1. Vai trò của pháp luật quốc tế trong đời sống quốc tế và Việt Nam
Trên thế giới, các quốc gia tồn tại cùng các điều kiện địa lý, tự nhiên, chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội khác nhau nhưng có quan hệ, tác động qua lại với nhau trong quá trình tồn tại và phát triển
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế thì sự tác động qua lại, phụ thuộc lẫn nhau trong quá trình phát triển lại càng trở lên chặt chẽ, sâu sắc hơn bao giờ hết. Những mối quan hệ đó được quy định, ràng buộc bởi các quy tắc được các quốc gia xây dựng hoặc thừa nhận chung được gọi là pháp luật quốc tế. Do đó, mức độ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế càng sâu rộng thì công tác pháp luật quốc tế càng trở lên quan trọng đối với mỗi quốc gia trong sự phát triển, hội nhập quốc tế của mình.
Công tác pháp luật quốc tế của đất nước ta, trong đó có nhiệm vụ tham gia vào quá trình xây dựng các quy tắc pháp lý quốc tế và bảo đảm thực hiện các quyền, nghĩa vụ của Việt Nam theo pháp luật quốc tế do nhiều cơ quan, tổ chức trong nước thực hiện, trong đó mắt xích đóng vai trò cầu nối giữa pháp luật trong nước với pháp luật quốc tế thuộc về nhiệm vụ của Bộ Tư pháp. Chính vì vậy, công tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp có tác động tích cực đến hội nhập và phát triển của đất nước thể hiện ở những khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, công tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp góp phần bảo đảm “an toàn” về mặt pháp lý, gắn kết với pháp luật trong nước của quá trình xây dựng, thực hiện pháp luật quốc tế của các cơ quan nhà nước Việt Nam. Điều này có nghĩa là các quy tắc pháp lý quốc tế mà Việt Nam tham gia xây dựng có sự tương thích với pháp luật trong nước và ngược lại; ít tạo ra rủi ro pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; bảo đảm lợi ích của Việt Nam trong các quan hệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thứ hai, công tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp góp phần tích cực vào cải cách, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn chung tiến bộ của quốc tế thông qua việc tiếp thu những quy định tốt của pháp luật quốc tế.
Thứ ba, công tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp đóng góp vào việc bảo đảm cho Việt Nam sử dụng hiệu quả pháp luật quốc tế cũng như giải quyết hiệu quả các vấn đề pháp lý phát sinh từ các quan hệ quốc tế và tham gia vào quá trình hội nhập của cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả tranh chấp quốc tế liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân của Việt Nam.
2. Một số kết quả đạt được trong công tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp thời gian qua
Công tác pháp luật quốc tế có trong chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp từ khi Bộ Tư pháp được tái thành lập năm 1981. Từ đó đến nay, chức năng và nhiệm vụ về pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp được bổ sung, phát triển để đảm nhiệm các công việc ngày một khó khăn, phức tạp hơn nhằm góp phần bảo vệ lợi ích của quốc gia, phát triển đất nước trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng, với những kết quả đáng kể như sau:
Một là, chủ trì các luật/bộ luật, văn bản dưới luật có tác động lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội và bảo đảm thực hiện hội nhập quốc tế của đất nước như Luật Tương trợ tư pháp, Bộ luật Dân sự, Nghị quyết số 71/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tham gia vào việc xây dựng Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hàng hải, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Biển Việt Nam, Luật Đấu thầu, Luật Bưu chính viễn thông, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm và nhiều luật, bộ luật khác.
Hai là, tham gia đàm phán một khối lượng lớn các điều ước quốc tế, trong đó có những điều ước có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước, như chủ trì đàm phán các hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, các công ước trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế; tham gia đàm phán gia nhập WTO, các hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm cả FTA thế hệ mới (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA)); đồng thời, chủ trì đàm phán và cấp ý kiến pháp lý cho các điều ước quốc tế và thoả thuận vay vốn nước ngoài, thỏa thuận phát hành trái phiếu quốc tế, thư bảo lãnh Chính phủ, các tài liệu văn kiện dự án đầu tư lớn và trọng điểm quốc gia.
Ba là, tham gia có hiệu quả, có trách nhiệm cao vào quá trình giải quyết các tranh chấp quốc tế, nhất là việc chủ trì, đại diện pháp lý cho Chính phủ trong tranh chấp đầu tư quốc tế và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý các vụ việc tiền tranh chấp đầu tư quốc tế.
Bốn là, thực hiện một cách chủ động và toàn diện công tác nhân quyền thuộc phạm vi, trách nhiệm của Bộ Tư pháp, trong đó có nhiệm vụ đầu mối về thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR); qua đó, bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia cũng như nâng cao việc bảo vệ và thực hiện trên thực tế quyền con người, quyền công dân.
Năm là, đảm nhận hiệu quả công tác tương trợ tư pháp, với các nhiệm vụ như quản lý nhà nước thống nhất về tương trợ tư pháp; đàm phán, ký kết hiệp định tương trợ tư pháp, bao gồm cả các công ước quốc tế trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế; thực hiện với số lượng lớn các ủy thác tư pháp dân sự (3.000 - 4.000 hồ sơ/năm).
Ngoài ra, các đơn vị khác của Bộ Tư pháp cũng đã góp phần vào việc phát triển công tác pháp luật quốc tế của đất nước thông qua việc phát triển hệ thống lý luận khoa học và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về pháp luật quốc tế.
3. Nhận diện những thách thức và nhiệm vụ đặt ra cho công tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp trong giai đoạn mới
3.1. Thách thức
Thứ nhất, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác pháp luật quốc tế đan xen vào mọi lĩnh vực công tác của Bộ Tư pháp, trong đó giữ vai trò trung tâm của nhiệm vụ này là Vụ Pháp luật quốc tế. Điều đó đòi hỏi các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cần thống nhất trong nhận thức và hành động trong công tác pháp luật quốc tế ở lĩnh vực công tác của đơn vị mình cũng như của Bộ, Ngành Tư pháp để có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả trong thực hiện.
Thứ hai, công tác pháp luật quốc tế nói chung được nhiều bộ, ngành cùng thực hiện nên cần xác định được đúng trọng tâm, đặc thù trong phát triển lĩnh vực thuộc về công tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp để tạo sự đồng bộ, hiệu quả trong mối quan hệ với thực hiện các nhiệm vụ chung về pháp luật quốc tế của Bộ, ngành, cơ quan khác theo yêu cầu tại các văn bản của Đảng, Nhà nước như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới...
Thứ ba, trong điều kiện nguồn lực hạn chế do tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế cũng như tiết kiệm chi tiêu ngân sách thì Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp phải có giải pháp phù hợp với nguồn lực được giao để đạt hiệu quả, chất lượng cao trong công việc về pháp luật quốc tế.
Thứ tư, do xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, công tác pháp luật quốc tế sẽ ngày càng nhiều, phức tạp; cán bộ, công chức làm công tác này phải nhanh chóng đáp ứng yêu cầu mới về làm việc trong môi trường quốc tế. Trong điều kiện đó, Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp phải có giải pháp khả thi về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực pháp luật quốc tế để trong tương lai gần đạt tiêu chuẩn quốc tế, khu vực.
3.2. Nhiệm vụ đặt ra
Trong thời gian tới, với những thách thức nêu trên, công tác pháp luật quốc tế tiếp tục tăng về khối lượng và mức độ phức tạp của công việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam và sự phát triển nhanh của pháp luật quốc tế. Do đó, công tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp cần có những định hướng mới trong phát triển để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ, tham gia thiết thực, hiệu quả vào việc bảo đảm cơ sở pháp luật vững chắc và xử lý được những vấn đề pháp lý phức tạp phát sinh từ hội nhập quốc tế của đất nước. Để có thể đảm nhiệm được sứ mệnh này, trong những năm tiếp theo, công tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp cần thực hiện một số định hướng sau đây:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm, hiệu quả những chủ trương, định hướng của Đảng liên quan đến phát triển công tác pháp luật quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, bao gồm cả Nghị quyết số 25-NQ/BCSĐ ngày 14/4/2022 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về những định hướng lớn về công tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp đến năm 2030. Trên cơ sở đó, tăng cường nhận thức đúng, đầy đủ cho cán bộ, công chức, đảng viên của Bộ, Ngành Tư pháp về vai trò của pháp luật quốc tế trong quá trình này của Việt Nam.
Thứ hai, chủ động, tích cực hơn trong tham gia xây dựng quy tắc pháp lý quốc tế; phát huy tối đa vai trò của pháp luật quốc tế, coi pháp luật quốc tế là một trong những công cụ quan trọng để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và giải quyết các vấn đề quốc tế cũng như bảo vệ lợi ích của quốc gia, nhất là trong giải quyết các tranh chấp quốc tế liên quan tới Nhà nước, cơ quan nhà nước Việt Nam; tiếp tục góp phần hoàn thiện pháp luật điều chỉnh về mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước.
Thứ ba, bảo đảm khuôn khổ pháp luật về tư pháp quốc tế có thể xử lý, điều chỉnh hiệu quả các quan hệ có yếu tố nước ngoài; nghiên cứu hoàn thiện các quy phạm pháp luật xử lý xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền; xây dựng Bộ Tư pháp thành trung tâm lớn về tư pháp quốc tế của cả nước.
Thứ tư, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học về pháp luật quốc tế; bảo đảm cán bộ, công chức Ngành Tư pháp đều được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật quốc tế phù hợp để thực hiện nhiệm vụ, tiến tới có thể mở rộng việc trang bị kiến thức pháp lý cho cán bộ, công chức làm công tác pháp luật, pháp chế của các bộ, ngành, địa phương; từng bước hình thành đội ngũ chuyên gia sâu về các lĩnh vực chủ yếu của pháp luật quốc tế ngang tầm khu vực và quốc tế, sẵn sàng đáp ứng đủ điều kiện làm việc tại các tổ chức quốc tế về pháp luật và tư pháp; công tác dự báo, đánh giá, nghiên cứu khoa học pháp luật quốc tế cần đi trước một bước để góp phần tham mưu, đề xuất chính sách sát với yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, trong những năm tiếp theo Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc tận dụng được tối đa những lợi thế từ quá trình hội nhập này để bảo vệ, phát triển đất nước là mục tiêu cao nhất. Với xu thế, quan điểm như vậy, công tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp phải ngày càng đóng vai trò quan trọng để góp phần thực hiện thành công công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; đồng thời, là cầu nối tiếp thu những quy định pháp luật quốc tế, pháp luật nước ngoài tốt, phù hợp với điều kiện Việt Nam nhằm hiện đại hoá pháp luật trong nước. Để thực hiện được nhiệm vụ nêu trên trong điều kiện mà hội nhập quốc tế đã “thấm đẫm” trong mọi lĩnh vực công tác của Bộ, Ngành Tư pháp thì đòi hỏi các đơn vị, toàn thể cán bộ, công chức của Bộ, Ngành Tư pháp phải nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với công tác pháp luật quốc tế nhằm thống nhất trong hành động, thực hiện toàn diện, hiệu quả các định hướng, giải pháp đã được Đảng, Nhà nước và Bộ Tư pháp đề ra, tiếp tục tạo sự đột phá cho sự phát triển cho công tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp.
ThS. Bạch Quốc An
Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 385), tháng 7/2023)