Trong lĩnh vực báo chí, năm 2020 là năm có nhiều dấu ấn quan trọng trong công tác chỉ đạo, quản lý và hoạt động báo chí: Công tác chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí tiếp tục được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, thuyết phục, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm; việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường, nhất là đối với những sai phạm liên quan đến việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, tình trạng “báo hóa” các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội “núp bóng” hoạt động như cơ quan báo chí. Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (Quy hoạch báo chí) được triển khai quyết liệt, cơ bản bảo đảm tiến độ. Chú trọng, tăng cường bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, nhà báo; thực hiện tốt quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam. Các cơ quan báo chí chủ động đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, tính chuyên sâu của các chương trình, tin, bài, đặc biệt là các tuyến tin, bài thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển đảo; các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội…
1. Thực trạng phát triển của cơ quan báo chí hiện nay[1]
Thực hiện Quy hoạch báo chí, trong năm 2020, cả nước đã giảm 71 cơ quan báo chí so với năm 2019. Tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 Báo (Trung ương: 68, địa phương: 74, 112 báo có hoạt động báo điện tử); 612 Tạp chí (Trung ương: 520, địa phương: 92, có 98 tạp chí có hoạt động tạp chí điện tử); 25 Cơ quan báo chí điện tử độc lập (09 báo điện tử và 16 tạp chí điện tử). Cả nước có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động PTTH với 02 đài quốc gia (Đài THVN, Đài TNVN), 01 Đài TH kỹ thuật số VTC, 64 đài địa phương, 05 đơn vị hoạt động truyền hình (Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Công an Nhân dân, Truyền hình Quốc hội) với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình. Có 02 địa phương đã chuyển đổi sang mô hình tòa soạn hội tụ, đó là: Trung tâm truyền thông Quảng Ninh và Đài phát thanh, truyền hình và Báo Bình Phước.
+ Về tài chính: Trong năm 2020, sự phát triển mạnh mẽ truyền thông xã hội trên không gian mạng cùng những khó khăn của kinh tế, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, số lượng phát hành và quảng cáo của nhiều cơ quan báo chí giảm mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế báo chí. Đối với báo in và báo điện tử, tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng theo báo cao của nhiều cơ quan báo chí, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, doanh thu các quý II, quý III, quý IV đã giảm mạnh so với trước. Có cơ quan báo chí sụt giảm đến 70% doanh thu quảng cáo, tài trợ, hợp tác truyền thông. Về phát thanh, truyền hình, trong số 65/72 cơ quan phát thanh truyền hình (gọi là Đài PTTH), có 16 cơ quan là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; 02 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 45 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 02 đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm chi thường xuyên. Tổng doanh thu năm 2020 của khối Đài PTTH đạt khoảng 9/471 tỷ đồng, trong đó doanh thu quảng cáo là 5.723 tỷ đồng; doanh thu khác là 1.864 tỷ đồng, trong đó doanh thu quảng cáo năm 2020 giảm 4% so với năm 2019; tổng lợi nhuận của các Đài PTTH năm 2020 là 1.027 tỷ đồng, giảm 8% so với năm 2019; số kinh phí được NSNN cấp là 3.420 tỷ đồng (chủ yếu là kinh phí chi thường xuyên, dự án, chương trình mục tiêu…); nộp NSNN năm 2020 là 541,765 triệu đồng, giảm 7% so với năm 2019. Doanh thu của nhiều Đài PTTH giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sự cạnh tranh về quảng cáo thương mại của các phương thức truyền thông khác, mạng xã hội youtube, facebook…
+ Về nguồn nhân lực: Theo thống kê, nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có trên 41.000 người, trong đó khối PTTH là 15.768 người. Phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí chủ yếu được đào tạo từ các trường đạihọc có chuyên ngành đào tạo báo chí như Học viện Báo chí - Tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Huế, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh (Khoa quay phim) và các trường chuyên ngành khác. Cả nước hiện có 21.132 người đã cấp thẻ nhà báo (tăng 725 thẻ nhà báo so với năm 2019).
2. Một số kết quả chủ yếu trong năm 2020
2.1. Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin trên báo chí; việc tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí có nhiều đổi mới và chủ động
- Công tác chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, kịp thời hơn, quyết liệt, bám sát hơn với tình hình thực tiễn; chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội bảo đảm khách quan, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng thông tin, bảo đảm việc chỉ đạo, cung cấp thông tin thống nhất, kịp thời và thuyết phục, nhất là những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp, bảo đảm để báo chí giữ vững vai trò định hướng, chi phối thông tin trong xã hội.
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí, công tác hội nhà báo các cấp có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng chủ động, kịp thời, bám sát tình hình thực tiễn để rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các quy định mới nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực báo chí.
- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam chủ động định hướng, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả, thuyết phục trong công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hoạt động đối ngoại, công tác bảo vệ chủ quyền, các sự kiện trọng đại của đất nước; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp đưa tin sai sự thật, gây tác động tiêu cực đến lợi ích quốc gia và tổ chức, cá nhân, xã hội. Với phương châm triển khai quyết liệt, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần bảo đảm báo chí giữ được vai trò tiên phong, định hướng, tạo đồng thuận trong xã hội và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và đóng góp quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta.
- Ban hành kịp thời nhiều đề án, kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền đối với các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, như: Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, 90 năm thành lập Đảng, 130 năm sinh nhật Bác, 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các sự kiện đối ngoại quan trọng của đất nước: Việt Nam giữ cương vị Ủy ban Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; Chủ tịch AIPA 41; Chủ tịch ASEAN…, qua đó, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí chủ động trong hoạt động và tác nghiệp, phản ánh khách quan về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới, biển đảo, đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, chống phá từ các thế lực thù địch; tăng cường cung cấp thông tin và chỉ đạo thông tin theo định hướng về các chương trình, mục tiêu lớn của Đảng, Nhà nước tạo sự đồng thuận trong xã hội.
- Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các cuộc họp giao ban công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí; tổ chức nhiều cuộc họp chuyên đề giữa cơ quan chỉ đạo với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản báo chí nhằm quán triệt việc thực hiện Quy hoạch báo chí, chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp; lưu ý, nhắc nhở kịp thời các hành vi vi phạm. Năm 2020 cũng là năm đầu tiên triển khai thêm các cuộc họp giao ban riêng với các tạp chí, qua đó đã cung cấp đầy đủ thông tin và kịp thời định hướng trực tiếp thông tin cho nhiều cơ quan tạp chí mà trước đây ít có điều kiện tham gia giao ban hàng tuần. Đồng thời phối hợp, tạo điều kiện cho đại diện các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc cung cấp, phản hồi thông tin tại giao ban báo chí.
- Công tác chỉ đạo, quản lý thông tin báo chí có bước chuyển mạnh mẽ về tư duy quản lý từ cách làm cũ sang cách làm mới “quản lý theo số lớn”, trong đó việc sử dụng công nghệ để đo đếm, đánh giá, xếp hạng… đóng vai trò tiền đề quan trọng quyết định trong phân tích, tổng hợp để nắm bắt, nhận biết các xu thế thông tin, phát hiện các biểu hiện cần có sự điều chỉnh kịp thời. Thể hiện rõ nét nhất trong công tác chỉ đạo, quản lý thông tin trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đã dựa trên cơ sở kết quả phân tích, tổng hợp xu hướng thông tin để kịp thời điều tiết thông tin theo hướng tăng cường các thông tin tích cực tạo niềm tin, ổn định dư luận xã hội trong các đợt bùng phát dịch, ngăn chặn có hiệu quả các xu hướng thông tin có thể gây tâm lý bất an trong nhân dân.
- Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp trong việc đấu tranh xử lý thông tin xấu độc trên môi trường mạng internet, đạt được kết quả bước đầu tích cực.
- Việc triển khai áp dụng 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam bước đầu phát huy tác dụng. Các cấp hội quan tâm tăng cường công tác kiểm tra, giải quyết xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
- Cơ quan chỉ đạo, quản lý tiếp tục áp dụng các giải pháp kỹ thuật giám sát việc gỡ bài, sửa bài của các cơ quan báo chí, góp phần chấn chỉnh tình trạng gỡ, sửa tin, bài tùy tiện, thiếu nguyên tắc.
- Công tác quản lý của cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí trực thuộc có nhiều đổi mới, bám sát thực tiễn. Nhiều địa phương đã chủ động ban hành các quy trình, quy chế phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin với báo chí, nhất là những vấn đề quan trọng. Nhìn chung, các cơ quan chủ quản đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi (cả về kinh phí, cơ sở vật chất, biên chế, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ…) cho cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên…, giúp cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và có cơ hội để phát triển các mô hình tòa soạn hiện đại, theo kịp sự phát triển của xã hội. Nâng cao trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, vướng mắc của tổ chức, cá nhân liên quan đến cơ quan báo chí trực thuộc, bảo đảm sự công bằng, khách quan.
2.2. Công tác xây dựng chính sách và kiện toàn hệ thống pháp luật về báo chí
Trong năm 2020, các cơ quan quản lý báo chí tiếp tục xây dựng, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành và chủ động ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động tốt hơn. Để khắc phục tình trạng “báo hóa tạp chí”, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành thông tư thay thế Thông tư số 48/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, mở chuyên trang của báo điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san để xác định rõ tính chuyên ngành trong đề án của các cơ quan, tổ chức đề nghị cấp phép tạp chí điện tử và các mẫu tờ khai, giấy phép liên quan nhằm đảm bảo tạp chí điện tử hoạt động đúng tính chất. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và đề xuất với Chính phủ về Đề án hỗ trợ cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị và thông tin tuyên truyền thiết yếu nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển các cơ quan báo chí theo hướng hiện đại.
2.3. Công tác triển khai quy hoạch báo chí
Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành địa phương, đơn vị liên quan tập trung cao điểm thực hiện Quy hoạch báo chí đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tổng số 78 cơ quan, tổ chức, địa phương phải thực hiện sắp xếp, quy hoạch báo chí trong năm 2019 và năm 2020 theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (Quyết định số 362/QĐ-TTg).
Tiến độ quy hoạch đến nay, tổng số 61/78 cơ quan, tổ chức, địa phương đã hoàn thành thực hiện sắp xếp, quy hoạch báo chí, hiện đang xem xét, xử lý hồ sơ của các trường hợp còn chưa hoàn thành quy hoạch, đảm bảo đúng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Việc triển khai quy hoạch, sắp xếp các cơ quan báo chí trong giai đoạn 02 năm (2019 và 2020) đã cơ bản đảm bảo đúng phương án, lộ trình theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 362/QĐ-TTg và Kế hoạch số 1738/KH-BTTTT ngày 04/6/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Cơ quan chức năng tổ chức nhiều buổi làm việc trực tiếp với các cơ quan chủ quản có báo chí phải quy hoạch, sắp xếp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, ban hành và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành nhiều văn bản đôn đốc triển khai và hướng dẫn việc thực hiện quy hoạch, sắp xếp các cơ quan báo chí. Cơ quan chuyên môn đã phải hướng dẫn nhiều lần để các cơ quan chủ quản hoàn thành hồ sơ (có những cơ quan phải trao đổi, hướng dẫn, làm việc, đôn đốc đến 10 lần); đồng thời, đã nỗ lực thẩm định, xử lý hơn 100 hồ sơ trong một thời gian ngắn. Tiến hành cấp phép chuyển đổi mô hình hoạt động từ báo thành tạp chí, sáp nhập, chuyển đổi cơ quan chủ quản chặt chẽ, đúng quy định pháp luật; tôn chỉ, mục đích của tạp chí thể hiện đúng tính chất chuyên sâu, chuyên ngành, đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học, tham gia tư vấn, phản biện chính sách về lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản.
2.4. Công tác rà soát, chấn chỉnh hoạt động của cơ quan báo chí, văn phòng đại diện, phóng viên, cộng tác viên
Năm 2020, cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí đã tăng cường rà soát tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, xử lý nghiêm các trường hợp cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích; tiến hành kiểm tra một số cơ quan báo chí, văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí; đo lường định lượng độc giả, đánh giá hiệu quả nội dung thông tin trên cơ sở số liệu thống kê để từ đó nhận định, đánh giá được “dòng chảy của báo chí”; xây dựng bộ công cụ đánh giá tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí nhằm phát hiện sai phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản yêu cầu tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ quan báo chí và xử lý nghiêm hành vi vi phạm luật về báo chí.
2.5 Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí
Năm 2020, các cơ quan quản lý tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm các thông tin sai sự thật; triển khai các biện pháp kỹ thuật, tích cực đàm phán, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc, phản động, sai sự thật, quảng cáo vi phạm pháp luật.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các cơ quan quản lý báo chí đã điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra và chuyển mạnh sang hình thức giám sát, kiểm tra đột xuất theo chuyên đề khi có dấu hiệu vi phạm. Triển khai thanh tra, kiểm tra 10 tạp chí chuyên sâu vào việc thực hiện quy định của giấy phép, thực hiện tôn chỉ, mục đích, tập trung giải quyết vấn đề “báo hóa tạp chí” đã đạt được kết quả cụ thể, được xã hội đồng tình, ủng hộ.
Kể từ ngày 01/12/2020, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản có hiệu lực, theo đó lực lượng thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền xử lý đối với tất cả các cơ quan báo chí ở trung ương và địa phương, do đó sẽ góp phần giúp cho việc xử lý các hành vi vi phạm kịp thời và hiệu quả hơn.
- Về xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo; nâng cao hiệu quả hoạt động của đường dây nóng về báo chí:
+ Các đơn vị chức năng của Bộ đã tiếp nhận 528 đơn thư khiếu tố, kiến nghị của cá nhân và các tổ chức. Các đơn thu đã được giải quyết dứt điểm; những trường hợp không thuộc thẩm quyền sẽ được cơ quan quản lý hướng dẫn và chuyển đến các cơ quan, đơn vị để giải quyết theo đúng thẩm quyền. Nội dung các đơn thư phản ánh chủ yếu là: Cung cấp thông tin giả mạo, không đúng sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác. Một số cơ quan báo chí bị xử phạt vì tông tin sai sự thật, thông tin không đúng quy định trong giấy phép; thông tin thiếu nhạy cảm chính trị, không bám sát chỉ đạo, định hướng thông tin. Tại địa phương, đã có trên 50 Sở Thông tin và Truyền thông hoàn thành việc thiết lập đường dây nóng báo chí, đồng thời thiết lập cổng thông tin để cung cấp thông tin về các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân ở địa phương khi làm việc với các phóng viên báo chí và góp phần ngăn chặn hiệu quả tình trạng lợi dụng báo chí hoặc giả danh báo chí để trục lợi.
+ Hội Nhà báo Việt Nam đã tiếp nhận 111 đơn thư phản ánh, khiếu nại tố cáo, trong đó 21 đơn thư liên quan đến việc hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp; 56 đơn thư khiếu nại về thông tin trên báo chí không chính xác; có hơn 08 vụ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trong đó Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức cấp Trung ương đã ra quyết định khai trừ, thu hồi thẻ hội viên của 02 trường hợp vi phạm pháp luật do có hành vi tống tiền đồng nghiệp bị bắt tại Quảng Ninh.
- Về kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp:
Các cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ một số giải pháp chấn chỉnh, xử lý tình trạng “báo hóa tạp chí” như: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với tạp chí không thực hiện đúng với tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; công khai tôn chỉ, mục đích của tất cả cơ quan báo chí lên cổng thông tin điện tử của Bộ, đồng thời có văn bản thông báo rộng rãi tới các cơ quan hành chính trên cả nước cân nhắc việc cung cấp các thông tin cho báo chí theo đúng quy định của pháp luật.
- Công tác rà soát, gỡ bỏ thông tin xấu độc trên mạng
Năm 2020, công tác ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên không gian mạng đã đạt được hiệu quả cao nhất từ trước tới nay. Các cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, pháp lý, truyền thông, kinh tế… để đấu tranh quyết liệt với các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook và Google để thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của phía Việt Nam.
3. Một số hạn chế trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí
- Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí đã có nhiều đổi mới, tuy nhiên trong một số trường hợp khi xảy ra các vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm, diễn biến nhanh nhưng việc ứng dụng công nghệ còn hạn chế dẫn tới làm chậm sự lan toả của các thông tin dẫn dắt dư luận xã hội; trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, có lúc còn chưa kịp thời điều tiết thông tin dẫn đến tần suất, liều lượng thông tin dồn dập, quá mức tạo tâm lý bất an, hoang mang trong xã hội, nhất là việc phản ứng của các cơ quan, đơn vị, các ngành có liên quan đến sự việc nhạy cảm còn lúng túng, chưa kịp thời.
- Việc xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, nhất là đối với các tạp chí điện tử trực thuộc Hội đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả cụ thể nhưng đây vẫn còn là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội và giới báo chí.
- Một số định mức kinh tế kỹ thuật về báo chí và cơ chế đặt hàng báo chí chưa tháo gỡ triệt để, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng và gặp khó khăn trong việc áp dụng vào thực tế.
- Sự phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản trong quản lý báo chí có lúc, có nơi còn chưa chủ động, kịp thời. Một số cơ quan báo chí có những vi phạm nghiêm trọng, đã được nhắc nhở, phê bình, đề nghị cơ quan chủ quản làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và các cá nhân liên quan nhưng cơ quan chủ quản không tích cực chấn chỉnh, xử lý kỷ luật hoặc xử lý không nghiêm.
- Tiêu chuẩn, quy chuẩn bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí của một số cơ quan chủ quản thực hiện chưa chặt chẽ. Vẫn còn tình trạng cơ quan chủ quản chưa quan tâm đúng mức công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí thuộc quyền.
4. Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021
Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Hoà bình, hợp tác, liên kết phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia, đối tác lớn trong khu vực, trên biển tiếp tục diễn ra gay gắt; thách thức của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh phi truyền thống, tình hình Biển Đông phức tạp, đặc biệt là những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 có thể kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khủng hoảng về tài chính, tiền tệ, nợ công trên phạm vi toàn cầu và những thách thức đối với thương mại, đầu tư, tăng trưởng, bất bình đẳng, nghèo đói và các vấn đề xã hội sẽ có tác động không nhỏ tới việc phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân.
Trước những thuận lợi, khó khăn, cùng với thách thức đan xen, các cơ quan báo chí, đội ngũ làm báo, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí đòi hỏi cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế, khuyết điểm như đã nêu ở trên, rút ra bài học kinh nghiệm, nỗ lực hơn nữa, phát huy kết quả năm 2020 và cả nhiệm kỳ qua để tiếp tục nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tậm trong năm 2021.
- Đối với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí
+ Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự phối hợp với Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí; tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Quy hoạch báo chí.
+ Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí thông tin đầy đủ, kịp thời các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, phản ánh đậm nét những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, nhất là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa nền kinh tế hồi phục nhanh sau đại dịch Covid-19.
+ Đổi mới công tác chỉ đạo việc tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đảm bảo có sự tham gia và phối hợp tích cực, chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan chức năng và báo chí.
+ Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và hệ thống báo chí để rà soát, đánh giá đầy đủ, toàn diện những vấn đề phát sinh, bất cập của quy định pháp luật, làm cơ sở để đề xuất sửa đổi Luật Báo chí trong năm 2021, trong đó chú trọng quản lý nội dung đi đôi với quản lý nền tảng, công nghệ, vừa tạo điều kiện cho báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu, vừa phát triển các nội dung giải trí.
+ Đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ đo lường hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, quản lý báo chí; có cơ chế, giải pháp thúc đẩy phát triển nhóm cơ quan báo chí chủ lực để thực hiện tốt công tác định hướng dư luận xã hội, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…; Triển khai Đề án “Hỗ trợ báo chí thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu giai đoạn 2021 - 2025” sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành; đổi mới, tăng cường các giải pháp đấu tranh, xử lý thông tin sai trái, vi phạm pháp luật Việt Nam trên nền tảng truyền thông xuyên biên giới; tăng cường các biện pháp hỗ trợ cơ quan báo chí, bảo vệ bản quyền báo chí nhằm thúc đẩy phát triển nội dung trong nước.
- Đối với cơ quan chủ quản báo chí
+ Tuân thủ và thực hiện nghiêm Quy hoạch báo chí; xây dựng lộ trình tự chủ của các cơ quan báo chí phù hợp với Quy hoạch; chú trọng đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí.
+ Tăng cường công tác chỉ đạo định hướng về chính trị, tư tưởng, việc thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với cơ quan báo chí trực thuộc; có quy chế quy định cụ thể nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí về mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn, đặc biệt là đối với sai phạm của cơ quan báo chí.
+ Quan tâm, tạo cơ chế để cơ quan báo chí có điều kiện nâng cấp, kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và thực hiện nhiệm vụ chính trị thông tin, tuyên truyền.
+ Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ và chấp hành pháp luật của các cơ quan báo chí; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Hội Nhà báo xử lý kiên quyết, kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về thông tin, xa rời tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí.
- Đối với cơ quan báo chí
+ Tăng cường xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh, tăng cường bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ của người làm báo.
+ Tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về báo chí. Đề xuất, kiến nghị kịp thời các biện pháp giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật về báo chí và pháp luật liên quan, nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí, tránh hiệu ứng tiêu cực đối với đời sống báo chí.
+ Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí về mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn, nhất là việc chấn chỉnh các sai phạm của cơ quan, phóng viên báo chí, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên, vấn đề tuyển dụng, quản lý và sử dụng biên tập viên, phóng viên, có cơ chế chặt chẽ đối với cộng tác viên; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt sứ mạng của báo chí cách mạng, phát huy tối đa lợi thế của mình trong việc định hướng, dẫn dắt thông tin xã hội.
+ Tập trung tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh đậm nét những diễn biến quan trọng của đời sống chính trị của đất nước đặc biệt là các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới; chủ động tăng cường các tuyến tin, bài liên quan đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội, góp phần phản ánh góc nhìn của đông đảo các tầng lớp nhân dân đối với việc xây dựng, ban hành và thực thi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
+ Ứng dụng công nghệ hiện đại, quan tâm đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và thường xuyên đổi mới, sáng tạo trong việc sản xuất, phát sóng các chương trình, tin, bài, làm cho nội dung thông tin trở nên hấp dẫn, sinh động, thiết thực, có chiều sâu, có thông điệp truyền tải rõ ràng và bám sát với thực tế; nâng cao tính thuyết phục của các chuyên mục, chương trình, tin, bài về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên mạng, kịp thời phản bác các luận điệu thù địch, các phần tử cơ hội chính trị góp phần tạo lập dư luận xã hội đúng đắn, tích cực, tránh tạo ra “điểm nóng”, tiêu cực và làm suy giảm niềm tin trong xã hội; khắc phục triệt để tình trạng giật tít, tạo sự nhầm lẫn cho độc giả.
+ Tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, rà soát, hoàn thiện các quy trình, quy chế hoạt động của cơ quan để thực hiện tốt Quy hoạch báo chí, Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
+ Thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác báo chí, hoạt động báo chí, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của người làm báo; tăng cường rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo; có giải pháp quản lý chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú và cộng tác viên hoạt động tốt, đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí và quy định của Luật Báo chí.
+ Các phóng viên, nhà báo cần tích cực tự đổi mới tư duy, hoàn thiện kỹ năng và tiếp cận các công cụ, thiết bị mới, giữ vững bản lĩnh chính trị, tuân thủ nghiêm quy trình tác nghiệp để sáng tạo ra các tác phẩm báo chí có nội dung đặc sắc, nổi bật, cuốn hút, bắt kịp nhu cầu công chúng.
(Bài viết sử dụng “Tài liệu Hội nghị báo chí toàn quốc Tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021” do Bộ Thông tin và truyền thông, Ban Tuyên giáo trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 31/12/2020 tại Quảng Ninh)