Để triển khai thi hành công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên cơ sở các kế hoạch, công văn chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ đã ban hành các kế hoạch, công văn hướng dẫn, đôn đốc triển khai công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân 15 xã cơ bản đã thực hiện tốt nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Nghị định số 59/2012/NĐ-CP); Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP (Nghị định số 32/2020/NĐ-CP); Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15/5/2014 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP (Thông tư số 14/2014/TT-BTP); Thông tư số 04/2021/TT-BTP ngày 21/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP (Thông tư số 04/2021/TT-BTP) và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP, thông qua việc ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác này thuộc phạm vi, địa bàn quản lý. Đồng thời, Ủy ban nhân dân huyện giao cho Phòng Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, các xã thực hiện công tác này; hướng dẫn các công chức đầu mối cấp xã tại các cuộc họp giao ban hàng tháng của huyện và giao ban nghiệp vụ định kỳ của Phòng Tư pháp. Cụ thể:
Về công tác kiểm tra tình hình thi hành pháp luật, Ủy ban nhân dân huyện đã thành lập Đoàn kiểm tra tổ chức 01 đợt kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại 02 cơ quan, đơn vị cấp huyện và 06 Ủy ban nhân dân xã trên địa bàn huyện. Qua công tác kiểm tra, đã kịp thời nắm bắt được tình hình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và phát hiện khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế của các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật và thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm, liên ngành. Thực hiện công tác điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật, Ủy ban nhân dân huyện giao Phòng Tư pháp chủ trì thực hiện hoạt động điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm, liên ngành đối với các cơ quan quản lý nhà nước; cán bộ, công chức và tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn huyện. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo khai thác, sử dụng danh mục văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2022 do Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, phục vụ cho hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện.
Về xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật, thực hiện Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 13/9/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Điện Biên và Công văn số 1997/UBND-TP ngày 20/9/2021 của Ủy ban nhân dân huyện về việc triển khai Chỉ thị số 06/CT-UBND về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; tăng cường phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của việc tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác khi được xin ý kiến việc xử lý, kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật được Ủy ban nhân dân huyện chú trọng thực hiện kịp thời. Trên cơ sở kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra và kết quả điều tra, khảo sát, ngày 18/10/2022, Ủy ban nhân dân huyện ban hành Công văn số 2503/UBND-TP về việc tăng cường hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Các phòng, ban, ngành huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý đã kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập hoặc đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành văn bản xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Về các điều kiện bảo đảm cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, tổ chức bộ máy, biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật cấp huyện: Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được giao cho Phòng Tư pháp tham mưu thực hiện; Phòng Tư pháp hiện có 04 biên chế, trình độ đại học có 04 đồng chí, đã bố trí 01 công chức phụ trách công tác này. Các phòng, ban, ngành huyện bố trí 01 công chức kiêm nhiệm làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Ở cấp xã: Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được giao cho công chức tư pháp - hộ tịch tham mưu, hiện có 27 công chức tư pháp - hộ tịch, trình độ đại học có 24 đồng chí, trình độ trung cấp có 03 đồng chí, các xã đều bố trí 01 công chức thực hiện công tác này.
Kinh phí, cơ sở vật chất cơ bản bảo đảm thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kinh phí được bố trí trong kinh phí chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, địa phương; căn cứ kinh phí được giao các cơ quan, đơn vị đã bố trí kinh phí bảo đảm thực hiện công tác theo lĩnh vực, chuyên ngành. Đội ngũ cán bộ, công chức đã được trang bị máy tính có kết nối internet, máy in và các thiết bị văn phòng cần thiết phục vụ yêu cầu công tác.
Công tác phổ biến, tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật: Ủy ban nhân dân huyện thường xuyên chỉ đạo quán triệt, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ, kiểm tra việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn huyện; phổ biến, tuyên truyền quy định Nghị định số 59/2012/ND-CP, Nghị định 32/2020/NĐ-CP, Thông tư số 14/2015/11-BTP, Thông tư số 04/2021/TT-BTP và các văn bản pháp luật có liên quan.
Năm 2022, Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính cho cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã với 100 người tham gia; Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện đã tổ chức 07 hội nghị phổ biến pháp luật tại các xã: Pa Tần, Na Cô Sa, Nậm Nhừ, Nà Khoa, Nậm Tin, Vàng Đán, Si Pa Phìn với 419 lượt người tham gia. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện đã tăng cường phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức (tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, truyền hình, qua băng zôn, khẩu hiệu, sân khấu hóa, tuyên truyền lưu động bằng loa cầm tay…) được 2.908 cuộc với 118.874 lượt người tham dự. Đồng thời, trên cơ sở các văn bản do Quốc hội, Chính phủ ban hành, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo tập trung theo dõi các nội dung được điều chỉnh bởi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tất cả các lĩnh vực. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã chú trọng nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của từng ngành, địa phương để kịp thời tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương áp dụng thực hiện đảm bảo các văn bản khi ban hành đều đáp ứng được tính khả thi, đồng bộ. Các văn bản pháp luật cơ bản phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, yêu cầu thực tiễn đặt ra; các ngành, địa phương luôn cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật của lĩnh vực, của ngành để áp dụng thực hiện. Trong kỳ báo cáo, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); gắn với công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản; qua tự kiểm tra cho thấy, các văn bản quy định chi tiết được ban hành bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước ở địa phương. Nội dung các văn bản phù hợp với Hiến pháp, Luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đánh giá chung công tác thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trên địa bàn huyện Nậm Pồ thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, phát huy nhân tố tích cực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật trong các năm tiếp theo, cần đẩy mạnh hoạt động theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật tại các cơ quan, đơn vị để kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật. Kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét đề xuất với Bộ Tư pháp ban hành văn bản quy định riêng về chế độ tài chính phục vụ cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, tạo điều kiện cho Ủy ban nhân dân các cấp có cơ sở pháp lý vững chắc để đề xuất kinh phí, chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật; về chế độ thông tin báo cáo cần xem xét nên báo cáo cùng thời điểm báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để bảo đảm thu thập thông tin thống nhất giữa các báo cáo. Đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trong đó, cần tập trung tập huấn vào những kiến thức thực tế nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ để thực hiện có hiệu quả công tác này.
Đỗ Thành Trung
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
Ảnh: internet