Nội dung vụ việc như sau:
Ngày 08/5/2009, UP - một công ty được thành lập và hoạt động tại Singapore và CD - một công ty TNHH được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, trụ sở chính tại thành phố Hồ Chí Minh có ký hợp đồng mua bán, trong đó, UP đã bán 05 xe nâng động cơ với giá tổng cộng là 102.500 USD. Ngày 16/8/2009, xe nâng đã được chuyển lên tàu và được giao đến cảng Hải Phòng theo đúng các điều khoản trong hợp đồng. Ngày 22/8/2009, UP đã chuyển cho CD 03 bộ chứng từ hợp đồng và CD đã đồng ý nhưng vẫn không thanh toán. UP đã khởi kiện CD ra Tòa án Singapore yêu cầu đòi CD thanh toán nợ.
Căn cứ vào phán quyết có hiệu lực đối với vụ kiện của Tòa án sơ thẩm Singapore (Tòa án Singapore) ngày 24/11/2011, UP là bên được thi hành án và CD là bên phải thi hành án. Theo đó, CD có nghĩa vụ trả cho UP số tiền tổng cộng 84.718,15 USD và 3.300 SGD (đô la Singapore). Mặc dù phán quyết của Tòa án Singapore đã có hiệu lực, nhưng CD vẫn không thực hiện các nghĩa vụ thanh toán như đã nêu. Vì vậy, căn cứ các quy định có liên quan của Việt Nam, UP yêu cầu Tòa án công nhận và cho thi hành phán quyết dân sự có hiệu lực của Tòa án Singapore. Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã giải quyết và ban hành quyết định sơ thẩm, theo đó, Tòa đã căn cứ khoản 1, khoản 6 Điều 1 Nghị quyết 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc Hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự; căn cứ điểm b khoản 1 Điều 423, Điều 430, khoản 1 Điều 432, Điều 438, Điều 439, Điều 442 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để: Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết cuối cùng của Tòa án Singapore ngày 24/11/2011, giữa bên được thi hành là UP và bên phải thi hành là CD. Ngày 08/10/2018, CD kháng cáo toàn bộ nội dung quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử sửa theo hướng không công nhận và không cho thi hành phán quyết của Tòa án Singapore tại Việt Nam. Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã giải quyết phúc thẩm, theo đó, căn cứ khoản 3 Điều 443 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để: Không chấp nhận kháng cáo của CD; giữ nguyên quyết định sơ thẩmcủa Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Qua vụ việc trên, chúng ta cần bình luận một số vấn đề sau:
1. Khái niệm công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài
Với xu thế toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay có rất nhiều các quan hệ có yếu tố nước ngoài, trong đó có quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài. Khi có tranh chấp, một trong các bên hoặc cả hai bên sẽ đưa vụ án của mình giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền của một trong hai bên. Xuất phát từ nguyên tắc chủ quyền quốc gia, quyền tài phán lãnh thổ, bản án của Tòa án quốc gia sẽ chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia nơi Tòa án ban hành. Tuy nhiên, nếu chỉ có hiệu lực ở một quốc gia mà bên phải thi hành án lại không có trụ sở hay tài sản ở quốc gia nơi có bản án được tuyên thì sẽ không thể đảm bảo quyền lợi của bên được thi hành án.
Trong vụ việc nêu trên, hai bên đã có tranh chấp với nhau từ hợp đồng mua bán. Vụ án này đã được Tòa án Singapore giải quyết, phán quyết này đã có hiệu lực thi hành theo pháp luật của Singapore. Dựa theo nội dung của phán quyết thì CD là bên phải có nghĩa vụ thanh toán tiền cho UP. Tuy nhiên, CD là một pháp nhân của Việt Nam, có trụ sở và tài sản ở Việt Nam, không có chi nhánh ở Singapore nên để bảo vệ quyền lợi của mình, để có thể lấy lại số tiền thanh toán từ CD thì UP đã nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án Singapore đến cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Bản án của Tòa án Singapore được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam có hiệu lực pháp luật như bản án của Tòa án Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật, được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự và đồng nghĩa với việc là CD sẽ phải có nghĩa vụ thực hiện thanh toán cho UP.
Như vậy, công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài là việc Tòa án của một nước sẽ thừa nhận hiệu lực pháp lý của bản án của Tòa án nước khác như bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án trong nước và cho phép thi hành trên lãnh thổ nước mình bản án đó.
2. Quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài
Trong quyết định của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh khẳng định rằng, UP là bên được thi hành theo phán quyết cuối cùng của Tòa án Singapore, bên phải thi hành theo phán quyết là CD nên UP có quyền yêu cầu theo quy định tại Điều 425 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tại quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nêu rõ, do phán quyết cuối cùng của Tòa án Singapore giữa bên được thi hành UP và bên phải thi hành CD là đối tượng được pháp luật Việt Nam quy định được xem xét công nhận và cho thi hành, nên UP có quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam theo quy định tại Điều 425 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Đối chiếu với Điều 425 nêu trên thì UP là bên được thi hành theo phán quyết, có quyền nộp đơn đến Tòa án Việt Nam để làm thủ tục yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án Singapore.
3. Giấy tờ nộp cho cơ quan thẩm quyền để được công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài
Văn bản cần nộp cho cơ quan thẩm quyền được quy định tại Điều 433 và Điều 434 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Trong vụ việc trên, UP đã gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành đến Bộ Tư pháp Việt Nam và sau đó Bộ Tư pháp đã chuyển cho Tòa án có thẩm quyền theo Điều 435 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Kèm theo đơn yêu cầu này, UP cũng đính kèm các giấy tờ, tài liệu như: Bản sao hợp pháp của phán quyết cuối cùng tại các phòng xử trong vụ kiện; văn bản liên quan đến hiệu lực thi hành của bản án; văn bản liên quan đến việc đã gửi bản án cho người phải thi hành tại Việt Nam; văn bản liên quan đến việc CD đã được triệu tập hợp lệ; hộ chiếu của người đại diện của công ty; văn bản ủy quyền.
Tòa án cấp sơ thẩm nhận định, bên yêu cầu được thi hành là UP đã cung cấp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án quyết định của Tòa án nước ngoài và giao nộp đầy đủ các tài liệu kèm theo được hợp pháp hóa lãnh sự và được gửi kèm theo bản dịch tiếng Việt đã được chứng thực, công chứng hợp pháp theo quy định tại Điều 434 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 bao gồm phán quyết cuối cùng của Tòa án Singapore. Tòa án cấp phúc thẩm cũng khẳng định, đơn yêu cầu và các giấy tờ, tài liệu gửi kèm đã được UP thực hiện đúng theo quy định tại Điều 433, Điều 434 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
4. Nguyên tắc công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài
Thứ nhất, bản án của Tòa án nước ngoài chỉ được thi hành tại Việt Nam sau khi có quyết định của Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài đó có hiệu lực pháp luật. Nghĩa là, bản án của Tòa án Singapore chỉ có thể được thi hành tại Việt Nam khi được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành bản án đó có hiệu lực pháp luật.
Thứ hai, bản án của Tòa án nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam như bản án về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài được quy định tại điều ước quốc tế mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Thứ ba, bản án của Tòa án nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam như bản án về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.
Khi nhận định để xem xét công nhận và cho thi hành dựa trên nguyên tắc, Tòa sơ thẩm đã lập luận rằng, phán quyết cuối cùng của Tòa án Singapore được ban hành theo luật pháp của Singapore, được xem là bản án về kinh doanh, thương mại của Tòa án nước ngoài, là đối tượng được pháp luật Việt Nam quy định được xem xét công nhận và cho thi hành. Giữa Việt Nam và Singapore chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của nhau, Việt Nam cũng chưa là thành viên công ước đa phương nào về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự, kinh doanh, thương mại mà Singapore là thành viên nên việc xét đơn này trên nguyên tắc có đi có lại giữa Việt Nam và Singapore. Lập luận này một lần nữa cũng được Tòa phúc thẩm khẳng định và kết luận việc xét đơn yêu cầu của UP trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại giữa Việt Nam và Singapore là đúng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 423 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Thứ tư, khi xem xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành, hội đồng xét đơn không được xét xử lại vụ án đã được Tòa án nước ngoài ra bản án đó. Tòa án chỉ được kiểm tra, đối chiếu bản án của Tòa án nước ngoài, giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn yêu cầu với các quy định tại Chương XXXV và Chương XXXVI của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để làm cơ sở cho việc ra quyết định công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận bản án đó. Tòa sơ thẩm đã khẳng định, thẩm quyền của hội đồng trong việc xét đơn yêu cầu của UP để có công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết cuối cùng này hay không, chứ không có thẩm quyền xét xử lại vụ án hay bản án này đã được Tòa án Singapore ban hành, theo khoản 4 Điều 438 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Nghĩa là, Tòa án không có xét xử lại vụ án này nữa mà chỉ kiểm tra, đối chiếu để công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài.
5. Thẩm quyền Tòa án công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài
Khi nhận được đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành, Tòa án sẽ xem xét thẩm quyền của mình trong việc giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành này. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định rất chi tiết, rõ ràng trong việc xác định thẩm quyền của Tòa án.
Tòa sơ thẩm xác định thẩm quyền của Tòa án mình chính xác theo quy định như sau: Về thẩm quyền giải quyết, đây là việc kinh doanh, thương mại - yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài về kinh doanh, thương mại, cụ thể là phán quyết cuối cùng của Tòa án Singapore; bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - bên phải thi hành là CD có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, nên căn cứ khoản 4 Điều 31, điểm c khoản 2 Điều 35, điểm b khoản 1 Điều 37, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì yêu cầu này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Thẩm quyền tài phán vụ án này không thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 470 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng thương mại chọn Tòa án Singapore là nơi có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và theo luật của Singapore.
Khi xét xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đồng ý rằng: Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã thụ lý, giải quyết đơn yêu cầu của UP nêu trên là đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 31, điểm c khoản 2 Điều 35, điểm b khoản 1 Điều 37, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
6. Thời hiệu xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài
Việc làm quan trọng sau khi xác định thẩm quyền của Tòa án trong việc xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài là xem xét thời hiệu yêu cầu công nhận và cho thi hành. Tòa sơ thẩm xác định: Về thời hiệu xét đơn, theo quy định tại khoản 1 Điều 432 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài có hiệu lực pháp luật, người được thi hành có quyền gửi đơn đến Bộ Tư pháp Việt Nam để yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định đó; phán quyết của Tòa án Singapore ngày 24/11/2011, UP đã làm đơn đề ngày 31/12/2013, hợp pháp hóa lãnh sự ngày 26/02/2014, nộp đơn và đóng lệ phí cho Bộ Tư pháp Việt Nam ngày 16/10/2014 là vẫn còn trong thời hiệu. Nội dung này cũng được Tòa phúc thẩm đồng tình và nhận định: Đơn yêu cầu của UP đề ngày 31/12/2013, hợp pháp hóa lãnh sự ngày 26/02/2014, nộp đơn và đóng lệ phí cho Bộ Tư pháp Việt Nam ngày 16/10/2014, nên vẫn còn trong thời hiệu theo quy định tại khoản 1 Điều 432 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
7. Điều kiện để được công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam
Để được công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam thì Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã liệt kê các trường hợp đáp ứng như ở trên và liệt kê thêm các trường hợp không công nhận và cho thi hành tại Điều 439. Như vậy, không thuộc vào Điều 439 này thì bản án của Tòa án nước ngoài sẽ được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành.
Trong vụ việc trên, về phía bên phải thi hành, CD đã có những lập luận về việc tống đạt phán quyết để phản đối việc công nhận và cho thi hành. Tuy nhiên, cả Tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã lập luận giải quyết rằng: Phán quyết cuối cùng của Tòa án Singapore, theo luật của Singapore thì thời hiệu thi hành là trong vòng 12 năm kể từ ngày ra phán quyết sau cùng, các bên có quyền kháng cáo theo quy tắc tố tụng tòa án, nội quy tòa án là 14 ngày sau khi phán quyết cuối cùng được ban hành. Thực tế trong phiên xử để Tòa án Singapore ra phán quyết cuối cùng, CD vắng mặt mặc dù đã nhận được thông báo tham dự phiên tòa, CD có yêu cầu luật sư tham gia bảo vệ nhưng sau đó luật sư thông báo chấm dứt tham gia nên việc Tòa án Singapore xét xử vắng mặt CD là phù hợp quy định pháp luật của Singapore và cũng không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam; thời hạn kháng cáo với tổ chức, cá nhân ngoài lãnh thổ Singapore có lý do sẽ được kéo dài; phán quyết cuối cùng này bao gồm bản sao tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt đã hợp pháp hóa lãnh sự, chứng thực này sau đó đã được luật sư của UP thông qua công ty chuyển phát giao cho bà V (là nhân viên hành chính của CD tại trụ sở chính), với tiêu đề của vận đơn gửi cho bà B, Giám đốc CD. Người đại diện CD cho rằng, bà V chỉ là bạn của bà B, nhưng theo biên bản tống đạt giấy triệu tập của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ngày 28/01/2015 cho CD do bà V nhận thì bà V cũng ghi xác nhận là nhân viên hành chính của CD. Sau khi nhận, bà V đã chuyển giao vận đơn trong đó có bản sao phán quyết tiếng Anh và bản tiếng Việt cho bà B. Tại thời điểm giao kết hợp đồng mua bán, bà B là người đại diện theo pháp luật của CD, nên UP vẫn ghi chuyển phán quyết cuối cùng cho bà B là có cơ sở. Mặt khác, theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của CD thay đổi lần thứ 9 ngày 06/11/2012 thì CD có hai thành viên là ông D (60% tỷ lệ vốn góp) và bà B (40% tỷ lệ vốn góp), do bà B là Tổng giám đốc - đại diện theo pháp luật; còn theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 10 ngày 17/02/2014, thay đổi thành hình thức công ty TNHH MTV, nhưng tên công ty vẫn giữ nguyên, chỉ còn một thành viên chủ sở hữu là ông D. Tại phiên họp ngày 22/10/2018, ông K là người đại diện theo ủy quyền của CD xác nhận ông D và bà B có quan hệ vợ chồng.
Hơn nữa, tại bản tự khai ngày 12/02/2015 của ông D còn thể hiện, CD đã biết có việc kiện ở Tòa án Singapore và CD có cử luật sư bảo vệ trước phiên tòa ngày 24/11/2011. Như vậy, có đủ chứng cứ xác định phán quyết cuối cùng của Tòa án Singapore đã được gửi đến trụ sở của CD, do nhân viên CD nhận, sau đó đã chuyển cho bà B, nên CD đã nhận được phán quyết cuối cùng của Tòa án Singapore. Nhưng từ đó cho đến khi UP có đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam thì CD không thực hiện việc kháng cáo tại Tòa án Singapore theo luật của Singapore. Việc CD không thực hiện việc kháng cáo là do CD quyết định và CD phải hiểu rằng nếu kháng cáo thì phải thực hiện việc kháng cáo tại Tòa án Singapore.
Từ những nhận định trên mà Tòa cấp phúc thẩm đồng ý rằng: Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết cuối cùng của Tòa án Singapore là có căn cứ, đúng quy định pháp luật và không chấp nhận kháng cáo của CD; giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.
Như vậy, những lập luận của CD đều bị Tòa án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm bác bỏ và điều này là hợp lý vì ngay từ đầu, CD đã biết có việc UP khởi kiện tại Tòa án cấp sơ thẩm, có cử luật sư tham gia nhưng sau đó thì luật sư không tham gia và CD vắng mặt. Việc CD vắng mặt khi đã được triệu tập hợp lệ và Tòa án xét xử vắng mặt cũng không thuộc vào trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 439 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Bản án này đã có hiệu lực pháp luật, không thuộc khoản 2 Điều 439 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Tòa án cấp dưới Singapore có thẩm quyền giải quyết vì trong hợp đồng các bên có thỏa thuận lựa chọn Tòa án Singapore giải quyết nếu có tranh chấp xảy ra, không thuộc khoản 4 Điều 439 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, cũng không thuộc khoản 1, khoản 5, khoản 7 Điều 439 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Bên cạnh đó, theo luật của Singapore thì thời hiệu thi hành là trong vòng 12 năm kể từ ngày ra phán quyết sau cùng (phán quyết sau cùng trong vụ việc này được tuyên vào 24/11/2011), cho nên phán quyết này vẫn đang còn thời hiệu thi hành án theo pháp luật của Singapore, không thuộc khoản 6 Điều 439 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Ngoài ra, phán quyết này cũng được nhân viên hành chính của CD nhận và chuyển cho người có thẩm quyền nhận. Việc CD không thực hiện kháng cáo đó là việc của công ty này. Vậy nên, việc công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án Singapore không thuộc khoản 8 Điều 439 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Đối với Điều 439 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, có thuật ngữ “trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”, tác giả kiến nghị, trong thời gian tới, cần có hướng dẫn giải thích về thuật ngữ này. Bên cạnh đó, ngày 02/7/2019 tại Phiên Ngoại giao thứ 22, Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế đã thông qua Công ước La Hay năm 2019 về công nhận và cho thi hành phán quyết nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại. Công ước là văn kiện thứ 40 được Hội nghị này thông qua kể từ khi trở thành một tổ chức quốc tế thường trực. Uruguay đã ký và trở thành quốc gia đầu tiên ký kết Công ước mới này. Nội dung của Công ước quy định chung phán quyết được đưa ra bởi Tòa án của nước ký kết (nước xuất xứ) sẽ được công nhận và thi hành tại nước ký kết khác (nước được yêu cầu) theo quy định của chương này. Việc công nhận hoặc thi hành chỉ có thể bị từ chối với lý do được quy định trong Công ước này. Nếu như việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài đã có một công ước đa phương đó là Công ước New York về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài năm 1958 thì Công ước La Hay năm 2019 sẽ được xem như là một công ước dành cho phán quyết của Tòa án. Vì vậy, trong thời gian tới, tác giả kiến nghị, Việt Nam nên có sự xem xét đánh giá, thẩm định và tiến hành các thủ tục cần thiết để tham gia Công ước La Hay năm 2019, nhằm có một văn bản đa phương trong việc công nhận và cho thi hành phán quyết nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại.
Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay thì việc công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài thể hiện nhiều ý nghĩa như góp phần bảo vệ quyền lợi ích của các bên, giảm thiểu trường hợp cùng một nội dung vụ việc mà giải quyết hai lần và tăng cường mối quan hệ hợp tác ở nhiều lĩnh vực giữa các quốc gia với nhau, tạo thêm niềm tin cho các doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia xác lập quan hệ.
Khoa Luật, Đại học Sài Gòn
1. Quyết định sơ thẩm số 1495/2018/QĐST-KDTM ngày 25/10/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án của Tòa án nước ngoài.
2. Quyết định phúc thẩm số 25/2019/QĐPT-KDTM ngày 27/5/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh về việc yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án của Tòa án nước ngoài