1. Thực tiễn công tác phối hợp trong thi hành án dân sự
Tuy nhiên, trong thực tiễn, công tác phối hợp trong thi hành án dân sự giữa các cơ quan, tổ chức với các chấp hành viên, cơ quan thi hành án vẫn còn những hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết việc thi hành án của chấp hành viên và cơ quan thi hành án. Điều này được thể hiện qua các trường hợp như nội dung bản án tuyên không rõ ràng, các cơ quan hữu quan có trách nhiệm thiếu hợp tác, nên việc thi hành án khó đạt hiệu quả cao. Cụ thể, có những bản án của Tòa án tuyên kê biên tài sản là quyền sử dụng đất của đương sự để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án, nhưng nội dung tuyên không rõ vị trí thửa đất, số lô, số thửa và không có trích lục bản đồ địa chính của thửa đất gửi kèm bản án, quyết định để cơ quan thi hành án tổ chức thi hành. Một số đương sự không có các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất. Cơ quan quản lý đất đai tại địa phương chưa có sự phối hợp đồng bộ, nên đã gây ra khó khăn đối với hoạt động thi hành án của chấp hành viên, cơ quan thi hành án.
Luật Thi hành án dân sự hiện hành đã quy định cụ thể về nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã (UBND) đối với công tác thi hành án dân sự, song đối với một số trường hợp, việc thực hiện phối hợp trong công tác thi hành án của công chức ở cơ sở cũng như các cơ quan liên quan chưa quyết liệt, vẫn còn xem nhiệm vụ thi hành án dân sự là nhiệm vụ chỉ của riêng cơ quan thi hành án, cho nên, hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự còn có phần thụ động. Để giải quyết xong hoàn toàn một việc thi hành án dân sự phức tạp, chấp hành viên phải thực hiện nhiều thủ tục, liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau, từ việc thông báo, tống đạt các giấy tờ, quyết định thi hành án, đến việc xác minh điều kiện nhân thân, tài sản của các đương sự và áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án. Chỉ một trong các khâu phối hợp thực hiện chưa đạt yêu cầu, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình thi hành án, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết thi hành án, vì vậy, chấp hành viên, cơ quan thi hành án rất cần sự phối hợp cao hơn nữa của các cơ quan hữu quan, các tổ chức đoàn thể trong toàn bộ hệ thống chính trị để công tác thi hành án dân sự đem lại hiệu quả cao nhất, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ và sự mong đợi của toàn xã hội.
Để hoạt động thi hành án dân sự đạt hiệu quả, cần có sự chỉ đạo thống nhất của cấp ủy Đảng và UBND các cấp, các ban, ngành địa phương cần phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự để giải quyết dứt điểm những vụ việc có khó khăn, vướng mắc, đồng thời hạn chế thấp nhất những vụ việc tái chiếm lại tài sản sau cưỡng chế, chuyển giao. Hàng năm, Chủ tịch UBND cấp huyện cần có văn bản chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và UBND cấp xã phối hợp chặt chẽ với đơn vị thực hiện công tác thi hành án dân sự.
Các thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện phụ trách ngành, lĩnh vực cần chỉ đạo sát sao các công chức thực hiện tại địa bàn cấp xã và phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự để giải quyết khó khăn vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự tại địa bàn được giao phụ trách. Đối với loại án có điều kiện thi hành thì tiến hành vận động đối tượng phải thi hành án tự nguyện thi hành hoặc thân nhân tự nguyện nộp tiền thay. Ban Chỉ đạo cần thường xuyên chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự và chính quyền cấp xã rà soát đối tượng phải thi hành án là đảng viên, cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên trên địa bàn thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thi hành án, tránh để dây dưa, kéo dài
Bên cạnh đó, vai trò phối hợp của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, các cơ quan hữu quan có liên quan chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Viện kiểm sát nhân dân thực hiện kiểm sát tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án dân sự, giúp cho cơ quan thi hành án và chấp hành viên kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa nhiều vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự. Đối với Tòa án nhân dân, trong quá trình tổ chức thi hành án, có nhiều bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ ràng, có sai sót về số liệu…, đặt ra yêu cầu giải thích thì Tòa án cần kịp thời ra văn bản giải thích, đính chính, tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án của chấp hành viên, phối hợp tốt với cơ quan thi hành án dân sự để tiến hành xét miễn, giảm án phí, tiền phạt theo quy định của pháp luật nhằm đạt hiệu quả cao. Đối với lực lượng công an, cần tham gia phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án khi có yêu cầu bảo vệ cưỡng chế thi hành án hoặc xác minh nhân thân của người phải thi hành án, ngăn chặn và làm hạn chế hành vi chống đối của đương sự đối với người thi hành công vụ, bảo vệ an toàn tính mạng của những người tham gia cưỡng chế và các tài sản có liên quan đến việc thi hành án. Các cơ quan chuyên môn như: Phòng Tài chính, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý Đô thị, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội… trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng tạo điều kiện thuận lợi giúp cho cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành nhiệm vụ, như: Cử người tham gia cưỡng chế, kê biên, định giá tài sản để thi hành án, lập thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản, xác nhận quyền sở hữu tài sản, cung cấp thông tin liên quan đến tài sản…
2. Bài học kinh nghiệm và một số kiến nghị
Đúc kết kinh nghiệm thực tiễn tại đơn vị và qua tìm hiểu kinh nghiệm của những đơn vị bạn cho thấy, nếu địa phương nào thực hiện tốt công tác chỉ đạo, phối hợp trong thi hành án dân sự, thì nơi đó vị thế của cơ quan thi hành án dân sự được nâng lên, tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong giải quyết mọi vấn đề phát sinh trong công tác thi hành án dân sự..., tạo được niềm tin của quần chúng vào sự nghiêm minh của pháp luật. Nhân dân sẽ hiểu được rõ hơn quyền, nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự, từ đó, góp phần cho đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, thực tiễn công tác phối hợp trong thi hành án dân sự vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là:
- Hệ thống pháp luật quy định về nguyên tắc, hình thức, trách nhiệm phối hợp, các nội dung phối hợp…, đặc biệt là nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc triển khai thực hiện công tác phối hợp cần phải được hoàn thiện hơn;
- Cấp ủy, UBND các cấp cần quan tâm sâu sát hơn đối với công tác thi hành án dân sự, đưa nhiệm vụ chỉ đạo, phối hợp trong công tác thi hành án dân sự đối với các cơ quan, đoàn thể có liên quan vào tiêu chí chấm điểm xét thi đua, khen thưởng của đơn vị hàng năm.
- Đẩy mạnh công tác quản lý thi hành án toàn diện bằng ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và số liệu hỗ trợ trực tuyến, số liệu tiếp nhận qua cơ chế 01 cửa.
- Tăng cường công tác trọng tâm của ngành là tiếp tục chú trọng việc giải quyết án trên 03 năm; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); thường xuyên nâng cao vai trò giáo dục chính trị, tư tưởng cho toàn thể cán bộ công chức trong các cơ quan thi hành án dân sự.
Chi cục thi hành án dân sự Quận 12, TP. Hồ Chí Minh