Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã bổ sung một chương mới quy định về cơ chế, phương thức để yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án nhằm giảm số lượng vụ tranh chấp phải giải quyết tại Tòa án khắc phục tình trạng quá tải trong hệ thống Tòa án. Trong bài viết này, tác giả phân tích những cơ sở của quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án; thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả của hòa giải gắn với quy định về công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Theo Luật mẫu của Ủy ban Liên Hợp Quốc về luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) về hòa giải, thì hòa giải là một trình tự được hiểu là trình tự hòa giải, trung gian hoặc một thể hiện tương tự mà các bên yêu cầu bên thứ ba (hòa giải viên) trợ giúp các bên đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp; hòa giải viên không có thẩm quyền ép các bên tuân theo một giải pháp nào[1].
Hòa giải là một trong các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự lựa chọn bên cạnh các phương thức giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, trọng tài và Tòa án. Hòa giải mang tính chất tự nguyện, đề cao sự tự do thỏa thuận mà các bên tranh chấp có thể lựa chọn ngoài Tòa án; một phương thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba độc lập do các bên tranh chấp cùng chấp nhận hay chỉ định làm vai trò trung gian để hỗ trợ cho các bên nhằm tìm kiếm những giải pháp thích hợp cho việc giải quyết xung đột. Việc quyết định giải quyết theo điều kiện, thủ tục nào hoàn toàn do các bên tranh chấp quyết định và hòa giải viên không có thẩm quyền ra quyết định buộc các bên phải tuân theo.
Trong hòa giải, các bên tham gia vào quá trình ra quyết định nên kết quả giải quyết thường đáp ứng yêu cầu của các bên; vẫn giữ được quan hệ tình cảm, quan hệ kinh doanh, quan hệ lao động… Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện hành, kết quả của quá trình hòa giải và việc thực thi kết quả này trên thực tế phụ thuộc vào thiện chí của các bên tranh chấp, nếu các bên không thiện chí thực hiện thì kết quả hòa giải thành không được triển khai thực hiện, nhưng không có biện pháp cưỡng chế được áp dụng và phải giải quyết bằng phương thức khác. Chính vì vậy, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã bổ sung một chương mới về “Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án” (Chương XXXIII) để tạo cơ sở pháp lý cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải.
1. Cơ sở của quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án
Thứ nhất, quan hệ dân sự (được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm: Quan hệ kinh doanh, thương mại và lao động) là quan hệ được hình thành giữa các chủ thể tham gia có vị trí bình đẳng, tự do ý chí. Các chủ thể có quyền tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận, miễn là thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và trái đạo đức xã hội. Vì vậy, khi xảy ra tranh chấp dân sự, các bên có quyền thỏa thuận, hòa giải để giải quyết tranh chấp. Mọi thỏa thuận phù hợp với pháp luật của các bên đã đạt được trong hòa giải dù là trước tố tụng hoặc trong tố tụng đều cần được công nhận và bảo đảm thi hành từ Nhà nước và pháp luật.
Thứ hai, lợi ích của hòa giải trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự trước hết là duy trì mối quan hệ hợp tác giữa các bên, tiết kiệm được thời gian và chi phí giải quyết tranh chấp cho các bên; ngoài ra còn giảm tải tranh chấp do Tòa án giải quyết. Để đảm bảo kết quả hòa giải được thực thi trên thực tế, thì cần phải có cơ chế đảm bảo thi hành kết quả hòa giải thành bằng cưỡng chế nhà nước. Do đó, pháp luật cần quy định thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành.
Thứ ba, việc công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án bằng quyết định của Tòa án là một trong bước phát triển của tố tụng dân sự nước ta. Những quy định này sẽ kết nối với các quy định pháp luật về hòa giải như: Hòa giải tại cơ sở, hòa giải lao động, hòa giải thương mại… tạo nên một sự gắn kết trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án và ngoài Tòa án, nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành kết quả hòa giải thành. Đây là sự thể chế hóa chủ trương của Đảng được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, theo đó: “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”.
Thứ tư, việc đảm bảo khả năng thi hành của thỏa thuận hòa giải thành là bước quan trọng để thúc đẩy giải quyết tranh chấp một cách thân thiện và xây dựng niềm tin của các bên tranh chấp đối với hòa giải, nâng cao vị trí, vai trò của hòa giải trong giải quyết các tranh chấp với tư cách là phương thức giải quyết ngoài Tòa án.
2. Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án với những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, kết quả hòa giải vụ việc ngoài Tòa án được Tòa án xem xét ra quyết định công nhận là kết quả hòa giải thành vụ việc xảy ra giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải (như kết quả hòa giải theo quy định của Luật Hòa giải cơ sở, Luật Thương mại, Luật Đất đai, Bộ luật Lao động, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...) (Điều 416 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Như vậy, kết quả hòa giải thành vụ việc ngoài Tòa án là đối tượng được Tòa án công nhận.
Thứ hai, việc xem xét công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án do một thẩm phán giải quyết. Điều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: (i) Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 417 của Bộ luật này; (ii) Thẩm phán ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án đối với trường hợp không có đủ các điều kiện quy định tại Điều 417 của Bộ luật này; (iii) Việc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải ngoài Tòa án.
Thứ ba, điều kiện để Tòa án công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án được quy định tại Điều 417 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như sau: (i) Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; (ii) Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý; (iii) Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận; (iv) Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.
Thứ tư, quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (khoản 8 Điều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015), nhưng có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Kết quả hòa giải ngoài Tòa án được Tòa án ra quyết định công nhận sẽ được cơ quan thi hành án dân sự thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.
Nhìn chung, ở các nước đều tồn tại ba loại hòa giải: Hòa giải tư pháp, hòa giải tại cộng đồng dân cư và hòa giải thương mại, dân sự, lao động2. Hòa giải tư pháp là loại hòa giải được cơ quan tố tụng tiến hành trong quá trình giải quyết tranh chấp dân sự. Hòa giải tại cộng đồng là hòa giải những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư mà ở nước ta gọi là hòa giải ở cơ sở. Hòa giải thương mại đối với các tranh chấp thương mại do các trung tâm hòa giải thương mại thực hiện.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả của hòa giải gắn với quy định về công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
Việc Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 bổ sung Chương XXXIII quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án tạo cơ hội lớn trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện các thỏa thuận hòa giải thành ngoài Tòa án, nhưng cũng đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi mới đối với công tác hòa giải. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
Một là, các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực hòa giải thành ngoài Tòa án cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn theo ngành dọc về quy định này trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; kiện toàn tổ chức, hoạt động của hòa giải thuộc lĩnh vực quản lý; tổ chức trao đổi kinh nghiệm, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Định kỳ tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật có liên quan, kỹ năng hòa giải để nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên.
Hai là, cần nâng cao hơn nữa năng lực hòa giải viên, nhất là hòa giải viên được công nhận theo Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013. Theo quy định tại Điều 7 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, hòa giải viên ngoài tiêu chuẩn là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải; có phẩm chất đạo đức tốt, uy tín trong cộng đồng dân cư còn có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân và có hiểu biết pháp luật. Khoản 3 Điều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, thẩm phán được phân công xét đơn có quyền yêu cầu hòa giải viên cung cấp cho Tòa án tài liệu làm cơ sở cho việc xét đơn yêu cầu của đương sự, nếu xét thấy cần thiết. Hòa giải viên được Tòa án yêu cầu có trách nhiệm trả lời Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án.
Hòa giải viên là những người được các bên tin tưởng trao cho nhiệm vụ làm trung gian cho các bên tranh chấp. Với vai trò như vậy, căn cứ các quy định về tiêu chuẩn của hòa giải viên3 và yêu cầu, trách nhiệm cung cấp cho Tòa án tài liệu làm cơ sở cho việc xét đơn yêu cầu của đương sự cho thấy, hòa giải viên cần phải thường xuyên cập nhật, nâng cao hiểu biết pháp luật, kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải.
Ba là, các bên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật cũng cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc gửi đơn yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành. Bên cạnh đó, các bên, nhất là bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành cần phải nâng cao trình độ pháp lý, hiểu biết pháp luật, nhất là khi trực tiếp viết đơn vì theo khoản 1 Điều 418 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thì để viết được đơn cầu cần phải có hiểu biết nhất định về pháp luật có liên quan.
Bốn là, khi triển khai thực hiện quy định về Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án có thẩm quyền xét đơn yêu cầu công nhận hòa giải thành các vụ việc hòa giải ngoài Tòa án sẽ phải đảm nhiệm nhiều việc hơn trước, nên đòi hỏi cần phải giải quyết công việc vừa bảo đảm tiến độ theo thời hạn quy định nhưng cũng phải bảo đảm chất lượng công việc.
Năm là, cần sớm ban hành Nghị định của Chính phủ về hòa giải thương mại để tạo cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh về phạm vi, nguyên tắc trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, quy định về hòa giải viên thương mại, tổ chức cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại, tổ chức và hoạt động hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam và quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động hòa giải thương mại.
Bộ Tư pháp
[1]. UNCITRAL Model Law on Conciliation, supra note 1, at art. 1(3). Luật mẫu của Ủy ban Liên Hợp Quốc về hòa giải, Điều 1.(3).
[2]. TS. Nguyễn Thị Minh, “ Hòa giải thương mại và xu hướng phát triển tại Việt Nam” , Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2010 - Số chuyên đề Pháp luật về trọng tài thương mại, tr 120.
3. Điều 7 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, Điều 4 Nghị định số 46/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tranh chấp lao động, Điều 32 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.