Đạo luật Phòng, chống chuyển nhượng tài sản phạm tội quy định, những tổ chức kinh doanh nhất định như tổ chức tài chính (bao gồm ngân hàng; công ty bảo hiểm; tổ chức cho vay, giao dịch tiền tệ) và các chi nhánh bất động sản hoặc các tổ chức kinh doanh khác phải xác minh nhân thân của khách hàng trong một số giao dịch đáng ngờ. Thông tin cần xác minh bao gồm: Thông tin cá nhân khách hàng, mục đích của giao dịch, nội dung và bản chất kinh doanh[19]. Nếu giao dịch được thực hiện với một pháp nhân thì tổ chức tài chính có nghĩa vụ xác minh thông tin của cả pháp nhân và cá nhân đại diện cho pháp nhân, xác minh xem cá nhân đó có được pháp nhân ủy quyền đại diện thực hiện giao dịch hay không. Nếu thấy giao dịch đáng ngờ và liên quan đến việc đánh cắp thông tin, giao dịch với người tại quốc gia khác hoặc với cá nhân có ảnh hưởng chính trị (politically exposed persons)[20], cơ quan tài chính phải thu thập tài liệu bổ sung để xác minh khách hàng hoặc người đại diện có quyền quản lý thông qua các tài liệu như danh sách cổ đông hoặc báo cáo tài chính hàng năm. Nếu giao dịch đáng ngờ có giá trị trên 02 triệu yên thì cơ quan tài chính phải xác minh tình trạng tài sản và thu nhập của khách hàng. Tổ chức tài chính phải nộp cho cơ quan quản lý có liên quan báo cáo về những giao dịch đáng ngờ liên quan đến rửa tiền hoặc tài sản phạm tội[21].
Để có thể xác định và đánh giá một giao dịch nào là đáng ngờ và cần báo cáo, các tổ chức tài chính sẽ nỗ lực tiến hành đào tạo nhân viên của mình trong việc xác minh thông tin khách hàng; thành lập, duy trì những quy tắc nội bộ về thủ tục xác minh thông tin này; thiết lập quản lý đối với quy trình xác minh. Đạo luật Thương mại và giao dịch nước ngoài quy định các ngân hàng phải xác minh thông tin khách hàng thông qua bằng lái xe hoặc thông qua cách thức quy định bởi Bộ Tài chính khi tiến hành một giao dịch nước ngoài (ngoại trừ những giao dịch liên quan đến các thanh toán nhỏ), chuẩn bị báo cáo về thông tin khách hàng và lưu giữ báo cáo này trong vòng 07 năm. Thông tin khách hàng được xác minh bởi ngân hàng bao gồm tên, nơi cư trú, ngày sinh đối với cá nhân; tên, địa chỉ trụ sở chính đối với pháp nhân và thông tin cá nhân của người đại diện pháp nhân tham gia giao dịch[22].
1.5. Cơ chế thỏa thuận hợp tác
Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi gần đây đã giới thiệu cơ chế thỏa thuận hợp tác (cooperation agreement) có hiệu lực ngày 01/6/2018. Theo đó, một cá nhân hoặc pháp nhân có thể tham gia thương lượng với công tố viên và đồng ý cung cấp thông tin liên quan đến cáo buộc chống lại tội phạm của một cá nhân hoặc pháp nhân khác. Cá nhân hoặc pháp nhân sẽ không thể tận dụng hệ thống mới này bằng cách cung cấp thông tin liên quan đến vụ án của mình mà phải cung cấp thông tin liên quan đến hành vi phạm tội của đối tượng khác, có thể trong cùng vụ án. Cơ chế mới này có tiềm năng là công cụ giúp chính quyền Nhật Bản có thể thu thập nhiều thông tin hơn, nhanh chóng hơn và do đó sẽ có thể truy tố thành công nhiều tội phạm hơn, bao gồm các tội phạm tham nhũng.
Trong vụ án tham nhũng đầu tiên áp dụng cơ chế này, pháp nhân đã tham gia thỏa thuận với phía công tố viên bằng việc cung cấp thông tin nhằm truy tố đối với nhân viên đã có hành vi đưa hối lộ, đổi lại, pháp nhân không bị truy tố. Vụ án này đã gây ra ý kiến trái chiều, một mặt, qua đây cho thấy thỏa thuận hợp tác là một công cụ hữu dụng để truy tố hành vi đưa hối lộ công chức nước ngoài, mà thường khó thu thập bằng chứng tại nước ngoài, tuy nhiên, mặt khác, có quan ngại cho rằng, cơ chế này giúp cho pháp nhân thoát khỏi truy tố bằng cách để cho nhân viên của mình chịu hình phạt thay[23].
1.6. Bảo vệ người tố giác
Đạo luật Bảo vệ người tố giác thông qua năm 2004 có hiệu lực năm 2006[24] quy định, người tố giác là người tiết lộ những thông tin cần tố giác như hành vi phạm tội, với mục đích chung là bảo vệ lợi ích về con người, lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, bảo vệ cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ mạng sống, sức khỏe, tài sản và lợi ích khác của công dân. Đạo luật quy định những nguyên tắc về cấm sa thải hoặc đối xử bất lợi đối với nhân viên tố giác công ty, cơ quan của mình, ví dụ như thuyên chuyển công tác, giảm lương. Có hơn 400 luật thuộc phạm vi của Đạo luật này, bao gồm: Bộ luật Hình sự, Đạo luật Công ty, Đạo luật Phòng, chống cạnh tranh không lành mạnh, Đạo luật Công cụ và giao dịch tài chính, Đạo luật Giao dịch và thương mại nước ngoài, Đạo luật Bảo vệ thông tin cá nhân[25].
2. Một số nhận xét, đánh giá và gợi mở đối với Việt Nam
Sự thành công của công cuộc phòng, chống tham nhũng tại Nhật Bản nằm chủ yếu ở công tác phòng ngừa. Nhật Bản đã tập trung ưu tiên cho việc phòng ngừa trở thành trụ cột chính trong cuộc chiến chống tham nhũng và thực tiễn cho thấy phòng ngừa là công tác được cho là có hiệu quả hơn so với những biện pháp trừng trị khác[26]. Điều này đặc biệt đúng đối với vấn đề chống tham nhũng ở bất kỳ quốc gia nào, bởi, tội phạm tham nhũng thường rất phức tạp và khó phát hiện. So với những tội phạm thông thường khác thì tội phạm tham nhũng thường áp dụng những thủ đoạn và công nghệ tinh vi để che giấu hành vi phạm tội cũng như tài sản phạm tội, tội phạm này xảy ra giữa hai bên và hai chủ thể này đều phải chịu trách nhiệm hình sự, do vậy, thường sẽ không có nạn nhân đứng ra để tố cáo, những chủ thể vô tội hay trung gian cũng khó có thể có đủ thông tin hoặc có thì nhiều trường hợp sẽ bị chủ thể phạm tội mua chuộc hoặc đe dọa. Một đặc điểm khác khiến cho biện pháp phòng ngừa đặc biệt hiệu quả hơn so với biện pháp trừng trị đối với tội phạm tham nhũng đó là việc có thể dễ dàng nhận diện những môi trường, tình huống mà tham nhũng có thể xảy ra. Tham nhũng trong lĩnh vực công thường có mối liên hệ với hoạt động của cơ quan nhà nước và liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn. Do đó, trong quá trình hoàn thiện chính sách phòng, chống tham nhũng, chúng ta cần tập trung hơn vào khía cạnh giảm thiểu khả năng tham nhũng có thể được thực hiện thông qua việc thúc đẩy tính minh bạch và tính giải trình của Nhà nước và tăng cường đạo đức công vụ.
Bên cạnh đó, nhìn vào hệ thống pháp luật của Nhật Bản, vấn đề phòng, chống tham nhũng được phân chia thành các nhánh (phân nhóm hối lộ công chức trong nước và hối lộ công chức nước ngoài), với những quy định điều chỉnh riêng biệt (Bộ luật Hình sự và Đạo luật Phòng, chống cạnh tranh không lành mạnh). Hai mảng này có những đối tượng khác nhau nên việc phân chia là điều cần thiết để có chính sách phù hợp. Ở cả hai nhóm này, Nhật Bản chú trọng xây dựng các hướng dẫn chi tiết đó là Quy tắc đạo đức công vụ và Hướng dẫn về Phòng, chống hối lộ công chức nước ngoài.
Đồng thời, liên quan đến việc mở rộng phạm vi chủ thể của một số tội phạm về tham nhũng, nhìn từ kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi hối lộ khá rộng, trong đó, tham nhũng của công chức trong nước không chỉ những người đang là công chức mà còn những người sắp được tuyển dụng hay bổ nhiệm làm công chức. Đối với tham nhũng của những công chức nước ngoài, do đặc thù chủ thể phạm tội thường là những pháp nhân thương mại nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong lĩnh vực này là điều cần thiết. Thêm vào đó, hệ thống phòng ngừa chuyển giao tài sản tham nhũng ở Nhật Bản được xây dựng chặt chẽ với vai trò chủ chốt của phía các cơ quan tín dụng, chủ yếu là ngân hàng. Khi có dấu hiệu giao dịch đáng ngờ, ngân hàng sẽ tiến hành các biện pháp xác minh người thực hiện giao dịch. Những nhân viên giao dịch tài chính được đào tạo bài bản về những giao dịch đáng ngờ, họ là những người thuộc tuyến đầu, ngăn chặn việc rửa tiền, chuyển giao tài sản phạm tội và góp phần thu hồi tài sản tham nhũng, ngăn chặn và phát hiện tội phạm tham nhũng.
Như vậy, có thể thấy, vấn đề phòng, chống tham nhũng được Nhật Bản xây dựng có hệ thống và với sự tham gia tích cực của các chủ thể liên quan. Mặc dù không có cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên, các cơ quan trong hệ thống phòng, chống tham nhũng đều tích cực xây dựng các cơ chế, quy định, hướng dẫn của mình để phổ biến trong chính hệ thống của mình. Từ mô hình của Nhật Bản có thể nhận thấy vấn đề phòng, chống tham nhũng không phải thuộc trách nhiệm riêng của một cơ quan nào, mà cần sự phối hợp của mọi cơ quan trong các lĩnh vực khác nhau và sự thiếu sót ở bất kỳ giai đoạn nào cũng dẫn đến sự không thành công của hệ thống.
Nguyễn Hải Yến
Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp
[1]. Jeffrey Hays, Politics in Japan: Bureaucrats, Iron Triangles, Public Works and Reforms Begun in 2009, Facts and Details, http://factsanddetails.com/japan/cat22/sub146/item803.html, truy cập ngày 12/12/2022.
[2]. The Transparency International, https://www.transparency.org/en/countries/japan, truy cập ngày 17/12/2022.
[3]. Chỉ số này đưa ra xếp hạng về nhà nước pháp quyền dựa trên tám yếu tố: Hạn chế về quyền hạn của Chính phủ, không tham nhũng, Chính phủ mở, quyền cơ bản, trật tự và an ninh, thực thi pháp luật, tư pháp dân sự và tư pháp hình sự. Rule of Law Index, World Justice Project, https://worldjusticeproject.org/sites/default/files/documents/Insights-2021.pdf, truy cập ngày 17/12/2022.
[4]. Khoản 1 Điều 7 Bộ luật Hình sự Nhật Bản, xem: japaneselawtranslation.go.jp/law/detail/?id=1960&re=02&vm=04.
[5]. Atsumi and Sakai, Comparative Legal Guide Japan: Bribery & Corruption (2nd Edition), https://www.aplaw.jp/japan-bribery-corruption.pdf, truy cập ngày 16/12/2022.
[6]. Mark F Mendelsohn, The Anti-Bribery and Anti-Corruption Review, The Law Reviews, 2018, http://www.mhmjapan.com/content/files/00035275/20190206-041514.pdf, truy cập ngày 15/8/2022.
[7]. Đạo luật Đạo đức công vụ, xem: http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail/?id=104&vm=02&re=
[8]. Điều 2 Bộ luật Đạo đức công vụ, xem: http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail_main?re=01&vm= 02&id=2952.
[9]. Yên là đơn vị tiền tệ của Nhật Bản.
[10]. Kengo Nishigaki, Yoshiaki Muto, Anti-Corruption in Japan - Global Compliance News, Global Compliance News, https://globalcompliancenews.com/anti-corruption/anti-corruption-in-japan/, truy cập ngày 18/8/2022.
[11]. Khoản 2 Điều 18 Đạo luật Phòng, chống cạnh tranh không lành mạnh, xem: http://www.japaneselawtranslation. go.jp/law/detail_main?id=83&vm=2&re=.
[12]. Khoản 1 Điều 18 Đạo luật Phòng, chống cạnh tranh không lành mạnh
[13]. Hướng dẫn METI 3.1(4), p. 26, xem: https://www.meti.go.jp/policy/external_economy/zouwai/pdf/ GuidelinesforthePreventionofBriberyofForeignPublicOfficials.pdf
[14]. Atsumi and Sakai, Comparative Legal Guide Japan: Bribery & Corruption (2nd Edition), https://www.aplaw.jp/japan-bribery-corruption.pdf, truy cập ngày 16/12/2022.
[15]. Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự, xem: http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail/ ?printID=&ft=2&re=02&dn=1&yo=criminal+procedure&ia=03&x=40&y=9&ky=&page=2&vm=02.
[16]. Hướng dẫn METI 2.4, p. 9.
[17]. Điều 247 Bộ luật Hình sự.
[18]. Khoản 2 Điều 976 Đạo luật Công ty, xem: japaneselawtranslation.go.jp/law/detail/?id=2035&vm=04&re=02.
[19]. Điều 4 Đạo luật Phòng, chống chuyển nhượng tài sản phạm tội, xem: https://www.npa.go.jp/laws/shokanhourei/hansyuu.pdf.
[20]. Trong lĩnh vực tài chính, politically exposed person - cá nhân có ảnh hưởng về chính trị là cụm từ miêu tả người được giao phó trách nhiệm thực thi nhiệm vụ công và những cá nhân này có nguy cơ tham nhũng, nhận hối lộ cao xuất phát từ đặc thù vị trí và ảnh hưởng của họ.
[21]. Điều 8 Đạo luật Phòng, chống chuyển nhượng tài sản phạm tội.
[22]. Điều 18 Đạo luật Thương mại và giao dịch nước ngoài, xem: http://www.japaneselawtranslation.go.jp/ law/detail/?id=21&vm=04&re=02.
[23]. Nikkei staff wirter, Japan’s First Plea Deal Spares Plant Builder in Thai Bribery Case, https://asia.nikkei.com/Business/Companies/Japan-s-first-plea-deal-spares-plant-builder-in-Thai-bribery-case, truy cập ngày 02/12/2022.
[24]. Đạo luật Bảo vệ người tố giác, xem: http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail/?id=3362&vm=04&re=02.
[25]. Mark F Mendelsohn, The Anti-Bribery and Anti-Corruption Review, The Law Reviews, 2018, http://www.mhmjapan.com/content/files/00035275/20190206-041514.pdf, truy cập ngày 15/11/2022.
[26]. Haruhiko Ukawa, Preventing Corruption: Effective Administrative & Criminal Justice Measures,https://www.unafei.or.jp/publications/pdf/GG5/GG5_01-3introductory_remarks.pdf, truy cập ngày 02/11/2022.