Trong những năm gần đây, việc áp dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý nội bộ và trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước thông qua văn bản điện tử, chia sẻ dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia, cũng như trao đổi giữa cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp thông qua hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến đã được đẩy mạnh. Việc ngày càng hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến đã góp phần bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức quản lý hành chính nhà nước trong quá trình hoạt động.
Cùng với xu hướng hoàn thiện pháp luật nói chung đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nền hành chính nhà nước cũng được quan tâm hoàn thiện theo chiến lược xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến đã và đang góp phần tích cực vào việc số hóa nền hành chính quốc gia. Cung ứng dịch vụ công trực tuyến ngày càng hoàn thiện đã góp phần bảo đảm sự minh bạch, trách nhiệm giải trình của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước trong quá trình vận hành nền hành chính.
1. Thực trạng pháp luật về nền hành chính số ở Việt Nam
1.1. Kết quả đạt được
Đại hội XIII của Đảng đã xác định, “xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch”[1], trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, xây dựng và thực hiện Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số[2], trong đó, cơ sở hạ tầng số dùng chung là những nền tảng cơ bản để tạo ra các giải pháp số cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Từ năm 2011 đến nay, thể chế, pháp luật về ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng công nghệ số trong cơ quan hành chính nhà nước đã và đang tạo cơ sở bước đầu cho nền hành chính số. Cụ thể:
Thứ nhất, cơ sở pháp luật về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, số hóa các hoạt động trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Cổng dịch vụ công quốc gia đã từng bước hoàn thiện.
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật từng bước được ban hành như: Luật Công nghệ thông tin năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Lưu trữ năm 2011, Luật Đấu thầu năm 2023, Luật Giao dịch điện tử năm 2023... và các văn bản hướng dẫn thi hành bảo đảm cơ sở về nguyên tắc và quy định cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của tổ chức, cá nhân và cơ quan nhà nước, bảo đảm sự phát triển và an ninh, an toàn cho lĩnh vực này.
Trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật nêu trên và nhiều văn bản về xây dựng nền hành chính số như: Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 877/QĐ-TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện trong các năm 2018 - 2019; Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia, Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2022 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước… Ngoài ra, nhiều chỉ thị, hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, thúc đẩy và tổ chức triển khai hành chính số ở cấp độ thực tiễn.
Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã tạo ra cơ sở pháp lý toàn diện cho việc triển khai hành chính số, quản lý tài nguyên thông tin điện tử và các dịch vụ công trực tuyến, góp phần thúc đẩy và phát triển hành chính số ở Việt Nam, đồng thời bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người dân và doanh nghiệp trong quá trình này.
Thứ hai, cải cách thủ tục hành chính điện tử ngày càng hoàn thiện.
Quá trình cải cách thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã được Chính phủ quan tâm thực hiện từ những năm 2000, góp phần tạo chuyển biến liên tục trong nhiều năm về kết quả thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, gắn kết với chuyển đổi số quốc gia theo hướng số hóa, tái sử dụng dữ liệu; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp; cơ chế, chính sách, quy định trong thực hiện thủ tục hành chính tiếp tục được hoàn thiện; dịch vụ công trực tuyến tăng cả về số lượng và chất lượng; việc số hóa, chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử và tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đều có chuyển biến tích cực[3].
Ngày 27/10/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; ngày 28/02/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 206/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2024, gồm có 28 nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2024[4].
Thứ ba, quy định của pháp luật về hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin ở các bộ, ngành, địa phương ngày càng hoàn thiện. Trên cơ sở Luật Đấu thầu[5], Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 về quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, qua đó đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo điều kiện triển khai đầu tư các dự án công nghệ thông tin, các quy trình thủ tục giảm khoảng 30%; góp phần phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các bộ, ngành, địa phương.
1.2. Một số hạn chế về thể chế và nguyên nhân chung
Một là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa tiệm cận sâu, đầy đủ cho lĩnh vực chuyển đổi số nền hành chính. Có thể thấy, đa phần các quy định pháp luật hiện hành mới chỉ quy định xây dựng nền hành chính điện tử[6] - bước khởi đầu cho chuyển đổi số nền hành chính. Các văn bản trực tiếp liên quan đến chuyển đổi số quốc gia cao nhất mới là nghị định và đa phần là văn bản cấp bộ ban hành[7]. Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước đã không còn phù hợp khi nhiều luật mới được ban hành[8] nên chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành; nhiều quy định đã lạc hậu so với sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin và chuyển đổi số (như: Các quy định về công khai, minh bạch thông tin trên môi trường mạng, quy định về bảo vệ thông tin cá nhân hiện nay tham chiếu thực hiện theo các quy định tại Luật Công nghệ thông tin năm 2006; quy định khuyến khích các tổ chức, cá nhân triển khai các điểm truy cập Internet công cộng không còn phù hợp do sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet và việc phổ cập các thiết bị di động hiện nay…).
Hai là, quy định về an toàn thông tin mạng hiện không chỉ được quy định tại Luật An toàn thông tin mạng và quy định về an ninh mạng không chỉ được quy định tại Luật An ninh mạng mà đã được quy định tại Luật Giao dịch điện tử. Theo đó, khi Luật Giao dịch điện tử năm 2023 được ban hành (thay thế Luật năm 2005) với nhiều quy định cụ thể về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng đối với các giao dịch điện tử, đòi hỏi tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật An ninh mạng cho phù hợp với Luật Giao dịch điện tử (như vấn đề an ninh cơ sở dữ liệu điện tử; an ninh thông tin; kết nối, chia sử dữ liệu…) và thực tiễn tội phạm mạng hiện nay (như tội phạm ma túy, tội phạm lừa đảo[9]…).
Ba là, quy định pháp luật về cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp còn thiếu quy định cụ thể về chữ ký điện tử, chữ ký số và chứng thực chữ ký điện tử, chữ ký số đã được quy định trong Luật Giao dịch điện tử năm 2023 (như quy định về tính toàn vẹn, xác thực của chữ ký điện tử, chữ ký số; việc công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, chữ ký số theo cấp độ từng loại giao dịch…).
Bốn là, chưa có quy định về áp dụng cơ chế thử nghiệm (Regulatory Sandbox) trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Số hóa nền hành chính là một vấn đề mới, cần có cơ chế thử nghiệm công cụ quản lý này đối với ngành, lĩnh vực trong đời sống xã hội, nhằm bảo đảm hài hòa mục tiêu quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, việc ban hành thể chế áp dụng thử nghiệm công cụ số hóa mới trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước trên nền tảng công nghệ thông tin, cho phép một số cơ quan, đơn vị thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình quản lý mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý.
Có thể thấy, nền hành chính số vẫn còn là một khái niệm mới ở Việt Nam hiện nay, chưa được làm rõ về lý luận và pháp luật thực định, do đó, những hạn chế, bất cập về thể chế và nhận thức về lĩnh vực này còn khá rõ nét; các giải pháp pháp lý hiện nay mới đang tìm cách khắc phục từng bước trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung. Nhiều bộ, ngành chưa xác định rõ lộ trình và các nhiệm vụ cụ thể ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính và đổi mới lề lối, phương thức làm việc.
2. Định hướng hoàn thiện pháp luật nền hành chính số ở Việt Nam
Thứ nhất, xây dựng chiến lược về nghiên cứu nền hành chính số và ban hành các luật liên quan đến nền hành chính số. Trước mắt, Việt Nam cần sớm định hình khung nền hành chính số với những đặc điểm, phương thức triển khai, từ đó, Quốc hội, Chính phủ cần có chiến lược cụ thể hóa với lộ trình hoàn thiện pháp luật gắn với định hướng “hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch”[10]. Pháp luật hành chính cần được hoàn thiện để hỗ trợ việc áp dụng công nghệ số, công nghệ thông tin, đặc biệt là các quy định về giao dịch điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân, chữ ký số, và các luật khác liên quan đến công nghệ thông tin…
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về tăng cường an ninh mạng và bảo đảm an toàn thông tin. Cần có các quy định cụ thể và hiệu quả về an ninh mạng để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng, bảo vệ hệ thống thông tin và dữ liệu quan trọng của cơ quan nhà nước và cá nhân. Pháp luật cần khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin thông qua việc cung cấp các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đổi mới và phát triển công nghệ, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hành chính số, tạo thêm nguồn lực xã hội cho chuyển đối số nền hành chính. Hoàn thiện pháp luật về chữ ký số, chữ ký điện tử, định danh và xác thực điện tử để bảo đảm giá trị pháp lý của các giao dịch điện tử.
Thứ ba, nghiên cứu xây dựng Luật Chính phủ số và thử nghiệm cơ chế số trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, tạo cơ sở cho việc triển khai toàn diện các hoạt động số hóa hệ thông cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định nhiệm vụ hoàn thiện khung pháp lý là bảo đảm môi trường pháp lý cho phép thử nghiệm, chấp nhận cái mới và chấp nhận thay đổi. Hình thành không gian thí điểm dịch vụ số và xây dựng khung pháp lý cho phép thử nghiệm các dịch vụ số chưa được quy định bởi pháp luật. Để thực hiện được chủ trương trên cần nghiên cứu áp dụng cơ chế thử nghiệm “Regulatory Sandbox”.
Thứ tư, ban hành các quy định mới liên quan đến việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính chất nền tảng; các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ trong giai đoạn 2025 – 2030./.
ThS. Dương Hồng Nhung
Học viện Hành chính Quốc gia
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H.2021, tr. 176.
[2]. TS. Dương Thị Tươi (2022), Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, nguồn: http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/tin-tuc/item/4190-xay-dung-nen-hanh-chinh-nha-nuoc-phuc-vu-nhan-dan-theo-tinh-than-dai-hoi-xiii-cua-dang.html, truy cập ngày 15/3/2024.
[3]. Vũ Phương Nhi (2023), Đẩy mạnh các giải pháp cải cách, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, nguồn:https://baochinhphu.vn/day-manh-cac-giai-phap-cai-cach-nang-cao-hieu-qua-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-102231027123443133.htm, truy cập ngày 15/3/2024.
[4]. Bao gồm: Nhóm thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh và đăng ký thuế; nhóm thủ tục cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và cấp phiếu lý lịch tư pháp; nhóm thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề luật sư đối với người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư và cấp phiếu lý lịch tư pháp; nhóm thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và đăng ký kết hôn; thanh toán trực tuyến viện phí cho người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; nhóm thủ tục đăng ký thành lập hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã và đăng ký thuế; nhóm thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu/bổ sung/tạm vắng/chuyển đi, chuyển đến khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập; nhóm thủ tục kê khai, thẩm định tờ khai và nộp trực tuyến phí bảo vệ môi trường đối với nước thải...
[5]. Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2016/QH14, Luật số 04/2017/QH14, Luật số 40/2019/QH14, Luật số 64/2020/QH14 và Luật số 03/2022/QH15. Hiện nay, Luật Đấu thầu năm 2023 thay thế Luật Đấu thầu năm 2013, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024.
[6]. Như: Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Giao dịch điện tử.
[7]. https://dx.gov.vn/van-ban-trang-1.htm?Field=0&Agency=0&Type=0&keyword=, truy cập ngày 31/3/2024.
[8]. Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Giao dịch điện tử năm 2023.
[9]. Đại biểu đề xuất cần xem xét sửa đổi Luật An ninh mạng, https://laodongthudo.vn/dai-bieu-de-xuat-can-xem-xet-sua-doi-luat-an-ninh-mang-162978.html,truycậpngày 15/3/2024.
[10]. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 402), tháng 4/2024)