Abstract: The article presents the real situation of state management of civil affairs in north border provinces and points out limitations, difficulties, challenges and causes, from which it proposes directions for improving effect of this work in the next time.
Quản lý nhà nước về hộ tịch tại các tỉnh biên giới phía Bắc hiện nay là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp chính quyền nhằm theo dõi, kiểm tra, giám sát thực trạng và các biến động về hộ tịch, trên cơ sở đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần xây dựng các chính sách về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Thực tế thời gian qua cho thấy, quản lý nhà nước về hộ tịch tại các tỉnh biên giới phía Bắc đã thu được những kết quả đáng khích lệ, tạo bước chuyển biến tích cực trong đăng ký và quản lý hộ tịch. Tuy nhiên, công tác này cũng còn tồn tại những khó khăn, thách thức cần được định hướng khắc phục trong thời gian tới.
1. Những hạn chế, tồn tại
Từ thực tiễn công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở các tỉnh biên giới phía Bắc, có thể nhận thấy một số hạn chế, tồn tại như sau:
Thứ nhất, còn tồn tại nhiều sai sót về đăng ký và quản lý hộ tịch. Sai sót, vi phạm trong hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch vẫn còn diễn ra tại các sự kiện hộ tịch như khai sinh, khai tử, kết hôn, thay đổi, cải chính, xác định dân tộc... ở nhiều mức độ và hình thức khác nhau, cụ thể là còn thiếu căn cứ pháp lý và các điều kiện cần thiết theo quy định của pháp luật; vi phạm về trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch; thực hiện đăng ký hộ tịch khi chưa đủ điều kiện (như đăng ký lại khai sinh để hợp lý hóa giấy tờ; xác định lại dân tộc để hưởng chế độ chính sách); việc ghi chép, sử dụng hồ sơ, sổ hộ tịch chưa đảm bảo theo quy định của Luật Hộ tịch, vẫn tồn tại nhiều trường hợp tẩy xóa, sửa chữa, sao lưu sổ hộ tịch chưa đúng quy định.
Thứ hai, thiếu trách nhiệm trong quản lý hộ tịch dẫn đến việc lợi dụng đăng ký hộ tịch nhằm mục đích vụ lợi, hưởng các chính sách ưu đãi hiện hành của Nhà nước. Trong quá trình giải quyết hồ sơ thay đổi, cải chính hộ tịch, công chức tư pháp - hộ tịch chưa kiểm tra, xem xét kỹ các hồ sơ yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch đã trình lãnh đạo ủy ban ký cho phép, dẫn đến công dân lợi dụng việc thay đổi, cải chính hộ tịch để hợp pháp các loại giấy tờ cá nhân vì mục đích khác. Nhiều trường hợp phức tạp, do quen biết, nể nang, sợ công dân phản ánh, kiến nghị nên không đi thực tế xác minh làm rõ mà vẫn ký và cấp cho công dân, thực tế có nhiều trường hợp thông tin như họ và tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh trong tờ khai đăng ký hộ tịch không trùng với sổ hộ tịch hoặc bản chính giấy tờ hộ tịch.
Thứ ba, tình trạng công dân không đi đăng ký hoặc đăng ký quá hạn vẫn tồn tại. Khoản 2 Điều 5 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định nguyên tắc: “Mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân phải được đăng ký đầy đủ, trung thực, khách quan và chính xác...”. Trên thực tế, nguyên tắc này vẫn chưa được tuân thủ một cách nghiêm túc. Nhiều trường hợp đăng ký hộ tịch không kịp thời, chưa đầy đủ như khai sinh, kết hôn, khai tử quá hạn vẫn còn cao; tình trạng nhiều cặp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng chưa đủ điều kiện đăng ký hoặc không kết hôn vẫn tồn tại và có xu hướng tăng.
Thứ tư, vấn đề biên giới xuất nhập cảnh còn chưa được quản lý chặt chẽ, tình hình phụ nữ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc với nhiều mục đích như làm ăn còn xảy ra khá phổ biến. Tại Trung Quốc số phụ nữ này chung sống bất hợp pháp với công dân Trung Quốc, không đăng ký kết hôn được cho bản thân và cũng không khai sinh được cho con sau khi sinh ra, số này sau một thời gian trở về Việt Nam buộc phải đăng khai sinh cho trẻ bỏ trống phần khai về người cha.
Thứ năm, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được quan tâm thường xuyên, cơ sở hạ tầng biên giới, nhất là giao thông còn khó khăn, nhận thức của người dân thấp; kinh tế kém phát triển, đời sống nhân dân còn bị ảnh hưởng của nhiều phong tục, tập quán, thói quen lạc hậu, tình trạng tảo hôn cũng vì thế không thể dập tắt được.
2. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
Một là, thể chế đăng ký và quản lý hộ tịch còn một số tồn tại, bất cập
- Không như Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch trước đây, Luật Hộ tịch năm 2014 không quy định được cấp lại bản chính giấy khai sinh, vấn đề này hiện nay đang gây khó khăn cho công dân khi bị mất bản chính giấy khai sinh, luôn phải yêu cầu cấp trích lục bản sao, trước đó thì chỉ cần chứng thực bản sao từ bản chính, cấp xã, huyện không phải mất thời gian, kinh phí để cấp lại bản sao cho công dân.
- Theo quy định đăng ký lại khai sinh tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (Nghị định số 123/2015/NĐ-CP) quy định: “Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh, kết hôn trước đây hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người yêu cầu thường trú, thực hiện đăng ký khai sinh, kết hôn”. Quy định này gây khó khăn cho công chức tư pháp - hộ tịch khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký cho công dân, vì không có cơ sở để xác định người đó đã khai sinh chưa? Việc xác định những nội dung thông tin trong các giấy tờ tùy thân như hộ khẩu, chứng minh nhân dân, văn bằng chứng chỉ, lý lịch và các loại giấy tờ khác. Những giấy tờ trên có một số trường hợp không thống nhất với nhau về các thông tin, do đó, cần phải quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về giấy tờ đăng ký lại hộ tịch, tránh những trường hợp đương sự có ý định hợp pháp hóa giấy tờ mà công chức tư pháp - hộ tịch qua quá trình thực hiện có thể mắc sai sót, vi phạm.
- Khó khăn trong việc xác định giấy tờ “cấp chính thức hợp lệ đầu tiên” để làm căn cứ đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử. Tại các điều 24, 25, 26 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định về điều kiện, thẩm quyền và thủ tục đăng ký lại khai sinh, kết hôn và khai tử: Công chức tư pháp - hộ tịch tùy vào từng trường hợp và tùy vào từng loại giấy tờ mà đương sự mang đến, tiến hành “áp dụng linh hoạt” các quy định của Nghị định, thì hầu hết công thức tư pháp - hộ tịch tham mưu giải quyết các yêu cầu về hộ tịch đều coi những giấy tờ của cá nhân có nội dung hưởng chế độ chính sách của Nhà nước đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây là loại giấy tờ “cấp chính thức hợp lệ đầu tiên”. Tuy nhiên, những loại giấy tờ đó chỉ có giá trị tham khảo, bổ sung hồ sơ và không được coi đó là giấy tờ “chính thức hợp lệ đầu tiên” để làm căn cứ giải quyết các yêu cầu về hộ tịch cho công dân. Do đó, việc hiểu loại giấy tờ “cấp chính thức hợp lệ đầu tiên” là chưa rõ ràng, thống nhất nên dẫn đến việc giải quyết các vấn đề hộ tịch ở một số địa phương còn tùy tiện, thiếu chặt chẽ và không đúng quy định pháp luật.
Trường hợp liên quan đến quản lý hộ tịch đối với người trong diện được giám hộ theo Điều 46 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì ngoài việc Ủy ban phải cử giám hộ, thì việc giám sát giám hộ lại chưa được thực hiện, mặc dù thực tế các trường hợp giám hộ phát sinh khá nhiều. Theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Dân sự năm 2015, có quy định việc giám sát việc giám hộ, tuy nhiên hiện nay chưa có quy định về trình tự, thủ tục thực hiện nội dung thủ tục này.
Hai là, trình độ nhận thức, khả năng hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật về hộ tịch của người dân còn thấp
Các dân tộc thiểu số tại các tỉnh biên giới phía Bắc chiếm một tỷ lệ trong cơ cấu dân số nước ta. Do điều kiện khó khăn về địa hình, địa vật, đời sống kinh tế và điều kiện được ít được tiếp cận với pháp luật, với việc học tập, được tuyên truyền giải thích, nên một số không nhỏ người dân của khu vực này chịu ảnh hưởng của trình độ thấp, nhận thức pháp luật nói chung và nhận thức về tầm quan trọng của đăng ký hộ tịch còn hạn chế. Bên cạnh đó, các yếu tố như hủ tục, tập quán, thói quen cũng đã tồn tại từ lâu, những yếu tố đó dẫn đến hệ lụy là người dân không chủ động đăng ký hộ tịch đúng hạn, dẫn đến đăng ký hộ tịch quá hạn…
Ba là, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch chưa thực sự hiệu quả
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân còn chưa thường xuyên, đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức, chưa phù hợp với từng đối tượng là nhóm người dân tộc thiểu số, vùng biên giới. Công tác tuyên truyền chủ yếu là do đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đội ngũ này còn mỏng, năng lực còn yếu. Bên cạnh đó, do đặc thù là các tỉnh biên giới, dân cư phân tán, trình độ dân trí thấp, như tại một số nơi, người dân hạn chế khả năng về nhận thức, phân biệt, do không biết đọc, viết; điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng kém phát triển. Nên các hình thức tuyên truyền như dùng hệ thống loa truyền thanh, tờ rơi, mở hội nghị, truyền hình bằng tiếng địa phương đã không mang lại hiệu quả mong muốn. Hiệu quả thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới giai đoạn 2013 - 2016 chưa cao; nhiều nơi còn hình thức, nguồn kinh phí tuyên truyền, phổ biến thực hiện còn hạn hẹp.
Bốn là, năng lực và trách nhiệm của công chức tư pháp - hộ tịch chưa đáp ứng được yêu cầu
Tại một số huyện, xã, phường, thị trấn biên giới, việc bố trí cán bộ làm công tác hộ tịch chưa hợp lý, ít được tập huấn định kỳ về nghiệp vụ hộ tịch. Năng lực, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ tư pháp - hộ tịch, đặc biệt ở các huyện biên giới, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, nên việc giải quyết hồ sơ yêu cầu của công dân chưa chính xác và đúng theo thời gian. Thực tế có nhiều công chức tư pháp - hộ tịch mới tuyển dụng hoặc do năng lực, nên trình độ chuyên môn yếu, chưa xác định rõ thẩm quyền, cũng như trình tự thủ tục thực hiện, không thể hướng dẫn cụ thể được cho người dân hoặc hướng dẫn không đúng; nhiều trường hợp công chức tư pháp - hộ tịch áp dụng các quy định của pháp luật để giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch của công dân không đúng quy định, thậm chí có trường hợp đủ điều kiện nhưng không được xem xét giải quyết.
Năm là, các điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cho đăng ký và quản lý hộ tịch còn hạn chế
Các xã, thị trấn biên giới chưa có sự quan tâm đầu tư cho công tác hộ tịch, nhiều nơi cơ sở vật chất, trang thiết bị còn khó khăn, công chức tư pháp - hộ tịch làm việc, sử dụng máy tính chung với các công chức khác trong một không gian điều kiện chật hẹp, vì thế, không đảm bảo các điều kiện phục vụ cho công việc, nhất là việc triển khai đồng bộ việc cấp số định danh cá nhân và sử dụng phần mềm hộ tịch chung toàn quốc trong thời gian tới. Việc lưu trữ hồ sơ, sổ sách chưa được khoa học, an toàn và đảm bảo, tài liệu, sổ sách dễ bị thất lạc hoặc hư hại do yếu tố chủ quan, ảnh hưởng tới quá trình lưu trữ, bảo quản, tra cứu sử dụng, đây là một trong những vấn đề gây khó khăn cho việc quản lý cơ sở dữ liệu về hộ tịch và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Sáu là, về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội
Các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta là vùng miền núi, nhiều nơi địa bàn hiểm trở, chia cắt, hệ thống giao thông đi lại hết sức khó khăn, xa trung tâm huyện. Bên cạnh đó yếu tố khí hậu cũng có sự khắc nghiệt, thiên tai, hạn hán thường xảy ra... cũng gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng, kinh tế, sức khỏe, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Nhân dân các dân tộc biên giới chủ yếu là người dân tộc thiểu số và thiểu số ít người, thuộc các dân tộc khác nhau. Vì thế, mỗi dân tộc lại có những phong tục, tập quán, lối sống, bản sắc văn hóa khác nhau. Bên cạnh đó trình độ dân trí thấp và không đồng đều, có sự chệnh lệch khá rõ ở một số dân tộc (Mông, Dao, Pu Péo, Sán Dìu, Nùng...). Đời sống xã hội của nhân dân sát biên giới còn bị ảnh hưởng của các tập tục của các thôn, bản biên giới Trung Quốc, vốn có sự “giao thoa” giữa hai bên từ bao đời nay. Những hủ tục bên cạnh những tập quán tốt đẹp vẫn còn đang tồn tại khá “kiên cố” bên cạnh tư tưởng lạc hậu, cố hữu, đó chính là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới công tác đăng ký và quản lý nhà nước về hộ tịch ở địa phương. Quản lý biên giới cũng gặp khó khăn do tuyến biên giới phía Bắc với chiều dài 1.350km qua 07 tỉnh. Nơi đây xuất hiện nhiều đường mòn, đi tắt xuyên qua biên giới, nên nhân dân xuất nhập cảnh trái phép thường qua lại các lối này. Mặt khác tình hình tuần tra, cảnh giới, ngăn chặn việc xuất cảnh trái phép của lực lượng biên phòng còn hạn chế, không đủ điều kiện thường xuyên quản lý.
3. Một số định hướng nâng cao hiệu quả công tác hộ tịch
Để nhằm khắc phục những hạn chế trong quản lý nhà nước về hộ tịch hiện nay và trong thời gian tới tại các tỉnh biên giới phía Bắc, cần thiết Trung ương và chính quyền địa phương các tỉnh biên giới cần có sự quan tâm định hướng thực hiện các nội dung sau:
- Tiếp tục thực hiện Đề án Chính phủ “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021” một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo triển khai các đề án, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật trên phạm vi địa bàn các tỉnh biên giới, khu vực biên giới có trọng tâm, trọng điểm và thiết thực.
- Triển khai và thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” theo Quyết định số 2173/QĐ-BTP ngày 11/12/2015 của Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”. Các địa phương quan tâm bố trí cơ sở vật chất, nguồn lực tạo mọi điều kiện cần thiết để việc triển khai, ứng dụng, quản lý đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về hộ tịch của mỗi tỉnh. Đầu tư các nguồn lực kinh tế - xã hội, thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo sự chuyển biến về mọi mặt, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, trình độ dân trí đối với các địa bàn dân cư của các khu vực biên giới.
- Tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực hộ tịch cho phù hợp với thực tiễn quản lý. Quan tâm đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác tư pháp - hộ tịch, đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu quản lý nhà nước về hộ tịch hiện nay và trong thời gian tới.
- Tăng cường quản lý hộ tịch gắn với quản lý dân cư khu vực biên giới một cách chặt chẽ, hiệu quả, không để tình trạng xuất cảnh, vượt biên giới trái phép tiếp tục xảy ra. Thúc đẩy hợp tác, trao đổi trên cơ sở hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Trung Quốc trong việc quản lý xuất nhập cảnh, dân cư, hộ tịch giữa khu vực biên giới hai nước.
Từ tình hình thực tiễn của công tác quản lý nhà nước về hộ tịch tại địa bàn biên giới các tỉnh phía Bắc nước ta cho thấy còn nhiều hạn chế, tồn tại có nguyên nhân xuất phát từ các yếu tố khách quan, chủ quan của mỗi địa phương. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế đó, trong thời gian tới cần thiết phải có những cải cách hành chính tư pháp trên cơ sở định hướng và đề ra những giải pháp phù hợp thực hiện hiệu quả, từ đó sẽ hạn chế những bất cập, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hộ tịch tại các tỉnh biên giới phía Bắc hiện nay.
Phòng tư pháp huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn
[1]. Bộ luật Dân sự năm 2015.
[2]. Luật Hộ tịch năm 2014.
[3]. Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
[4]. Báo cáo tổng kết Đề án Chính phủ “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013 - 2016”.
[5]. Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
[6]. Quyết định số 2173/QĐ-BTP ngày 11/12/2015 của Bộ tư pháp phê duyệt Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”.
[7]. Quyết định số 1133/QĐ-TTg ngày 15/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện các Đề án tại Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI).
[8]. Niên giám thống kê các tỉnh biên giới phía Bắc.
[9]. Báo cáo tổng kết công tác tư pháp các tỉnh biên giới phía Bắc năm 2015, 2016.